Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Cuộc thi nấu món ăn Hàn Quốc mang tên ‘Câu chuyện Seoul ngọt ngào’

2011-12-13



Hôm 25/11 vừa qua, tại trường quay các chương trình ẩm thực của trung tâm ẩm thực CJ Foodworld ở phường Ssangnim, quận Jung, thành phố Seoul, đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi ‘Delicious SEOUL Story’ tạm dịch là ‘Câu chuyện Seoul ngọt ngào’. Trong ngày này, 5 đội thi đến từ khắp nơi trên thế giới đã phải thi đấu hết sức quyết liệt để giành vị trí quán quân của cuộc thi.

[‘Delicious SEOUL Story’, sân chơi mới cho những người yêu mến ẩm thực Hàn Quốc]

‘Delicious SEOUL Story’, là một cuộc thi nấu món ăn Hàn Quốc do chính quyền thành phố Seoul tổ chức dành cho đối tượng là người nước ngoài thông qua trang web chia sẻ video Youtube. Để tham gia cuộc thi, các đội thi phải ghi hình quá trình chế biến một món ăn Hàn Quốc mà mình yêu thích, sau đó biên tập thành một đoạn video và tải lên YouTube. Điểm thú vị của cuộc thi là ngoài việc chế biến đúng theo công thức vốn có của món ăn, các đội thi cũng có thể phóng tác theo sự sáng tạo của bản thân. Sau đây là lời giới thiệu về cuộc thi của ông Ku Bon-sang, giám đốc sở Văn hóa và Du lịch của thành phố Seoul. Ông Ku Bon-sang giới thiệu: “Chỉ trong vòng một tháng phát động, trang YouTube của cuộc thi đã thu hút được 58 nghìn lượt người xem, đồng thời nhận được các đoạn video dự thi của 64 đội đến từ 27 quốc gia trên thế giới. Sự yêu mến món ăn Hàn Quốc đã được thể hiện rất rõ trong các đoạn video. Tôi đặc biệt ấn tượng với một đội thi đến từ Ai Cập. Họ thậm chí mang cả bàn ghế, dụng cụ nấu nướng đến trước Kim Tự Tháp để thực hiện phần thi nấu ăn. Ngoài ra, còn có một đội đến từ Đài Loan đã thực hiện đoạn video của mình giống hệt như một bộ phim tình yêu lãng mạn. Bên cạnh đó, các đội thi cũng đã cố gắng sử dụng nhiều câu tiếng Hàn để ghi thêm điểm cho video của mình cùng rất nhiều hình thức minh họa vô cùng độc đáo và sinh động’.

Trong các đoạn video dự thi, ngoài việc thể hiện nội dung chính là chế biến món ăn Hàn Quốc, các đội thi còn rất sáng tạo khi lồng ghép vào đó những câu tiếng Hàn, yếu tố phim ảnh và âm nhạc của Hàn Quốc. Qua đó một lần nữa cho thấy làn sóng Hàn Quốc Hallyu không hề bị bó hẹp trong bất kì ranh giới nào. Đội thi đến từ Indonesia đã bắt đầu đoạn video dự thi của mình một cách sôi động bằng màn tự giới thiệu bằng tiếng Hàn và nhảy trên nền bài hát ‘Mr Simple’ của nhóm Super Junior. Trong khi đó, đội thi đến từ Hawaii (Mỹ) lại thể hiện điệu nhảy Hula đặc trưng để thay cho lời chào. Họ mang đến cuộc thi món cơm chiên Kimchi được chế biến theo kiểu Hawaii. Điều bạn có thể dễ dàng nhận ra nhất trong các đoạn video dự thi là niềm hứng khởi của người nước ngoài đối với ẩm thực Hàn Quốc nói riêng và văn hóa Hàn Quốc nói chung.

Trải qua một tháng thi đấu, ban tổ chức đã chọn lựa trong số 64 đội dự thi đến từ 27 quốc gia trên thế giới được 5 đội xuất sắc nhất. Từ ngày 23 đến 26/11 vừa qua, 5 đội này đã được mời sang Hàn Quốc để tham dự vòng chung kết. Trong dịp này, các đội đã được tham quan nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng cũng như tham gia vào các hoạt động trải nghiệm về văn hóa Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều khiến họ quan tâm nhất vẫn là danh hiệu vô địch của cuộc thi.



[Món ăn Hàn Quốc qua đôi tay khéo léo của bạn bè quốc tế]

Mỗi đội chỉ có 2 tiếng để hoàn tất món ăn dự thi của mình. Do đó, ai nấy cũng đều tất bật với nào là sơ chế nguyên liệu, cắt gọt rau củ, chiên rán đồ ăn… Những âm thanh lộp cộp, lèo xèo cứ lên tục vang lên trong trường quay.
Đội thi Indonesia thứ nhất, gồm hai nữ thành viên là Vebrina Wahyuningtias và Astrid Marieska, mang đến cuộc thi món miến trộn thập cẩm japchae pha trộn xoài ăn kèm bánh phồng tôm kerupuk. Nhìn đĩa thức ăn với 3 lớp khác nhau, lớp dưới cùng là xa-lát, lớp giữa là bánh phồng tôm kerupuk và lớp trên cùng là japchae trộn xoài, khó ai có thể cưỡng nổi cảm giác thèm ăn. Trong khi đó, đội thi Indonesia thứ hai, cũng gồm hai nữ thành viên là Pramestu Nandini và Venny Oktaviani, cũng không kém cạnh những người đồng hương khi mang đến cuộc thi món cơm trộn bibimbap theo phong cách Indonesia mang tên ‘Tiến lên, bibimbap! Món ăn của tình hữu nghị Hàn Quốc-Indonesia’. Thay vì dùng tương ớt và các loại rau củ như dưa chuột, cà rốt, giá… vẫn thường thấy trong món cơm trộn bibimbap của Hàn Quốc, họ đã dùng nước sốt lạc và xa-lát trộn theo kiểu Indonesia để dự thi.

Đầu bếp Tony Yu, một trong những thành viên ban giám khảo, đã cho biết cảm nhận: “Điểm thú vị của đội Indonesia thứ nhất là việc họ đã rất sáng tạo khi trộn xoài vào japchae. Còn điểm thú vị của đội Indonesia thứ hai là đã sử dụng nước sốt lạc thay cho dầu vừng khi làm món cơm trộn bibimbap. Nước sốt lạc có hương thơm lừng giống như dầu vừng và tôi rất nóng lòng muốn được nếm thử món ăn này”.

Từ Hawaii tươi đẹp, Kelly Loui và Lindsey Muraoka mang đến cuộc thi món cơm chiên Kimchi Aloha độc đáo. Đội thi đến từ xứ sở hoa hồng Bun-ga-ri, gồm Kristina Georgieva và Presian Petrov, tỏ ra rất tự tin với món Kimchi đậu phụ mang tên ‘Project Fusion Miracle’ tạm dịch là ‘Dự án hỗn hợp phép màu’, món ăn mà theo họ là có thể làm toát lên được sự tinh túy của những món ăn kết hợp. Đầu bếp Tony Yu đã đánh giá món ăn này như sau: “Đội Bun-ga-ri đã thực hiện hai đĩa Kimchi đậu phụ, một đĩa dùng Kimchi do chính tay họ muối, còn một đĩa dùng Kimchi được mua trong cửa hàng. Điều này thể hiện chiều sâu hiểu biết của họ về ẩm thực Hàn Quốc, và tôi rất thích điểm này. Bên cạnh đó, đậu phụ cũng được nướng vàng đều, đẹp mắt”.

Chỉ với một thành viên duy nhất là Sean Hosn, nhưng đội thi đến từ nước Anh lại tỏ ra không hề bị lép vế trước các đối thủ. Một mình anh thực hiện hai món là thịt lợn xào cay và mì lạnh. Anh thậm chí còn tự tay ngâm củ cải muối ớt bột Ggakdugi ngay tại trường quay. Điều này cho thấy tình yêu mà anh dành cho ẩm thực Hàn Quốc lớn đến mức nào. Đầu bếp Tony Yu nhận xét: “Thịt lợn được xào chín đều, tỉ lệ tương ớt vừa phải, gia vị ngấm đều với nguyên liệu và súp tương đỗ cũng rất ngon. Củ cải muối Ggakdugi do chính tay Sean Hosn ngâm khiến tôi có cảm giác giống với xa-lát. Còn món mì lạnh thì không giống lắm với kiểu truyền thống, nó giống với món mì Ý lạnh hơn. Tuy nhiên, việc chế biến mì lạnh thành một món phụ đã khiến phần dự thi của anh nổi bật hơn các đội thi khác”.

Thật ấn tượng khi thấy những người nước ngoài bỏ thời gian và công sức để chế biến món ăn Hàn Quốc. Tình yêu họ dành cho ẩm thực Hàn Quốc có lẽ được bắt nguồn từ sự ảnh hưởng của làn sóng Hàn Quốc Hallyu. Chính nó đã khiến cho họ muốn được khám phá nhiều hơn về Hàn Quốc, đặc biệt là những nét văn hóa truyền thống. Khi đã nếm thử món ăn Hàn Quốc một lần thì bạn sẽ bị nghiện. Đó là cảm nhận chung của nhiều người nước ngoài về ẩm thực xứ Hàn. Điều gì đã khiến cho họ mê mẩn món ăn Hàn Quốc đến như vậy? Một người nước ngoài cho biết: “Tôi biết đến ẩm thực Hàn Quốc từ hồi còn là sinh viên, khi ở chung nhà cùng 1 cô bạn Hàn Quốc. Lúc đó, tôi đã rất khó chịu với mùi Kimchi bốc ra từ tủ lạnh. Nhưng sau khi lấy vợ người Hàn Quốc, chỉ qua vài lần ăn thử đồ Hàn Quốc là tôi bị nghiện ngay. Bây giờ, tôi rất thích Kimchi. Nó vừa ngon lại vừa bổ dưỡng. Tôi còn thích súp Kimchi và cơm rang. Trái ngược với sự nhạt nhẽo của ẩm thực Anh, các món ăn Hàn Quốc thực sự rất ngon. Mỗi món ăn lại có một hương vị khác nhau. Tôi rất muốn sống ở Hàn Quốc thật lâu”. Sức hấp dẫn số một của đồ ăn Hàn Quốc không phải là ở sự ngon miệng mà là ở tính chất bổ dưỡng. Chỉ sau vài lần ăn là bạn sẽ thấy sức khỏe của mình được tăng cường rõ rệt. Và tính chất này một lần nữa đã được khẳng định thông qua cuộc thi.




[Những dư âm tốt đẹp sau cuộc thi]

Hai tiếng tranh tài đã kết thúc, giờ là lúc xác định xem đội nào sẽ chạm đến được với danh hiệu cao quý nhất. Không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, đội thi đến từ Bun-ga-ri đã chinh phục được ban giám khảo và xuất sắc giành được chiến thắng với món Kimchi đậu phụ. Về chiến thắng của đội Bun-ga-ri, đầu bếp Tony Yu lí giải: “Kimchi và đậu phụ không phải là những thứ cao lương hay đắt tiền. Nhưng dưới đôi tay của đội Bun-ga-ri, nó đã trở nên vô cùng đẹp mắt và tinh tế. Hương vị của nó mới thật sự là điều khiến tôi phải ngạc nhiên. Nó rất giống với hương vị do chính những người bà, người mẹ Hàn Quốc vẫn hay làm. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng người nước ngoài có thể cảm nhận được cái chất độc đáo ấy của ẩm thực Hàn Quốc. Đội Bun-ga-ri còn ghi điểm khi sử dụng Kimchi do chính họ muối lấy. Trên thực tế, có rất nhiều người Hàn còn chưa biết cách làm món ăn quốc hồn quốc túy này, vậy mà những người bạn đến từ châu Âu là biết cách muối Kimchi. Tôi tin rằng họ phải thực sự am hiểu về ẩm thực Hàn Quốc. Chính sự điều đó đã đưa họ bước lên bục vinh quang”.

Hai thành viên của đội Bun-ga-ri rất thích ăn tương đỗ Doenjang và tương ớt Gochujang của Hàn Quốc, nhưng việc tìm mua chúng tại Bun-ga-ri lại không phải là một việc dễ dàng. Nhân dịp sang Hàn Quốc lần này, cả hai đã mua rất nhiều tương đỗ và tương ớt để mang về. Họ cũng nói rằng sẽ nấu thật nhiều món Hàn để chiêu đãi bạn bè tại quê nhà. Nhờ có những người như họ mà không bao lâu nữa ẩm thực Hàn Quốc sẽ nhanh chóng lan rộng khắp xứ sở hoa hồng.

Tuy chỉ là một cuộc thi nấu ăn dành cho người nước ngoài, nhưng thông qua ‘Delicious SEOUL Story (Câu chuyện Seoul ngọt ngào)’, các đầu bếp Hàn Quốc cũng học hỏi được nhiều điều bổ ích. Sau đây là cảm nhận của đầu bếp Kim Ho-jin về cuộc thi: “Đó thực sự là những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và thú vị khi mọi người từ khắp nơi trên thế giới quy tụ lại để cùng chia sẻ niềm yêu thích ẩm thực Hàn Quốc. Sự sáng tạo của các đội dự thi đã khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi rất vui khi thấy có rất nhiều phiên bản khác nhau của những món ăn Hàn Quốc được người nước ngoài thực hiện. Càng vui hơn khi biết ngày càng có nhiều người nước ngoài không sinh sống trên đất Hàn hiểu biết về đồ ăn Hàn”.

Cuộc thi đã kết thúc nhưng những dư âm tốt đẹp của nó sẽ còn đọng sâu trong tâm trí của những người yêu mến ẩm thực Hàn Quốc. Cuộc thi đã góp phần vào việc quảng bá văn hóa ẩm thực nói riêng và nền văn hóa của Hàn Quốc nói chung ra khắp năm châu. Ẩm thực Hàn Quốc đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ khắp mọi nơi và hứa hẹn sẽ trở thành một dòng chảy không hể thiếu của làn sóng Hàn Quốc Hallyu trong tương lai không xa.

Lựa chọn của ban biên tập