Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

’Karma’, vở nhạc kịch không lời mang đậm nét văn hóa Hàn Quốc

2012-02-07



Nếu là người quan tâm đến các vở diễn của Hàn Quốc, hẳn các bạn sẽ nhớ ngay đến các vở diễn không lời tiêu biểu như Nanta, Jump, Miso, Bibap Korea... Mới đây, một vở nhạc kịch không lời đặc sắc đã được trình làng với cái tên ‘Karma’ (Nghiệp chướng), hứa hẹn sẽ thu hút khán giả không thua kém gì các vở diễn trước.

[Đôi nét về vở nhạc kịch không lời ‘Karma’]

‘Karma’ được dàn dựng dựa trên chuyện thần thoại của Hàn Quốc. Vở nhạc kịch kể về thời kì trước khi Dangun sáng lập ra nhà nước đầu tiên trên bán đảo Hàn Quốc. Đó là thời kì mà chỉ có các vị thần sinh sống và họ thống trị trời, đất và vũ trụ vạn vật. Trong quá trình sinh sống, giữa họ đã phát sinh những vấn đề như tình yêu, âm mưu, mâu thuẫn và hòa hợp. Nhà sản xuất vở nhạc kịch Kwon Eun-jeong giới thiệu : "‘Karma’ kể về thời kỳ trước khi Dangun ra đời. Nhắc đến thần thoại Dangun, người ta sẽ nghĩ ngay đến thần Hwanwung, hổ và gấu. Nhưng những gì sẽ diễn ra trong vở nhạc kịch này còn xuất hiện trước đó nữa. Đó là một thế giới chỉ có các vị thần sinh sống. Chúng tôi muốn mang một cái gì đó mang đậm nét phương Đông lên sân khấu. Mặt khác, vì là vở diễn không lời nên mạch truyện phải thật đơn giản, sự đối đầu thiện ác cũng phải thật rõ ràng. Ngoài ra, yếu tố tình yêu cũng không thể thiếu. Do đó, chúng tôi đã sáng tạo ra câu chuyện tình yêu của nữ thần Aria xinh đẹp. Vở nhạc kịch sử dụng ngôn ngữ hình thể thay cho ngôn ngữ nói, cùng với sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật như múa truyền thống Hàn Quốc, võ thuật phương Đông, hội họa thủy mặc".

‘Karma’ đang được công diễn tại nhà hát Nghệ thuật Tổ chức quân đội cứu tế ở quận Seodaemun, thành phố Seoul. Trước khi trình diễn đại trà tại nhà hát với sức chứa 580 người này, vở nhạc kịch đã được mang qua một số nước để trình diễn, và được các nhà chuyên môn cũng như khán giả các nước đó đánh giá cao về tính nghệ thuật và tính đại chúng. Không chỉ tiếp cận khán giả trong nước mà còn khán giả nước ngoài là mục tiêu mà nhà sản xuất muốn hướng đến ngay từ đầu. Nhà sản xuất Kwon Eun-jeong cho biết thêm : "Tôi đã làm việc trong ngành biểu diễn được 14 năm. Hiện có rất nhiều vở diễn hay và đặc sắc đã được ra mắt khán giả nước ngoài nhưng gần như chưa có nhiều vở diễn chứa đựng nét văn hóa truyền thống đỉnh cao của Hàn Quốc. Tôi luôn thấy trăn trở mỗi khi có người nước ngoài nào đó hỏi rằng ‘Văn hóa của các bạn là gì?’. Đó là lý do tôi đã quay trở về Hàn Quốc để thực hiện một vở diễn mang đậm chất văn hóa Á Đông, xoay quanh thần thoại trước thời Dangun. Thêm nữa, thông qua việc kết hợp nghệ thuật múa truyền thống Hàn Quốc vào vở diễn, tôi muốn cho mọi người thấy nghệ thuật múa truyền thống Hàn Quốc không hề nhàm chán như họ tưởng".



Kể từ sau khi ra mắt lần đầu vào năm 2007, ‘Karma’ đã được mang đi công diễn tại các liên hoan quốc tế ở 25 thành phố lớn nhỏ của 12 nước trên toàn thế giới. Một điều rất đáng tự hào là nó luôn được chọn làm tiết mục khai mạc hay bế mạc của các liên hoan đó, cùng rất nhiều giải thưởng như giải vở diễn được khán giả yêu thích nhất, giải vở diễn xuất sắc nhất… Đó quả là một thành quả gây ngạc nhiên đối với một vở diễn chỉ mới ra mắt chưa đầy 5 năm. Nhà sản xuất Kwon Eun-jeong tự hào nói : "‘Karma’ đã kết thúc chuyến lưu diễn qua 25 thành phố của 12 nước. Rất nhiều khán giả, sau khi xem xong vở kịch, đã công nhận rằng Hàn Quốc là một quốc gia có nền văn hóa phát triển. Bên cạnh đó, vở nhạc kịch không lời này còn nhận được rất nhiều giải thưởng như giải vở diễn được khán giả yêu thích nhất tại Liên hoan kịch quốc tế Fadjr ở Iran, giải vở diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan quốc tế La Nao ở Mexico. Ngoài ra, nó còn được trao giải ‘Champion of the Fringe’ ở Liên hoan nghệ thuật biểu diễn Dubai, và là tác phẩm duy nhất được các nhà phê bình của Liên hoan nghệ thuật biểu diễn Edinburgh Fringe tại Anh đánh giá 5 sao". Điều gì đã khiến cho khán giả nước ngoài nhiệt tình đón nhận ‘Karma’ đến như vậy? Để biết được điều này, chúng ta hãy cùng khám phá vở nhạc kịch nhé!

[Nội dung kịch tính và cách thể hiện mang đậm chất Á Đông]

Ngay khi bức rèm sân khấu vừa được kéo lên, khán giả sẽ liền bắt gặp một con rồng vàng tượng trưng cho thần mặt trời Karis. Tiếp theo đó là sự xuất hiện của nữ thần mặt trăng Aria, một vị thần đại diện cho trí tuệ và chính nghĩa, và các thần hộ mệnh trấn giữ bốn phương là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ cùng các thần sao. Phần mở màn với những vũ điệu đẹp mắt và ấn tượng đã cuốn hút du khách nước ngoài, những người lần đầu được xem múa Hàn Quốc, ngay từ những giây phút đầu tiên. Diễn viên Kim Joo-hee, người đảm nhận vai một thần sao cho biết : "Cùng với các nhân vật khác, thần sao có nhiệm vụ bảo vệ thế giới thần linh. Đây là một trong số những nhân vật được xuất hiện nhiều nhất trong vở nhạc kịch. Ngoài tôi ra thì còn có năm diễn viên khác đóng vai thần sao. Cả sáu người chúng tôi đều là diễn viên múa truyền thống Hàn Quốc chuyên nghiệp. Vì có nhiều người nghĩ rằng múa truyền thống Hàn Quốc rất nhàm chán, nên biên đạo múa đã cho kết hợp yếu tố múa hiện đại vào vở nhạc kịch để khiến cho nó trở nên đặc sắc, hoành tráng và thú vị".

Trong số bốn vị thần hộ mệnh trấn giữ bốn phương thì Thanh Long được biểu hiện bằng màu xanh, tượng trưng cho mùa xuân và trấn giữ phương Đông, Bạch Hổ được biểu hiện bằng màu trắng, tượng trưng cho mùa thu và trấn giữ phương Tây, Chu Tước được biểu hiện bằng màu đỏ, tượng trưng cho mùa hè và trấn giữ phương Nam, Huyền Vũ được biểu hiện bằng màu đen, tượng trưng cho mùa đông và trấn giữ phương Bắc. Sau đây, diễn viên Lee Sang-woo, người thủ vai Thanh Long, sẽ nói về vai diễn của mình : "Trong vở nhạc kịch có xuất hiện bốn nhân vật là bốn vị thần hộ mệnh trấn giữ Đông Tây Nam Bắc. Mỗi thần trấn giữ một phương. Trong đó, tôi đảm nhận vai Thanh Long, vị thần trấn giữ phương Đông. Cùng với Bạch Hổ và Chu Tước, tôi phải sử dụng võ thuật để chiến đấu với Huyền Vũ, vị thần sau này đã hóa thân thành thần Asura độc ác vì dục vọng".



Kịch tính xảy ra khi Huyền Vũ thầm yêu trộm nhớ nữ thần Aria, vốn là tình nhân của thần Karis. Để giành được trái tim của thần nữ và chiếm đoạt quyền lực, Huyền Vũ đã ra tay sát hại thần Karis. Trong cảnh Huyền Vũ sát hại thần Karis, hiệu ứng bóng tối đã được ứng dụng triệt để nhằm làm giảm đi mức độ rùng rợn. Sau cái chết của thần Karis, người cai quản vũ trụ vạn vật, thế giới thần linh liền bị đảo lộn hoàn toàn, và Huyền Vũ lúc này đã biến hình thành thần dục vọng Asura. Sau khi sát hại thành công, Asura liền không ngần ngại thu tóm quả đỏ của thần mặt trời Karis. Nhà sản xuất Kwon Eun-jeong giải thích thêm : "Ai có trong tay quả đỏ, người đó sẽ có sức mạnh vô biên. Biết được điều này, thần Asura đã cướp lấy nó sau khi giết thần Karis. Để làm hồi sinh thần Karis và tiêu hủy quả đỏ, nữ thần Aria, các thần sao và ba vị thần hộ mệnh đã đồng tâm hợp lực đối phó với thần Asura. Ở màn này sẽ có trình diễn võ thuật kết hợp với múa".

Bắt đầu từ đây, nhịp điệu của vở nhạc kịch được đẩy lên cao hơn, kịch tính hơn và hấp dẫn hơn. Nữ thần Aria, các thần sao và ba vị thần Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước bắt đầu tìm đủ mọi cách để giúp hồi sinh thần Karis và xây dựng hòa bình cho thế giới thần linh. Sân khấu lúc này được bố trí các tấm vải nền trắng, và trên cái nền trắng ấy dần hiện lên bốn bức tranh thủy mặc theo chủ đề tứ quân tử ‘Mai lan cúc trúc’ (tức cây mai, hoa lan, hoa cúc và cây tre). Nhìn những nét vẽ của bức tranh, hẳn nhiều khán giả đã tưởng rằng nó được thực hiện bằng đồ họa vi tính. Thế nhưng, thật tuyệt vời là nó được vẽ trực tiếp bởi một họa sĩ ở ngay phía sau sân khấu. Nhà sản xuất Kwon Eun-jeong giải thích thêm : "Sau khi thần Karis chết, các thần tốt đã cùng hợp sức tạo ra cây bất tử để làm hồi sinh thần. Trong lúc cử hành tang lễ cho thần Karis, các thần đã phóng ra năng lượng để cân bằng âm dương. Năng lượng này được thể hiện trên phông sân khấu dưới hình Thái Cực. Lúc này, một họa sĩ sẽ làm nhiệm vụ vẽ bức tranh hình Thái Cực từ phía sau sân khấu. Tiếp theo là sự xuất hiện cùa bốn bức tranh thủy mặc vẽ cây mai, hoa lan, hoa cúc, cây tre theo chủ đề ‘Mai lan cúc trúc’. Mỗi bức tranh được vẽ trên một tấm vải trắng cực to dài 3m, rộng 1,5m. Từ vị trí khán giả sẽ thấy chúng vô cùng đẹp mắt, nhưng phía sau sân khấu lúc đó thật sự rất lộn xộn. Mỗi lần biểu diễn vở kịch, chúng tôi lại vẽ năm bức tranh này. Chúng đang được cất giữ lại để xin đăng ký kỉ lục Guiness".



[Đoạn kết thúc gay cấn và ấn tượng]

Trong lúc các bức tranh được thực hiện, ở phía trước sân khấu là cảnh ba vị thần hộ mệnh và các thần sao dùng võ thuật để chiến đấu với thần Asura. Bằng cách kết hợp võ thuật với múa, vở nhạc kịch đã mang đến cho khán giả những pha trình diễn múa sào và múa côn nhị khúc đẹp mắt. Sự kết hợp hài hòa, sáng tạo giữa võ thuật và múa là một trong những điểm nhấn ấn tượng của ‘Karma’. Rất nhiều khán giả nói rằng họ đã rất ngạc nhiên và choáng ngợp trước màn trình diễn này. Diễn viên Lee Sang-woo, người nhập vai Thanh Long, cho biết : "Những vở diễn không lời khác thường khai thác yếu tố hài và nhạc cụ gõ. Thế nhưng, ở ‘Karma’ bạn sẽ thấy chất Hàn Quốc được thể hiện rất đậm nét. Văn hóa, nghệ thuật múa, võ thuật của Hàn Quốc gây hấp dẫn mạnh cho người nước ngoài. Chỉ riêng sự kết hợp giữa múa và võ thuật cũng đủ để cuốn hút họ. Những động tác võ thuật mà chúng tôi ứng dụng đều mang nét đặc trưng của phương Đông. Mặc dù phải tốn nhiều sức để thực hiện chúng, nhưng nhờ được kết hợp với âm nhạc nên trông rất đẹp mắt và tràn trề năng lượng. Tôi rất tự hào là một phần của vở nhạc kịch này sau từng ấy năm".

Mỗi động tác hình thể của diễn viên đều thể hiện lên được sức mạnh. Cùng với đó là âm thanh của côn nhị khúc phát ra thật nhịp nhàng khiến khán giả không thể rời mắt khỏi sân khấu. Một khán giả cho biết cảm nhận : "Tôi rất ấn tượng với những màn biểu diễn múa quạt, múa sào và múa côn nhị khúc. Tôi đã được xem múa quạt nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được xem nó trong một vở diễn không lời, hơn nữa lại được dùng để thể hiện các đòn tấn công. Màn múa sào, múa côn nhị khúc tạo nên giai điệu của âm nhạc và theo tôi đây là điều độc đáo nhấ".
Trong tiếng trống dồn dập, các vị thần đã cùng nhau hợp sức để tạo nên một thanh kiếm có thể tiêu hủy được quả đỏ. Cuối cùng cũng đã đến lúc các thần sao và ba vị thần hộ mệnh quyết chiến với thần Asura. Lúc này thần Asura được thể hiện bằng một cái bóng đen khổng lồ sau sân khấu, trực tiếp phản kháng cuộc tấn công của các vị thần. Mặc dù chỉ là cảnh chiến đấu giữa diễn viên với một cái bóng nhưng độ căng thẳng và tính chân thực của vở nhạc kịch trông chẳng khác gì một trận chiến thực sự. Kết cục, quả đỏ cũng đã bị tiêu hủy. Nữ thần Aria chấp nhận tha thứ cho Huyền Vũ, bấy giờ đã lột bỏ chiếc mặt nạ hung ác của thần Asura. Sau đó là cảnh thần Karis được hồi sinh và thế giới thần linh đã khôi phục lại nền hòa bình cũng như trật tự vốn có trước đây.

Trong cảnh cuối, khán giả sẽ được thưởng thức một tiết mục múa tổng hợp trên nền tiếng kèn Taepyeongso của Hàn Quốc và dưới những cánh hoa rơi đẹp mắt được rải từ phía trên xuống. Vào lúc này, tâm trạng của diễn viên cũng như khán giả như hòa làm một vào nhau. Nhà sản xuất Kwon Eun-jeong giải thích ý nghĩa và mục đích của vở nhạc kịch : "’Karma’ là một từ trong tiếng Phạn của Ấn Độ, có nghĩa là ‘nghiệp chướng’. Thông điệp của vở nhạc kịch là ‘khuyến thiện trừng ác’, tức là khuyến khích con người nên sống tốt và diệt trừ cái xấu. Nếu làm đều tốt thì bạn sẽ nhận được điều tốt và ngược lại. Mục đích của chúng tôi khi dàn dựng ‘Karma’ là nhằm quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra nước ngoài. Rất nhiều người nước ngoài đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi được xem vở nhạc kịch, đến mức khiến cho họ không muốn rời khỏi chỗ ngồi mặc dù nó đã kết thúc. Cũng không ít người đã nán lại để chiêm ngưỡng những bức tranh thủy mặc và bày tỏ nguyện vọng muốn mua chúng".

Bằng việc lồng ghép các yếu tố tưởng tượng vào cách thể hiện, sử dụng cốt truyện đậm chất Hàn Quốc, nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc, kết hợp các thế võ Taekwondo vào cảnh múa tập thể, khai thác các điệu múa truyền thống như múa quạt, múa chuông, vở nhạc kịch không lời ‘Karma’ đã thực sự để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai đã từng xem nó. Trong tương lai, ‘Karma’ được nhận định là sẽ còn thành công hơn nữa và trở thành một nhân tố mới tiếp thêm sức mạnh cho Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu.

Lựa chọn của ban biên tập