Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Myeongdong xưa và nay qua triển lãm mang tên ‘Câu chuyện Myeongdong’

2012-02-14



Thiên đường thời trang, nơi bắt nguồn trào lưu, trung tâm văn hóa nghệ thuật… là những danh xưng mỹ miều mà nhiều người đã dùng để gọi khu Myeongdong, trung tâm mua sắm và thời trang của thành phố Seoul. Không chỉ vậy, gần đây, người ta còn dành cho nó thêm một cái tên khác nữa. Đó là trung tâm Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu. Mỗi ngày có khoảng 1,3 triệu lượt người ghé thăm Myeongdong, và phần lớn đều là những du khách nước ngoài. Nhờ sức ảnh hưởng của Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu mà số lượng du khách nước ngoài tìm đến với Hàn Quốc đang ngày một tăng. Trong số những địa chỉ du lịch nổi tiếng, có thể nói Myeongdong là nơi được du khách yêu thích nhất.

[Triển lãm ‘Câu chuyện Myeongdong’]

Ngày nay, Myeongdong đã trở thành một địa chỉ du lịch tiêu biểu của Hàn Quốc. Sẽ không quá lời nếu gọi đây là trung tâm Hallyu. Thế nhưng, cách đây hơn nửa thế kỷ, Myeongdong lại là một trung tâm văn học nghệ thuật, nơi ươm mầm cho văn học và nghệ thuật của Hàn Quốc cũng như đơm hoa kết trái cho những hy vọng. Không ai ngờ rằng nó đã từng bị hủy hoại nặng nề sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Myeongdong sau chiến tranh là địa điểm quy tụ của rất nhiều nghệ sĩ như nhà văn, họa sĩ và nhạc sĩ. Tại bảo tàng Lịch sử Seoul đang diễn ra cuộc triển lãm mang tên ‘Câu chuyện Myeongdong’. Du khách có thể tìm lại cũng như bắt gặp rất nhiều ký ức của Myeongdong một thời đã qua. Họa sĩ Baek Young-soo hồi tưởng : “Có rất nhiều tòa nhà đã bị phá hủy trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Những bức tường thô nháp chồng chất lên nhau và không thể xây dựng lại được. Trong đó có một quán rượu gạo Makgeolli mà nếu không nhầm là nằm ở gần công viên Myeongdong đằng kia. Một hôm, một thanh niên đứng trên đống đổ nát của quán rượu và bắt đầu cất tiếng hát rất hay”.

Theo như hồi ức của họa sĩ Baek Young-soo, người đầu tiên mở triển lãm tranh tại phòng trà Mona Lisa ở Myeongdong vào năm 1953, mặc dù Myeongdong vào thời kỳ đó còn nghèo khó, nhưng là nơi mà chỉ cần có một ly rượu gạo Makgeolli là mọi người đã có thể vui cười, phấn khởi. Ở triển lãm ‘Câu chuyện Myeongdong’, du khách có thể bắt gặp sự thay đổi của Myeongdong qua các thời kỳ. Thế nhưng, dù thay đổi thế nào thì nơi đây vẫn luôn giữ vững vai trò là trung tâm của các hoạt động sôi nổi của thành phố Seoul. Hướng dẫn viên phụ trách mảng lịch sử của Bảo tàng Lịch sử Seoul, bà Jeong Soo-in cho biết : “Trong thời kỳ Hàn Quốc bị Nhật Bản xâm chiếm, Myeongdong là một không gian hiện đại được chính quyền thực dân xây dựng. Sau chiến tranh Triều Tiên, vào những năm 1950-1960, nơi đây trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật. Sau đó, nó biến thành trung tâm thời trang, trào lưu hay du lịch và hiện là trung tâm Hallyu. Dù mang chức năng gì thì Myeongdong vẫn luôn đóng vai trò là trung tâm của thành phố Seoul. Nếu như Jongno là khu vực của truyền thống, thì Myeongdong là khu vực của hiện đại, nơi bạn có thể bắt kịp mọi xu thế mới nhất của xã hội”.

[Một Myeongdong nghệ sĩ của những năm 1950-1960]

Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm về với Myeongdong những năm 1950-1960 qua những bài viết của nhà báo Lee Bong-gu, người đã từng hoạt động tích cực trong thời kỳ đó nhé! Bà Jeong Soo-in giới thiệu : “Nhà báo Lee Bong-gu mang nhiều danh xưng như ‘Bá tước Myeongdong’, ‘Thị trưởng Myeongdong’. Ông là một nhà báo lão thành. Ông từng viết tiểu thuyết về những trải nghiệm với các nhân vật có thật. Phần lớn các cuốn sách của ông như ‘Lần theo cái tên gây nhung nhớ’, ‘Hai mươi năm Myeongdong’ đều chứa những trải nghiệm của ông về Myeongdong”.



Lee Bong-gu đã trải qua phần lớn cuộc đời của mình tại Myeongdong kể từ sau khi Hàn Quốc được giải phóng cho đến năm 1983. Người ta vẫn thường gọi ông là ‘Bá tước Myeongdong’ vì cái cách uống rượu rất lịch lãm của ông. Lúc đương thời, ông rất hay lui đến quán rượu mang tên ‘Eunseong’ có nghĩa là “thành bạc” để đối ẩm và giao lưu với các văn nghệ sĩ. Lần theo ngòi bút của ông, Myeongdong hiện lên rõ ràng hơn qua từng thời kỳ, đặc biệt là vào những năm 1950-1960, thời kỳ đỉnh cao của hoạt động văn hóa nghệ thuật và chủ nghĩa lãng mạn. Bước vào phòng triển lãm, bạn sẽ thấy một dãy các phòng trà và quán rượu, không gian văn hóa thường thấy ở thời đó. Bà Jeong Soo-in giới thiệu về một phòng trà mang tên ‘Ngôi nhà tỉnh Gyeongsang’ : “Phòng trà ‘Ngôi nhà tỉnh Gyeongsang’ là nơi nhà thơ Park In-hwan sáng tác bài thơ ‘Khi thời gian trôi qua’ năm 1959. Bài thơ được nhà thơ sáng tác trong lúc đang ngồi uống rượu tại phòng trà này. Thấy bài thơ hay, nhạc sĩ Lee Jin-seop, lúc đó đang ngồi cạnh ông, đã liền phổ nhạc thành một ca khúc cùng tên và nhờ ca sỹ opera Im Man-seop cũng ngồi cùng bàn hát thử. Những năm sau đó nó được trình diễn trên sân khấu bởi ca sĩ Hyun In và thành công vang dội vào thập niên 1970 qua giọng ca của ca sĩ Park In-hee. ‘Khi thời gian trôi qua’ là ca khúc tiêu biểu được sáng tác tại Myeongdong. Đó là lý do vì sao ca khúc được phát tại triển lãm. Nhiều du khách cho rằng, vừa nghe ca khúc này mà vừa xem triển lãm sẽ gợi nhớ cho họ nhiều kí ức về Myeongdong”.

Một ngày của các nghệ sĩ phần lớn trải qua tại những phòng trà ca nhạc để luận bàn về văn học và nghệ thuật. Mặc dù không có một xu dính túi, nhưng điều đó cũng không thể ngăn họ nuôi dưỡng hy vọng về một nền văn học nghệ thuật phát triển cho nước nhà. Như thấu hiểu hoài bão của họ, rất nhiều phòng trà và gallery trưng bày đã mọc lên rầm rộ ở Myeongdong lúc bấy giờ. Một vài phòng trà và gallery trưng bày đã được tái hiện nguyên mẫu tại triển lãm ‘Câu chuyện Myeongdong’ để du khách có thể thưởng lãm.

Bây giờ chúng ta hãy cùng gặp gỡ với một cụ bà đã 83 tuổi, đến tham quan triển lãm cùng con trai và cháu nội. Bà hồi tưởng về tuổi thanh niên của mình : “Hồi còn trẻ, tôi vẫn thường đến Myeongdong cùng bạn để nghe nhạc. Tôi yêu Myeongdong những ngày ấy. Dù không hào nhoáng như bây giờ, nhưng nó vẫn có rất nhiều người tìm đến. Ngày xưa Myeongdong có nhiều phòng trà lắm. Có cả những phòng trà âm nhạc, phòng thưởng thức nhạc. Nếu muốn hẹn ai đó, mọi người hay rủ nhau đến đây để vừa uống trà vừa trò chuyện”.

[Myeongdong trong quá trình dân chủ hóa những năm 1970-1980]

Tại gian thứ hai của triển lãm, du khách sẽ được tìm về với những năm 1970-1980. Tinh thần của những nghệ sĩ vẫn được duy trì vững chắc đến thời kỳ này. Myeongdong lúc này đã hình thành nên các đoàn kịch và các nhà hát nhỏ. Các nhà hát nhỏ như nhà hát Café Theatre, nhà hát Kho Samilro hay nhà hát El Canto luôn sáng đèn với những vở kịch mang tính tự do và thí điểm. Những phòng trà ca nhạc như C’est Si Bon hay OB’s Cabin cũng luôn mở cửa với những đêm nhạc ghi-ta đặc sắc. Tất cả đã khiến cho Myeongdong tràn trề sức sống hơn bao giờ hết. Âm nhạc và ghi-ta đã cuốn hút những người trẻ thời đó và kèm theo đó là thời trang và các trào lưu. Ở thời đó, người ta vẫn thường truyền tụng nhau câu nói: ‘Chỉ cần đến Myeongdong, một cô gái Hàn sẽ trở thành một cô gái phương Tây thanh lịch’. Tuy nhiên, những ký ức về Myeongdong không phải lúc nào cũng là hoa lệ. Đây cũng từng là nơi diễn ra không ngừng các cuộc biểu tình đòi dân chủ vào những năm 1980.

Khi nhìn những bức ảnh chụp lại cảnh cảnh sát ném lựu dạn cay vào các thanh niên biểu tình đang hô vang khẩu hiệu ‘Dân chủ hóa’ trên đường phố Myeongdong, rất nhiều người đã cảm thấy lòng mình đau nhói. Cùng với sự hình thành của quá trình dân chủ hóa, vai trò trung tâm văn học nghệ thuật của Myeongdong cũng dần bị biến mất. Các phòng trà nhường chỗ cho các quán cà phê. Nhà hát kịch Quốc gia vốn tọa lạc tại trung tâm Myeongdong cũng bị di dời đến núi Namsan. Myeongdong dần bị lấp đầy bởi các cửa hàng thời trang.

[Sự phồn hoa của Myeongdong ngày hôm nay]

Gian triển lãm cuối cùng là nơi kể cho khách tham quan câu chuyện về một Myeongdong hiện đại của hôm nay. Myeongdong ngày nào giờ đã trở thành nơi dừng chân mua sắm của hàng triệu du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Tòa nhà của nhà hát kịch Quốc gia khi xưa nay đã được sử dụng làm nhà hát Myeongdong vào năm 2005. Vào năm 2011 vừa qua, nhà hát Kho Samilro, nhà hát nhỏ lâu đời nhất của Hàn Quốc, cũng đã được mở cửa trở lại. Tất cả đều nằm trong chủ trương phục hồi không gian văn hóa nghệ thuật Myeongdong của chính quyền thành phố Seoul. Đạo diễn kịch Son Jin-chaek cho biết : “Tôi bắt đầu sự nghiệp tại nhà hát Myeongdong này. Lúc ban đầu, tôi làm trợ lí đạo diễn rồi đạo diễn sân khấu. Nhà hát kịch Quốc gia, tiền thân của nhà hát Myeongdong ngày nay, đi vào hoạt động từ năm 1973, nhưng sau đó nó bị đóng cửa. Vở kịch cuối cùng mà tôi làm ở đây là vở ‘Sự thăng tiến của Han-ne’. 30 năm đã trôi qua nhưng tôi có cảm giác như mới đây thôi. Nhà hát được xem là cái nôi của kịch nghệ Hàn Quốc. Do đó, việc tôi trở lại đây lần này không đơn thuần chỉ là nhằm phục dựng lại nhà hát, mà còn nhằm phục hưng nền kịch nghệ nước nhà”.

Không mấy khi du khách có dịp được nhìn Myeongdong dưới nhiều khía cạnh như tại triển lãm ‘Câu chuyện Myeongdong’. Myeongdong trong triển lãm không chỉ là một trung tâm mua sắm tấp nập, hiện đại của hôm nay, nó còn mang nhiều ý nghĩa lịch sử cùng rất nhiều thăng trầm trong quá khứ. Mặc dù không còn những phòng trà, gallery trưng bày như trước đây, nhưng Myeongdong ngày nay vẫn là nơi thường hay lui tới của các nghệ sĩ. Cùng với việc mọc lên san sát các cửa hàng, các trung tâm mua sắm, những không gian văn hóa cũng đã và đang dần dần xuất hiện trở lại. Giữ gìn bản sắc vốn có và phát triển theo kịp thế giới là những gì Myeongdong của thế kỷ 21 đang muốn hướng đến.

Lựa chọn của ban biên tập