Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

‘Original Drawing Show’, điểm gặp gỡ của hội họa và sân khấu

2012-04-24



[Đôi nét thú vị về Original Drawing Show]

Khán giả không thể ngừng cười khi xem các diễn viên vẽ tranh trên sân khấu của nhà hát Welcome, tọa lạc tại phường Jangchung, thành phố Seoul, nơi công diễn vở diễn ‘Original Drawing Show’ (Tạm dịch là ‘Trình diễn hội họa độc đáo’). Nếu chỉ có vẽ tranh thì khán giả đã không thể hứng khởi như vậy, mà ở đây là sự kết hợp thú vị giữa hội họa với yếu tố kỳ bí của ảo thuật. Đạo diễn nghệ thuật Kim Jin-gyu cho biết : "Nếu chỉ mang vải ra sân khấu rồi vẽ lên thì vở diễn sẽ không thể có sức hút. Ở đây chúng tôi vẽ tranh theo nhiều hình thức khác nhau. Vải dùng để vẽ tất nhiên là đạo cụ không thể thiếu nhưng bên cạnh đó cũng cần nhiều yếu tố khác để mang đến sự thú vị cho người xem, như sử dụng kỹ thuật vẽ tranh bằng ánh sáng, kỹ thuật vẽ loang màu trên nước, kỹ thuật vẽ bằng cách thoa màu lên tay hay thậm chí là kỹ thuật vẽ vẫy màu theo phong cách của họa sĩ Jackson Pollack."

‘Original Drawing Show’ là sự kết hợp giữa hội họa, múa, hài kịch và diễn xuất của diễn viên để mang đến cho khán giả những tràng cười bất tận. Nhưng đôi lúc khán giả cũng phải lắng lòng trước những bức tranh nổi tiếng được vẽ lại cấp tốc trên sân khấu. Khác với các vở diễn không lời, chủ yếu dựa vào âm nhạc, âm thanh, nhịp phách…, vở diễn này đã mang những bức tranh từ phòng triển lãm lên sân khấu và biến nó thành vở diễn có một không hai trên thế giới. Nhà bình luận Jang Ji-young đánh giá : "Đây là vở diễn đầu tiên trên thế giới lấy chất liệu mỹ thuật làm nội dung biểu diễn. Mặc dù thuộc thể loại biểu diễn không lời nhưng vở diễn không sử dụng võ thuật, nấu nướng… làm chất liệu sáng tác như các vở ‘Jump’ hay ‘Nanta’ mà lấy chất liệu nghệ thuật hội họa. Nhắc đến hội họa, người ta nghĩ ngay đến việc đi xem tranh ở các nhà triển lãm mỹ thuật. Thế nên, việc khán giả tìm đến nhà hát để xem tranh và quá trình sáng tác ra chúng là điều hết sức mới mẻ. Có thể nói vở diễn đã thổi một lồng gió mới vào đời sống nghệ thuật." Sự kết hợp giữa nghệ thuật hội họa với nghệ thuật sân khấu chắc hẳn sẽ gây tò mò cho không ít người. Bây giờ chúng ta hãy cùng khám phá vở diễn nhé!

[Những cảnh diễn đáng nhớ]

Khi tấm rèm nhung được vén lên, dưới ánh đèn xanh mờ ảo là sân khấu được bao phủ ba mặt bởi 3 miếng vải trắng cực to. Tiếp đến là sự xuất hiện của một diễn viên trong vai người ngoài hành tinh. Được ra mắt từ tháng 7/2008, đến nay ‘Original Drawing Show’ đã trải qua 3 đợt công diễn. Chủ đề của đợt thứ nhất là ‘Vẽ Chúa Giê-su’ với nội dung nói về Kinh thánh và việc Chúa tạo ra thế giới vạn vật. Chủ đề của đợt thứ hai là ‘Danh tác’ với nội dung nói về quá trình ra đời của những bức tranh nổi tiếng. Và chủ đề của lần này là ‘Cái nhìn’ với nội dung kể về chuyến hành trình khám phá Trái Đất của một người ngoài hành tinh đến từ hành tinh Hội họa. Theo đó, điểm chung đầu tiên giữa người ngoài hành tinh với người Trái Đất, tức những khán giả đang ngồi kín khán phòng, chính là hội họa.

Diễn viên Cha Hyun-chan giới thiệu : "Ở cảnh mở đầu, khi các diễn viên vừa cầm khay màu để vẽ, cũng là lúc từ trong bóng tối một vài tia sáng bắt đầu lóe lên và tạo thành dòng chữ báo hiệu vở diễn bắt đầu. Tiếp theo là màn múa rộn ràng trong lúc diễn viên đang thực hiện vẽ tranh. Chỉ chưa đầy 3 phút, những bức chân dung tự họa của các diễn viên đã được hoàn thành trong sự ngỡ ngàng, thán phục của khán giả." Phân cảnh mở đầu gây ấn tượng mạnh cho khán giả khi vẽ nên một bức tranh bằng ánh sáng trên nền giấy dạ quang. Khán giả đã không thể rời mắt khỏi từng đường nét chuyển động của ánh sáng trong bóng tối. Lúc này, cả khán phòng đều chìm vào im lặng. Rồi khi đèn được bật lên, bức tranh ánh sáng bỗng biến mất vào không gian như một pha ảo thuật.

Đó mới chỉ là khúc dạo đầu. Trong phần tiếp theo, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng những bức tranh vô cùng sống động. Lần này, trên sân khấu dần hiện ra một bức tranh thủy mặc vẽ hình một ngọn thác. Và thật tuyệt vời, từ trên đỉnh thác, từng dòng nước đang chảy xuống ào ạt trông mới sinh động làm sao. Vừa rồi là bức tranh được thực hiện bằng kỹ thuật loang màu trên nước. Còn bây giờ khán giả sẽ được nhìn ngắm lại những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử thế giới qua tranh. Đầu tiên là bức ‘Napoleon vượt qua dải Alps’ của danh họa người Pháp Jacques Louis David. Chỉ trong vòng 6 phút, bức tranh cao 2m về Hoàng đế Napoleon vĩ đại cưỡi tuấn mã đã được hoàn thành trong sự thán phục của khán giả. Trên hết, khán giả như bị cuốn hút mạnh mẽ vào ánh mắt có hồn của vị Hoàng đế nước Pháp.

Bức tranh tiếp theo vẽ về Tướng quân Yi Sun-shin, người đã viết nên trang sử sáng chói cho dân tộc Hàn Quốc. Diễn viên Ji Geun-woo người thực hiện bức tranh theo kỹ thuật vẽ bóng này cho biết : "Trong cảnh này tôi phải sử dụng ánh sáng để vẽ trên nền của một cái bóng. Đây không phải là một phân cảnh hoành tráng, mà được diễn ra một cách nhẹ nhàng và sâu lắng trong tiếng sáo trúc ngang Daegeum mộc mạc." Giữa sân khấu đang tối dần đi từ từ hiện lên hình ảnh vị Tướng quân tài ba cùng Cổng thành Sungnyemun ở Seoul. Sau đó, xung quanh Sungnyemun được tô bởi rất nhiều màu đỏ, tượng trưng cho lửa. Ngọn lửa cháy càng lúc càng mạnh cho đến lúc thiêu trụi hoàn toàn di tích lịch sử quý giá này. Đoạn này gợi nhắc về sự kiện Sungnyemun bị phóng hỏa vào năm 2008. Đạo diễn Kim Jin-gyu cho biết : "Bằng kỹ thuật vẽ bóng, dưới ngòi bút của diễn viên, hình ảnh Sungnyemun dần hiện ra trên sân khấu, rồi sau đó là sự xuất hiện của Tướng quân Yi Sun-shin. Chỉ trong chớp mắt bức tranh đã được hoàn thành. Khi cảnh này được phát sóng trên truyền hình Nhật Bản, yếu tố này đã được giới thiệu như một đặc tính cơ bản của người Hàn. Tiếp theo là đoạn Sungnyemun nhanh chóng bị lửa thiêu trụi. Để thể hiện ngọn lửa, chúng tôi dùng màu nước đỏ. Bên cạnh đó, phần âm nhạc lồng vào cũng phải làm sao cho thật cảm động. Nhưng đặc biệt hơn phải nói đến đoạn Tướng quân Yi Sun-shin rơi lệ trước sự biến mất của một di tích lịch sử."

Trong lúc Sungnyemun đang quằn quại trong lửa đỏ, đôi mắt của Tướng quân Yi Sun-shin trong bức tranh cũng lăn dài từng giọt nước mắt, thể hiện sự xót xa của ông trước mất mát này. Cảnh diễn thực sự gây xúc động cho khán giả. Một khán giả cho biết cảm nhận : "Tôi đang sống ở Malaysia. Nhân dịp về Hàn Quốc mấy ngày, tôi đã dẫn các con đến xem vở diễn. Đoạn vẽ Tướng quân Yi Sun-shin khiến tôi rất cảm động, đặc biệt là đối với một người sống xa quê hương như tôi. Khi nhìn Sungnyemun bị cháy, tôi đã không cầm được nước mắt."

Mặc dù lấy hội họa làm chất liệu dàn dựng nhưng đôi khi ‘Original Drawing Show’ còn được ví von như một vở ảo thuật. Tất cả các thủ pháp ảo thuật đa dạng kết hợp với các hiệu ứng đặc biệt đã tạo nên một vở diễn tràn ngập phép màu nhưng vẫn có thể lay động trái tim khán giả. Nhà bình luận Jang Ji-young cho biết : "Một khán giả cho biết cảm nhận rằng yếu tố ảo thuật nằm ở chỗ vở diễn đã sử dụng rất nhiều kỹ xảo đánh lừa thị giác với tốc độ cực nhanh. Về cơ bản, vở diễn được hình thành dựa vào tài nghệ vẽ tranh của các diễn viên nhưng đôi lúc cũng sử dụng một vài kỹ xảo đặc biệt như thay đổi màu sắc ánh sáng, dùng kỹ thuật loang màu trên nước… để làm tăng hiệu quả sân khấu."

[Những cống hiến đáng trân trọng của tập thể sản xuất vở diễn]

Để có thể lay động cảm xúc của khán giả từ đầu đến cuối vở diễn bằng những bức tranh sinh động, đạo diễn Kim Jin-gyu đã phải bỏ ra 14 năm tìm tòi và thử nghiệm. Ông cho biết : "Tôi đã phải giam mình tập luyện một thời gian dài để thử nghiệm các kỹ thuật cho vở diễn. Tôi đã thử nghiệm nhiều cách vẽ từ việc ngậm nước màu vào miệng rồi phun lên vải đến việc trộn màu tạo được hiệu ứng hóa học… Và không ít lần tôi đã thất bại. Thật vất vả khi tôi chỉ có một mình. Đó là chưa kể số chi phí đã phải bỏ ra cho việc mua nguyên vật liệu vẽ."

Các diễn viên của vở diễn vốn không phải là những họa sĩ. Do đó, họ đã phải trải qua quá trình khổ luyện rất nhiều lần mới có thể đứng trên sân khấu như bây giờ. Diễn viên Cha Hyun-chan chia sẻ : "Tôi tập vẽ nhiều đến nỗi vân tay và các đường chỉ bàn tay gần như đều mờ hết. Vào mùa đông, có những lúc móng tay bị rỉ máu. Nghĩ lại khoảng thời gian đó mà tôi thấy rùng mình. Khi vẽ tranh bằng than bạn phải rất uyển chuyển, nhưng vì không phải là họa sĩ chuyên nghiệp nên cơ thể chúng tôi rất cứng. Để thể hiện được những động tác đẹp mắt, chúng tôi phải vẽ thật nhiều. Lúc đầu, chúng tôi vẽ không khác gì những học sinh mẫu giáo. Nhưng sau đó nhờ sự hướng dẫn của đạo diễn mà chúng tôi đã trở nên mềm mại, tự nhiên hơng."

Biết bao giọt mồ hôi đã nhỏ xuống để mang đến cho công chúng vở diễn tuyệt vời này. Từ ngày ra mắt, vở diễn đã vinh dự xuất hiện trong nhiều bữa tiệc chiêu đãi của các sự kiện mà Hàn Quốc từng đăng cai như Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Hội nghị thượng đỉnh Châu Á… Đây cũng là cơ hội để quảng bá vở diễn. Nhà bình luận Jang Ji-young vui mừng cho biết : "Dù mới công diễn tại Nhật Bản đầu năm nay nhưng vở diễn đã được Cơ quan Du lịch Hàn Quốc giới thiệu tại Triển lãm Du lịch Expo từ trước đó 2-3 năm. Lần đó, vở diễn đã được khán giả Nhật rất yêu thích và đó là lý do cho sự trở lại lần này. Nhờ Làn sóng văn hóa Hàn Quốc mà các vở diễn không lời của Hàn Quốc cũng được người Nhật đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt là khi Nhật Bản không có thể loại này. Nếu có cơ hội đến Hàn Quốc là du khách Nhật nhất định đi xem ‘Nanta’, ‘Jump’ và bây giờ là ‘Original Drawing Show’. Dự kiến cuối năm nay đài truyền hình NHK của Nhật bản sẽ phát sóng một chương trình giới thiệu về vở diễn này. Cũng không lâu nữa, phiên bản Nhật sẽ nhanh chóng được ra mắt khán giả của xứ sở hoa anh đào."

Đã qua rồi cái thời muốn xem tranh thì phải đến phòng triển lãm. Giờ đây, bạn cũng có thể thưởng lãm tranh ngay trên sân khấu. Đến với ‘Original Drawing Show’, bạn không chỉ thưởng lãm tranh mà còn được thưởng thức nhiều sắc thái nghệ thuật khác. Tất cả đều được kết hợp trong một vở diễn, trên một sân khấu như một phép màu. Nếu khi mới bước vào nhà hát bạn như một tờ giấy trắng, thì khi trở ra bạn sẽ là một bức họa với rất nhiều sắc màu của trí tưởng tượng. Đó là chính là phép màu tuyệt vời nhất mà vở diễn đã mang đến.

Lựa chọn của ban biên tập