Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Liên hoan Arirang 2012, sự kiện vinh danh và quảng bá bài dân ca Hàn Quốc Arirang ra thế giới

2012-06-26



Các bạn đang có mặt tại Liên hoan Arirang 2012. Trong chiếc váy trắng, nữ ca sĩ Hàn Quốc Insooni đang ngân nga bản Arirang, bài dân ca truyền thống của xứ sở Kimchi. Toàn bộ khán giả như đang bị hút hồn bởi những giai điệu dặt dìu của bài hát vốn đã in sâu trong tâm thức của mỗi con người Hàn Quốc từ xa xưa.

[Giới thiệu về Liên hoan Arirang 2012]

Liên hoan Arirang 2012 đã được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 17/6 vừa qua, tại Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc ở thành phố Seoul. Trong đó, một số hoạt động đáng được chú ý có thể kể đến như Hội thảo “Vai trò và vị trí của Arirang trong văn hóa và trên thế giới”, kịch thiếu nhi, cùng chương trình hòa nhạc với sự tham gia của các nghệ sĩ nhạc truyền thống và ngôi sao Kpop.

Đây là lần thứ hai Seoul tổ chức Liên hoan này. Liên hoan lần thứ nhất đã được tổ chức vào năm 2010 nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul. Chủ đề của Liên hoan năm nay là “The Arirang”, tên gọi của bản Arirang được phối theo phong cách hiện đại của Kpop. Mạo từ “the” trong tiếng Anh được phát âm như phụ từ “deoh” trong tiếng Hàn có nghĩa là “thêm, hơn nữa”. Đạo diễn nghệ thuật Yoon Jung-kang giải thích : "Ở đâu có người Hàn là có Arirang, ở đâu có Arirang là có người Hàn. Có thể nói Arirang là thương hiệu số 1 của Hàn Quốc trong suy nghĩ của người nước ngoài. Khi muốn giới thiệu một cái gì đó ra thế giới, thứ đầu tiên chúng tôi nghĩ đến chính là Arirang. Lý do mà chúng tôi chọn “The Arirang” làm chủ đề cho Liên hoan lần này là vì Kpop và ngôi sao thần tượng rất nổi tiếng trên thế giới. Việc quảng bá Arirang thông qua Kpop sẽ giúp người nước ngoài dễ cảm nhận hơn và nhờ đó, nhiều người trên thế giới sẽ biết đến Arirang hơn."

Mặc dù đã được phối khí, làm mới để phù hợp với loại hình âm nhạc đại chúng là Kpop, nhưng bản Arirang hiện đại vẫn chứa đựng tất cả tinh thần vốn có của bản Arirang truyền thống. Nghe giai điệu sôi động của Arirang, ai nấy cũng đều muốn ca hát và nhảy múa theo. Đạo diễn Yoon Jung-kang cho biết : "Người nước ngoài rất khó cảm nhận được Arirang. Do đó, chúng tôi đã phổ nhạc lại cho dễ nghe hơn. Cụ thể, chúng tôi đã phối Arirang cùng với trống phong yêu Janggu. Tuy không hiểu lời ca, nhưng người nước ngoài có thể biết được nhịp trống để hát theo. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kết hợp bài hát này với các động tác vũ đạo sôi động, từ đó, biến Arirang trở thành bài hát không chỉ của người Hàn mà còn dễ dàng đi vào lòng bạn bè quốc tế, khiến cho họ nhớ đến Arirang đầu tiên mỗi khi nghĩ về Hàn Quốc."

[Đôi nét về bản Arirang]

Người Hàn Quốc không những coi Arirang như bài hát đại diện cho dân tộc mình, mà còn như bài Quốc ca thứ hai của đất nước. Bất kể lúc vui hay lúc buồn, họ đều có thể ngân nga bài hát này. Những giai điệu của Arirang có thể để lại dư vị lâu dài cho những ai đã từng thưởng thức nó. Giáo sư Park Ae-gyeong thuộc Khoa ngôn ngữ và văn học Hàn Quốc của Trường đại học Yonsei cho biết : "Bất cứ người Hàn nào cũng biết Arirang, từ trẻ em đến người già, từ người Hàn trong nước đến Hàn kiều. Arirang là một nguyên mẫu văn hóa, cái có thể phát triển hoặc chuyển đổi thành văn hóa ở một hình thức khác. Người Hàn luôn sẵn sàng đón nhận khó khăn. Trong bản Arirang có một đoạn là “vượt qua đèo” tượng trưng cho việc vượt qua khó khăn, thử thách. Đây cũng là nhằm nêu cao tính cách này của người Hàn."



Arirang đã được ra đời từ bao giờ không ai biết, chỉ biết nó là một di sản văn hóa truyền miệng đã đi qua biết bao thế hệ người Hàn. Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của bài dân ca này, duy chỉ có một điều chính xác là Arirang có nội dung chứa đựng tất cả tâm hồn và tinh thần của dân tộc Hàn. Mỗi khi cô đơn nơi đất khách quê người, hay khi nhớ về quê hương, thì người Hàn lại tự mình lẩm nhẩm giai điệu của Arirang. Chủ tịch Ủy ban thúc đẩy toàn cầu hóa Arirang, ông Kwon Ho-seong cho biết : "Hiện có khoảng 7,5 triệu Hàn kiều đang sinh sống ở nước ngoài. Trong đó, có gần 200 nghìn người ở Uzbekistan và 100 nghìn người ở Kazakhstan. Mỗi khi nhớ về đất nước, họ lại nhớ đến Arriang một cách sâu sắc. Cũng tương tự như vậy, các Hàn kiều ở Nhật Bản cũng chỉ biết rưng rưng nước mắt và hát Arirang mỗi khi nghĩ về cố hương."

Tùy khu vực, vùng miền mà Arirang có những dị bản, đặc trưng khác nhau, cũng giống như sự đa dạng của cách muối Kimchi. Có hàng nghìn dị bản Arirang còn được lưu truyền cho đến bây giờ như Arirang tỉnh Gyeonggi, Arirang tỉnh Gangwon, Arirang vùng Jindo, Arirang vùng Jeongseon hay vùng Miryang. Thế nhưng, số lượng Arirang đang giảm dần và văn hóa hát Arirang cũng đang biến mất theo thời gian. Chưa kể đến việc gần đây, Trung Quốc định đề cử bản Arirang của cộng đồng dân tộc thiểu số gốc Hàn ở Trung Quốc lên UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa thế giới của nước này. Đạo diễn Yoon Jung-kang cho biết : "Đã có nhiều lễ hội, sự kiện liên quan đến Arirang được tổ chức trong thời gian qua, nhưng toàn đi sâu vào vấn đề lịch sử, nghiên cứu. Ở Liên hoan lần này, chúng tôi muốn đưa Arirang đến gần với công chúng như một người bạn thông qua việc kết hợp với Kpop và đưa lên sân khấu với vở kịch thiếu nhi “Tiến lên Arirang!"."

[Các hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện]

Ban tổ chức đã nỗ lực hết sức để đưa ra những ý tưởng khả thi nhất nhằm khuyến khích toàn dân hát Arirang. Trong đó, điển hình là việc phối Arirang theo kiểu hiện đại bằng cách kết hợp với nhịp điệu Jangdan của trống phong yêu Janggu. Trong khi đó, nghệ sĩ đàn piano người tỵ nạn Bắc Tiều Tiên Kim Cheol-woong, người từng đứng đầu Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Bình Nhưỡng, đã nhận được sự ủng hộ khi trình diễn bản sonata Arirang. Ngoài sân khấu trình diễn, nơi mọi người có thể thưởng thức các bản Arirang đa dạng, Liên hoan còn tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn khác. Trước tiên, chúng ta phải kể đến cuộc thi hát Arirang, một hoạt động không thể thiếu tại sự kiện lần này. Thí sinh Park Young-hee tỏ ra là người thường xuyên hát Arirang. Cách hát tình cảm và đúng nhịp của cô đã nói lên điều đó. Cô cho biết : "Tôi chờ đợi Liên hoan này từ khi nghe tin nó sẽ được tổ chức. Vì rất thích tham gia, nên tôi đã tập hát Arirang rất nhiều. Hôm nay, tôi hát bản Arirang tỉnh Gyeonggi. Tôi yêu Arirang vì nó chứa đựng tất cả những cảm xúc như nỗi lòng uất hận của dân tộc đã được kết chặt từ thời tổ tiên người Hàn. Tôi dự đoán mình sẽ được giải nhất."

Nhằm giúp cho trẻ em có thể dễ dàng tiếp thụ Arirang, một vở kịch thiếu nhi vui nhộn đã được công diễn với nhan đề “Tiến lên Arirang!”.Nội dung vở kịch kể về ngôi làng Arirang, nơi mà con đường làng đang bị một tảng đá khổng lồ nằm án ngữ, khiến cho việc đi lại trở nên khó khăn. Thấy vậy, dân làng bèn tổ chức một cuộc thi nhằm tìm ra người khỏe nhất, có thể di dời được tảng đá kia. Và đã có 5 tráng sĩ đứng ra thử sức là Miryang, Jindo, Jeongseon, Seoul và Bắc Triều Tiên. Đây là những nhân vật tượng trưng cho 5 dị bản Arirang của 5 địa phương tiêu biểu. Mỗi khi một nhân vật xuất hiện là bản Arirang của địa phương đó lại được cất lên. Đạo diễn vở kịch Nam In-woo giới thiệu : Arirang là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Hàn. Mỗi địa phương có một bản Arirang khác nhau, tạo nên sức thu hút riêng cho bản dân ca này. Arirang vùng Jindo ở tỉnh Nam Jeolla thể hiện sự hứng khởi, nên được kết hợp cùng với múa và trò nhảy dây. Còn Arirang vùng Miryang lại có những nhịp điệu nhanh, tràn đầy sinh lực của người nông dân, nên rất thích hợp với nghệ thuật múa trống của tỉnh Bắc và Nam Gyeongsang. Arirang Bình Nhưỡng tuy còn khá xa lạ với người Hàn, nhưng lại thể hiện được linh khí của núi Baekdu thiêng liêng của dân tộc và khát vọng thống nhất đất nước. Bản Arirang này được thể hiện cùng với điệu múa sư tử và múa tế lễ. Trong màn 5 tráng sĩ hợp sức, điều mà tôi muốn gửi gắm đến các em nhỏ là nếu đồng tâm hợp lực, chúng ta sẽ xua đuổi được mọi xui rủi, trở ngại."



Thông qua vở kịch, việc tiếp thu Arirang cũng trở nên dễ dàng hơn đối với trẻ em. Từ bây giờ, các em đã có thể hồn nhiên ngân nga Arirang như một bài hát thiếu nhi, chứ không còn nghĩ đó là bài hát chỉ dành cho thế hệ ông bà. Cuối vở kịch, hàng trăm khán giả nhí đã cùng nhau hát điệp khúc “Ari Arirang Seuri Seurirang”, cùng với những tiếng vỗ tay vang dội. Sự cách điệu đã mang đến cho Arirang một lượng lớn người hâm một nhỏ tuổi đáng yêu.

Hoạt động được chọn làm điểm nhấn của Liên hoan Arirang 2012 là 2 buổi hòa nhạc với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ truyền thống và ngôi sao Kpop nổi tiếng. Mỗi nghệ sĩ truyền đạt Arirang đến khán giả theo phong cách riêng của mình. Riêng nhóm Sweet Sorrow lại chọn phong cách hát Arirang theo kiểu acapella. Một thành viên của nhóm cho biết : "Khi hát Arirang, chúng tôi mới nhận ra bài dân ca này thật đẹp và cảm động làm sao. Chúng tôi đã chọn thể loại acapella để thể hiện Arirang sao cho nhẹ nhàng và truyền cảm. Chúng tôi cũng đã luyện tập bài hát này khoảng 100 lần để đạt được sự hòa âm hay nhất."Tuy là một bài hát mang âm hưởng buồn, sầu thảm, hận thù nhưng đôi khi bản Arirang truyền thống lại được hòa âm phối khí một cách tươi vui, nhẹ nhàng hay tình cảm. Nhóm nhạc nữ đang được yêu thích là Sistar cũng đã trình diễn Arirang trên sân khấu. Phiên bản mà nhóm này trình diễn đã từng được dùng trong bộ phim “Arirang” của Đạo diễn Na Woon-kyu năm 1926.

Từ chỗ chỉ là một bài dân ca truyền miệng, Arirang ngày nay đang dần tạo được chỗ đứng của mình trong nền âm nhạc Hàn Quốc, không hề kém cạnh làn sóng Kpop. Sự cách điệu bản phối đã góp phần giúp cho Arirang thu hút được một số lượng người hâm mộ đáng kể. Hiện Arirang đã được đề xuất lên tổ chức UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vậy là không bao lâu nữa, Arirang sẽ được toàn thế giới biết đến và hân hoan đón nhận như những gì họ đã làm với Kpop hiện nay.

Lựa chọn của ban biên tập