Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nàng Dae Jang-geum, nhân vật lịch sử đi từ màn ảnh nhỏ lên sân khấu

2012-07-10



Các bạn hẳn còn nhớ giai điệu quen thuộc của bài hát “Onara”, bài hát chủ đề của bộ phim nổi tiếng “Nàng Dae Jang-geum”. Bài hát này một lần nữa được thể hiện trên sân khấu trong vở diễn không lời mang tên “Nàng Dae Jang-geum”, công diễn từ ngày 22/5 đến ngày 29/7 năm nay. Từ 54 tập phim truyền hình, vở diễn được chuyển thể cô đọng chỉ còn 80 phút với sự kết hợp hài hòa các yếu tố nghệ thuật không thể thiếu trong một vở diễn không lời như lối hát miệng bắt chước nhạc khí Gueum, hát kể chuyện Pansori, múa truyền thống, biểu diễn nông nhạc Pungmul… Nhà sản xuất vở diễn Choi Jong-mi giới thiệu : "Chúng tôi đã lồng ghép giai điệu hiện đại vào màn biểu diễn bộ nhạc cụ gõ Samulnori và những cảnh diễn hoành tráng. Trong cảnh thi nấu ăn của Jang-geum và Geum-young, cung nữ luôn ganh ghét với nàng, khán giả được thưởng thức màn múa trống Samgomu, biểu diễn nông nhạc Pungmul và trống Buk. Có thể nói, thành công của vở diễn chính là việc kết hợp ăn ý giữa âm nhạc với các điệu múa, giữa làn điệu truyền thống với âm hưởng hiện đại phương Tây."

[Thành công và sức ảnh hưởng của bộ phim “Nàng Dae Jang-geum”]

Dae Jang-geum là nhân vật có thật trong lịch sử Hàn Quốc. Tương truyền, bà là nữ ngự y duy nhất đảm trách việc chăm sóc sức khỏe của vua, rất được hoàng cung trọng dụng. Cuộc đời thăng trầm của người phụ nữ tài sắc này đã được dựng thành bộ phim truyền hình mang tên “Nàng Dae Jang-geum”, năm 2003. Tại thời điểm bộ phim được phát sóng, tỷ lệ người xem trung bình lên đến 45,8%, một con số vô cùng ấn tượng. Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế Samsung vào năm 2009, bộ phim đã mang lại hiệu quả kinh tế hơn 40 triệu USD, với giá trị xuất khẩu gần 11 triệu USD và đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu.

Khác với những bộ phim tình cảm đang thịnh hành lúc bấy giờ, bộ phim “Nàng Dae Jang-geum” đã góp phần giới thiệu rộng khắp văn hóa truyền thống Hàn Quốc ra năm châu. Chính vì thế mà ý nghĩa và giá trị của nó cũng lớn hơn gấp nhiều lần. Nhà phê bình mảng biểu diễn Jang Ji-young cho biết : "Sau thành công của bộ phim, ẩm thực Hàn Quốc được đánh giá rất cao. Thưởng thức món ăn Hàn là hoạt động không thể thiếu đối với du khách nước ngoài. Ngày càng có nhiều nhà hàng Hàn Quốc tại nước ngoài lấy tên là “Dae Jang-geum” cùng với số lượng ngày càng đông đầu bếp xứ Kimchi đẩy mạnh hoạt động ra nước ngòai theo nhu cầu của thực khách. Tại Nhật Bản và Trung Quốc, mặc dù bộ phim ngừng chiếu đã lâu nhưng các lớp dạy nấu món ăn trong phim vẫn hoạt động đều đặn với số học viên không hề thuyên giảm. Cùng với đó, số người quan tâm đến y dược Hàn Quốc cũng gia tăng. Đặc biệt, nhờ bộ phim mà vẻ đẹp của trang phục truyền thống Hanbok được khắp 4 phương trầm trồ khen ngợi, ao ước được mặc thử một lần. Bằng chứng là các gian cho thuê Habok tại các khu du lịch luôn tấp nập du khách chụp hình trong những bộ trang phục rực rỡ màu sắc."

Ở Trung Quốc, sau khi bộ phim kết thúc, xuất hiện rất nhiều quán ăn treo biển “Dae Jang-geum” và rất nhiều sản phẩm ăn theo như búp bê Dae Jang-geum, cốc Dae Jang-geum, Kimchi thương hiệu Dae Jang-geum, thậm chí có cả sách giải thích các thuật ngữ trong phim. Nhà sản xuất Choi Jong-mi cho biết thêm : "So với các tác phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc như “Truyện Sim Cheong”, “Truyện Xuân Hương”…, “Nàng Dae Jang-geum” được thế giới biết đến nhiều hơn. Tính đến nay, bộ phim đã có mặt tại khoảng 70 nước: Trung Quốc, Hồng Kông, các nước Đông Nam Á, Trung Á, châu Phi, châu Âu… Từ tháng 12/2004 cho đến 12/2011, có tổng cộng 1 triệu 30 nghìn du khách đăng ký tour du lịch lấy chủ đề về bộ phim này, trong đó có 470 nghìn du khách trong nước và 830 nghìn du khách nước ngoài. Qua đây có thể thấy được mức độ nổi tiếng của bộ phim trên thế giới."

Trước khi vở diễn không lời “Nàng Dae Jang-geum” ra đời, từng có hai vở nhạc kịch được chuyển thể từ bộ phim rất thành công. Nhà phê bình Jang Ji-young nhận định : Bộ phim ‘Nàng Dae Jang-geum” được trình chiếu từ tháng 9/2003 đến hết tháng 3/2004. Sau đó, được chuyển thể thành một vở nhạc kịch dài 2 tiếng và được công diễn lần đầu tiên tại Trung tâm Văn hóa Sejong ở Seoul. Từ năm 2008 đến cuối năm 2010, một phiên bản nhạc kịch khác cũng ra đời, được công diễn tại sân khấu ngoài trời ở cung Gyeonghui. Phiên bản này không chỉ khai thác câu chuyện tình yêu của Jang-geum mà còn nhiều câu chuyện khác liên quan đến triều chính. Và mới đây nhất là sự ra đời của vở diễn không lời “Dae Jang-geum”."



[Tìm hiểu những điểm thú vị trong vở diễn “Nàng Dae Jang-geum”]

Giống như phần lớn các vở diễn của Hàn Quốc mang yếu tố truyền thống, vở diễn không lời “Nàng Dae Jang-geum” cũng được mở đầu với màn biểu diễn nông nhạc Pungmul đặc sắc. Tiếp đến là sự xuất hiện của anh hề trong vai trò dẫn chuyện bằng tiếng Anh và màn đánh trống tưng bừng báo hiệu vở diễn bắt đầu. Vở diễn gần như hội tụ tất cả các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Hàn Quốc. Loại hình hòa tấu nhạc cụ truyền thống tưởng chừng rất khó nghe cũng nhận được sự ủng hộ của khán giả. Nhà sản xuất Choi Jong-mi cho biết : "Đặc trưng của vở diễn là sự kết hợp những giai điệu hòa tấu truyền thống vốn khó thưởng thức với thể loại K-pop. Đó chính là sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại. Và cũng tương tự như vậy đối với loại hình múa trống Samgomu."

Màn một bắt đầu với cảnh Jang-geum lần đầu nhập cung làm cung nữ tập sự cho nhà bếp Hoàng gia. Tại đây, vị giác tuyệt vời của nàng được thể hiện rất mới mẻ qua lối hát bằng miệng bắt chước nhạc khí truyền thống. Nhà sản xuất Choi Jong-mi giới thiệu : "Một trong những cảnh nổi tiếng nhất của phim là cảnh Jang-geum đoán hương vị của quả hồng. Jang-geum đã trả lời chính xác những câu hỏi hóc búa của Tổng quản Choi về các gia vị nấu ăn và nhất là lý do làm sao nàng nhận biết được vị hồng… Cảnh này trong vở diễn được 10 diễn viên thể hiện qua lối hát bằng miệng bắt chước các nhạc khí theo kiểu acapella nhịp nhàng."Gần hết màn hát bằng lối Gueum có một ít thời gian để các diễn viên dẫn dắt khán giả cùng hò reo theo giai điệu của tiếng trống phong yêu Janggu.

Màn hai giới thiệu về những sinh hoạt chính của Jang-geum trong nhà bếp. Trong màn này, tài nghệ nấu nướng điêu luyện của nàng đã được phác họa rất rõ nét. Cảnh thi nấu ăn được thể hiện bằng nghệ thuật múa trống Samgomu dồn dập như càng làm tăng thêm mức độ hồi hộp cho người xem. Đây là cảnh được các diễn viên yêu thích nhất vì mặc dù miêu tả quá trình chế biến thức ăn nhưng không hề xuất hiện bất cứ một loại nguyên liệu nấu nướng gì trên sân khấu. Ở đây, con người và ẩm thực như hòa vào làm một. Park Su-ri, diễn viên thủ vai Dae Jang-geum trong cảnh múa này, giải thích : "Trong phim có xuất hiện thức ăn và nguyên liệu thật nhưng trong vở diễn này thì gần như không có. Chúng tôi thể hiện chúng bằng âm thanh, âm nhạc và các điệu múa. Diễn viên nam hóa thân thành thức ăn còn diễn viên nữ hóa thân thành đầu bếp và đuổi bắt nhau trên sân khấu rất hài hước. Đây là cảnh hay nhất của vở diễn!"

Sang màn ba, vì bị Tổng quản Choi và cung nữ Geum-young hãm hại mà Jang-geum đã bị lưu đày đến đảo Jeju. Tình cảnh này khiến nàng nhớ đến thân mẫu trước đây, cũng vì sự đố kị trong cung mà bị hại chết. Nỗi nhớ mẹ của nàng được thể hiện bằng điệu múa đuổi tà Salpuri và lối hát kể chuyện Pansori da diết. Trong màn bốn, khán giả được gặp lại Jang-geun, bấy giờ đã được trở lại cung sau khi kết thúc quá trình đào tạo y thuật. Cảnh nhập cung lần hai của nàng được minh họa bằng tiết mục múa quạt đẹp mắt. Cũng trong màn này, mối tình của nàng với quan Tòng sự Min Jeong-ho được khắc họa vô cùng lãng mạn qua giọng ca ngọt ngào của chính nam diễn viên thủ vai quan Tòng sự. Màn cuối cùng, Jang-geum lúc này đã trở thành một ngự y đáng được ngưỡng mộ. Nàng thành công trong cả sự nghiệp và tình yêu. Cuối vở diễn là cảnh tất cả các diễn viên cùng hát vang bài hát “Onara” trong sự hân hoan của khán giả.

Trong suốt 80 phút, ngoài các tiết mục nghệ thuật diễn ra trên sân khấu, khán giả còn được xem lại những thước phim đáng nhớ, tương ứng với mỗi cảnh diễn trên màn hình LED. Nhà sản xuất Choi Jong-mi cho biết : "Chúng tôi chiếu lại những thước phim ấn tượng trên màn hình LED có kích thước chiếm 1 phần 2 bối cảnh sân khấu. Ứng với những thước phim này là các màn biểu diễn đặc sắc sống động. Màn hình còn được dùng cho phụ đề nội dung bằng tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung giúp khán giả nước ngoài dễ hiểu hơn. Bên cạnh đó, hiệu ứng ánh sáng được phối hợp rất nhịp nhàng với diễn biến của vở diễn. Ngoài một số bản nhạc được thu âm sẵn, phần âm nhạc đều được trình diễn sống với đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn nhị Haegeum, trống to, trống nhỏ… Bằng cách kết hợp các yếu tố truyền thống, cổ xưa như văn hóa cung đình, hoạt động rước kiệu vua, trò chơi đường phố dân gian, nông nhạc… cùng những yếu tố hiện đại như Kpop hay công nghệ hình ảnh tiên tiến, vở diễn không lời “Nàng Dae Jang-geum” đã một lần nữa tiếp thêm sức sống cho nhân vật lịch sử này cũng như làm thổn thức trái tim của biết bao người hâm mộ bộ phim nói riêng và Làn sóng Hallyu nói chung.

Lựa chọn của ban biên tập