Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Liên hoan Yeowoorak, nơi hội tụ và thăng hoa của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

2012-07-31



Tại sân khấu diễn ra vở hát kể chuyện “Xuân Hương ca”, hàng trăm khán giả đang say sưa lắng nghe những giai điệu hào hứng phát ra từ bộ nhạc cụ dân tộc do các nghệ sĩ tài ba thể hiện.

[Tìm hiểu vài nét về Liên hoan Yeowoorak]

Từ ngày 3 - 21/7 vừa qua, Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc đã tổ chức Liên hoan Yeowoorak lần thứ 3. Đúng như tinh thần của cái tên “Yeowoorak” vốn được viết tắt từ câu “Đây là âm nhạc truyền thống Hàn Quốc” trong tiếng Hàn, Liên hoan quy tụ tất cả các loại hình âm nhạc truyền thống xứ Hàn. Giám đốc âm nhạc của Liên hoan Jang Jae-hyo giới thiệu : "Yeowoorak là liên hoan âm nhạc thường niên khởi đầu từ năm 2010 với mục đích phổ biến các thể loại âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc đến công chúng trong nước, những người thậm chí còn chưa biết nhiều về mảng âm nhạc này so với công chúng nước ngoài. Liên hoan cũng góp phần phác họa nên bức tranh tổng thể của nền âm nhạc Hàn Quốc xưa và nay. Nếu như năm 2010 chỉ có 4 đoàn nghệ thuật thường xuyên lưu diễn ở nước ngoài tham dự thì năm nay đã lên đến 13 đoàn, biến Liên hoan trở thành một sự kiện có quy mô lớn."

Liên hoan Yeowoorak là cơ hội quý để công chúng Hàn Quốc biết đến sự đa dạng của âm nhạc truyền thống nước nhà, sự kết hợp hài hòa của các thể loại cùng âm nhạc nước ngoài, cũng như hiểu được nỗi vất vả của người nghệ sĩ trong việc tìm tòi và thử nghiệm để mang nó đến gần hơn với công chúng. Giám đốc Jang Jae-hyo cho biết : "Những năm trước, các đoàn tham dự chỉ dựa vào tiết tấu và giai điệu của âm nhạc truyền thống để biểu diễn theo phong cách đặc trưng của mình. Ví dụ như nhóm Baramgot đã đưa nhạc cụ Ấn Độ vào nghi thức cúng lễ lên đồng Byeolsingut của vùng biển phía Đông Hàn Quốc để tạo ra giai điệu mạnh mẽ. Trong khi Đoàn nhạc Torie Ensemble khai thác những nhạc phẩm không phổ biến để thể hiện những yếu tố hưng phấn của dân tộc Hàn Quốc. Còn, Nhóm Gongmyoung sử dụng nhịp nhanh cùng giai điệu truyền thống để sáng tác và mang đến sự thú vị bất ngờ cho khán giả."

Khắp nơi trong Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc, từ Sảnh nghệ thuật Daloreum, Sảnh nghệ thuật Haneul cho đến sân khấu ngoài trời, đâu đâu bạn cũng có thể thỏa sức thưởng thức âm nhạc truyền thống và cảm nhận sự cách tân không ngừng nghỉ của thể loại này. Giám đốc Jang Jae-hyo tiếp tục chia sẻ : "Thành quả lớn nhất mà Liên hoan Yeowoorak gặt hái được chính là thu hút một tầng lớp khán giả mới. Không ít người trong số họ tỏ ra rất ngạc nhiên và yêu mến Nhà hát vì có những vở nhạc kịch khai thác mảng âm nhạc truyền thống phù hợp với lứa tuổi của mình."



[Kim cổ giao duyên]

Sự thử nghiệm và cách tân đã mang Liên hoan đến gần hơn với mọi tầng lớp công chúng. Năm nay, các đoàn tham dự tiếp tục thể hiện những tiết mục đặc sắc, mang đậm dấu ấn riêng. Và một trong số đó là vở nhạc kịch kết hợp kể chuyện với âm nhạc dựa trên tiểu thuyết “Cát thô” của tác giả Hwang Soon-won. Bằng chất giọng truyền cảm, một diễn viên kể lại nội dung của tiểu thuyết “Cát thô”, trong khi các diễn viên khác lần lượt xuất hiện trước sân khấu và diễn xuất bằng ngôn ngữ hình thể. Và lúc đó, 7 nghệ sĩ trong ban nhạc sẽ sử dụng 11 nhạc cụ dân tộc để thể hiện cảm xúc của các diễn viên. Thật thú vị khi được thưởng thức tiểu thuyết dưới hình thức âm nhạc, âm thanh và diễn xuất hình thể!

Còn ngay bây giờ là buổi diễn mang tên “Thời gian của rừng” do nghệ sĩ đàn nhị Haegeum Kkot Byeol trình bày. Giản dị trong chiếc áo cộc tay cùng váy trắng xinh xắn, Kkot Byeol nhẹ nhàng tấu nên từng tiếng đàn nhị réo rắt của phương Đông, hòa âm cùng tiếng đàn dương cầm, tiếng guitar, tiếng violon du dương của phương Tây.

Tiếp theo, chúng ta sẽ đến với buổi diễn đàn tranh Gayageum loại 25 dây theo hình thức vừa biểu diễn nhạc cụ vừa trò chuyện của ca sĩ kiêm nhạc sĩ Jeong Min-ah. Với tiêu đề “Câu chuyện của bạn”, ca sĩ Jeong Min-ah đã khéo léo khai thác những câu chuyện xảy ra trên các trang mạng Facebook và Twitter để sáng tác thành bài hát và thơ rồi diễn tấu bằng đàn tranh Gayageum, đàn cello... Và cũng chính nhờ tài năng của những nghệ sĩ trẻ tuổi này mà âm nhạc truyền thống Hàn Quốc được khoác lên nhiều tấm áo mới.

Tuy nhiên, không chỉ các nghệ sĩ trẻ, nhiều nghệ sĩ gạo cội cũng không ngừng sáng tạo những điều mới mẻ cho thể loại âm nhạc này. Điều đó được minh chứng rõ nét thông qua cách ứng tấu nhạc cụ dân tộc nhịp nhàng với nhạc Jazz trong buổi diễn “Giấc mơ tổ tiên đã để lại” với sự góp mặt của nghệ sĩ bộ gõ Park Jae-cheon, danh ca Ahn Suk-sun, nghệ sĩ trống Kim Cheong-man, nghệ sĩ phèng Kkwaenggwari Lee Kwang-soo… Giám đốc âm nhạc Jang Jae-hyo giới thiệu : "Độ tuổi trung bình của các nghệ sĩ tham dự Liên hoan còn rất trẻ. Và sự có mặt của các nghệ sĩ gạo cội như Ahn Suk-sun, Kim Cheong-man, Lee Kwang-soo… đã giúp tạo ra sự cân bằng mới cũ và mức độ uy tín nhất định cho Liên hoan. Họ cũng nhiệt tình biểu diễn không thua gì các nghệ sĩ trẻ và mang đến cho khán giả rất nhiều niềm vui. Kim cổ giao duyên chính là nét đặc trưng độc đáo của Liên hoan."



[Những tín hiệu đáng mừng cho tương lai âm nhạc truyền thống]

Liên hoan lần này gây chú ý vì có những chương trình bị cháy vé. Một trong số đó là vở hát kể chuyện Pansori “Tứ Xuyên ca” của nữ nghệ sĩ trẻ Lee Ja-ram. Được chuyển thể từ vở kịch “Người tốt Tứ Xuyên” của nhà soạn kịch người Đức Bertolt Brecht, vở “Tứ Xuyên ca” lồng ghép vào bối cảnh Hàn Quốc thế kỷ 21 và bắt đầu câu chuyện với việc tìm kiếm đáp án cho câu hỏi: Liệu trên đời này có người tốt hay không? Và nếu có thì liệu họ có giữ được lòng tốt cho đến tận lúc chết hay không? Thông qua những gì xảy ra xung quanh cuộc sống của nhân vật Soon-deok, một cô gái kém xinh nhưng hiền lành và tốt bụng, vở diễn lên án mặt trái của xã hội hiện đại. Trong vở diễn này, nữ diễn viên Lee Ja-ram phải thủ rất nhiều vai và mỗi vai diễn đều mang lại tiếng cười giòn tan cho khán giả mỗi khi châm biếm, đả kích về một vấn đề nào đó của xã hội Hàn Quốc ngày nay như chủ nghĩa xem trọng hình thức, xu thế cạnh tranh không ngừng, nạn thanh niên thất nghiệp, lối phân biệt bằng cấp…

Giám đốc nghệ thuật của Liên hoan, nhạc sỹ Yang Bang-eon cho biết : "Tôi cho rằng vở diễn đã thoát khỏi quan niệm trước giờ của mọi người về hát kể chuyện Pansori. Vẫn giữ được những yếu tố cơ bản của loại hình truyền thống này nhưng lại có sự kết hợp với nhạc cụ và giai điệu phương Tây tạo nên một vở diễn tổng hợp hết sức đặc sắc". “Tứ Xuyên ca” ngày càng tạo được tiếng vang với người yêu nghệ thuật thế giới. Đã từng tham dự các liên hoan danh tiếng như Liên hoan âm nhạc thế giới Chicago và Liên hoan Hàn-Mỹ tại thủ đô Washington (Mỹ), năm ngoái vở diễn tiếp tục được mời công diễn tại Nhà hát công chúng Lyon và Nhà hát thành phố Paris của Pháp.

Sự cách tân giúp âm nhạc truyền thống đến gần hơn với mọi tầng lớp khán giả. Bằng chứng là nhiều buổi biểu diễn liên tục bị cháy vé. Nhằm phục vụ những người không mua được vé, một buổi biểu diễn đã được tổ chức tại sân khấu ngoài trời và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người xem. Đây cũng là một trong những nét đặc sắc của Liên hoan Yeowoorak. Kết thúc biểu diễn trong nhà, các nghệ sĩ lại tiếp tục diễn ở sân khấu ngoài trời. Trong không gian khoáng đạt của đêm hè yên ả và ánh đèn đêm, gương mặt của các nghệ sĩ càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Sân khấu ngoài trời là nơi họ được thỏa sức thực hiện sự cách tân trong âm nhạc truyền thống. Trưởng ban nhạc Ux Choi Soon-ho bày tỏ : "Chúng tôi là một ban nhạc có sự kết hợp âm nhạc truyền thống với âm nhạc hiện đại để theo kịp xu thế phát triển của thời đại. Sân khấu ngoài trời của Liên hoan năm nay là nơi duy nhất và thích hợp nhất để chúng tôi thỏa sức thể hiện những sáng tạo âm nhạc của mình. Đây là giai đoạn chuyển đổi để đưa âm nhạc truyền thống cũng như các loại hình âm nhạc sáng tạo đến gần với công chúng. Vượt qua được giai đoạn này, tôi tin rằng con đường phía trước của nhạc truyền thống sẽ rất tốt đẹp. Thật là may mắn khi chúng tôi được tham dự Liên hoan."

Trái ngược với sân khấu trong nhà, sân khấu ngoài trời mang đến cho khán giả bầu không khí bùng nổ và sôi động như một đêm nhạc Rock bằng phiên bản cách tân của bài “Sarang ca” (“Bài ca tình yêu”) nằm trong vở hát kể chuyện Pansori “Xuân Hương ca”. Đỉnh điểm của đêm diễn là khi toàn bộ khán giả cùng nắm tay nhau và hát vang giai điệu Ganggang Sullae trong không khí vô cùng đầm ấm. Sự cách tân táo bạo này đã mang đến hưng phấn tột độ và ấn tượng sâu sắc cho rất nhiều khán giả, từ những người chưa từng am hiểu âm nhạc truyền thống cho đến những người rất hiểu thể loại này.

Với tâm nguyện bảo tồn và đại chúng hóa nền âm nhạc truyền thống, Liên hoan Yeowoorak đã kết thúc rất thành công thu hút được gần 6.000 khán giả cùng thành tích cháy vé của 5 trong số 23 buổi diễn. Qua đó, minh chứng rõ nét cho vị trí vững chắc của Liên hoan trong lòng người yêu nhạc Hàn Quốc. Cũng nhờ Liên hoan mà âm nhạc truyền thống đã nhanh chóng đến gần với công chúng. Chúng ta hãy chúc mừng cho sự thành công này và hy vọng Liên hoan sẽ ngày càng phát triển và vươn xa hơn nữa.

Lựa chọn của ban biên tập