Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Đoàn nghệ thuật dân tộc Bình Nhưỡng

2013-04-25

Đoàn nghệ thuật dân tộc Bình Nhưỡng
Các thành viên trong Đoàn nghệ thuật dân tộc Bình Nhưỡng đang tập luyện chăm chỉ tại phường Seocho, quận Seocho, Seoul. Phó trưởng đoàn, biên đạo múa Kim Ok-in giới thiệu:

Phó trưởng đoàn Kim Ok-in: Tác phẩm mà chúng tôi cải biên lần này có tên là “Điệu múa Pyeonggo”. Điệu múa này sử dụng những chiếc trống tương tự với loại trống lắc tay ở Bắc Triều Tiên. Trống có gắn các chuông nhỏ phát ra âm thanh khi múa khiến người biểu diễn thêm hứng khởi. Chúng tôi sáng tạo ra vũ đạo này dựa trên một tác phẩm cũ.

Toàn bộ các thành viên trong Đoàn nghệ thuật dân tộc Bình Nhưỡng đều là người tỵ nạn Bắc Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc để tìm tự do. Vốn là những nghệ sỹ từng học và biểu diễn âm nhạc, vũ đạo ở miền Bắc từ nhỏ, họ cùng sáng lập ra đoàn này để truyền bá văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Bắc Triều Tiên ở Hàn Quốc. Đoàn có tổng cộng trên 30 thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực như múa truyền thống, ca hát và cả biểu diễn đàn phong cầm (accordion). Phó trưởng đoàn Kim Ok-in cho biết:

Phó trưởng đoàn Kim Ok-in: Hai miền Nam-Bắc bị chia cắt đã 60 năm nay nên có rất nhiều khác biệt về văn hóa. Chúng tôi đến từ miền Bắc nên cảm thấy khó tiếp nhận một số khía cạnh trong văn hóa miền Nam. Hơn nữa, người Hàn Quốc cũng không biết nhiều về văn hóa miền Bắc nên phần nào cảm thấy lạ lẫm. Do đó, chúng tôi đã thành lập Đoàn nghệ thuật này để thu hẹp khoảng cách giữa hai miền. Ban đầu, chúng tôi thành lập với quy mô rất nhỏ và thiếu thốn nhiều về phương tiện đi lại, nhạc cụ hay trang phục biểu diễn, số lượng thành viên cũng rất ít ỏi. Nhưng sau đó, Đoàn chúng tôi dần dần phát triển và hiện đã có xe buýt 35 chỗ để đi lại.

Ban đầu, Đoàn nghệ thuật dân tộc Bình Nhưỡng gặp nhiều khó khăn vì chưa quảng bá được hoạt động và người Hàn Quốc cũng còn lạ lẫm với các tác phẩm nghệ thuật của miền Bắc. Nhưng sau hơn 10 năm thành lập, tới nay, Đoàn đã biểu diễn trên 140 buổi trong một năm và trở thành đoàn nghệ thuật miền Bắc được công nhận ở Hàn Quốc. Cũng nhờ những buổi biểu diễn nghệ thuật mà các thành viên trong Đoàn thích nghi được với văn hóa và môi trường sinh hoạt xa lạ ở miền Nam. Khác với khán giả ở Bắc Triều Tiên thường xem biểu diễn với thái độ cứng nhắc, người Hàn Quốc luôn vỗ tay hào hứng dù chỉ là buổi biểu diễn nhỏ. Nhờ đó mà các thành viên trong Đoàn thấy tự tin hơn.

Thành viên: Hoạt động biểu diễn ở Bắc Triều Tiên mang tính khuôn khổ, ở Hàn Quốc thì lại rất tự do. Mỗi khi biểu diễn mà được sự khích lệ của một ai đó, tôi thấy rất tự hào. Ở miền Bắc, có hay lắm thì người ta cũng chỉ vỗ tay nhưng không biểu hiện cảm xúc, không cười, không khóc. Tôi thích sự tự do ở nơi đây.

Thành viên: Thỉnh thoảng khi đi biểu diễn, chúng tôi gặp cả những người lớn tuổi là người miền Bắc bị ly tán. Họ tìm gặp chúng tôi sau khi buổi biểu diễn kết thúc và nói rằng buổi biểu diễn của chúng tôi giống hệt như những gì họ từng xem ở Bắc Triều Tiên nên họ có cảm giác như đang ở quê hương. Được nghe những lời đó, tôi cảm thấy rất ấm lòng.


Mỗi khi lên kế hoạch cho một tiết mục múa nào đó, Phó trưởng đoàn Kim Ok-in lại tập trung nghiên cứu sao cho tiết mục đó có thể đáp ứng được thị hiếu của người Hàn Quốc, đồng thời vẫn truyền bá được văn hóa nghệ thuật Bắc Triều Tiên. Gần đây, cô đang lên kế hoạch cho các tiết mục biểu diễn đa dạng như kết hợp từng bước các điệu múa miền Bắc như múa cùng bình nước, múa trống janggu với nhạc K-Pop thịnh hành của Hàn Quốc.

Phó trưởng đoàn Kim Ok-in: Chúng tôi vừa đi biểu diễn, vừa đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Chúng tôi nghiên cứu cách thức để thu hút mọi người. Người Hàn Quốc sẽ thấy nhàm chán nếu chúng tôi chỉ liên tục biểu diễn các tiết mục dân tộc miền Bắc. Do đó, Đoàn biểu diễn theo kiểu kết hợp vũ đạo múa hiện đại của miền Bắc cùng nhóm nhảy của miền Nam. Sự sáng tạo này đã nhận được phản ứng tốt ngoài mong đợi. Nhờ đó, chúng tôi đã tìm ra được nét văn hóa chung của hai miền. Chúng tôi sẽ hoạt động tích cực để có thể thu hẹp khoảng cách văn hóa giữa hai miền cho đến khi đất nước được thống nhất.

Đoàn nghệ thuật dân tộc Bình Nhưỡng mong muốn trở thành cầu nối để xóa đi sự khác biệt về văn hóa giữa hai miền Nam-Bắc thông qua các tiết mục biểu diễn đa dạng. Hy vọng rằng những nghệ sỹ đầy nhiệt huyết này sẽ ngày càng phát triển được tài năng của họ tại Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập