Bảy ngôi chùa cổ được UNESCO công nhận là di sản thế giới
Trong cuộc họp lần thứ 42 diễn ra vào hôm 30/6 tại thủ đô Manama của Bahrain, Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã đồng loạt nhất trí công nhận tất cả bảy ngôi chùa cổ trên núi mà Hàn Quốc đã đăng ký là di sản thế giới. Bảy ngôi chùa này gồm chùa Tongdo (Thông Độ) ở thành phố Yangsan, tỉnh Nam Gyeongsang, chùa Buseok (Phù Thạch) ở thành phố Yeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, chùa Bongjeong (Phụng Đình) ở thành phố Andong, tỉnh Bắc Gyeongsang, chùa Beopju (Pháp Trụ) ở huyện Boeun, tỉnh Bắc Chungcheong, chùa Magok (Ma Cốc) ở thành phố Gongju, tỉnh Nam Chungcheong, chùa Seonam (Tiên Am) ở thành phố Suncheon, tỉnh Nam Jeolla, và chùa Daeheung (Đại Hưng) ở huyện Haenam, tỉnh Nam Jeolla. Tất cả những ngôi chùa này được xây dựng từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX, là nơi bảo tồn giá trị tín ngưỡng, đồng thời cũng là chốn tu hành, sinh sống của các nhà sư. Do đó, những ngôi chùa này được Ủy ban di sản thế giới đánh giá có “giá trị phổ quát cao”, một trong những điều kiện thiết yếu để công nhận là di sản thế giới, kế thừa được truyền thống của Phật giáo. Ngoài ra, các công trình trên cũng đáp ứng điều kiện về tính chân thật, nguyên vẹn, và kế hoạch quản lý, bảo tồn.
Giới thiệu về bảy ngôi chùa cổ
Tongdo là một ngôi chùa cổ được Sư thầy Jajang (Từ Tạng; 636-645) xây dựng vào năm 643. Khi đó, nhà sư Jajang đã chôn trong khuôn viên chùa hạt xá lợi của Đức Phật, cùng áo cà sa được làm từ lụa có đan thêm sợi vàng, và quyển Đại Tạng Kinh được mang về từ nhà Đường (Trung Quốc). Chùa cổ Buseok là ngôi chùa đầu tiên được Đại sư Uisang (Nghĩa Tương) xây cất vào năm 676, sau khi tầm sư học đạo từ nước Đường trở về. Điện Muryangsu (Vô Lượng Thọ) bên trong khuôn viên chùa Buseok, nổi tiếng với những cây cột hình dạng phình to ở giữa và thu hẹp dần về phía hai đầu, là một công trình theo lối kiến trúc thời đại Goryeo (918-1392) được xây dựng vào thế kỷ XIII. Về chùa Bongjeong, thuyết khả thi nhất là Đại sư Neungin (Năng Nhân), một trong 10 đồ đệ của nhà sư Jajang, đã xây dựng ngôi chùa này vào khoảng nửa sau thế kỷ VII. Tại đây có Điện Gueklak (Cực Lạc), là một tòa nhà bằng gỗ lâu đời nhất, được công nhận là di sản quốc gia số 15 của Hàn Quốc.
Theo ghi chép trong quyển Donggukyeojiseungram (Đông quốc dư địa thắng lãm) từ thời đại Joseon, chùa Beopju được cho là do Tổ sư Euishin (Nghĩa Tín) xây dựng. Ngôi chùa ôm trong mình nhiều bảo vật quốc gia như tháp gỗ năm tầng lâu đời nhất Hàn Quốc là điện Palsang (Bát Tương), đèn bằng đá được đỡ bằng cặp sư tử đá, và bể đựng nước bằng đá hình hoa sen (Thạch Liên Trì). Chùa cổ Magok lại có phong cảnh đẹp độc đáo do có một suối nước chảy giữa chùa. Có nhiều ghi chép khác nhau về quá trình và thời gian xây dựng chùa Magok. Có thuyết cho rằng chùa được nhà sư Jajang xây dựng vào thế kỷ VII, cũng có thuyết nói rằng là do Thiền sư Cheching (Thể Trừng) xây cất vào thế kỷ IX.
Về chùa Seonam, có sách ghi là do Hòa thượng Ado (A Đạo) xây vào năm 529, cũng có ghi chép cho rằng do Quốc sư Doseon (Đạo Tuyên) xây vào năm 875. Bài trí của các tòa công trình trong khuôn viên của chùa đã có nhiều thay đổi do bị cháy sau khi trải qua nhiều cuộc chiến tranh, hiện trạng của chùa ngày nay là được phục dựng lại từ năm 1824. Còn chùa Daeheung, mặc dù không rõ về thời điểm xây dựng, nhưng ngôi chùa cổ này bắt đầu hoạt động muộn nhất từ thời Silla thống nhất vào thế kỷ VII.