Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo từ trần

2021-10-30

Tin tức

ⓒYONHAP News

Cựu Tổng thống qua đời

Cựu Tổng thống đời thứ 13 của Hàn Quốc Roh Tae-woo đã từ trần vào ngày 26/10, hưởng dương 89 tuổi, tại Bệnh viện Đại học Seoul. Kể từ sau khi phẫu thuật ung thư tuyến giáp vào năm 2002, ông Roh đã nhiều lần phải nhập viện điều trị, rồi được chăm sóc tại nhà riêng ở Seoul. Tiếp đó, ông lại bị mắc hội chứng teo tiểu não, một căn bệnh hiếm gặp, cộng thêm bệnh hen suyễn, nên hầu như không thể xuất hiện ở các sự kiện công khai. Phía Bệnh viện Đại học Seoul cho biết cựu Tổng thống đã qua đời do phát nhiều bệnh cùng lúc, thể trạng suy nhược trong thời gian dài nằm trên giường bệnh.

Cố Tổng thống Roh Tae-woo sinh ngày 4/12/1932, là con trai trưởng trong một gia đình ở huyện Dalseong, tỉnh Bắc Gyeongsang (nay thuộc thành phố Daegu). Ông tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân, bước vào con đường quân nhân. Ngày 12/12/1979, khi đang giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 Lục quân, ông và người bạn cùng khóa trong Trường Sĩ quan Lục quân là tướng Chun Doo-hwan đã tiến hành cuộc đảo chính quân sự. Sau đó, ông trở thành nhân vật quyền lực thứ hai dưới thời Chính phủ cựu Tổng thống Chun Doo-hwan, giữ nhiều chức vụ chủ chốt như Tư lệnh An ninh, Bộ trưởng Thể thao, Bộ trưởng Nội vụ; rồi tới năm 1987 đắc cử Tổng thống đời thứ 13 của Hàn Quốc.

 

Công lao

Những thành quả trong sự nghiệp chính trị của cố Tổng thống Roh Tae-woo có thể kể đến như việc sửa đổi Hiến pháp, áp dụng chế độ bỏ phiếu trực tiếp bầu Tổng thống, cải thiện quan hệ liên Triều, tổ chức thành công Thế vận hội mùa hè Seoul 1988.

Năm 1987, nhờ sự tiến cử của Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Chun Doo-hwan, ông Roh Tae-woo trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng cầm quyền theo chế độ bầu cử Tổng thống gián tiếp. Tuy nhiên, khi đó trên toàn Hàn Quốc nổ ra các cuộc biểu tình yêu cầu áp dụng chế độ bỏ phiếu trực tiếp bầu Tổng thống. Cuối cùng, ông Roh trên cương vị là Chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ Công lý đã ra Tuyên bố ngày 29/6/1987, chấp thuận yêu cầu này. Trong cuộc bầu cử Tổng thống được tổ chức vào cùng năm, do nội bộ đảng đối lập lục đục, chia rẽ, ông Roh Tae-woo đã giành chiến thắng, trở thành Tổng thống thứ 13 của Hàn Quốc. Năm 1988, Hàn Quốc tổ chức thành công Thế vận hội mùa hè Seoul, và sự kiện này đã trở thành bàn đạp để Chính phủ Tổng thống Roh Tae-woo xúc tiến thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước theo đuổi chủ nghĩa xã hội. Năm 1989, Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hungary, nước đầu tiên trong số các quốc gia cộng sản. Sau đó, Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ với tất cả các quốc gia Đông Âu. Năm 1990, Seoul thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, và với Trung Quốc năm 1992. Những thành quả thiết lập quan hệ ngoại giao này đã lan tỏa bầu không khí hòa giải trên bán đảo Hàn Quốc. Năm 1991, hai miền Nam-Bắc đồng gia nhập Liên hợp quốc.

 

Lỗi lầm lịch sử

Tuy nhiên, những công lao trên của cố Tổng thống Roh Tae-woo cũng không thể che đậy được những lỗi lầm của ông trong lịch sử. Ông đã cùng cựu Tổng thống Chun Doo-hwan tiến hành cuộc đảo chính ngày 12/12/1979, chỉ đạo trấn áp bằng vũ lục Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5/1980, hai “vết nhơ” trong lịch sử hiện đại của Hàn Quốc.

Ngoài ra, ông Roh Tae-woo còn bị cáo buộc tham nhũng, lập quỹ đen trái phép quy mô hàng trăm triệu won. Ông đã bị bắt giam cùng cựu Tổng thống Chun Doo-hwan, bị Tòa án tối cao tuyên phạt 17 năm tù giam và truy thu hơn 260 tỷ won (hơn 225 triệu USD theo tỷ giá hiện tại). Tháng 12/1997, Tổng thống Kim Young-sam trước thềm hết nhiệm kỳ đã quyết định đặc xá cho ông Roh Tae-woo. Tuy nhiên, sau khi được thả tự do, ông Roh tiếp tục đối mặt với “búa rìu dư luận” trong thời gian dài do không chịu nộp số tiền bị truy thu. Phải tới tháng 9/2013, ông Roh mới nộp hết toàn bộ số tiền này.

Tổng kết lại, cố Tổng thống Roh Tae-woo đã có công lao thực thi chế độ bỏ phiếu trực tiếp bầu Tổng thống, thiết lập nền móng để chính giới Hàn Quốc thay thế chính quyền một cách hòa bình, mở rộng chân trời ngoại giao. Ông cũng đã có đóng góp nhất định vào sự đoàn kết người dân. Nhưng mặt khác, cuộc đời cố Tổng thống vẫn lưu lại những lỗi lầm lịch sử về đảo chính và trấn áp bằng vũ lực phong trào dân chủ.

Lựa chọn của ban biên tập