Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Lo ngại lạm phát toàn cầu và những tác động tới nền kinh tế Hàn Quốc

2021-12-11

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tâm lý lo sợ lạm phát toàn cầu vẫn không hề lắng xuống, trong bối cảnh giá dầu mỏ và ngũ cốc vẫn tiếp tục leo thang, thêm vào đó là sự xuất hiện biến thể Omicron của virus COVID-19 gây lo ngại có thể tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn thế giới. Có phân tích cho rằng vật giá ở các nước đang tác động lớn tới vật giá tại Hàn Quốc, dư luận lo ngại giá tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục tăng, xu hướng hồi phục kinh tế sẽ chững lại.

    

Lo sợ lạm phát toàn cầu

Biến số lớn nhất hiện nay đó chính là biến thể Omicron. Các chuyên gia lo ngại biến thể mới có khả năng gây ra tình trạng lạm phát kèm suy thoái (stagflation), tức nền kinh tế co hẹp nhưng vật giá vẫn tăng, cản trở xu hướng hồi phục của nền kinh tế. Trên thực tế, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ đã hạ mạnh dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới quý I năm sau, từ mức 4,5% xuống 2% trong tình huống xấu nhất. Trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị lung lay sẵn do dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Các nước trên thế giới phong tỏa biên giới, giá vận tải tăng vọt, nhiều nhà máy dừng hoạt động, chuỗi cung ứng vật liệu, phụ tùng bị gián đoạn. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm chíp bán dẫn ngày càng trầm trọng, gây trở ngại tới sản xuất ô tô. Tất cả các mặt hàng đều đang đứng trước sức ép tăng giá. Ngoài ra, việc các nước trên toàn thế giới tích cực tham gia vào chính sách trung hòa carbon, bảo vệ môi trường, đã khiến nhiều loại chi phí năng lượng và chi phí sản xuất tăng, càng tác động khiến vật giá leo thang.

 

Tình trạng “lạm phát nông nghiệp”

Tình trạng vật giá gia tăng thể hiện rõ nhất ở các mặt hàng nông sản, bao gồm lương thực, gọi là “lạm phát nông nghiệp” (agflation). Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố chỉ số giá lương thực thế giới tháng 11 đạt 134,4 điểm (so với mức chuẩn 100 điểm giai đoạn 2014-2016), cao nhất trong vòng 10 năm 5 tháng. Chỉ số này đã tăng 4 tháng liên tiếp, và tăng tới 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này được phân tích là bởi sản xuất lương thực không theo kịp nhu cầu, bất ổn chuỗi cung ứng như tình trạng chậm trễ trong vận chuyển hàng hóa của các nước xuất khẩu lương thực. Tình trạng này tác động trực tiếp tới giá tiêu dùng trong nước. Giá tiêu dùng tháng 11 tại Hàn Quốc tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá sinh hoạt và giá thực phẩm tươi sống tăng lần lượt 5,2% và 6,3%; giá nông sản, chăn nuôi và thủy sản tăng 7,6%, góp phần kéo vật giá tăng cao. Trong quý III, giá thực phẩm và đồ uống không cồn tại Hàn Quốc tăng 5%, cao thứ 5 trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tỷ lệ tăng vật giá nói chung của Hàn Quốc xếp thứ 23 OECD.

 

Triển vọng

Theo phân tích của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK), hệ số tương quan giữa tỷ lệ lạm phát toàn cầu và tỷ lệ tăng giá tiêu dùng trong nước đã tăng từ 0,28 trong giai đoạn 2000-2007 lên 0,78 giai đoạn 2010-2021. Có nghĩa là so với quá khứ, vật giá trong nước đang phản ứng nhạy cảm hơn với vật giá quốc tế. BOK phân tích nếu như trước đây, khi vật giá toàn cầu tăng 1% thì vật giá trong nước chỉ tăng 0,1%, nhưng nay mức tăng này là 0,26%. Với tình hình hiện nay, nhiều khả năng mức tăng giá tiêu dùng trong năm 2021 sẽ cao hơn mức dự báo 2,3% của BOK, cao hơn mục tiêu kiểm soát vật giá của Chính phủ là 1,8% và của BOK là 2%. Giới chuyên gia cho rằng tình hình hiện tại sắp gần đạt tới tình trạng lạm phát kèm theo suy thoái, trong khi BOK để ngỏ khả năng sẽ phải nâng lãi suất do vật giá tăng.

Lựa chọn của ban biên tập