Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

10 năm dựng tượng “Thiếu nữ Hòa bình”

2021-12-18

Tin tức

ⓒYONHAP News

Đã 10 năm kể từ sau khi bức tượng “Thiếu nữ Hòa bình”, biểu tượng cho các nạn nhân bị cưỡng ép mua vui cho quân lính Nhật trong Thế chiến II, được dựng tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau 10 năm, thái độ của “kẻ gây hại” là Nhật Bản vẫn không hề có sự thay đổi, Chính phủ Tokyo ngược lại còn đang liên tiếp yêu cầu Seoul phải dỡ bỏ bức tượng này.

 

Tượng “Thiếu nữ Hòa bình”

Tượng “Thiếu nữ Hòa bình” đầu tiên được dựng trước trụ sở Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul vào ngày 14/12/2011 nhân kỷ niệm lần thứ 1.000 cuộc biểu tình ngày thứ Tư kêu gọi giải quyết vấn đề nô lệ tình dục thời chiến. Sau đó, đã có thêm nhiều bức tượng khác tương tự được dựng ở trong và ngoài nước. Hiện tại, có 144 bức tượng được dựng trong nước và 16 bức tượng được dựng ở nước ngoài.

Bức tượng đầu tiên được dựng trước trụ sở Đại sứ quán Nhật Bản có hình một thiếu nữ với mái tóc được cắt ngắn một cách bất đối xứng, bàn tay nắm chặt, ngồi trên ghế với đôi chân trần, gót chân hơi nhón lên. Bên vai trái của thiếu nữ có một con chim nhỏ đang đậu, dưới sàn có chiếc bóng hình dáng một bà lão, bên cạnh là một chiếc ghế để trống. Mái tóc ngắn là biểu tượng cho sự chia cắt với bố mẹ và quê hương, đôi chân trần nhón lên biểu tượng cho sự mông lung của các nạn nhân, không thể yên ổn sinh sống phần đời còn lại sau chiến tranh. Con chim nhỏ phía trên vai của thiếu nữ mang ý nghĩa là thứ kết nối các nạn nhân đã qua đời với hiện tại. Chiếc ghế trống là chỗ ngồi dành cho tất cả các nạn nhân đã rời xa thế giới, hay còn chưa được biết đến. Ngoài ra, chỗ ngồi này còn được dành cho “bất cứ ai” muốn ngồi, thể hiện sự đồng hành cùng các nạn nhân.

   

Vấn đề nô lệ tình dục thời chiến

Người phụ nữ bị ép mua vui chỉ những nạn nhân bị ép làm nô lệ tình dục cho quân lính Nhật Bản tại tiền tuyến trong khoảng thời gian từ những năm 1930 tới khi chiến tranh Thái Bình Dương thuộc Thế chiến II kết thúc vào năm 1945. Họ bao gồm phụ nữ đến từ nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, trong đó phụ nữ Hàn Quốc chiếm nhiều nhất. Không có thống kê chính xác về số các nạn nhân, nhưng ước tính ít nhất là khoảng 50.000 người, nhiều là khoảng hàng trăm nghìn người. Những phụ nữ này mỗi ngày phải sống như một “nô lệ tình dục”, phục vụ từ 10 tới thậm chí hơn 30 quân lính mỗi ngày. Sau khi thực dân Nhật bại trận, họ bị “vứt bỏ”, hoặc thiệt mạng, hay rơi vào tình cảnh bi thảm. Các nạn nhân, tổ chức dân sự, Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, liên tục yêu cầu Nhật Bản phải làm sáng tỏ sự thật và bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân, nhưng Tokyo vẫn đang chối bỏ trách nhiệm. Những người tố giác sự thật này dần bị quên lãng theo thời gian, thậm chí còn bị “miệt thị”, phải sống khổ cực cả về tinh thần lẫn vật chất. Tuy nhiên, kể từ sau những năm 1990, sự thay đổi nhận thức cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và tổ chức dân sự như Hội đồng khắc ghi chính nghĩa, nhiều người đã tích cực đứng ra làm chứng về chế độ nô lệ tình dục thời chiến. Từ tháng 2/1992, Chính phủ Hàn Quốc đã lập Trung tâm tố giác thiệt hại chế độ nô lệ tình dục thời chiến, hơn 200 người đã đứng ra tố giác. Nhưng cho tới nay, phần lớn các nạn nhân đều đã qua đời do tuổi cao, hiện chỉ còn hơn 10 người còn sống

 

Lập trường của Nhật Bản

Nhật Bản vẫn khăng khăng lập trường vấn đề người phụ nữ bị ép mua vui đã được giải quyết dứt điểm theo thỏa thuận Hàn-Nhật mà Ngoại trưởng hai nước đạt được vào ngày 28/12/2015 dưới thời Chính phủ cựu Tổng thống Park Geun-hye. Thỏa thuận này có nội dung Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ hối lỗi và kiểm điểm chân thành về vấn đề nô lệ tình dục thời chiến, Chính phủ Nhật Bản góp 1 tỷ yen (8,8 triệu USD) vào Quỹ Hòa giải, chữa lành vết thương cho nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến do Hàn Quốc thành lập, để hỗ trợ các nạn nhân. Tuy nhiên, sau đó thỏa thuận này đã bị xóa bỏ do có vấn đề về mặt quy trình, bởi Chính phủ đã đơn phương xúc tiến thỏa thuận mà không phản ánh lập trường của các nạn nhân trong nước. Quỹ Hòa giải sau đó cũng đã bị giải thể. Phía Tokyo vin vào thỏa thuận này, vẫn đang yêu cầu Seoul phải dỡ bỏ các bức tượng “Thiếu nữ Hòa bình”.

Lựa chọn của ban biên tập