Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Cháy rừng nghiêm trọng tại vùng duyên hải miền Đông Hàn Quốc

2022-03-12

Tin tức

ⓒYONHAP News

Vào ngày 4/3 vừa qua, tại các địa phương vùng duyên hải phía Đông Hàn Quốc đã xảy ra một loạt các vụ cháy rừng quy mô lớn, ước tính thiệt hại nặng nề nhất từ trước tới nay. Chính phủ Hàn Quốc đã huy động mọi nguồn lực như nhân viên cứu hỏa, cảnh sát, quân đội để dập lửa; đồng thời ban bố “Khu vực thảm họa đặc biệt” với 4 địa phương xảy ra cháy rừng để hỗ trợ khắc phục thiệt hại.

 

Cháy rừng nghiêm trọng

Vụ cháy đầu tiên xảy ra tại huyện Uljin (tỉnh Bắc Gyeongsang) vào ngày 4/3. Uljin là nơi giáp ranh giữa tỉnh Bắc Gyeongsang với tỉnh Gangwon, phía Bắc là thành phố Samcheok, Donghae và Gangneung (tỉnh Gangwon). Các địa phương này nằm dọc theo dãy núi Baekdu (Bạch Đầu), phía Tây là rừng rậm, phía Đông tiếp giáp với biển.

Cháy rừng xảy ra do thời tiết đang vào đợt hanh khô, hạn hán mùa đông nghiêm trọng, cộng thêm gió thổi mạnh nên ngọn lửa đã lan nhanh từ tỉnh Bắc Gyeongsang tới tỉnh Gangwon. Tỉnh Bắc Gyeongsang đã trải qua đợt hạn hán mùa đông nghiêm trọng, lượng mưa bình quân trong tháng 1 vừa qua chỉ đạt 2,5 mm, tháng 2 là 3 mm. Khu vực ven biển Đông thuộc tỉnh Gangwon thường có tuyết rơi nhiều vào tháng 2, nhưng trong tháng 2 năm nay, chỉ có hai ngày tuyết rơi là 1/2 (3,3 cm) và 10/2 (0,1 cm). Thời tiết khô hạn như vậy thường dễ xảy ra cháy rừng, ngọn lửa một khi đã bùng lên thì lan rất nhanh. Ngoài ra, thông là loài cây mọc nhiều nhất trong các cánh rừng tại Hàn Quốc. Đây cũng được cho là một nguyên nhân khiến cháy rừng lan rộng do nhựa thông rất dễ bắt lửa. Chỉ cần một đốm lửa nhỏ ở khu vực cháy rừng bay theo gió sang khu vực khác thì sẽ rất dễ gây ra một đám cháy khác.   

 

Công tác chữa cháy và thiệt hại

Chính phủ Hàn Quốc đã huy động hơn 7.000 nhân lực, 104 trực thăng và hơn 600 xe chữa cháy tới khu vực cháy rừng. Tuy nhiên, do xảy ra cháy lớn cùng một lúc ở nhiều địa điểm khác nhau, nên công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn. Ngoài cháy rừng ở khu vực ven biển Đông tỉnh Gangwon còn xảy ra các vụ cháy khác trên toàn quốc, như huyện Yeongwol (tỉnh Gangwon), quận Geumjeong (thành phố Busan), thành phố Ansan (tỉnh Gyeonggi), huyện Dalseong (thành phố Daegu), công tác chữa cháy hiện vẫn đang tiếp diễn.

Một điều gần như chắc chắn là thiệt hại từ đợt cháy rừng lần này sẽ ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Theo Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương, tính đến tối ngày 8/3, ước tính đã có hơn 22.000 hecta rừng bị thiêu rụi. Trận cháy rừng quy mô nghiêm trọng nhất trước đó là vào năm 2000, cũng tại khu vực duyên hải phía Đông, thiêu rụi khoảng 24.000 hecta rừng, diện tích tương đương khoảng 11.500 sân bóng đá. Đặc biệt, đám cháy ở huyện Uljin đang đe dọa tới cả khu vực bảo tồn thông Geumgang, loại thông được sử dụng làm vật liệu xây dựng cao cấp và là nơi sinh trưởng tự nhiên của nấm tùng nhung. May mắn là cho tới nay vẫn chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tuy nhiên, đã có khoảng 600 cơ sở bị thiệt hại, trong đó có 400 nhà ở bị thiêu rụi, 350 người dân bị thiệt hại tài sản, hàng nghìn người đang phải sơ tán.

   

Ban bố “Khu vực thảm họa đặc biệt” và hỗ trợ thiệt hại

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 6/3 đã chỉ định huyện Uljin và thành phố Samcheok là “Khu vực thảm họa đặc biệt”. Hai ngày sau, vào ngày 8/3, Tổng thống chỉ định thêm hai địa phương nữa là thành phố Gangneung và Donghae. Nếu được chỉ định là “Khu vực thảm họa đặc biệt”, địa phương đó sẽ được Chính phủ hỗ trợ ngân sách để khắc phục thiệt hại, như chi phí khôi phục nhà ở, nên sẽ giảm nhẹ được gánh nặng về tài chính. Người dân bị thiệt hại sẽ có thể được nhận tiền hỗ trợ ổn định sinh hoạt, đồng thời được hoãn nộp các khoản thuế địa phương, hoặc được miễn giảm một số loại phí công cộng.

Khu vực bị thiệt hại lần này là nơi thường xuyên chảy ra các vụ cháy rừng quy mô lớn, thậm chí lịch sử cháy rừng còn được đề cập cả trong tài liệu lịch sử “Joseon vương triều thực lục” (Biên niên sử của triều đại Joseon). Đặc biệt, cháy rừng đang xảy ra với tần suất lớn hơn so với quá khứ do biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng cao, hạn hán. Rừng Hàn Quốc lại có đặc điểm là nhiều thông, nhiều vụ cháy rừng xảy ra do sơ ý vào mùa xuân khô hanh. Giới chuyên gia chỉ ra rằng Chính phủ Hàn Quốc cần phán đoán tổng hợp tất cả các nguyên nhân để lập đối sách căn bản, đối phó một cách dài hạn.

Lựa chọn của ban biên tập