Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Ông Yoon Suk-yeol chiến thắng trong cuộc Tổng thống Hàn Quốc thứ 20

2022-03-12

Tin tức

ⓒYONHAP News

Cuộc bầu cử Tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc đã kết thúc với chiến thắng thuộc về ứng cử viên đảng đối lập Sức mạnh quốc dân Yoon Suk-yeol. Ông Yoon đã đắc cử với số phiếu cách biệt sít sao nhất trong lịch sử Hiến pháp Hàn Quốc. Kết quả bầu cử được phân tích là đã thể hiện rõ sự phân cực rõ nét về quan điểm chính trị trong xã hội Hàn Quốc theo khu vực, thế hệ, giới tính.

   

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol

Ông Yoon Suk-yeol mới bước chân vào chính giới không lâu, chưa từng giữ các chức vụ do người dân trực tiếp bầu ra, như nghị sỹ Quốc hội. Ông sinh năm 1960 tại Seoul, theo học chuyên ngành luật tại Đại học quốc gia Seoul, sau đó gia nhập vào giới công chức Hàn Quốc trong vai trò là công tố viên. Từng giữ vị trí quan trọng như Viện trưởng Viện Kiểm sát khu vực Trung Seoul, năm 2019, ông được Tổng thống Moon Jae-in bổ nhiệm giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao, lãnh đạo ngành công tố. Ông từng khiến dư luận chú ý bởi phát ngôn “không trung thành với con người”, hàm ý chỉ trung thành với quốc gia dựa trên pháp luật, không bị khuất phục bởi quyền lực trong đó có cả Tổng thống.

Đúng như phát biểu trên, dưới thời Chính phủ cựu Tổng Park Geun-hye, ông đóng vai trò là Trưởng Nhóm điều tra vụ Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) thao túng dư luận năm 2013. Bất chấp sự phản đối của ban lãnh đạo Viện Kiểm sát, ông đã xúc tiến khám xét trụ sở NIS, dẫn tới bị kỷ luật và giáng chức. Sau đó, ông đã tích cực hoạt động trong Nhóm công tố viên đặc biệt điều tra vụ bê bối bà Choi Soon-sil thao túng quyền điều hành quốc gia dưới thời Chính phủ cựu Tổng thống Park Geun-hye, khiến bà Park bị luận tội. Tới thời Tổng thống Moon Jae-in, trên cương vị là Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao, ông đã phản đối kế hoạch cải cách Viện kiểm sát của Chính phủ đương nhiệm trong đó tước bỏ quyền điều tra của công tố viên, đồng thời tiến hành điều tra một số nhân sự chủ chốt của phe cầm quyền, bất hòa với Chính phủ đương nhiệm.

Sau nhiều mâu thuẫn với Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in, trước sức ép lớn từ phe cầm quyền, ông Yoon tự xin từ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao. Cũng chính nhờ điều này mà ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong dân chúng, trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng đối lập lớn nhất Quốc hội, và cuối cùng là thay thế chính quyền thành công.

 

Sự phân cực sâu sắc trong xã hội và bài toán đặt ra

Dù đắc cử Tổng thống nhưng ông Yoon Suk-yeol bị đánh giá là chưa thành công trong việc thu hút được sự ủng hộ của cử tri trung lập. Ông đã nhận được tổng cộng 16,39 triệu phiếu bầu, tỷ lệ đạt 48,56%. Trong khi ứng cử viên Lee Jae-myung của đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành đạt 16,14 triệu phiếu, tỷ lệ 47,83%. Hai người chỉ chênh nhau 0,73%, với 247.000 phiếu. Phải tới khi quá trình kiểm phiếu hoàn tất 98% thì ông Yoon mới chắc chắn về việc đắc cử, cách biệt sít sao người về thứ hai, và không giành được quá bán số phiếu bầu. Kết quả này được phân tích là do hiện tượng tầng lớp cử tri ủng hộ của một đảng quay sang ủng hộ cho ứng cử viên của đảng đối thủ. Cuộc bầu cử lần này bị đánh giá là “mất thiện cảm” chưa từng có, khi hai đảng lớn liên tục công kích nhắm vào vợ của ứng cử viên đối thủ. Kết quả là nhiều người ủng hộ của hai đảng quay sang ủng hộ cho đảng kia. Hiện tượng này càng rõ nét hơn khi tới sát ngày bầu cử, ông Yoon Suk-yeol hợp nhất tranh cử thành công với ứng cử viên Ahn Cheol-soo của Đảng vì Quốc dân. Cuộc bỏ phiếu sớm cũng đã thể hiện rõ điều này.

Kết quả bầu cử Tổng thống thứ 20 cho thấy quỹ đạo chính trị địa phương lâu đời tại Hàn Quốc vẫn được giữ nguyên. Ông Yoon Suk-yeol chiếm ưu thế áp đảo tại vùng Yeongnam (gồm tỉnh Gyeongsang và các thành phố Busan, Daegu, Ulsan), trong khi ứng cử viên Lee Jae-myung vượt lên trước ở vùng Honam (gồm thành phố Gwangju, tỉnh Nam và Bắc Jeolla). Ngoài ra, sự rạn nứt giữa các thế hệ cũng được thể hiện rõ nét. Tỷ lệ ủng hộ hai ứng cử viên lớn của nhóm cử tri 20, 30 tuổi ngang ngửa nhau, nhưng cử tri 40 và 50 tuổi thiên về ủng hộ ông Lee Jae-myung, ứng cử viên trên 60 tuổi ủng hộ ông Yoon Suk-yeol. Sự phân cực về quan điểm chính trị giữa nam giới và nữ giới cũng ở mức nghiêm trọng. Trong thời gian vận động tranh cử, Yoon Suk-yeol tập trung lấy lòng cử tri nam giới ngoài 20 tuổi, nên tỷ lệ ủng hộ ông Yoon ở nhóm đối tượng này đạt 58,7%. Tuy nhiên, cử tri nữ ở nhóm tuổi này quay lưng lại với ông Yoon, tỷ lệ ủng hộ chỉ đạt 36,6%. Do vậy, bài toán cấp thiết đặt ra với ông Yoon đó là khả năng lãnh đạo bao trùm để đoàn kết một xã hội hiện đang bị rạn nứt nghiêm trọng. Tại cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung được tiến hành song song với bầu cử Tổng thống, mặc dù đảng Sức mạnh quốc dân giành thắng lợi áp đảo, nhưng hiện tại, đảng Dân chủ đồng hành vẫn đang chiếm hai phần ba số ghế tại Quốc hội nên Tổng thống đắc cử sẽ khó có thể “tự do hành động”.

Lựa chọn của ban biên tập