Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên thị uy sức mạnh quân sự nhân thời điểm Hàn Quốc chuyển giao chính quyền

2022-03-19

Tin tức

ⓒYONHAP News

Nhân lúc tình hình thế giới đang hỗn loạn như chiến sự Nga-Ukraine và thời điểm Hàn Quốc chuyển giao chính quyền, Bắc Triều Tiên đã liên tục thị uy sức mạnh quân sự, đẩy cao căng thẳng. Ngày 5/3, nước này phóng tên lửa đạn đạo về vùng biển phía Đông. Ngày 16/3, nước này phóng tiếp tên lửa, mặc dù thất bại nhưng đây được phỏng đoán là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Có khả năng miền Bắc sẽ còn khiêu khích tiếp trong thời gian tới.

 

Bắc Triều Tiên phóng tên lửa

Quân đội Hàn Quốc xác nhận vào lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 16/3, Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo từ khu vực sân bay Sunan, Bình Nhưỡng nhưng tên lửa đã phát nổ khi gần đạt tới độ cao 20 km sau khi phóng. Thông thường, nếu tên lửa phát nổ ngay khi mới phóng thì sẽ khó phân tích được các thông số cụ thể của tên lửa. Tuy nhiên, quân đội phỏng đoán đây là tên lửa ICBM sau khi cân nhắc tới địa điểm phóng và các động thái gần đây của miền Bắc. Sân bay Sunan là nơi Bắc Triều Tiên từng thử nghiệm tính năng của tên lửa ICBM kiểu mới Hwasong-17 vào ngày 27/2 và 5/3. Góc bắn thông thường của tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thường là từ 30-45 độ. Trong trường hợp phóng thử nghiệm thì tên lửa sẽ được đẩy cao góc bắn hơn thông thường, nên có thể bay tới độ cao từ hàng trăm tới hàng nghìn km. Do vậy, việc tên lửa chỉ bay tới độ cao 20km đồng nghĩa với việc tên lửa đã phát nổ ngay sau khi được phóng đi. Các chuyên gia đưa ra khả năng rằng có thể tên lửa của miền Bắc đã gặp trục trặc về hệ thống động cơ. Đây là lần đầu tiên miền Bắc gặp thất bại khi phóng tên lửa đạn đạo, kể từ sau các vụ nổ trên không của tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan vào năm 2016-2017.

 

Bối cảnh

Việc Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo vừa vi phạm nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, vừa tự phá vỡ cam kết dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa ICBM mà nước này đưa ra hồi tháng 4/2018. Trong thời gian qua, mặc dù nhiều lần khiêu khích nhưng Bình Nhưỡng vẫn chưa phá vỡ cam kết này. Vào ngày 10/10/2020, trong lễ duyệt binh kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động, miền Bắc lần công khai tên lửa ICBM Hwasong-17 đa đầu đạn được cải tiến về tính năng, nhưng nước này đã không phóng thử nghiệm. Tuy nhiên, vào ngày 27/2 và 5/3 năm nay, Bắc Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo, được cho là liên quan tới tên lửa ICBM. Hiện tại, Mỹ đang tập trung vào vấn đề Ukraine, trong khi tại Hàn Quốc, ứng cử viên phe bảo thủ Yoon Suk-yeol đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống, và đang bước vào quá trình chuyển giao chính quyền. Lợi dụng tình hình nhiều xáo trộn hiện nay, Bắc Triều Tiên thị uy sức mạnh quân sự vừa nhằm củng cố đoàn kết nội bộ, vừa để phô trương thành tựu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tăng cường đảm bảo an ninh cho thể chế nước này.   

 

Triển vọng

Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng Bắc Triều Tiên sẽ vội vàng thử nghiệm tiếp tên lửa, hơn là tập trung làm rõ nguyên nhân thất bại và hoàn thiện tính năng tên lửa. Việc phân tích nguyên nhân phát nổ ngay sau khi phóng là điều rất khó khăn, thêm vào đó lại sắp sửa tới “Tết Thái Dương”, kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, ngày lễ lớn nhất trong năm của miền Bắc. Do vậy, chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải hoàn thành mục tiêu ở lĩnh vực quân sự công bố trong thời gian qua, phô trương thành tựu của ông Kim. Rất có thể trong thời gian tới, miền Bắc sẽ tiếp tục lấy danh nghĩa là thử nghiệm vệ tinh trinh sát để phóng tiếp tên lửa tầm xa, nhằm hoàn thiện quá trình phát triển tên lửa ICBM kiểu mới. Nếu Bắc Triều Tiên có động thái thị uy sức mạnh quân sự khác thì có thể Mỹ và Hàn Quốc sẽ đối phó cứng rắn hơn trước. Trên thực tế, quân đội Mỹ vừa qua đã công khai về việc diễn tập trên không và trên mặt đất, ra thông điệp cảnh cáo cứng rắn với Bình Nhưỡng.

Lựa chọn của ban biên tập