Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Giá tiêu dùng Hàn Quốc tăng ở ngưỡng 4% trong tháng 3

2022-04-16

Tin tức

ⓒYONHAP News

Giá dầu thô, giá nguyên vật liệu, ngũ cốc đang leo thang do chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ. Nền kinh tế thế giới đang oằn mình trước lạm phát cao. Trong khi đó, tỷ lệ tăng giá tiêu dùng tại Hàn Quốc lần đầu ở ngưỡng 4% trong vòng hơn 10 năm qua. Theo đó, Chính phủ và Ngân hàng trung ương các nước trong đó có Hàn Quốc đang đồng loạt nâng lãi suất, siết chặt dòng tiền, đồng thời hạ thuế xăng dầu để giảm gánh nặng cho người dân, nhưng dự kiến khó khăn sẽ ngày càng chồng chất hơn.

    

Nền kinh tế thế giới gồng mình trước lạm phát

Các chuyên gia cho rằng kinh tế thế giới đang đứng trước thời kỳ lạm phát mới, tức là yếu tố kéo lạm phát tăng sẽ còn tiếp diễn trong khoảng thời gian tới. Trên thực tế, các nước phát triển lớn đều đang ghi nhận lạm phát ở mức cao, và Hàn Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Theo Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), 60% các nước phát triển đang ghi nhận tỷ lệ lạm phát trên 5%, cao kỷ lục kể từ sau thập niên 80 của thế kỷ trước. Thông thường, nền kinh tế các nước phát triển đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 2%. Điều này cho thấy giá cả hiện tại đang ở mức cao nghiêm trọng. Trong tháng 3 vừa qua, tỷ lệ tăng giá tiêu dùng tại Mỹ là 8,5%, Đức là 7,3%, Ý 6,7%, Anh cũng tăng ở mức tương tự. 19 nước thành viên sử dụng đồng tiền chung euro cũng ghi nhận tỷ lệ tăng giá tiêu dùng 7,5%, cao kỷ lục. Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng hơn 40 năm kể từ tháng 12/1981. Tại các nền kinh tế mới nổi, giá cả còn tăng nhanh hơn cả các nước phát triển. Theo BIS, hơn một nửa các nước mới nổi đang có giá tiêu dùng tăng ở ngưỡng 7%. Đặc biệt, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ đang ghi nhận giá cả tăng ở ngưỡng 50% trong năm nay. Brazil ghi nhận mức tăng 11,3%, Ấn Độ 6,9%. Riêng giá cả ở Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang duy trì chiều hướng ổn định.

    

Giá tiêu dùng Hàn Quốc tăng cao nhất trong 10 năm

Theo báo cáo “Xu hướng giá tiêu dùng tháng 3” do Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố vào ngày 5/4 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 đạt 106,06 điểm, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao kỷ lục sau mức 4,2% tháng 12/2011. Yếu tố chính kéo giá cả leo thang chính là sản phẩm công nghiệp như dầu mỏ, dịch vụ cá nhân như ăn uống. Nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu quốc tế tăng vọt. Trên thực tế, giá các mặt hàng xăng dầu đều đang tăng đột biến, giá ngũ cốc cũng tăng vọt khiến giá bánh mỳ tăng gần 10%. Giá dầu quốc tế (tính theo giá dầu thô Tây Texas Mỹ) đã tăng đỉnh điểm trong tháng 3, gần đây có xu hướng ổn định. Tuy nhiên, tính riêng trong năm nay, giá dầu thô đã tăng khoảng 35%. Ngoài ra, trong năm nay, giá bột mỳ đã tăng 42%, đậu tương tăng 26%, ngô tăng 30%. Chỉ số giá lương thực (FFPI) của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố tháng 3 đạt 159,3 điểm, tăng tới 12,6% so với một tháng trước, hai tháng liên tiếp xác lập mức cao kỷ lục.

 

Thắt chặt tiền tệ

Trong bối cảnh trên, Ngân hàng trung ương các nước đang đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ. Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 14/3 đã mở cuộc họp về phương hướng chính sách tiền tệ, quyết định nâng 0,25% lãi suất cơ bản, từ mức 1,25% lên 1,5%/năm. Bất chấp vị trí Thống đốc đang bị bỏ trống, BOK vẫn quyết định nâng tiếp lãi suất, ba tháng sau đợt nâng lãi suất mới nhất vào tháng 1 năm nay, nhằm kiểm soát tình hình vật giá leo thang. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định giảm tiếp thuế xăng dầu, từ 20% thành 30%, áp dụng cho tới tháng 7.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang để ngỏ khả năng sẽ hạ mạnh 0,5% lãi suất một lần vào tháng 5. Anh dự kiến sẽ nâng tiếp lãi suất trong tháng 5, sau ba đợt nâng lãi suất liên tiếp trước đó. Các nước phát triển khác cũng đang đồng loạt dự báo nâng lãi suất.

Lựa chọn của ban biên tập