Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Nhà cách mạng lỗi lạc Shin Chae-ho

2010-09-03

Nhà cách mạng lỗi lạc <b>Shin Chae-ho</b>
Dùng ngòi bút làm vũ khí đấu tranh
“Muốn yêu đất nước thì phải đọc lịch sử, muốn người dân nước khác tôn trọng mình thì phải cho họ đọc lịch sử nước mình”.

Đó là câu nói của một nhà sử học luôn nhấn mạnh, lịch sử chính là cội nguồn, gốc rễ của lòng yêu nước và cần nâng cao nhận thức về lịch sử để khơi dậy lòng yêu nước của mỗi con người. Sử gia đó chính là Danjae Shin Chae-ho, nhà hoạt động cách mạng gìn giữ tinh thần dân tộc trong suốt Thời kỳ Đen Tối dưới ách áp bức của thực dân Nhật với tâm niệm, phải đánh thức lòng tự trọng dân tộc mới có thể xây dựng lại một đất nước vững mạnh. Shin Chae-ho đã mở ra con đường độc lập mới cho toàn bán đảo Hàn Quốc.

Đi đầu trong phong trào yêu nước
Shin Chae-ho sinh ngày 7 tháng 11 năm 1880 tại quận Daedeok, tỉnh Nam Chungcheong. Shin học chữ Nho tại thư đường của ông nội từ khi 6 tuổi, thi Hương lúc 10 tuổi và năm 13 tuổi đã thông thạo tam kinh, tứ thư. Năng lực Hán ngữ của cậu bé Shin Chae-ho giỏi đến mức cậu có thể đọc một cách say mê các bộ tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng của Trung Quốc như Tam Quốc chí, Thủy Hử và ngâm thơ chữ Hán. Nhờ đó, năm 1898, Shin nhập học vào trường dạy Nho giáo tốt nhất thời đó là Sungkyunkwan nhưng quan điểm của ông không theo khuôn mẫu như các học giả nho giáo khác mà mang tính dân chủ, tiến bộ.

Lúc bấy giờ, ở Seoul dấy lên làn sóng đấu tranh cách mạng như phong trào độc lập, tự chủ, dân quyền của Hiệp hội Độc lập hay các cuộc tụ tập, biểu tình mang tính tự phát của người dân, hay còn gọi là “Cuộc họp vạn dân” diễn ra hàng ngày tại trung tâm quận Jongno, Seoul. Shin Chae-ho cũng tham gia tích cực với tư cách là một cán bộ văn thư của Hiệp hội Độc lập và “Cuộc họp vạn dân”, sẵn sàng chuẩn bị cho sự thay đổi của xã hội.

Đặc biệt, năm 1905, sau khi Nhật Bản ép buộc Hàn Quốc ký kết Điều ước Ất Tỵ là điều ước giao quyền quản lý ngoại giao và quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Hàn Quốc cho Nhật, Shin Chae-ho đã biến sự phẫn nộ và nỗi đau mất nước thành phong trào thức tỉnh để giành lại giang sơn. Ban đầu, Shin hoạt động với tư cách là nhà lý luận về phong trào thức tỉnh lòng yêu nước. Năm sau đó, ông tham gia viết xã luận cho tờ báo “Tin thường nhật Đại Hàn”, khích lệ tinh thần độc lập qua hàng loạt các bài viết cứng rắn như “3 đời nô lệ trung thành của Nhật Bản”, “Anh hùng và thế giới”, “Nói với người nêu quan điểm sát nhập Hàn Quốc - Nhật Bản”.

Năm 1907, Shin tham gia làm ủy viên sáng lập của “Tân Dân Hội”, một tổ chức bí mật chống Nhật của nhà hoạt động cách mạng Ahn Chang-ho, đồng thời xây dựng tiêu chí hoạt động cho Tân Dân Hội. Năm 1909, Shin cùng các thanh niên yêu nước Yoon Chi-ho, Ahn Chang-ho, Choi Nam-sun sáng lập Hội đồng niên và viết bản tiêu chí Hội. Ông còn viết truyền kỳ về các anh hùng lịch sử như “Eulji Mundeok”, “Tướng quân Yi Sun-shin”, trở thành người tiên phong trong phong trào độc lập. Shin Chae-ho đã dùng cây bút để truyền thêm dũng khí cho toàn dân tộc đang chịu nỗi đau mất nước.

Năm 1910, đất nước Joseon do Thái tổ Lee Seong-gye xây dựng đã bị sát nhập cưỡng bức bởi thực dân Nhật, Shin Chae-ho đi ẩn náu và trực tiếp tham gia hoạt động đấu tranh vì độc lập.

Từ nghiên cứu lịch sử tới hoạt động cách mạng
Năm 1910, Shin Chae-ho náu sang Trung Quốc cùng các thành viên của Tân Dân Hội. Năm 1911, ông tới thành phố cảng Vladivostok ở miền Nam nước Nga để tiến hành phong trào cách mạng. Shin đã lập ra “Hội Độc lập” và hoạt động với tư cách là phó Chủ tịch Hội.

Trong quá trình đó, Shin Chae-ho đã nhận ra một điều hết sức quan trọng rằng dân tộc Hàn Quốc không phải chỉ ở trên bán đảo Hàn Quốc mà là một dân tộc hùng mạnh đã từng cai trị cả vùng Mãn Châu và đi khắp đại lục rộng lớn. Do đó, Shin đã tìm đến vùng đất Mãn Châu của Goguryeo ngày xưa, khám phá những dấu chân và nghĩa khí của người Goguryeo đã từng đi quanh lục địa, đồng thời dồn sức vào việc nghiên cứu lịch sử quốc gia. Thông qua đó, ông mô tả lịch sử là một “cuộc đấu tranh giữa Chúng ta và Người không phải Chúng ta”. Ông nhấn mạnh, “Độc lập không phải cái có sẵn mà là cái mà chúng ta phải đấu tranh và giành lấy”.

Shin Chae-ho đã dùng lịch sử dân tộc để nâng cao lòng tự hào, tự tôn cho người dân Hàn Quốc và tạo nền tảng đấu tranh giành độc lập bằng cách khôi phục lại sự thật về lịch sử cổ đại hào hùng mà bấy lâu nay vẫn bị thực dân Nhật bóp méo, xuyên tạc. Những trang sử ấy đã được đăng tải thường kỳ trên Nhật báo Chosun với tựa đề “Lịch sử Chosun thời thượng cổ”. Bằng việc này, Shin Chae-ho đã khắc sâu vào trái tim mỗi người dân một tâm niệm “lịch sử là linh hồn của dân tộc”.

Không ngừng đánh thức lòng tự hào dân tộc
Tuy nhiên, năm 1931, trong khi “Lịch sử Chosun thời thượng cổ” vẫn được in ấn, Shin Chae-ho đã bị giam trong nhà tù Lữ Thuận (Trung Quốc). Shin Chae-ho, nhà hoạt động cách mạng chống Nhật không chỉ bằng ngòi bút sắc bén mà còn trực tiếp dấn thân nơi tiền tuyến, đã bị địch bắt giữ năm 1928. Năm 1936, Shin đã chết trong tù do sức khỏe suy sụp.

Shin Chae-ho đã tự gọi mình là “Danjae”, theo tiếng Hán nghĩa là “Đan Trai”, ám chỉ người có tấm lòng son, thanh khiết. Tên hiệu này có liên quan đến nhan đề bài “Đan Tâm Ca”, một bài thơ thể hiện tấm lòng cao cả của vị tướng tài ba Choi Young, một trung thần cuối thời Goryeo đã có ý định khôi phục vùng đất rộng lớn tại Mãn Châu xưa kia của Goguryeo. Linh hồn của người anh hùng chính trực Shin Chae-ho đã luôn ngẩng cao đầu dưới ách thống trị của thực dân, ngày nay vẫn còn cháy bỏng. Danjae cho rằng, trong Thời kỳ Đen Tối, lịch sử phải chân thực thì đất nước mới đứng vững, và đất nước có đứng vững thì mới có thể xây dựng lại giang sơn vững mạnh. Ngọn lửa lòng đó đã tiếp thêm sức mạnh cho hậu thế và trở thành động lực lớn cho đất nước Hàn Quốc không ngừng vươn ra thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập