Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc phóng thành công tên lửa thử nghiệm Nuri

2018-12-02

Tin tức

ⓒKBS News

Vào lúc 4 giờ chiều ngày 28/11, Bộ Khoa học, công nghệ, thông tin và truyền thông cùng Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc đã tiến hành phóng tên lửa thử nghiệm Nuri tại Trung tâm vũ trụ Naro (huyện Goheung, tỉnh Nam Jeolla).

 

Phóng thành công

Tính năng của tên lửa thử nghiệm lần này được đánh giá bằng thời gian đốt cháy nhiên liệu của động cơ, mục tiêu đặt ra là 140 giây. Nếu vượt quá thời gian này thì có nghĩa là động cơ đã phát huy được lực đẩy theo mục tiêu đề ra, tức vụ phóng thử đã thành công. Tên lửa thử nghiệm có chiều dài 25,8m, đường kính tối đa 2,6m, trọng lượng 52,1 tấn, gắn động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng nặng 75 tấn. Tên lửa thử nghiệm chính là tầng 2 của tên lửa Nuri, tên lửa đẩy do Hàn Quốc tự phát triển gồm 3 tầng. Thời gian đốt cháy nhiên liệu trong vụ phóng cùng ngày đạt 151 giây, tức vụ phóng đã diễn ra thành công. Tổng thời gian bay của tên lửa là hơn 10 phút, đạt tới độ cao tối đa 209 km. Các tính năng của động cơ đã hoạt động bình thường. Ban đầu, vụ phóng này được dự định diễn ra vào ngày 25/11, nhưng đã phải lùi lại một lần do vấn đề trục trặc trong hệ thống tăng áp nhiên liệu phản lực.

 

Quá trình phát triển

Quá trình phát triển tên lửa thử nghiệm đã bị trì hoãn khoản 10 tháng vì nhiều vấn đề vướng mắc. Công nghệ động cơ tên lửa là điểm cốt lõi trong quá trình phát triển tên lửa đẩy. Các nước sở hữu được công nghệ này đã bảo mật rất chặt chẽ, không bao giờ công bố, nên đội ngũ nghiên cứu của Hàn Quốc đã phải tự giải quyết mọi vấn đề. Nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc đã gặp nhiều khó khăn như sự bất ổn trong quá trình đốt cháy nhiên liệu, kỹ thuật hàn thùng chứa nhiên liệu. Do đó, các nhà nghiên cứu đã phải thay đổi thiết kế động cơ tới hơn 20 lần, tiến hành 100 đợt thử nghiệm đốt cháy nhiên liệu trên mặt đất, rồi cuối cùng mới đạt được độ tin cậy về tính năng của động cơ.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Trước đó, Hàn Quốc từng phóng thành công tên lửa “Naro” vào tháng 1 năm 2013. Tuy nhiên, tên lửa Naro là tên lửa đẩy 1 tầng, sử dụng động cơ của Nga nên không được dư luận đánh giá cao. Tên lửa Nuri là tên lửa hoàn toàn được phát triển trong nước, kể cả phần động cơ, trên thực tế mang ý nghĩa hoàn thiện công nghệ vũ trụ. Tên lửa này có 3 tầng, với 4 động cơ 75 tấn sử dụng nhiên liệu lỏng, lực đẩy đạt 300 tấn, có tổng chiều dài 47,2m, đường kính tối đa là 3,5m, tổng trọng lượng là 200 tấn. Nếu phát triển thành công tên lửa Nuri, Hàn Quốc sẽ có thể tự đưa vệ tinh ứng dụng cỡ vừa nặng 1,5 tấn lên quỹ đạo thấp của Trái đất (độ cao từ 600 tới 800 km). Hiện tại, công nghệ vệ tinh nhân tạo của Hàn Quốc đang đứng đầu thế giới, được kiểm chứng đầy đủ trên thị trường quốc tế. Nếu lần này Hàn Quốc làm chủ được cả công nghệ về tên lửa đẩy, thì nền công nghiệp vũ trụ của Hàn Quốc sẽ có thể “cất cánh”. Với thành công của vụ phóng thử nghiệm lần này, Hàn Quốc đã vượt qua được cửa ải khó khăn nhất. Giờ đây, bài toán còn lại là ráp 4 động cơ 75 tấn và hoàn thiện động cơ tầng 1 của tên lửa Nuri. Hàn Quốc dự kiến sẽ phóng tên lửa Nuri vào năm 2021, có nghĩa là sẽ cần phải kết thúc thành công toàn bộ quá trình thử nghiệm cho tới năm 2020. Từ nay cho tới năm 2019, Hàn Quốc sẽ phải chế tạo mô hình kỹ thuật (Engineering Model-EM) của tầng 1 và mô hình kiểm tra (Qualification Model-QM) cho tầng 3 của tên lửa, kiểm chứng về tính năng, xây dựng hệ thống bệ phóng mới. Việc Hàn Quốc gia nhập “câu lạc bộ vũ trụ” chỉ còn là vấn đề thời gian.

Lựa chọn của ban biên tập