Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Nền kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ suy thoái

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-08-26

© YONHAP News

Đảo ngược lãi suất trái phiếu Chính phủ tại Mỹ


Kích hoạt bởi hiện tượng đảo ngược lãi suất tại Mỹ, nỗi lo về suy thoái kinh tế đang bao trùm nền kinh tế thế giới, gióng một hồi chuông cảnh báo đến thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Hàn Quốc. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, Giáo sư Gwak Roh-sung từ khoa Thương mại quốc tế, trường Đại học Donguk phân tích về các tín hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế, trước hết là quyết định đảo ngược lãi suất của Mỹ. 


Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, các nền kinh tế lớn như Mỹ đã áp dụng chính sách nới lỏng định lượng, cắt giảm lãi suất. Biện pháp này đã phát huy hiệu quả, giúp phục hồi nền kinh tế toàn cầu trong năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, trong tranh chấp thương mại bùng phát giữa Mỹ và Trung Quốc hồi năm ngoái, Washington đã áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh, đồng thời đặt ra các hạn chế đối với ngành công nghệ cao của Trung Quốc, khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chao đảo. Cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất đã buộc nhiều nước phải giảm xuất khẩu. Trong khi đó, nỗi lo về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) (còn gọi là Brexit) mà không đạt được thỏa thuận, đã xuất hiện tại lục địa già. Giữa bối cảnh ấy, lãi suất ngắn hạn và dài hạn của trái phiếu Chính phủ Mỹ đã bị đảo ngược, gây ra lo ngại về sự thu hẹp đầu tư trong tương lai và suy thoái kinh tế toàn cầu.


Tác động của “đảo ngược đường cong lợi suất” đối với Hàn Quốc 


Trong phiên giao dịch ngày 14/8, lãi suất đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm là 1,64%, thấp hơn cả lãi suất của trái phiếu kỳ hạn hai năm. Đây là lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, lãi suất dài hạn của trái phiếu Chính phủ Mỹ thấp hơn lãi suất ngắn hạn. Hiện tượng bất thường này, còn được gọi là “đảo ngược đường cong lợi suất”, đã khiến thị trường tài chính thế giới hoảng loạn. Cùng ngày, chỉ số công nghiệp Dow Jones (Mỹ) đã giảm tới 3%, mức giảm mạnh nhất trong năm nay. Nghiêm trọng hơn, nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu đang lan sang các nền kinh tế lớn khác như Đức, Nhật Bản, vốn được biết đến với nền tảng kinh tế vững chắc. Theo đó, trong lúc Mỹ đang một mình tận hưởng giai đoạn bùng nổ kinh tế, thì các nước Đức, Nhật Bản và Anh lại chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng trì trệ. Đặc biệt, Đức đã ghi nhận tình trạng tăng trưởng âm trong quý II, giảm 0,1% so với quý trước, hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nền kinh tế lớn thứ tư thế giới được dự báo sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 9. Tương tự, kinh tế Anh cũng chứng kiến sự sụt giảm 0,2% trong quý II, mức giảm tồi tệ nhất trong vòng 6 năm, trong bối cảnh nguy cơ nước này rời EU mà không đạt được thỏa thuận đang ngày càng tăng. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, cũng lo ngại về suy thoái kinh tế. Xuất khẩu của Tokyo đã giảm 1,6% trong tháng 7, đánh dấu sự sụt giảm trong tháng thứ 8 liên tiếp. Đặc biệt, Hàn Quốc được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bất kỳ quốc gia nào khác bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Giáo sư Gwak Roh-sung phân tích.


Theo báo cáo của Ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ Credit Suisse, kể từ năm 1978, 5 lần “đảo ngược đường cong lợi suất” xảy ra đều dẫn đến suy thoái kinh tế và mỗi lần suy thoái thường kéo dài tới 22 tháng. Là nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, Hàn Quốc có thể chịu thiệt hại do bất kỳ trở ngại nào trong môi trường kinh tế bên ngoài, và bằng chứng là cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á vào cuối những năm 1990. Seoul đang đối mặt với nguy cơ chịu thiệt hại nặng nề khi xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu. 


Giải pháp cắt giảm thuế tại các nền kinh tế lớn


Thông thường, trái phiếu dài hạn có lãi suất cao hơn trái phiếu ngắn hạn, phản ánh rủi ro ràng buộc các nhà đầu tư kiếm tiền trong thời gian dài. Hiện tượng đảo ngược được coi là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang ở tình trạng xấu, khúc dạo đầu cho một cuộc suy thoái kinh tế. Nếu kinh tế toàn cầu thực sự rơi vào suy thoái, nền kinh tế quốc gia sẽ bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn giá trị tài sản và giá cả giảm, dẫn đến thị trường tài chính thu hẹp, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn thể nền kinh tế. Với những lo lắng suy thoái trong tâm trí, các quốc gia đang chuẩn bị các đối sách để kích thích nền kinh tế. Ông Gwak Roh-sung nhận định.


Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã thể hiện sự tự tin về nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, Washington dường như cũng đang chuẩn bị cho một kịch bản suy thoái, và đang xem xét các biện pháp thúc đẩy nhu cầu nội địa thông qua cắt giảm thuế như thuế thu nhập. Tương tự, Trung Quốc cũng đang thực hiện các biện pháp đối phó với suy thoái như giảm mạnh thuế, đầu tư quy mô lớn vào hạ tầng kinh tế và tổng điều chỉnh hệ thống lãi suất cho vay. Nước Anh cũng đang xem xét khả năng cắt giảm thuế lớn để kích thích nền kinh tế trước nguy cơ rời EU mà không đạt được thỏa thuận, và cường quốc công nghiệp châu Âu là Đức cũng có thể sẽ thực hiện chính sách bơm tiền và tăng chi tiêu tài khóa. 


Đối sách của Chính phủ cho tình hình hiện nay


Tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố đang xem xét các biện pháp cắt giảm thuế, đồng thời lập luận rằng các biện pháp này không nhằm mục đích gạt bỏ nỗi lo về suy thoái kinh tế - một vấn đề đang nổi lên như là trở ngại lớn nhất đối với tham vọng tái đắc cử của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020. Nếu kế hoạch giảm thuế được thực hiện, chắc chắn nền kinh tế trong nước sẽ được thúc đẩy. Tất nhiên, những mối lo về suy thoái có thể sẽ không thực sự cần thiết, bởi theo một số nhà phân tích, thật khó có thể coi hiện tượng “đảo ngược đường cong lợi suất” là cảnh báo suy thoái. Tuy nhiên, Hàn Quốc cần tự chuẩn bị cho kịch bản môi trường kinh doanh trở nên tồi tệ hơn, khi xem xét tới các dấu hiệu đáng báo động ở nhiều nền kinh tế lớn. Giáo Gwak Roh-sung khuyến nghị.


Cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen từng cho rằng thanh khoản quá mức trên thị trường được trích dẫn là lý do chính cho sự đảo ngược tỷ lệ lãi suất giữa trái phiếu Chính phủ hai năm và 10 năm. Theo đó, thanh khoản dồi dào khiến lượng tiền đổ vào trái phiếu dài hạn với rủi ro đầu tư cao hơn, khiến nhu cầu tăng mạnh và đẩy giá giao dịch tăng, đồng thời giảm số lượng giao dịch, dẫn đến hiện tượng lợi tức biến thiên ngược với giá trái phiếu. Vẫn cần phải chờ đợi xem liệu lập luận này là đúng hay sai. Tuy nhiên với Hàn Quốc, nền kinh tế rất dễ bị tổn thương bởi môi trường bên ngoài, nếu một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra sẽ gây ra những tác động nặng nề. Đây là thời điểm để Hàn Quốc cần tăng cường tiêu dùng nội địa, bảo đảm các công nghệ vượt trội, không thể thay thế và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để giảm sự phụ thuộc quá lớn vào Mỹ và Trung Quốc. 


Những lo lắng về suy thoái kinh tế có thể là một bất lợi khác đối với Hàn Quốc. Nếu các nước lớn cắt giảm lãi suất để tăng thanh khoản, Seoul có thể hạ lãi suất cơ bản, và phần nào kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với tình trạng xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng chững lại. Do đó, Chính phủ cần chuẩn bị các phương án tiếp cận khác nhau, sẵn sàng đối phó với tình hình một cách chính xác, kịp thời.

Lựa chọn của ban biên tập