Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Giá dầu thế giới giảm kỷ lục và hệ lụy đối với nền kinh tế

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-04-27

ⓒ YONHAP News

Giá dầu thế giới xuống dưới 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử


Tuần trước, giá dầu thế giới lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới 0 USD/thùng. Cụ thể, ngày 20/4, giá dầu thô Tây Texas (WTI) giao tháng 5 đóng cửa phiên giao dịch ở mức -37,63 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York. Đại dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, nguồn cung trì trệ do các nhà máy ngừng hoạt động. 4 tỷ trên 7,7 tỷ người trên thế giới đã tự cách ly, và có tới 95% chuyến bay quốc tế đã tạm dừng. Các nhà sản xuất dầu đã hết chỗ chứa, thậm chí các tàu chở dầu cũng đầy ắp. Do đó, giá dầu đã lần đầu tiên trong lịch sử hạ xuống mức âm. Mặc dù đã tăng trở lại sau đó, nhưng giá dầu thấp đang được coi là mối đe dọa đối với nền kinh tế. Ông Kim Dae-jong, Giáo sư khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Sejong, phân tích tác động của giá dầu lao dốc.


Giá dầu lao dốc khiến ngành công nghiệp đá phiến Mỹ phá sản


Tình hình khá nghiêm trọng. Khoảng 9.000 doanh nghiệp khí đá phiến của Mỹ đang nằm trong tay chủ nợ là các ngân hàng chính như Citibank và Wells Fargo, và các ngân hàng địa phương cũng đang đầu tư vào các doanh nghiệp này. 42 doanh nghiệp đá phiến đã phá sản trong năm ngoái, và dự kiến nhiều doanh nghiệp khác cũng sẽ chịu chung số phận trong bối cảnh giá dầu thấp. Các doanh nghiệp đá phiến vừa và nhỏ phá sản có thể kéo theo một loạt các ngân hàng đầu tư đóng cửa, gây ra một cuộc khủng hoảng tương tự khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.


Cú đánh trực diện vào các nhà máy lọc dầu


Hiện nay, Mỹ là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhờ mở rộng sản xuất ngành công nghiệp đá phiến nội địa. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ đã sản xuất 2,8 tỷ thùng dầu đá phiến trong năm ngoái, tức khoảng 7,7 triệu thùng mỗi ngày. Trong thời kỳ hưng thịnh, nhiều nhà sản xuất đá phiến đã liên tục vay tiền để mở rộng sản xuất, tăng sản lượng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đã chịu cú sốc lớn khi giá dầu lao dốc. Nếu số công ty đá phiến phá sản tăng mạnh, một cuộc khủng hoảng có thể nổ ra trong lĩnh vực tài chính, khá giống cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 do sự sụp đổ của hai chủ nợ cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ. Giá dầu lao dốc cũng là tín hiệu tiêu cực đối với kinh tế Hàn Quốc. Giáo sư Kim Dae-jong lý giải. 


Sản phẩm hóa dầu chiếm tỷ trọng đáng kể trong các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc. Hàn Quốc nhập khẩu dầu thô, chế biến thành thành phẩm để bán ra thị trường như nhiên liệu máy bay, xăng và nhựa đường. Trung Quốc, Australia là những khách hàng nhiên liệu máy bay lớn của Hàn Quốc. Tuy nhiên, số chuyến bay quốc tế giảm mạnh đã khiến nhu cầu nhiên liệu giảm, giáng một đòn mạnh vào các nhà xuất khẩu sản phẩm lọc dầu Hàn Quốc. Mặc dù giá dầu giảm, các nhà máy không thể ngừng hoạt động, bởi sau đó phải mất tới vài tháng để khởi động lại. Các đơn hàng nhập dầu thô thường có thời hạn hợp đồng hai, ba năm, Hàn Quốc cũng không thể chấm dứt hợp đồng nhập khẩu dầu thô đã ký. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp đóng tàu và các nhà máy, động lực chủ chốt của kinh tế quốc gia, cũng chứng kiến nhu cầu sụt giảm mạnh. Tóm lại, các ngành nêu trên đang trong tình cảnh cực kỳ ảm đạm.


Giá dầu không dễ phục hồi trở lại 


Hàn Quốc phụ thuộc hoàn toàn vào dầu thô nhập khẩu. Do đó, giá dầu giảm cũng dẫn đến một vài hệ quả tích cực như ổn định vật giá và lạm phát. Tuy nhiên về tổng thể, toàn ngành công nghiệp đang khá “ngột ngạt”. 4 nhà máy lọc dầu hàng đầu Hàn Quốc dự kiến tổn thất 2,7 tỷ USD trong quý I năm nay. Ngành hàng không, vận chuyển và vận tải cũng chịu chung số phận. Trong cùng thời điểm, các đơn hàng đóng tàu toàn cầu đã giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc đang hứng chịu một đòn trời giáng, và có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng thanh khoản. Thêm vào đó, giá dầu khó có thể phục hồi trong “một sớm một chiều” bởi nền kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn. Ông Kim Dae-jong cho biết.


Cuối tháng 3, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã quyết định cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày. Nhưng nhu cầu thị trường đã giảm tới 30 triệu thùng/ngày, khiến nguồn cung vẫn bị dư thừa 20 triệu thùng. Hơn nữa, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới là Mỹ đã không giảm sản lượng, mà yêu cầu Nga và Ả-rập Xê-út cắt giảm. Ả-rập Xê-út phải đối phó với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13%, trong khi sản xuất dầu khí đang chiếm tới 40% nguồn thu ngân sách của Nga. 


Chính phủ cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với giá dầu thấp


Ngày 22/4, giá dầu thế giới đã tăng trở lại trước những dự báo về cắt giảm sản lượng dầu do thiếu bể chứa, và khả năng Mỹ nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển. Tuy nhiên, nhu cầu dầu thô về cơ bản không thay đổi. Khi nguồn cung dầu thô dư thừa, giá dầu quốc tế có thể tiếp tục giảm. Mặc dù khó có thể giảm mạnh như trước, nhưng chỉ khi cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 thuyên giảm, giá dầu mới có khả năng tăng trở lại. Từ giờ tới lúc đó, nhiệm vụ quan trọng là sống sót qua khủng khoảng. Ông Kim Dae-jong đánh giá.


Hàn Quốc là nước sản xuất thứ 5 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ, Đức và Nhật Bản. Chính phủ Hàn Quốc cần hỗ trợ ngành công nghiệp hóa dầu, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Mặc dù nhiều nhà máy, doanh nghiệp nhỏ đã tạm ngừng hoạt động do khủng hoảng, nhưng Chính phủ cần đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp sống sót cho đến khi kinh tế phục hồi trở lại, dự đoán trong khoảng 6 tháng tới. Tóm lại, Chính phủ phải hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và người dân trong thời điểm hiện tại. 


Ngày 22/4, Chính phủ đã công bố các biện pháp cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp ngành công nghiệp hóa dầu nội địa. Chính phủ cần huy động mọi nguồn lực tối đa để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu lao dốc do đại dịch COVID-19.

Lựa chọn của ban biên tập