Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Triển vọng phục hồi kinh tế từ kỳ nghỉ lễ vàng và ngân sách bổ sung của Chính phủ

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-05-04

ⓒ YONHAP News

Tâm lý tiêu dùng có dấu hiệu khởi sắc do dịch COVID-19 được kiểm soát


Niềm tin của người tiêu dùng Hàn Quốc đang có dấu hiệu phục hồi từ sau cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19. Mặc dù các quy định giãn cách xã hội (social distancing) vẫn được duy trì, nhưng ngày càng có thêm nhiều người ra ngoài, sẵn sàng mở hầu bao chi tiêu trở lại. Nếu như doanh số tháng 3 của các trung tâm thương mại lớn giảm mạnh, có nơi giảm tới 38% so với cùng kỳ năm ngoái, thì từ 1-20/4, con số này chỉ giảm từ 5-6% so với cùng kỳ năm 2019, cho thấy tốc độ giảm đã chậm lại đáng kể. 

Người Hàn Quốc đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ vàng kéo dài gồm ngày Phật đản (30/4), ngày Quốc tế lao động (1/5), ngày Trẻ em (5/5) và cuối tuần xen giữa. Trong thời gian này, lượng khách đặt vé máy bay và khách sạn đã tăng mạnh. Sân bay quốc tế Gimpo (Seoul) lại đầy ắp khách du lịch, khoảng 200.000 người sẽ đi nghỉ mát tại hòn đảo Jeju xinh đẹp ở phía Nam. Trong kỳ nghỉ lễ vàng này, số khách đặt phòng tại các khu nghỉ dưỡng trên toàn quốc tăng trung bình 80%. Rõ ràng, sau nhiều ngày bị dồn nén, tiêu dùng đang bùng nổ. Một hiệu ứng cộng hưởng khác là xu hướng “tiêu dùng bù” (retaliatory consumption) đang hình thành ở Trung Quốc. Hôm nay, Chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin phân tích các dấu hiệu phục hồi tại Trung Quốc và Hàn Quốc.


Xu hướng tiêu dùng bù từ Trung Quốc


Mọi người có thể tiết kiệm trong thời điểm kinh tế khó khăn. Tuy nhiên khi tình hình cải thiện, họ sẽ có xu hướng chi tiêu bằng mức đã tiết kiệm như một cách tự thưởng cho bản thân. Hiện tượng này được gọi là “tiêu dùng bù”, người Trung Quốc gọi là “tiêu dùng trả đũa”. Ví dụ, một thương hiệu xa xỉ ở Quảng Châu đã đạt doanh số 2,7 triệu USD chỉ trong một ngày. Ngoài ra, 288 căn hộ ở tỉnh Quảng Đông đã bán hết chỉ trong 7 phút, và 14 căn hộ ở các khu phố đắt đỏ có giá tới 6,6 triệu USD mỗi căn đã bán hết trong 8 giây. Nhiều người hy vọng xu hướng tiêu dùng bù tại Trung Quốc sẽ dẫn đến phục hồi chi tiêu ở các nơi khác trên thế giới.


Tâm lý của người tiêu dùng tháng 4 vẫn bị đóng băng


Số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc đã bắt đầu giảm mạnh từ tháng 3. Theo đó, các biện pháp hạn chế di chuyển (lockdown) đã được nới lỏng, và nhiều nhà hàng, cửa hàng đã hoạt động trở lại. Doanh số của một số ngành công nghiệp đang tăng trở lại sau khi bị tê liệt hoàn toàn trong tháng 1 và tháng 2. Nhưng điều này không có nghĩa là tiêu dùng đã tăng trưởng trở lại. Kinh tế Trung Quốc thu hẹp đáng kể do dịch COVID-19 đã khiến thu nhập hộ gia đình giảm. Hệ quả là nhiều người dân nước này đang phải miễn cưỡng chi tiêu. Hàn Quốc cũng đối mặt với tình huống tương tự. Tiêu dùng trong nước đang có động lực phục hồi, nhưng tâm lý người tiêu dùng vẫn đóng băng. Chuyên gia Chung Chul-jin lý giải. 


Theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK), chỉ số tâm lý tiêu dùng tổng hợp (CCSI) tháng 4 là 70,8 điểm. Trên thực tế, chỉ số CCSI dưới 100 điểm phản ánh người dân bi quan về nền kinh tế. Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, chỉ số tiêu dùng giảm còn 67,7 điểm. Như vậy, mức độ bi quan của người dân hiện nay gần bằng thời điểm 12 năm trước. Mặc dù có một số dấu hiệu tích cực như hiện tượng tiêu dùng bù nêu trên, nhưng vẫn còn quá sớm để nhận định tâm lý người tiêu dùng đã thực sự cải thiện. 


Tác động của gói cứu trợ thiên tai khẩn cấp của Chính phủ?


Tâm lý tiêu dùng giảm cũng thể hiện qua tâm lý đối với các chỉ số khác như các điều kiện kinh tế, chi tiêu, cơ hội việc làm, mức thu nhập trong tương lai. Để giảm nhẹ cú sốc do đại dịch COVID-19, Chính phủ sẽ cung cấp gói cứu trợ cho toàn dân. Ông Chung Chul-jin cho biết.


Gói cứu trợ khẩn cấp của Chính phủ dự kiến sẽ tiếp thêm sức bật cho chi tiêu trong nước. Ban đầu, Chính phủ quyết định chỉ trợ cấp cho 70% hộ gia đình thu nhập thấp, nhưng phạm vi hỗ trợ hiện tại đã mở rộng sang tất cả các hộ gia đình. Nếu người dân chi tiêu nhiều trong tháng 6, tháng 7, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng tối đa 0,36 điểm phần trăm. Dư luận kỳ vọng gói cứu trợ sẽ giúp ngăn chặn sụp đổ kinh tế do đại dịch COVID-19 ở một mức độ nhất định trong quý II, được xem là giai đoạn khó khăn nhất.  


Trọng tâm của dự thảo ngân sách bổ sung lần ba 


Theo ước tính của Ủy ban ngân sách thuộc Quốc hội, kế hoạch ngân sách bổ sung ban đầu quy mô 7.600 tỷ won (7 tỷ USD) dự kiến sẽ giúp tốc độc tăng trưởng kinh tế tăng 0,14 điểm phần trăm. Tuy nhiên, Chính phủ đã thông qua dự luật ngân sách bổ sung 12.200 tỷ won (11 tỷ USD) để hỗ trợ tất cả các hộ gia đình trên toàn quốc. Theo đó, ngân sách bổ sung dự kiến sẽ giúp triển vọng tăng trưởng kinh tế tăng từ 0,1 đến 0,36 điểm phần trăm. Tỉnh Gyeonggi bao quanh thủ đô Seoul đã triển khai gói cứu trợ cơ bản riêng trong tỉnh với mức 100.000 won (90 USD)/người, nhờ đó doanh số của các cửa hàng tư nhân đã tăng 56% so với tháng trước. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn cho rằng ngân sách bổ sung lần hai là không đủ để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Ngày 28/4, Tổng thống Moon Jae-in đã mô tả khủng hoảng COVID-19 hiện nay là “nền kinh tế thời chiến”, và cho rằng cần thêm dự luật ngân sách bổ sung. Giám đốc Chung Chul-jin đánh giá.


Dự luật ngân sách bổ sung lần ba sẽ tập trung vào việc làm. Cụ thể, một phần ngân sách (9 tỷ USD) sẽ giúp duy trì công việc cho một số đối tượng, bao gồm cả lao động tự do. Thêm vào đó, 32 tỷ USD sẽ được huy động thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ 7 ngành công nghiệp chủ chốt, giúp người lao động giữ được việc làm. Ngân sách bổ sung lần một chủ yếu hỗ trợ chủ doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh, ngân sách bổ sung lần hai là dành cho gói cứu trợ khẩn cấp toàn dân. Dự luật ngân sách bổ sung lần ba liên quan đến đảm bảo việc làm, và sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 6 hoặc tháng 7 để nhanh chóng triển khai.


Chính phủ Hàn Quốc công bố sẽ bổ sung ba lần ngân sách trong năm nay để đối phó với đại dịch COVID-19, tổng quy mô lên tới hơn 50.000 tỷ won (45 tỷ USD), vượt qua ngân sách bổ sung kỷ lục năm 2009. Báo cáo sau hai tuần cho thấy Hàn Quốc không có ca lây nhiễm mới trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 15/4. Công chúng cũng được khuyến cáo tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa trong kỳ nghỉ lễ vàng. Ngân sách bổ sung thứ hai và thứ ba nên được thực hiện đúng cách để góp phần phục hồi tiêu dùng nội địa trì trệ.

Lựa chọn của ban biên tập