Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

“Nữ thần đang dõi theo”, vở nhạc kịch kỷ niệm 60 năm đình chiến

2013-03-19



Ngày 15/1 đến ngày 10/3 vừa qua, tại Hội trường nghệ thuật Chungmu, thành phố Seoul, đã diễn ra vở nhạc kịch “Nữ thần đang dõi theo”. Vở diễn cảm động kể về những người lính Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên bị mắc kẹt trên một hoang đảo trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.Tuy mang đề tài chiến tranh và quân đội nhưng vở diễn lại giành được rất nhiều tình cảm từ các khán giả nữ. Một người trong số họ chia sẻ : "Mặc dù bối cảnh nhạc kịch là cuộc chiến liên Triều trong khi hai miền Nam-Bắc hiện nay vẫn đối đầu nhưng tôi thấy cảm động vì nó đề cập đến quá trình hai bên dần dần hòa hợp và hòa giải. Bình thường tôi không mấy quan tâm đến vấn đề hai miền Triều Tiên, nhưng khi xem xong vở diễn, tôi chợt nghĩ đến nỗi đau chia cắt của những gia đình bị ly tán do chiến tranh."

[Hình ảnh người lính hai miền Nam-Bắc hiện lên trong vở nhạc kịch] Đã 60 năm kể từ ngày 27/7/1953 khi Tổng tư lệnh quân đội Liên Hợp Quốc, quân đội Bắc Triều Tiên và quân đội Trung Quốc ký vào bản hiệp ước đình chiến, tạm ngưng cuộc chiến giữa hai miền Nam-Bắc. Tuy sau đó bán đảo Hàn Quốc không còn tiếng súng nhưng phía Bắc Triều Tiên vẫn thường xuyên gây hấn. Điển hình là vụ đánh chìm tuần dương hạm Cheonan vào tháng 3/2010 hay vụ pháo kích đảo Yeonpyeong vào tháng 10/2010. Miền Bắc đã 220 lần vi phạm hiệp định đình chiến, đe dọa hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Tuy gọi là hòa bình nhưng trên thực tế bán đảo Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì chưa ký hiệp định hòa bình. Để kỷ niệm 60 năm đình chiến, năm nay, Hàn Quốc sẽ tổ chức nhiều hoạt động, chương trình đa dạng nhằm ca ngợi hòa bình và gợi nhớ về một thời đau thương. Và vở nhạc kịch “Nữ thần đang dõi theo” là một trong số các sự kiện đó.

Vở diễn bắt đầu với cảnh Đại úy Han Young-beom của quân đội Hàn Quốc áp giải bốn tù binh Bắc Triều Tiên bằng thuyền về trại giam. Trên đường đi, những người lính miền Bắc phá được còng xích và bất ngờ tấn công lính miền Nam. Tình huống lúc này bị đảo ngược, lính miền Nam bị lính miền Bắc áp giải. Rủi thay, họ gặp phải một cơn bão lớn. Chiếc thuyền bị hỏng và tạt vào một hoang đảo. Cách duy nhất để thoát khỏi hòn đảo này là phải sửa thuyền và anh lính miền Bắc Ryu Soon-ho là người duy nhất có thể làm được việc này. Không may là anh ta lại bị chấn thương tâm lý sau cái chết của anh trai trong cuộc chiến nên tinh thần không được tỉnh táo. Họ phải làm gì để có thể sinh tồn? Đạo diễn Park So-young cho biết : "Lính Bắc Triều Tiên có đến bốn người trong khi lính Hàn Quốc chỉ có hai người. Khi tình thế đảo ngược, từ chỗ là người áp giải trở thành người bị áp giải, Đại úy Han Young-beom là quân miền Nam đã phải nghĩ nát óc tìm cách sống sót trên hoang đảo. Chỉ còn cách sửa lại chiếc thuyền bị hỏng thì may ra mới thoát khỏi nơi này. Thời gian cứ trôi đi mà người duy nhất có thể sửa thuyền là anh lính miền Bắc Ryu Soon-ho thì lại bị chấn thương tâm lý. Để thuyết phục anh, đại úy đã bịa ra nhân vật hư cấu là nữ thần." Vậy là vị nữ thần trong vở nhạc kịch đã xuất hiện như thế…

Đại úy Han quả là người giỏi đối nhân xử thế. Chính anh đã bịa ra nhân vật Nữ thần. Anh nói với Ryu Soon-ho rằng có một nữ thần sống trên hoang đảo này và đang dõi mắt nhìn theo họ. Nếu biết nghe lời và cư xử phải phép thì nữ thần sẽ hết lòng phù trợ. Thế là đại úy thuyết phục được Ryu Soon-ho! Và để cho câu chuyện đáng tin hơn nữa, anh còn yêu cầu ba người lính miền Bắc còn lại cũng giả vờ tin điều đó là sự thật. Để thoát khỏi hoang đảo và sự cô lập, tất cả đều giả vờ tin vào sự tồn tại của nữ thần. Có thể nói, chính hoạn nạn đã giúp cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Đạo diễn Park So-young giải thích : "Để Ryu Soon-ho tin vào nữ thần rồi sửa thuyền, những người còn lại đều phải nói dối và giả vờ cư xử tốt với nhau để nữ thần nhìn thấy. Trong quá trình giả vờ đó, họ chia sẻ về quá khứ đau buồn, trở nên thân thiết với nhau hơn, rồi từ đó xoa dịu nỗi đau và quá khứ."

Lần đầu tiên tại Hàn Quốc có một vở nhạc kịch lấy nhân vật hư cấu là vị nữ thần để làm tác nhân xóa bỏ vách ngăn đối lập và mâu thuẫn giữa hai miền. Trong trường hợp này, tính hư cấu là rất cần thiết. Nhà phê bình văn hóa Kim Sung-soo phân tích : "Chiến tranh như cơn ác mộng khiến con người kiệt quệ. Ở chiến trường, nơi chỉ có kẻ thù và nỗi khiếp sợ, con người phải dùng vũ lực để bảo vệ bản thân và loại bỏ lẫn nhau. Cần phải có một giá trị nào đó cao hơn những điều ấy thì mới có thể đánh thức được nhân tính trong họ. Tác giả đã khéo léo đặt những người lính vào bối cảnh hoang đảo để buộc họ phải nương tựa lẫn nhau. Cho nhân vật hư cấu nữ thần, một hiện tượng mang tính siêu nhiên, xuất hiện cũng là cách để tất cả cùng tìm thấy một mục tiêu sống. Họ làm mọi thứ để nữ thần được vui và nhờ vậy mà biết cảm thông, tha thứ. Qua đó, tác giả đã rất thành công trong việc xây dựng nên hình ảnh lý tưởng về một cộng đồng nhân văn. Có thể nói rằng tình hình hiện nay giữa hai miền Triều Tiên đã giúp ích rất nhiều trong việc tạo dựng nên tình huống kịch."



[Vở nhạc kịch đề cao tinh thần hòa hợp dân tộc] Là những người từng đứng ở hai đầu chiến tuyến nhưng để có thể sống sót trên hoang đảo, mọi người bắt đầu đề ra các nguyên tắc sinh hoạt tập thể. Thông qua việc giả vờ tin vào sự tồn tại của nữ thần, từ chỗ luôn đề phòng, cảnh giác, sáu người lính dần có được những hành động tốt đẹp dành cho nhau. Tình huống này đã khiến không ít khán giả phải bật cười. Thời gian ở trên đảo là khoảng thời gian hòa bình đối với những người lính. Hai chữ “chiến tranh” giờ đây đã tạm thời được gác sang một bên.

Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, niềm tin mà họ dành cho nhau bị lung lay khi có sự xuất hiện của tàu trinh sát Hàn Quốc. Tình thế lúc này lại căng như dây đàn khi quân trinh sát Hàn Quốc là đồng đội của những người lính miền Nam nhưng lại là kẻ thù của những người lính miền Bắc. Khi chiếc tàu tiến đến cũng là lúc những người lính của hai phía, những người vừa trải qua quãng thời gian gắn bó, lập tức cầm súng chĩa vào nhau. Đúng lúc này, Ryu Soon-ho đã có một hành động hết sức táo bạo. Đạo diễn Park So-young kể : "Lúc tàu trinh sát tiếp gần đến đảo, Ryu Soon-ho đang ẩn nấp. Anh không biết phải làm gì để đuổi chiếc tàu đi. Trong lúc rối trí, anh đã cầu xin được gặp nữ thần và nữ thần đã hiện ra. Cả hai đã song ca một bài hát và nhờ đó mà anh lấy lại được trí nhớ. Sau đó, anh lấy hết dũng khí để kêu gọi mọi người hãy cùng hợp sức đuổi chiếc tàu đi."

Là một người mang vết thương chiến tranh, lại bị người khác lợi dụng bằng một nhân vật hư cấu, nhưng cuối cùng thì nhờ nhân vật ấy mà Ryu Soon-ho tìm lại được chính mình, để rồi từ đó trở thành tác nhân kêu gọi mọi người cùng chung tay hiệp lực. Khi chiếc tàu khuất xa, những người lính ở cả hai miền cầu chúc cho đối phương được bình an rồi đường ai nấy đi. Mọi người từ biệt nhau xong thì tàu trinh sát cập đảo. Chẳng ai biết liệu rằng sau đó, những người lính Bắc Triều Tiên có quay trở về miền Bắc bình an hay bị bắt. Đây không chỉ là cái kết mở để khán giả suy nghĩ mà còn là cái kết mở cho vấn đề bán đảo Hàn Quốc.

Vở nhạc kịch “Nữ thần đang dõi theo” tuy nói về chiến tranh nhưng lại lồng ghép hình tượng nữ thần hư cấu, khiến nó trở nên thi vị như một tác phẩm về tình yêu. Âm nhạc cũng là một yếu tố góp phần tạo nên sự thi vị ấy. Nhạc sĩ Lee Sun-young, người sáng tác các bài hát trong vở nhạc kịch “Nữ thần đang dõi theo”, chia sẻ : "Vở diễn mở màn với sâm nhạc rất nặng nề để diễn tả không khí chiến tranh. Đến màn trôi dạt vào hoang đảo, âm thanh trở nên rùng rợn và chú trọng đến giai điệu. Mãi cho đến khi viên đại úy nghĩ ra nhân vật nữ thần thì âm nhạc mới trở nên vui tươi, nhẹ nhàng. Qua vở diễn có thể thấy rằng dù đang mắc kẹt trong cuộc chiến tàn khốc nhưng người lính của cả hai miền hết sức đoàn kết, tin tưởng vào sự phù trợ của nữ thần để lấy đó làm niềm an ủi.

Phần trình diễn của tứ tấu trong một góc sân khấu đã biến vở kịch trở thành một buổi hòa nhạc nhỏ. Không hề hoành tráng và phô trương, vở diễn diễn ra gọn nhẹ mang đúng tính chất của một tác phẩm dành cho loại hình sân khấu nhỏ. Ngoài những bộ quân phục cho diễn viên và vài đạo cụ đơn giản, bối cảnh chiến tranh cũng như hoang đảo đều được miêu tả thông qua lời thoại. Mặc dù vậy, nó vẫn tạo được cảm giác hết sức chân thực cho khán giả, đồng thời khiến họ quan tâm tới mối quan hệ liên Triều thông qua cách tiếp cận mang tính tình cảm.

Bán đảo Hàn Quốc đã im tiếng súng được hơn nửa thế kỷ. Thế hệ người Hàn còn in sâu trong tâm trí quãng thời gian đau thương ấy đang lần lượt ra đi. Đã đến lúc dân tộc Hàn quên đi quá khứ, quên đi cuộc chiến tranh tàn khốc và sự khác biệt về ý thức hệ để cùng hòa hợp và yêu thương lẫn nhau. Và đây cũng chính là thông điệp cao đẹp mà vở nhạc kịch “Nữ thần đang dõi theo” muốn gửi đến người Hàn nói riêng và những người yêu hòa bình trên thế giới nói chung. Sau đây là cảm nhận của một khán giả : "Cảm nhận của tôi sau khi xem vở nhạc kịch là cho dù chiến tranh có chia cắt hai miền nhưng dân tộc Hàn vẫn cùng chung một dòng máu. Tôi mong bán đảo Hàn Quốc sớm được thống nhất."

Lựa chọn của ban biên tập