Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Vở nhạc kịch “Hãy đến bên thiếp lặng lẽ”

2013-03-12



Giọng hát ngọt ngào và hình thể uyển chuyển của nàng kỹ nữ Ae-rang đang lôi cuốn ánh mắt của các học sĩ, quý tộc, trong đó có học sĩ họ Bae, một quan tùy tùng của quan cai tổng đảo Jeju, chung tình với người vợ quá cố. Vừa rồi là một cảnh trong vở nhạc kịch “Hãy đến bên thiếp lặng lẽ (Sweet, come to me stealthily)”, đangđược công diễn tại Trung tâm nghệ thuật Seoul.

[Đôi nét thú vị về vở nhạc kịch] “Hãy đến bên thiếp lặng lẽ” là vở nhạc kịch đầu tiên của Hàn Quốc, được ra mắt vào ngày 26/10/1966, do đoàn kịch Yegreen thực hiện. Tại thời điểm đó, vở nhạc kịch đã có sự góp mặt của rất nhiều diễn viên và ca sĩ nổi tiếng, lôi kéo được đông đảo khán giả đến xem. Đồng đạo diễn Kim Min-jung cho biết : "“Hãy đến bên thiếp lặng lẽ” là vở nhạc kịch kết hợp hài hòa giữa các yếu tố múa, hát, hài hước, châm biếm… Nó được chuyển thể từ trường ca hát kể chuyện Pansori “Baebijang” và tiểu thuyết cùng tên là những tác phẩm rất xưa vẫn được lưu truyền cho đến hôm nay. Và tôi nghĩ rằng sức sống của vở “Hãy đến bên thiếp lặng lẽ” cũng từ đây mà ra. Vở nhạc kịch đã thu hút được 16.000 khán giả đến xem trong suốt 7 lần công diễn ngayl ần ra mắt đầu tiên, một con số đáng kinh ngạc. Có thể nói vào thời đó, nó “hot” không kém gì các đêm nhạc của những ca sĩ thần tượng bây giờ."

Có tất cả 300 người đã chung tay thực hiện vở diễn này. Ngoài dàn diễn viên tên tuổi thì màn múa trống phong yêu Janggu của 50 nghệ sĩ cũng đã trở thành đề tài gây chú ý cho công chúng thời đó.Giới chuyên môn cho rằng đâythật sự là một cuộc cách mạng trong lịch sử biểu diễn của đất nước này, nơi vốn không phải đất lànhđể phát triển nhạc kịch vào những năm 1960.Và đến năm 1994, ngày công diễn đầu tiên của vở diễn, ngày 26/10, đã vinh dự được chọn làm “Ngày nhạc kịch” tại Hàn Quốc.

Sau 47 năm, “Hãy đến bên thiếp lặng lẽ” đã có được 6 phiên bản với những màu sắc khác nhau. Vào năm 1996, nó được công ty Nghệ thuật biểu diễn Seoul đổi tên là “Ae-rang và Quan tùy tùng họ Bae (Bae Bijang)” và đã được công diễn 7 lần suốt từ đó đến nay. Điểm khác biệt rõ nhất giữa lần công diễn này với trước kia là tiến bộ về hiệu ứng hình ảnh. Nhờ sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Hàn Quốc mà hiệu ứng hình ảnh trong vở diễn ngày càng trở nên đẹp mắt. Đạo diễn Kim Min-jung cho biết : "Để có được phần hình ảnh đẹp mắt, chúng tôi đã sử dụng 9 máy chiếu, phát hình ảnh lập thể từ trước và sau sân khấu, nhiều hơn 3-4 lần so với các vở diễn thông thường. Nó thực sự đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị và mới lạ. Ngoài ra, phần trang phục màu sắc rực rỡ và âm nhạc hiện đại của phiên bản lần này cũng là những nét khác biệt so với các phiên bản trước."



Đặc biệt, trong phiên bản này, vở diễn còn nhận được sự đồng chỉ đạo từ ông Gustavo Zajac, đạo diễn nhạc kịch hàng đầu của sân khấu Broadway (Mỹ), cái nôi của nhạc kịch thế giới. Dưới bàn tay của ông, vở diễn giờ đây trở nên hết sức sinh động với nhiều bối cảnh lạ mắt và thú vị, góp phần bảo chứng cho sự thành công của nó ở nước ngoài trong thời gian sắp tới. Đạo diễn Gustavo Zajac cho biết : "Tôi nghĩ rằng du khách nước ngoài sẽ thấy rất thú vị khi được tiếp xúc trực tiếp với văn hóa Hàn Quốc nói chung, nghệ thuật múa của Hàn Quốc hay vẻ đẹp của đảo Jeju nói riêng thông qua vở diễn. Tuy chỉ là câu chuyện của người Hàn nhưng nó lại đề cập đến đề tài tình yêu, mà tình yêu thì nơi đâu cũng có. Cho nên, dù mang bối cảnh Hàn Quốc nhưng tôi tin rằng khán giả nước ngoài cũng có thể hiểu và đồng cảm được với vở diễn. Vài tuần trước, 3 diễn viên Nhật Bản mà tôi đã có dịp cộng tác khi làm vở nhạc kịch “Nine” ở nước này đã sang Hàn Quốc và xem vở kịch này. Tuy bất đồng ngôn ngữ nhưng sau khi xem xong ai nấy cũng rưng rưng nước mắt. Tình yêu là một đề tài phi ngôn ngữ."

[Chuyện tình lãng mạn của nàng kỹ nữ Ae-rang và chàng học sĩ họ Bae] Giống như tên gọi của vở nhạc kịch, tình yêu của Ae-rang và Quan tùy tùng họ Bae được bắt đầu trong âm thầm và phát triển dần lên trong suốt vở diễn. Màn 1 được bắt đầu với cảnh Ae-rang chào từ biệt Quan tùy tùng họ Jeong, người sẽ trở về kinh thành Hanyang (tức Seoul ngày nay) sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Sân khấu lúc này tràn ngập sắc vàng rực rỡ của hoa cải dầu, được điểm xuyết bởi bức tượng đá Dolhareubang to lớn, những hình ảnh rất đặc trưng của hòn đảo Jeju.

Dù ngoài mặt tỏ ra đau buồn với cuộc chia tay nhưng trong lòng của Ae-rang lại rất hớn hở, bởi nàng đã quá chán ngán thứ tình yêu mà giới quan lại, quý tộc dành cho mình. Diễn viên Kim Sun-yeong, người thủ vai Ae-rang, giải thích : "Ae-rang là một kỹ nữ rất nổi tiếng, phục vụ cho quan phủ trên đảo Jeju. Do đó, khách hàng của nàng luôn là giới học sĩ, quan lại, quý tộc. Hết người này đến người khác tìm tới rồi sau đó lại bỏ rơi nàng. Cho nên với nàng, tình cảm dành cho họ chỉ là một món hàng."Trước khi chia tay, Ae-rang bày tỏ muốn được giữ lại một chiếc răng cửa của viên quan để làm kỷ niệm. Nhưng thực ra đây là một cách trả đũa của nàng… Nàng muốn dạy cho bọn quan lại, quý tộc một bài học đó là đừng bao giờ mang tình yêu ra làm trò đùa. Vậy rồi cũng có ngày trái tim của nàng kỹ nữ đã đánh mất niềm tin vào tình yêu này lại bị rung động khi có sự xuất hiện của chàng học sĩ họ Bae.



Quan tùy tùng họ Bae là một học sĩ chung thủy, từng hứa với người vợ quá cố sẽ không bao giờ yêu một người phụ nữ khác. Chàng đến đảo Jeju theo lệnh tháp tùng quan cai tổng mới. Vì lời hứa với người vợ quá cố, chàng tuyệt nhiên tránh xa tửu sắc. Ngán ngẩm với thái độ kín kẽ của chàng học sĩ họ Bae, viên quan bèn nghĩ cách dụ chàng đến một nơi có phong cảnh hữu tình và sắp đặt cho gặp Ae-rang. Vừa nhìn thấy Ae-rang, Quan tùy tùng họ Bae đã liền bị nàng hút hồn. Chàng hoàn toàn quên mất lời hứa với người vợ quá cố và ngày đêm chỉ nghĩ đến người kỹ nữ tài sắc này. Trên nền bối cảnh Jeju thơ mộng, sắc màu lộng lẫy của những bộ Hanbok đã khiến khán giả không thể rời mắt khỏi sân khấu.

Việc Quan tùy tùng họ Bae tương tư Ae-rang đã không thể qua mắt được mọi người từ quan cai tổng, người hầu cho đến các kỹ nữ. Họ bắt đầu cười nhạo rằng dù gì thì chàng cũng là đàn ông, làm sao có thể cưỡng lại tửu sắc. Trái tim đang dậy sóng đã khiến chàng không thể ngủ yên. Chàng cảm thấy có lỗi với người vợ đã mất, nhất là khi gặp lại cô trong giấc mơ. Công nghệ Hologram, công nghệ chiếu hình ảnh mà người xem có thể quan sát được dưới bất kỳ góc nhìn nào, trông như thật nhưng không thể sờ được, đã được sử dụng trong cảnh người vợ hiện về, tạo điểm nhấn cho vở nhạc kịch. Đạo diễn Kim Min-jung chia sẻ : "Chúng tôi tuyển một diễn viên trong vai người vợ, sau đó gắn bóng bay vào áo diễn viên để tạo cảm giác đang bay rồi quay lại các góc độ. Hologram là một công nghệ đòi hỏi sự tỉ mỉ, góc độ hay màu sắc khác nhau sẽ dẫn đến nhữngkết quả khác nhau. Để có được 30 giây hiệu ứng, chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị và thực hiện."

Ngoài ra, vở diễn còn vận dụng công nghệ 3D Mapping để biến bức tượng Dolhareubang chuyển động và diễn xuất y như một diễn viên. Đạo diễn Kim Min-jung giải thích : "3D Mapping là công nghệ cho phép phản chiếu ánh sáng lên một bề mặt nào đó để tạo nên hình ảnh 3D. Chúng tôi đã chiếu hình gương mặt lên đạo cụ tượng Dolhareubang để làm cho nó biết nhắm, mở mắt hay le lưỡi…" Thay vì chỉ là một đạo cụ sân khấu to lớn, bình thường, đứng bất động ở một góc, bằng công nghệ hiện đại, tượng Dolhareubang đã trở thành linh vật của vở diễn, rất sống động và thú vị. Công nghệ 3D Mapping còn được ứng dụng trong việc tạo nên hình ảnh một thác nước với tiếng nước chảy rì rào, tạo cảm giác chân thực cho khán giả.



Mặc dù yêu Ae-rang ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng trong lòng chàng học sĩ vẫn ngổn ngang trăm mối. Ban đầu, Ae-rang cũng chỉ định bỡn cợt với chàng nhưng khi cảm nhận được sự khác biệt từ người học sĩ này, nàng đã dần dần mở cửa trái tim mình. Có những tình tiết không giống so với nguyên tác “Truyện Baebijang” mà vở diễn đã chuyển thể. Diễn viên Hong Gwang-ho, người thủ vai Quan tùy tùng họ Bae, cho biết : "Tuy được chuyển thể từ “Truyện Baebijang” nhưngvở nhạc kịch lại cómột số điểm khác biệt.Trong nguyên tác, vợ của quan tùy tùng vẫn còn sống, còn bản thân chàng là một gã quý tộc đam mê tửu sắc nhưng lúc nào cũng giả vờ như mình đoan chính và cuối cùng thì chịu thân bại danh liệt. Thay vì mang đậm tính trào phúng như nguyên tác, vở nhạc kịch lại miêu tả mối tình sâu đậm giữa Quan tùy tùng họ Bae, một người đàn ông chung tình với người vợ quá cố, và Ae-rang, nàng kỹ nữ đã bị tổn thương bởi tình yêu.

Về mặt âm nhạc, vở nhạc kịch vẫn sử dụng lại toàn bộ các ca khúc đã từng được dùng từ lần ra mắt đầu tiên. Sau gần nửa thế kỷ, chúng vẫn rất hay mà không hề tạo cảm giác lạc hậu. Chất lượng cao của âm nhạc hay độ hài hước trong lời ca đã khiến không ít khán giả phải trầm trồ. Diễn viên Kim Sun-yeong chia sẻ : "Mặc dù mọi thứ từ sân khấu, ánh sáng đến trang phục đều khác biệt và tiến bộ hơn so với trước đây, được điều chỉnh cho hợp bối cảnh thời đại nhưng riêng phần âm nhạc và kịch bản lại được giữ nguyên. Lúc tập luyện tôi đã lo lắng rằng đáng lẽ ra thì phải chỉnh chỗ này, thay chỗ kia. Thế nhưng, khi biểu diễn chính thức tôi mới thấy là không nên làm vậy. Bản thân nguyên tác đã quá hoàn hảo, việc chỉnh sửa chỉ khiến cho vở diễn trở nên rối rắm thêm mà thôi. Chúng tôi đều rất ấn tượng khi tinh thần của một tác phẩm thời xưa như vậy vẫn có thể làm lay động sự đồng cảm, ủng hộ nơi khán giả thời nay."

Vừa truyền thống nhưng cũng rất hiện đại là cảm nhận của nhiều khán giả sau khi xem vở nhạc kịch “Hãy đến bên thiếp lặng lẽ”. Thành công của vở diễn đến từ sự kết hợp hài hòa và chuyên nghiệp của công nghệ hiện đại, thiết kế mỹ thuật đẹp mắt, âm nhạc chỉnh chu... khiến khán giả không thể nào rời mắt khỏi sân khấu trong suốt 140 phút biểu diễn. Có một ca khúc nằm trong vở diễn sau bao nhiêu năm vẫn in sâu trong lòng người Hàn, đó là ca khúc cùng tên “Hãy đến bên thiếp lặng lẽ”. Nếu chưa có dịp được thưởng thức vở diễn, bạn hãy thử tìm nghe ca khúc này và tôi tin rằng bạn sẽ cảm nhận được nét đẹp của tình yêu, mùa xuân và nghệ thuật.

Lựa chọn của ban biên tập