Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tình xuân thắm thiết trong chương trình Hòa nhạc Hwatong

2013-03-05



Ngày 13 và 14/2 vừa qua, Cung biểu diễn nhạc truyền thống Namsan Seoul đã tổ chức một chương trình mang tên “Hòa nhạc Hwatong – Nghẹn ngào nỗi tuơng tư ngày xuân” nói về đề tài mùa xuân và tình yêu. Tham dự chương trình, khán giả vừa được cảm thụ tranh cổ vừa được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc.

[Đôi nét về chương trình Hòa nhạc Hwatong] Sau những ngày đông giá rét, đất trời giờ đây đã trở nên ấm áp, dễ chịu hơn, tạo điều kiện cho mầm sống bắt đầu sinh sôi nảy nở. Mùa xuân đã về trong những cơn gió xuân mát nhẹ, trên từng cánh bướm tung tăng lượn quanh những khóm hoa, đánh thức tình yêu nơi trái tim mỗi con người. Trong không khí tràn ngập sắc xuân và tình yêu như vậy mà được thưởng thức một chương trình hòa nhạc như “Hòa nhạc Hwatong” thì không còn gì tuyệt bằng. Giám đốc điều hành Kim Young-ok của Đoàn văn hóa nghệ thuật Yeomin, đơn vị tổ chức chương trình, giới thiệu : "“Hwatong (họa thông)” là từ gốc Hán có nghĩa là ‘thông hiểu tranh vẽ’. Hòa nhạc Hwatong là chương trình giới thiệu đến công chúng thú vui cảm thụ tranh xưa kết hợp với thưởng thức biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Với chủ đề về tình yêu, chúng tôi muốn giúp cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ, hiểu được tình yêu của người Hàn xưa là như thế nào, tình yêu ẩn chứa trong tranh ra sao hay có những cảm xúc gì."

Ngồi nghe câu chuyện tình của những nhân vật trong tranh cổ, khán giả có cảm tưởng mình chính là những nhân vật ấy. Trước khi cảm tưởng ấy biến mất, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều tiết mục biểu diễn mang đậm tính nghệ thuật, phù hợp với nội dung của mỗi bức tranh. Dưới sự dẫn dắt của nhà phê bình mỹ thuật Sohn Cheol-ju, chương trình đã diễn ra với 3 chủ đề của tình yêu: cảm xúc, nỗi nhớ và tình xuân. Nhà phê bình Sohn Cheol-ju cho biết : "Phần đầu chương trình là những câu chuyện nói về đạo đức con người và cầu phúc lành. Phần hai kể về nỗi nhớ và tình yêu đơn phương. Nhớ là thứ tình cảm tự nhiên, xảy ra khi cách xa người mà ta thương mến. Nhưng khi người đó đã ở bên cạnh mà ta vẫn không nguôi thứ cảm xúc đó thì đó chính là bệnh tương tư. Phần cuối chương trình là tình xuân thắm thiết với cảnh giao duyên của nam thanh nữ tú trên nền bức tranh cổ."

[Những bức tranh cổ thấm đẫm nỗi niềm của tình yêu] Chương trình được mở màn với chủ đề cảm xúc. Trong phần này, thông qua những bức tranh với ý nghĩa cầu xin phúc lành cho con người, ban tổ chức và tập thể nghệ sĩ muốn chúc toàn bộ khán giả một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. Từ phần thứ hai với chủ đề nỗi nhớ, là những câu chuyện về tình yêu. Nhà văn Lee Ok ở cuối thời Joseon từng nói về tình yêu qua những vần thơ như sau :

Quan sát thiên địa vạn vật không gì to bằng quan sát con người.
Quan sát con người không gì đẹp bằng quan sát tình cảm.
Quan sát tình cảm không gì chân thật bằng quan sát tình cảm nam nữ.


Lấy ý thơ tình cảm nam nữ là tình cảm chân thật nhất, nhà phê bình Sohn Cheol-ju đã giới thiệu đến khán giả bức tranh “Thư sinh và thiếu nữ” ngập tràn tâm trạng u buồn của một thiếu nữ dành cho một thư sinh. Đây là bức tranh dân gian vẽ một thiếu nữ đang nhìn lén một thư sinh ngồi đọc sách phía sau cánh cửa phòng mở. Tay nàng bám chặt cánh cửa do lo sợ sẽ bị phát hiện. Trong lúc đó, dường như chưa biết tâm tư của thiếu nữ nên thư sinh vẫn chỉ chú tâm đọc sách, khiến thiếu nữ buồn tủi cho mối tình đơn phương của mình. Và tinh thần ấy của bức tranh đã được truyền tải nguyên vẹn đến khán giả.

Cũng là tình đơn phương nhưng người con trai trong bức “Viên mãn sắc xuân” của họa sĩ Shin Yoon-bok ở thế kỷ 18 lại rất chủ động. Nhà phê bình mỹ thuật Sohn Cheol-ju giải thích : "Khác với sự yếu đuối của người con gái trong bức tranh trước, người con trai trong bức “Viên mãn sắc xuân” có cách tiếp cận rất chủ động. Anh trông như một người quyền quý, đầu đội mũ Gat, loại mũ truyền thống của đàn ông quý tộc Hàn Quốc, một tay cầm quạt còn một tay níu giữ chiếc giỏ của cô gái. Hành động này mang chút gì đó còn e ngại chứ không hề thô lỗ. Còn gương mặt của anh dường như hơi ửng hồng vì chút men rượu. Nhưng thú vị một điều là biểu cảm của cô gái, cô đang cười. Ở cô gái ấy cũng có sự ham muốn, là điều không hề xuất hiện ở các nhân vật nữ trong những bức tranh cổ khác." Cô gái trong bức tranh “Viên mãn sắc xuân” không hề cảm thấy khó chịu về hành động thổ lộ tình cảm hơi táo bạo của người đàn ông. Và thế là trong một ngày mùa xuân đẹp trời, tình yêu của họ đã bắt đầu.

Cũng vào mùa xuân, mùa mọi người đi tìm một nửa của mình, thì có một kỹ nữ già ngồi trên sàn gỗ hiên nhà và buồn tủi cho số phận của mình. Đó là những gì được miêu tả trong bức “Người phụ nữ nơi ngôi nhà đầy sen” cũng của họa sĩ Shin Yoon-bok. Nhà phê bình Sohn Cheol-ju cho biết : "Người kỹ nữ luống tuổi ngồi buồn bã trên một góc sàn gỗ hiên nhà, tay trái cầm tẩu thuốc còn tay phải cầm khèn bầu Saenghwang. Trước mặt cô là hoa sen nở rộ với những chiếc lá xanh mướt, xen lẫn là một vài búp sen hồng phấn e ấp. Nhìn hoa đẹp mà lòng kỹ nữ buồn rười rượi vì nghĩ đến tình yêu thời thanh xuân của mình. Quãng thời gian ấy đã qua mang theo mối tình ngang trái của cô. Tình yêu không thể trở lại với cô, nghĩ đến điều đó, lòng cô lại trào dâng nỗi nhớ." Ngay sau phần giải thích là những giai điệu u buồn của âm nhạc truyền thống “Tế vong muội ca (Jemangmega)” được cất lên như than kể nỗi buồn của người kỹ nữ về một mối tình đã chết.

Tình yêu không chỉ là những sự ngọt ngào. Người xưa cũng đã đúc kết và gửi gắm thông điệp đó qua những bức tranh. Nhà phê bình mỹ thuật Sohn Cheol-ju cho biết : "Đề tài tình yêu nam nữ trong tranh thời Joseon không thể hiện tính cấp bậc xã hội như của phương Tây. Nó nồng nàn như hương ngải mùa xuân, mới ăn vào thì đắng, để lại dư vị nơi đầu lưỡi, chứ không ngọt lịm như vị sô-cô-la trong ngày lễ Valentine của phương Tây. Tình yêu trong tranh cổ Hàn Quốc cũng có tính hài hước và tính tiết chế, không bị điều khiển bởi cảm xúc mãnh liệt tự nhiên. Điều này đã được các họa sĩ Hàn Quốc thể hiện rất chân thực."

Đang chìm đắm trong sự buồn tủi của tình đơn phương, sự đắng cay của nỗi buồn thì khán giả liền bị cuốn hút bởi cô gái xuất hiện trong bức “Mỹ nhân đồ”, một bức tranh không rõ tác giả, dự đoán được sáng tác vào thời Joseon, đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo, Nhật Bản .Ông Sohn giới thiệu : "Suối tóc của của cô gái mới bóng mượt làm sao! Thật may là cô gái này cũng đang cười, nụ cười rất quyến rũ, đủ để có thể cuốn hút tất cả đàn ông. Thân áo được buộc chặt đến mức làm lộ phần vải lót màu trắng giữa thân áo và váy. Tôi nghĩ rằng đây là mỹ nhân trong tranh đẹp nhất trong số những bức họa mỹ nhân của thời Joseon."

Hình ảnh cô gái gần như chiếm hết diện tích bức tranh với mái tóc đen bóng được tết dày, đôi lông mày hình trăng non và chiếc nơ áo thanh lịch buông rủ sang một bên. Cô không tươi cười mà chỉ mỉm một bên môi, trông rất kiêu kỳ và quyến rũ. Chiếc nơ áo được thắt chặt, khiến thân áo như sắp bung ra, để lộ khuôn ngực đầy đặn, gấu váy được kéo lên. Tất cả sự lôi cuốn của cô gái đã được tô điểm thêm bởi làn điệu du dương qua tiết mục hát kể chuyện Pansori “Khúc hát tình yêu (Sarangga)”. Thế nhưng trong tay của cô còn nắm một bông hoa trắng. Vậy điều gì đang ẩn chứa phía sau bức tranh này? Một bài thơ của Eo Mu-jeok, vốn là nô lệ trong quan phủ hồi thế kỷ 16, đã bật mí cho chúng ta điều đó. Ông Sohn giải thích : "Bài thơ nói rằng vào một đêm thức giấc, cô gái ra khỏi phòng và cảm thấy rét buốt nhưng chiếc áo khoác phủ từ trên đầu xuống lại quá mỏng manh. Mặc dù đã nén lòng nhưng cô không thể không nguôi nỗi buồn man mác về mùa xuân đến muộn. Hờn trách xuân muộn và muốn gọi xuân về thật nhanh, cô đã ngắt một bông hoa, lặng lẽ ngắm nhìn và chờ đợi."

[Tình xuân nồng thắm trong tranh cổ] Và bây giờ, chúng ta sẽ đến với phần thứ ba của chương trình mang chủ đề tình xuân, để được thổ lộ, bộc bạch hết tất cả tình yêu thay vì chỉ để trong tim như ở các phần trước. Bức tranh tiêu biểu cho chủ đề này là bức “Thiếu niên tiễn hồng” của họa sĩ Shin Yoon-bok. Nhà phê bình mỹ thuật Sohn Cheol-ju giới thiệu : "Người chồng trong tranh búi tóc và cầm tẩu thuốc nhưng chưa có râu, chứng tỏ người này chỉ mới kết hôn. Nhưng tại sao anh ta lại nắm tay cô hầu lôi kéo như thế? Hóa ra là do người vợ đi vắng, người chồng ở nhà nảy sinh tình cảm với cô hầu và đang định tòm tèm với cô nên mới có hành động như vậy. Mặt khác cô hầu cũng không tỏ ý cự tuyệt."

Còn trong bức “Niên thiếu đạp thanh”, họa sĩ Shin Yoon-bok lại mô tả cảnh du xuân rộn ràng của nam thanh nữ tú. Sau đây là giải thích của nhà phê bình Sohn Cheol-ju : "“Đạp thanh” là đi trên cỏ xanh. “Niên thiếu đạp thanh” ở đây muốn nói đến việc thanh niên nam nữ đi du xuân, trẩy hội. Trong tranh, các cô gái đều đang cưỡi ngựa, còn các chàng trai thì theo sau cùng với người hầu. Dựa theo trang phục, chúng ta có thể biết được ai là nho sinh, ai là người hầu. Trang phục của nho sinh cầu kỳ hơn với áo chần bên trong và áo dài bên ngoài. Có nho sinh đội mũ Gat nhưng cũng có người giao nó cho người hầu giữ để đội mũ dành cho binh lính."

Bên sắc hồng phấn của hoa đỗ quyên nở rộ, mái tóc búi cầu kỳ cùng những chiếc tẩu của các cô gái càng trở nên cuốn hút, làm chao đảo những chàng trai xung quanh.

Tuy nhiên, đã có gặp gỡ, yêu thương thì phải có chia tay. Điều này đã được họa sĩ Shin Yoon-bok thể hiện trong bức “Nguyệt hạ tình nhân đồ”. Trong tranh, khán giả bắt gặp cảnh chia tay đầy lưu luyến của một đôi tình nhân dưới ánh trăng. Nhà phê bình mỹ thuật Sohn Cheol-ju diễn giải : "Trăng trong tranh là trăng non, tức trăng đầu tháng. Hướng chân của chàng trai cho thấy anh dường như đang chuẩn bị chia tay. Mặc dù cũng không muốn nhưng chàng phải nén lòng để khuyên nhủ cô gái đang lưu luyến không muốn rời." Nàng bẽn lẽn che áo khoác, chàng quyến luyến nhìn nàng. Trời sắp sáng mà cả hai vẫn luyến tiếc không rời. Đó cũng chính là tâm tư chung của những người yêu nhau. Đúng lúc này thì tiếng đàn nhị Haegeum và sáo dọc Piri cất lên…

Trong suốt hai tiếng diễn ra chương trình, khán giả được trải qua nhiều cung bậc của tình yêu. Một khán giả chia sẻ : "Chương trình đã kết hợp rất hài hòa các yếu tố như hội họa, diễn giải, âm nhạc... Việc nghe nhạc, xem tranh và nghĩ về những câu chuyện ẩn chứa trong nó khiến tôi như bị chìm đắm trong tác phẩm."

Mùa xuân đã về trên xứ sở Kimchi. Đất trời đang thay da đổi thịt căng tràn sức sống. Nếu có ai trong số chúng ta đang yêu thì hãy hâm nóng lại tình yêu của mình như thủa ban đầu, còn những ai chưa yêu hoặc đã từng yêu nhưng hiện vẫn cô đơn thì đây chính là thời điểm tuyệt vời nhất để mở cửa con tim và bạn sẽ thấy mùa xuân càng đẹp hơn gấp nhiều lần như thế.

Lựa chọn của ban biên tập