Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Frienddy, những ông bố làm bạn với con cái

2013-03-26



Vừa đi làm về nhà là anh Choi Yong-gyu, sống ở thành phố Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, đã ôm chầm lấy cô con gái Eun-woo. Đón bố đã trở thành công việc thường ngày của Eun-woo. Cô bé thích đợi bố không phải là vì được cùng bố ăn bữa tối ngon lành mà là vì một điều thú vị hơn. Đó là được chơi đùa cùng bố!

[Các ông bố Hàn Quốc đang tích cực thay đổi hình tượng trong mắt con cái] Nhắc đến bố, nhiều đứa trẻ sẽ nghĩ đến một người đàn ông sáng nào cũng dậy sớm đi làm, tối thì về nhà ăn cơm, sau đó đọc báo hay xem truyền hình rồi đi ngủ. Ngoài ra, thường xuyên về nhà muộn trong trạng thái say xỉn hoặc ngủ li bì suốt hai ngày cuối tuần cũng là những hình ảnh rất quen thuộc của các ông bố. Tuy nhiên, hình ảnh đó đang dần thay đổi. Giờ đây, các ông bố không chỉ làm công việc giáo dục con cái mà còn trở thành người bạn chia sẻ vui buồn với chúng. Những ông bố như vậy được gọi là “Frienddy”, một từ tiếng Anh được ghép từ “Friend (bạn bè)” và “Daddy (bố)”.

Bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người bố trong phim ảnh và các chương trình truyền hình của Hàn Quốc. Ví dụ như bộ phim truyền hình “Seo-young, con gái tôi” của Đài phát thanh truyền hình KBS nói về những ông bố hà khắc, hay bị cô lập trong gia đình. Trong bộ phim này, sau khi cô con gái bỏ nhà ra đi, người bố đã suy nghĩ lại và nỗ lực hơn để xây dựng tình cảm gia đình. Hay bộ phim điện ảnh nói về tình phụ tử “Phép màu trong buồng giam số 7”, bộ phim đã thu hút được 12 triệu lượt khán giả và đạt doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc.

Ông bố Yong-gu trong bộ phim “Phép màu trong buồng giam số 7” là một người bị thiểu năng trí tuệ. Tuy chỉ có trí thông minh như đứa trẻ 6 tuổi nhưng anh lại rất mực yêu thương Ye-seung, cô con gái 7 tuổi của mình. Không may, anh bị kết án giết người và bị tống vào buồng giam số 7. Cảm động trước tình cảm của anh dành cho con, các bạn tù đã bí mật mang cô bé vào buồng giam để bố con được đoàn viên và trong quá trình đó đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười. Với bản án tử hình, Yong-gu phải vĩnh viễn chia lìa con gái nhưng tình phụ tử của họ thì vẫn còn sống mãi.

[Những tấm gương đáng để học hỏi] “Mười phút chơi cùng bố” là trang blog của anh Kim Dong-kwon sống ở phường Bangbae, quận Seocho, thành phố Seoul. Đây là một trong những trang blog viết về gia đình nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc hiện nay với khoảng 50 nghìn người truy cập thường xuyên. Anh Kim cho biết : "Trước đây, tôi không có thời gian để chơi với con do phải làm việc suốt cả tuần. Một hôm, cháu nhìn tôi rồi bật khóc vì sợ hãi. Điều này khiến tôi rất ngỡ ngàng. Tôi quyết tâm phải dành thời gian chơi cùng cháu và tạo trang blog mang tên “Mười phút chơi cùng bố” để chia sẻ kinh nghiệm làm bố và kêu gọi các ông bố hãy dành ra 10 phút mỗi ngày để chơi với con. Từ đó, cứ đi làm về là tôi lại cùng con tái chế vật dụng cũ thành đồ chơi. Sau hai năm, chúng tôi đã làm được 170 món tất cả." Hai tháng sau ngày bắt đầu viết blog, anh Kim đã nhận được món quà đặc biệt từ cậu con trai Se-hwan, lúc đó chỉ mới 8 tuổi. Anh kể lại : "Cháu tặng tôi một hộp bánh quy. Trên hộp bánh có đính miếng giấy viết là: “Bố bận rộn vậy mà vẫn chơi với con. Hộp bánh quy này con mua cho mình nhưng bây giờ con muốn tặng cho bố”. Tôi đã khóc khi nhận món quà, khóc vì cuối cùng mình cũng đã trở thành một người bạn của con. Hiện tôi vẫn còn giữ món quà ấy."

Chỉ với 10 phút mỗi ngày ở bên con, anh Kim đã nhận ra nhu cầu được chơi đùa cùng bố của những đứa trẻ lớn đến mức nào. Thời gian như dài hơn khi hai bố con cùng làm đồ chơi, chia sẻ ý tưởng và đặt ra các quy tắc chơi với chúng. Suốt khoảng thời gian này, anh Kim cũng đã khám phá được những điều mà anh còn chưa biết về con trai. Anh tâm sự : "Hồi trước, tôi không biết con thích gì, quan tâm gì, thích màu sắc hay món ăn nào. Bây giờ thì tôi đã biết cháu thích chơi bóng chày, thích mặc áo quần có màu sắc lấp lánh, sặc sỡ. Cháu là cậu bé nhạy cảm, một câu nói bình thường của tôi cũng đủ để khiến cháu vui vẻ. Ngoài ra, cháu đặc biệt quan tâm đến vũ trụ." Sau hai năm viết blog, không biết hình ảnh của người bố dưới con mắt của cậu bé Se-hwan bây giờ đã 10 tuổi sẽ như thế nào nhỉ? Se-hwan chia sẻ : "Lúc trước, khi bố không có thời gian chơi với cháu, cháu đã ước gì có thể được chơi với bố. Bây giờ thì ước mơ đã trở thành sự thật. Cảm giác khi chơi với bố giống hệt như lúc chơi với các bạn nên cháu xem bố là bạn của mình. Được chơi cùng bố lúc nào cũng vui cả!" Ngoài ra, nhờ chơi cùng con mà anh Kim đã thực hiện được giấc mơ thời ấu thơ là trở thành một người chế tạo đồ chơi. Anh cho biết : "Hiện giờ tôi đang làm công việc mang tính quản lý, không liên quan gì đến sáng tạo. Thế nhưng giấc mơ hồi nhỏ của tôi là được trở thành người chế tạo đồ chơi. Lớn lên, tôi chưa từng cố gắng để thực hiện giấc mơ ấy. Nhưng rồi hôm nay nó đã sống lại trong tôi từ lúc bắt đầu chơi với con. Tôi rất bất ngờ về điều này! Tôi hạnh phúc vì không những đã giúp được con mà còn giúp được chính bản thân mình."

Đã từng một mình vất vả chăm sóc Se-hwan, chị Kim Ji-min, vợ anh Kim Dong-kwon, cảm thấy vô cùng phấn khởi trước sự thay đổi này của chồng. Chị tâm sự : "Tôi thích sự thay đổi tích cực này. Phần lớn giáo viên ở trường học hay nhà trẻ đều là phụ nữ, về đến nhà các cháu lại chỉ quanh quẩn bên mẹ. Do đó, việc các ông bố chơi cùng con sẽ giúp cải thiện mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội của đứa bé, nhất là với những bé trai, đối tượng rất cần sự dạy dỗ của bố. Ngày xưa, cháu không chịu hôn bố. Còn dạo này, từ ngày hai bố con chơi đùa cùng nhau, lúc nào cháu cũng trông ngóng xem bố đã đi làm về chưa. Quan hệ bố con đã tốt lên thấy rõ. Giờ đây, khi ba chúng tôi ở bên nhau, bầu không khí gia đình rất đầm ấm, dễ chịu. Mặt khác, tôi cũng có thêm thời gian để làm việc nhà hay việc riêng."

Một “Frienddy” thành công khác có thể kể đến là anh Kwon Oh-jin, hiện đang là quản trị viên của trang mạng “Trường dạy các ông bố cách vui chơi với con”. Với quyết tâm trở thành một ông bố tốt, 10 năm trước, anh đã cùng hàng xóm tổ chức hoạt động có tên là “Lưu giữ kỷ niệm với bố”. Đến năm 2009, anh mở trang mạng “Trường dạy các ông bố cách vui chơi với con” và hiện đã thu hút được trên 2.600 thành viên. Anh Kwon Oh-jin cho biết : "Tôi cho rằng trang mạng đã giúp cho khoảng 100 thành viên trở thành những ông bố tốt. Mọi thông tin, kinh nghiệm hay đều được cập nhật tại đây và nó đang giúp ích rất nhiều ông bố. Để trở thành một ông bố tốt, suy nghĩ thôi chưa đủ, mà phải có hành động thực tế. Nhiều người làm theo lời khuyên của tôi và đã thành công. Sau đó, những người khác lại học tập theo họ. Cứ như vậy mà số lượng các ông bố tốt dần tăng lên."



Nhờ trang mạng này mà anh Choi Yong-gyu, người được chúng tôi nhắc đến lúc đầu, đã trở thành một ông bố được con gái yêu mến. Chị Choi Hyo-jin, vợ của anh, chia sẻ : "Tính cách của cháu nhà tôi đã thay đổi nhiều. Lúc ở bên tôi, cháu chỉ biết đọc sách, chơi đồ hàng hay vẽ tranh. Nhưng từ ngày có bố chơi cùng, cháu được tham gia nhiều hoạt động hơn, phạm vi hiểu biết cũng rộng hơn. Bây giờ cháu rất hoạt bát và thường mang tiếng cười đến cho vợ chồng tôi." Mặc dù rất yêu con nhưng trước đây anh Choi không biết cách chơi đùa cùng con. Giữa lúc bế tắc, anh tìm được trang mạng “Trường dạy các ông bố cách vui chơi với con”, thật chẳng khác nào người đang đi giữa sa mạc mênh mông mà gặp được ốc đảo. Anh chia sẻ : "Trên trang mạng này có rất nhiều ông bố kiểu mẫu. Nhờ học tập họ mà tôi đã thoát khỏi tình trạng bế tắc và tìm ra cách gần gũi với con gái. Thật tuyệt vời khi tìm được cách trở thành một ông bố tốt!"

Sau khi trở thành người bạn thân thiết của con gái, mục tiêu kế tiếp của anh Choi là giúp con định hướng cho cuộc sống sau này và anh đang cố gắng để hoàn thành mục tiêu ấy. Chị Choi Hyo-jin, vợ của anh, cho biết : "Anh ấy đã đọc rất nhiều tài liệu về việc giáo dục con cái, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động của “Trường dạy các ông bố cách vui chơi với con”. Đi làm về là anh ấy lại chơi cùng con rồi miệt mài tìm kiếm thông tin về những nơi có thể đi chơi với con đến tận 2 giờ sáng. Anh ấy viết những thông tin đã thu thập ra giấy và cho tôi xem. Tôi cảm thấy anh đã cố gắng rất nhiều. Lúc anh nói sẽ viết blog về việc giáo dục con cái, tôi đã cười và nói nó không hề dễ dàng một chút nào. Vậy mà, anh ấy vẫn duy trì trang blog được cho đến tận giờ."

[Học làm bố, nhu cầu thiết yếu của giới công sở ngày nay] Các doanh nghiệp cũng đang tổ chức nhiều chương trình đào tạo cho những nhân viên đã làm bố để giúp họ có thể trở thành một ông bố tốt. Lý do cũng thật đơn giản: chỉ khi gia đình yên ấm thì họ mới chuyên tâm phát triển sự nghiệp cũng như cống hiến cho công ty. “Trường những ông bố hạnh phúc” là một trong những chương trình đào tạo trực tuyến được nhiều doanh nghiệp tin tưởng. Trưởng nhóm Kim Jang-yong thuộc Phòng kinh doanh giáo dục vì cuộc sống của công ty Hunet, đơn vị tổ chức chương trình này, cho biết : "Công ty của chúng tôi vốn chỉ tổ chức các chương trình đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên công sở. Tuy nhiên, chúng tôi rất ngạc nhiên thấy trong một cuộc khảo sát gần đây về nhu cầu đào tạo, nhiều nhân viên đã nói rằng họ muốn được đào tạo về cách làm bố. Từ trước tới giờ, các ông bố chỉ lo gánh vác trách nhiệm kiếm tiền còn các bà mẹ phải lo việc nuôi dạy con. Do chỉ biết kiếm tiền mà các ông bố dần xa cách vợ con. Thêm vào đó là việc suốt ngày phải chịu sự dòm ngó của cấp trên, cấp dưới. Họ cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi và muốn được mọi người công nhận, kính trọng. Đó là lý do chúng tôi tổ chức chương trình này."

Tại ngôi trường này, các ông bố sẽ được tiếp thêm tự tin để thực hiện những điều mình ấp ủ cho gia đình mà chưa thể thực hiện. Họ cũng học về vai trò của người chồng tốt; cách trở thành người bạn, người giúp con cái định hướng cuộc sống sau này… Học viên Yoo Seung-hee chia sẻ : "Tôi không phải là một người dễ thể hiện tình cảm. Lẽ ra phải nói bố yêu con, tôi lại chỉ có thể hỏi những câu đại loại như hôm nay con làm gì vậy, con có vui không, con đã chơi cùng ai… Bây giờ thì tôi ôm và nói chuyện với con nhiều hơn. Mỗi khi tôi đi làm về là cháu lại chạy đến ôm tôi rồi sau đó hai bố con cùng nhau chia sẻ đủ thứ chuyện.

Từ giờ thì các ông bố đã có thể trở thành người được yêu mến nhất trong nhà. Sau đây là chia sẻ của một vài học viên : "Trong nhật ký, con gái chỉ toàn viết những điều tốt về tôi. Cháu bảo mẹ suốt ngày chỉ biết la rầy chứ không giống bố, vì bố luôn lắng nghe cháu như một người bạn. Sau khi đọc được điều con viết, tôi càng nói chuyện với cháu nhiều hơn, chủ đề nói chuyện cũng đa dạng hơn." Ông bố nào cũng cho rằng mình biết cách làm bố nhưng sau khi tham gia những chương trình như thế này, họ mới có thời gian để suy nghĩ lại điều đó một cách thấu đáo. Học viên Moon Pil-bong tâm sự : "Người bố cũng như ngọn hải đăng uy nghi nơi cửa biển. Dù những con tàu có bỏ nó ra đi nhưng nó vẫn đứng vững trước sóng to gió lớn và soi đường dẫn lối cho tàu thuyền. Tôi mong muốn trở thành một bờ vai vững chắc để các con có thể dựa vào cho đến khi cất bước vào đời."

Trở thành bạn tốt của con cái đang trở thành mục tiêu, xu hướng có sức lan truyền tại Hàn Quốc gần đây. Ngày càng có nhiều hoạt động, chương trình, sách báo liên quan đến vấn đề này nhằm giúp các ông bố nhanh chóng thực hiện được mục tiêu đó. Có nhiều cách để có thể trở thành một “Frienddy” nhưng suy cho cùng vẫn là hãy cố gắng duy trì mối quan hệ phụ tử hòa thuận. Hãy chú ý quan sát con, nhẹ nhàng dạy bảo, thường xuyên hỏi han hay chia sẻ vui buồn cùng con. Hãy yêu con bằng cả trái tim mình và khi đó bạn sẽ trở thành một người bạn tuyệt vời trong mắt con trẻ.

Lựa chọn của ban biên tập