Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Chợ đồ cũ, nơi mua sắm lý tưởng cho người tiêu dùng tiết kiệm

2013-04-02



Chủ nhật ngày 17/3 vừa qua, tại quảng trường Gwanghwamun ở trung tâm thành phố Seoul đã diễn ra một phiên chợ đồ cũ hết sức nhộn nhịp. Tuy là những đồ vật đã qua sử dụng nhưng trông vẫn còn rất mới. Đặc biệt, với giá bán chỉ bằng 10% so với giá gốc, phiên chợ không những thỏa mãn người mua mà còn làm hài lòng người bán.

[Người Hàn tìm mua đồ cũ để ứng phó với khủng hoảng kinh tế] Gần đây, chợ đồ cũ là một trong những nơi được người tiêu dùng Hàn Quốc lưu tâm và yêu thích, nhất là trong tình cảnh thu nhập bị giảm bớt do tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trên các trang web đấu giá hàng hóa, ngày càng thấy có nhiều những món hàng là đồ đã qua sử dụng từ giầy dép, quần áo cho đến mỹ phẩm. Một trang web bán đồ cũ có tiếng tiết lộ rằng doanh thu của họ tháng vừa rồi đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tại Seoul nói riêng và Hàn Quốc nói chung, có rất loại hình chợ đồ cũ. Chúng ta hãy cùng khám phá một vài nơi tiêu biểu nhé!

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng ta là tiệm sách cũ Aladin, chi nhánh khu vực Sinchon, thành phố Seoul. Sau một năm mở cửa, tiệm ngày càng thu hút nhiều khách hàng. Seo Ki-sang, người quản lý của tiệm cho biết : "Chênh lệnh giá giữa sách mới với sách cũ thường là khá lớn. Do kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng dạo này chỉ muốn mua những cuốn sách giá rẻ và nằm trong khả năng chi trả của họ. Ở đây, chúng tôi lấy việc mua, bán sách làm niềm vui. Nhu cầu mua sách cũ đang ngày một tăng và hiện tiệm đã có được một lượng khách hàng thường xuyên nhất định."

Nhắc đến tiệm sách cũ, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến một nơi ẩm thấp với tầng tầng lớp lớp những cuốn sách bám bụi. Thế nhưng tiệm sách Aladin lại rất sáng sủa và sạch đẹp không khác gì những nhà sách lớn. Khách hàng thậm chí có thể dùng phần mềm truy cứu sách trực tuyến để tìm kiếm sách. Ông Seo Ki-sang giới thiệu : "Hầu như chưa có tiệm sách cũ nào ở Hàn Quốc và nước ngoài áp dụng chương trình truy cứu sách trực tuyến như tại Aladin. Các nhân viên của chúng tôi đã bỏ ra nhiều công sức để cập nhật đầu sách nhằm giúp khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm. 90% số người sử dụng chương trình này tìm được cuốn sách mình mong muốn bao gồm cả sách đã bán hết hoặc không tái bản nữa. Những khách hàng đến để bán sách cũng có thể sử dụng chương trình này để kiểm tra các thông số và biết được giá tiền bán cuốn sách mà không phải mất công đoán định."

Nói đến “sách cũ” thì không có nghĩa là nó phải rất lâu đời, cũ kỹ. Từ “sách cũ” còn được dùng để chỉ những cuốn sách đã từng được qua sử dụng. Đó là lý do vì sao, bên cạnh những cuốn sách đã cũ, bạn còn bắt gặp những cuốn còn mới nguyên tại đây. Trên thị trường hiện nay, để mua được một cuốn sách mới, bạn phải bỏ ra trung bình từ 10 đến 20 USD. Nhưng cũng với số tiền đó, bạn đã có thể mua được mấy cuốn sách cũ. Thật không ngạc nhiên vì sao sách cũ lại được ưa chuộng đến vậy! Một vị khách chia sẻ : "Do giá sách chuyên ngành quá đắt, nhất là sách về kinh tế vĩ mô hay kế toán nên tôi rất hay đến đây để mua. Mua sách cũ có thể tiết kiệm cho tôi được khoảng 20, 30 USD."

Khi gặp khó khăn về kinh tế, đa số mọi người thường tìm cách cắt giảm chi phí đi ăn ngoài và mua sắm quần áo. Giải pháp của họ là nấu ăn tại nhà và tìm đến những cửa hàng quần áo cũ để mua những bộ cánh ưng ý. Có một chuỗi cửa hàng mang tên “Cửa hàng đẹp” rất được yêu thích không chỉ vì giá cả phải chăng mà còn vì mục đích kinh doanh cao đẹp, đó là bán những món đồ cũ do người dân quyên tặng để lấy tiền giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ra đời từ năm 2002, cho đến nay, chuỗi cửa hàng đã có 130 chi nhánh trên toàn quốc với số lượng khách hàng đang không ngừng gia tăng. Kang Joo-yeon, quản lý một chi nhánh, cho biết : "Do kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm. Hiểu được mục đích kinh doanh của chúng tôi nên có rất nhiều người đã tìm đến đây. Quần áo là thứ mà khách hàng quyên tặng và mua nhiều nhất. Ngoài ra, các bà nội trợ thì thường tìm mua đồ dùng sinh hoạt hay dụng cụ nhà bếp. Họ cũng hay mua những quyển sách thiếu nhi. Khách hàng tìm đến đây không phải chỉ để mua hàng giá rẻ mà còn vì họ biết món tiền mình bỏ ra sẽ được dùng vào mục đích từ thiện rất có ý nghĩa."

Thời điểm giao mùa như lúc này chính là lúc cửa hàng nhận được nhiều món đồ quyên tặng. Và đây cũng là lúc hoạt động kinh doanh đồ cũ diễn ra sôi nổi nhất. Bà Kang Joo-yeon chia sẻ : "Người dân sẽ liên lạc với chúng tôi khi có vật dụng gì đó không cần dùng nữa. Nếu số lượng nhiều thì chúng tôi sẽ đi thu gom còn nếu ít thì sử dụng dịch vụ chuyển hàng miễn phí. Nhưng cũng có những người đích thân mang đến tặng. Chúng tôi có một kho hàng chung. Tại đây, các món đồ sẽ được tập trung, tân trang, đính giá tiền... rồi gửi đến các chi nhánh để bán. Tháng 3 là lúc mọi người sắp xếp lại quần áo mùa đông nên số đồ quyên tặng sẽ tăng lên. Hiện đường dây tiếp nhận hàng quyên tặng của chúng tôi đang quá tải với rất nhiều cuộc hẹn gọi thu gom."

Mỗi năm, Cửa hàng đẹp nhận được khoảng 10 triệu món đồ các loại. Đáng ghi nhận là có rất nhiều doanh nghiệp đã đóng góp những món hàng tồn kho của mình cho cửa hàng. Thế nên, nếu may mắn, khách hàng có thể chọn được những món đồ giá rẻ hoàn toàn mới tinh. Một vị khách cho biết : "Tôi rất hay đến đây. Nghe nói hôm nay có bốt mùa đông mới nên tôi đến mua. Tôi mua cho mình một đôi, em gái một đôi. Giá ở đây rẻ hơn bất cứ nơi nào ngoài thị trường. Thật là may mắn!" Tuy là những món đồ mua tại các cửa hàng đồ cũ nhưng khi mặc hay mang ra ngoài, nếu không hỏi thì khó có ai đoán được món đồ bạn đang dùng là đồ đã qua sử dụng.



Ngoài sách báo và quần áo thì các cửa hàng giảm giá bán đồ điện hay đồ gia dụng cũ cũng được người Hàn để mắt đến. Chúng ta đang có mặt tại cửa hàng Remarket, một cửa hàng chuyên mua bán đồ điện và đồ gia dụng cũ rất được những người tiêu dùng tiết kiệm yêu thích. Một khách hàng cho biết : "Tôi tìm mua một cái ghế sa-lông. Tôi thường đến đây mua vì tuy đều là đồ cũ nhưng hàng hóa ở đây còn rất lành lặn, sạch sẽ và mới tinh. Ngoài thị trường, một cái ghế sa-lông da như vậy có giá tới 700~800 USD nhưng ở đây chỉ có 270 USD."

Ưu điểm lớn nhất khi mua đồ cũ tại đây là khách hàng có thể bỏ ra số tiền hợp lý, được giao hàng miễn phí và hưởng chế độ hậu mãi. Với các dịch vụ quá tốt như thế này thì không có lý do gì mà bạn lại phải khăng khăng đi mua đồ mới cả, có đúng không nào? Sau đây là chia sẻ từ trưởng phòng Kim Young-beom của Remarket : "Chúng tôi bán mọi loại hàng hóa như tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa... Có hàng là chúng tôi sẽ làm sạch, kiểm tra, sửa chữa rồi tân trang thành một món hàng hoàn chỉnh để bán trở lại thị trường. Vì kinh tế khó khăn nên số người tìm mua đồ cũ cũng tăng hơn trước rất nhiều."

[Phiên chợ đồ cũ giữa lòng Seoul] Để góp phần quảng bá cho loại hình kinh doanh này, chính quyền thành phố Seoul đã tổ chức một phiên chợ đồ cũ quy mô ngay tại quảng trường Gwanghwamun. Bắt đầu từ hôm 17/3 và sẽ được kéo dài cho đến hết tháng 10, cứ vào Chủ nhật hàng tuần là khu vực này sẽ lại huyên náo với cảnh kẻ bán người mua. Tại đây còn diễn ra nhiều tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc vùng miền của xứ sở Kimchi.

Trong số những người bán, có một em học sinh tiểu học tên là Kim Chae-rin. Tuy chỉ mới học lớp 5 nhưng kỹ năng bán hàng của em không thua kém gì người lớn. Em cho biết : "Em bán những món đồ không sử dụng nữa như sách hay văn phòng phẩm. Ban đầu thì không bán được gì nhiều, chủ yếu chỉ bán được chó bông nhưng cũng được kha khá. Có những món đồ chơi em đã dùng từ hồi còn đi nhà trẻ nên bán đi cũng hơi tiếc. Nhưng chẳng thà như vậy còn hơn cứ để đóng bụi trong nhà."

Ngoài ra, du khách sẽ còn bắt gặp không ít người bán là người nước ngoài đến từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Phi… Họ mang đến đây nhiều món đồ đặc trưng của quốc gia mình và góp phần làm phong phú chủng loại mặt hàng. Cô gái Nga Alexandra cho biết : "Tôi là sinh viên ngành kinh tế. Tôi bán những cuốn sách đã dùng từ hồi năm thứ nhất, nhiều vật dụng linh tinh và một cái giỏ. Đây đều là những thứ tôi đã mua ở Nga. Trông lạ mắt đúng không? Bán hàng giá rẻ thật là vui. Ngoài ra, tôi cũng vui vì được kết thân với nhiều người Hàn."

Ngoài các món đồ đã qua sử dụng, các “chủ hàng” ngoại quốc còn mang đến những món ăn đặc trưng của đất nước mình. Sau đây là cảm nhận của một người dân : "Món ăn Việt Nam này rất giống một loại bánh màn thầu Mandu của Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên tôi ăn món này. Hương vị rất ngon, rất đáng thưởng thức."

Với tên gọi “Chợ chia sẻ hy vọng”, một phần số tiền thu được từ phiên chợ tại quảng trường Gwanghwamun sẽ được sử dụng cho mục đích từ thiện. Đây hoàn toàn là việc làm tự nguyện của những người bán. Và trên tinh thần thiện nguyện như vậy, người bán kẻ mua, ai nấy đều hồ hởi. Kinh tế khó khăn khiến người người, nhà nhà dùng đồ cũ. Tuy xài đồ đã qua sử dụng nhưng mọi người không lấy làm e ngại vì tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể và còn có thể giúp đỡ những người gặp khó khăn xung quanh mình.

Lựa chọn của ban biên tập