Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nghề hướng dẫn viên, người truyền tải những câu chuyện cho du khách

2012-11-20



Tại lễ trao giải của Liên hoan phim “Giải thưởng điện ảnh Daijong (Đại Chuông)” lần thứ 49, được tổ chức hôm 31/10, bộ phim “Gwang-hae: người đàn ông trở thành đấng quân vương (Gwanghae: The Man Who Became King)” đã xuất sắc giành giải “Bộ phim xuất sắc nhất”. Ngoài ra, bộ phim còn giành được nhiều giải thưởng quan trọng khác như “Nam diễn viên xuất sắc nhất”, “Đạo diễn xuất sắc nhất”, “Kịch bản xuất sắc nhất”, “Mỹ thuật xuất sắc nhất”, “Âm nhạc xuất sắc nhất”… Với việc được xướng tên 15 lần, “Gwang-hae: người đàn ông trở thành đấng quân vương”đã trở thành bộ phim nhận được nhiều giải thưởng nhất trong lịch sử Liên hoan phim. Trước đó, nó từng trở thành bộ phim thứ 7 của Hàn Quốc vượt qua mốc 10 triệu lượt khán giả và được kỳ vọng sẽ đưa nền điện ảnh xứ Hàn trở về thời hoàng kim của mình.

[Thời đại của những bộ phim Hàn đạt 10 triệu lượt khán giả đã đến] Chỉ trong vòng 1 năm mà Hàn Quốc đã có đến 2 bộ phim vượt qua mốc 10 triệu lượt khán giả là “Gwang-hae: người đàn ông trở thành đấng quân vương” và trước đó là“Những tên trộm (hay còn được biết đến với tên gọi “Đội quân siêu trộm (The Thieves)”, một việc rất hiếm thấy của nền điện ảnh nước này. Nhà phê bình phim Oh Dong-jin cho biết : "Hai bộ phim này đóng vai trò đầu tàu cho việc phục hưng lại nền điện ảnh Hàn Quốc. Vốn dĩ, một bộ phim thành công sẽ góp phần kích thích nền công nghiệp điện ảnh phát triển. Năm 2007 và 2008 là hai năm trì trệ của điện ảnh Hàn Quốc, thế nhưng việc ra đời nhiều tác phẩm chất lượng trong năm nay, điện ảnh nước này đang lấy lại thời kỳ hoàng kim."

Với 13.030.227 lượt khán giả, “Những tên trộm” đã trở thành bộ phim có số lượt khán giả cao nhất trong lịch sử phim điện ảnh Hàn Quốc. Còn với “Gwang-hae: người đàn ông trở thành đấng quân vương”, con số này đã lên đến 11.790.000 lượt tính đến ngày 12/11 vừa qua và đang không ngừng gia tăng. Một khán giả chia sẻ : "Bộ phim “Gwang-hae:người đàn ông trở thành đấng quân vương” rất thành công trong việc thu hút khán giả. Có lẽ bởi nó đã nhận được đến 15 giải thưởng của Liên hoan phim “Giải thưởng điện ảnh Daijong”. Phim liên tục xuất hiện những tình tiết vô cùng thú vị."

Có thể nói năm 2012 là năm “gặp thời” của điện ảnh Hàn Quốc khi thu hút kỷ lục lượng khán giả đến rạp. Mở đầu câu lạc bộ những bộ phim 10 triệu lượt khán giả là tác phẩm “Đảo Silmi (Silimido)” được sản xuất năm 2003 dựa trên câu chuyện có thực về đơn vị đặc nhiệm đảo Silmi hồi năm 1968. Một năm sau đó, năm 2004, bộ phim “Cờ Thái cực bay phấp phới (Taegukki: The Brotherhood of war)” nói về tấn bi kịch của hai anh em trai trong cuộc triến tranh Triều Tiên cũng gia nhập câu lạc bộ này. Đến năm 2005, bộ phim “Nhà vua và chàng hề (The King and The Clown)” kể về mối tình của vua Yeonsangun với một chàng hề trẻ thời Joseon đã trở thành thành viên kế tiếp của câu lạc bộ. Thành viên tiếp đó được kết nạp vào câu lạc bộ năm 2006 là bộ phim viễn tưởng kinh dị mang tên “Quái vật sông Hàn (The host)”. Và phải đến năm 2009, câu lạc bộ mới lại đón nhận thêm thành viên mới với bộ phim “Haeundae (Sóng thần ở Haeundae)”. Dựa trên vụ thảm họa sóng thần ở Indonesia năm 2004, “Haeundae” là tác phẩm viễn tưởng nói về một thảm họa khủng khiếp tương tự bất ngờ ập đến thành phố Busan của Hàn Quốc.

Phải mất 3 năm kể từ sau thành công của “Haeundae”, câu lạc bộ những bộ phim 10 triệu lượt khán giả mới thu nạp thêm được thành viên mới, mà lần này đến những hai thành viên là bộ phim “Những tên trộm” và bộ phim “Gwang-hae: Người đàn ông trở thành đấng quân vương”. Một điều đáng tự hào là ngay như một thị trường điện ảnh cực lớn là Nhật Bản còn khó khăn trong việc chạm đến con số 10 triệu lượt khán giả thì Hàn Quốc lại đạt được. Cùng với sự tiếp sức của những bộ phim cán mốc 3-4 triệu lượt khán giả, điện ảnh Hàn Quốc đang lấy lại được thời kỳ vàng son của mình. Nhà phê bình phim Kang Yu-jung cho biết : "2012 là một năm đặc biệt.Các bộ phim như “Bơ vơ (Helpless)”, “Kiến trúc học đại cương (Architecture 101)”, “Tất cả mọi thứ của vợ tôi (Everything about my Wife)”… đều thu hút được 2-3 triệu lượt khán giả. Phim Hàn Quốc chiếm lĩnh phần lớn những vị trí cao nhất trên các bảng xếp hạng phim, quả là một điều hiếm thấy."

Thành công của 2 bộ phim kể trên còn có ý nghĩa ở chỗ chúng hoàn toàn không phải là những bộ phim bom tấn hay hướng đến các chủ đề, sự kiện lớn nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của khán giả. Nhà phê bình Kang Yu-jung giải thích : "10 triệu lượt khán giả đồng nghĩa với việc gần 1 phần 4 dân số Hàn Quốc kéo nhau đến rạp. Những bộ phim liên quan đến các vấn đề, sự kiện quan trọng của Hàn Quốc thường trở thành tiêu điểm thu hút người xem. Bộ phim “Nhà vua và chàng hề” là một ví dụ điển hình khi được ra mắt trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc. Riêng “Những tên trộm” thì lại là một trường hợp khác. Đây là bộ phim thuần túy giải trí khi phác họa những tên trộm và nói lên quan điểm về hạnh phúc cũng như sự giàu sang. Rõ ràng là không nhất thiết phải chứa đựng nội dung gì to tát thì một bộ phim nào đó mới chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả."

[Vài nét về hai bộ phim “Những tên trộm” và “Gwang-hae: Người đàn ông trở thành đấng quân vương”] Bộ phim “Những tên trộm” truyền tải nội dung về một băng trộm 10 người gồm Hàn Quốc và Trung Quốc hợp tác với nhau cùng đánh cắp viên kim cương quý hiếm mang tên “Nước mắt mặt trời” được giấu trong một sòng bài ở Macao. Đây là sản phẩm kết hợp tuyệt vời giữa tay nghề bậc thầy về phim hành động của đạo diễn Choi Dong-hoon, người từng rất thành công với những bộ phim như “Sự hoàn lương của kẻ lừa đảo (The Big Swindle)”, “Kẻ cờ bạc bịp (The War of Flower)” hay “Đạo sĩ Jeon Woo-chi (Jeon Woo-chi: The Taoist Wizard)” với diễn xuất điêu luyện của các diễn viên ngôi sao. Nhà phê bình Oh Dong-jin nhận xét : "“Những tên trộm” là một bộ phim được thực hiện rất tốt, trong đó góp phần đáng kể là sự chỉ đạo xuất sắc của đạo diễn Choi Dong-hoon. Nhưng để có được một bộ phim mang tính thương mại cao như vậy còn nhờ khả năng diễn xuất tài tình của dàn diễn viên, công tác chuẩn bị, nguồn tài chính…"



Mỗi nhân vật trong phim đều được viết dựa trên hình tượng của các diễn viên. Đó là Macao Park, gã lên kế hoạch cho tất cả các vụ trộm. Là Pepsi, cô nàng chuyên phá két sắt. Là Ssipdeonggeom, người phụ nữ luôn nhai kẹo cao su trong miệng. Là Yenicall, cô gái giỏi trốn thoát bằng cách đu dây. Hay tay súng nhát cáy Andrew. Nhà phê bình Kang Yu-jung cho biết : "Đa số phim Hàn đều lấy chủ đề xoay quanh các sự kiện, hiếm có bộ phim nào mà mỗi nhân vật đều đóng một vai trò riêng như “Những tên trộm”. Trong thể loại phim về trộm cắp hay tội phạm, việc nhấn mạnh vào nhân vật sẽ mang đến sự thành công cho phim. Và “Những tên trộm” là một ví dụ điển hình. Nhờ sự tương đồng về tính cách và hình tượng mà khán giả có thể dễ dàng liên tưởng đến nhân vật Pepsi khi nhắc đến Kim Hye-soo hay nhân vật Yenicall khi nhắc đến Jeon Ji-hyeon."

Việc “Những tên trộm” thu hút được trên 10 triệu lượt khán giả và trở thành bộ phim Hàn Quốc ăn khách nhất mọi thời đại đã gây sửng sốt và bất ngờ cho giới làm phim nước này, vì trước đó nó đã được đánh giá làbộ phim không có nội dung gì mới lạ. Nhà phê bình Kang Yu-jung lý giải : "Hiếm có bộ phim nàovề trộm cắp hay tội phạm của Hàn Quốc mà lại được khán giả vui vẻ đón nhận như bộ phim này. Khán giả Hàn Quốc đã từng rất say mê với bộ phim “Mười một tên cướp thế kỷ”, một bộ phim Hollywood cùng thể loại. Vậy nên, mặc dù là phim trong nước và mang đậm tính thị trường nhưng thành công rực rỡ mà “Những tên trộm” đạt được có ý nghĩa vô cùng lớn."

Trong khi đó, bộ phim “Gwang-hae: Người đàn ông trở thành đấng quân vương” lại khai thác chủ đề hoán đổi thân phận quen thuộc khi nói về vua Gwang-hae có thật ở thời đại Joseon vì sợ bị hạ độc bằng thức ăn nên đã tìm một thường dân giống hệt mình để đóng giả làm vua. Bộ phim đặc biệt gây chú ý khi có sự tham gia của nam diễn viên Hallyu nổi tiếng Lee Byung-hun trong cả hai vai nhà vua và gã thường dân. Nhà phê bình Kang Yu-jung nhận định : "Đây là lần đầu tiên Lee Byung-hun đóng phim cổ trang, lại là vai diễn mang yếu tố hài hước, nhẹ nhàng, khác hẳn với hình ảnh nghiêm nghị, dữ dội thường thấy của nam diễn viên này nên khiến cho khán giả hết sức quan tâm. Hơn nữa, nhân vật của Lee Byung-hun tuy có bề ngoài giống vua nhưng tâm tính lại nhân ái và hài hước, những thứ không hề có ở vị vua thật. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, bộ phim muốn nhắn nhủ người dân hãy sáng suốt lựa chọn một người có tâm, có tài để điều hành đất nước."

Đứng trước không khí sôi động của cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc sắp diễn ra vào ngày 19/12 tới, bộ phim như càng được tiếp thêm sức nóng để thu hút khán giả đến rạp. Một khán giả cảm nhận : "Bộ phim đưa ra những thông điệp mạnh mẽ cho người dân trước thềm cuộc bầu cử tổng thống. Tôi nhận thấy những người dân bình thường như chúng tôi có bổn phận phải đấu tranh vì một nền chính trị chân chính. Nhân vật của Lee Byung-hun, từ một người không biết gì, chỉ biết phục tùng, dần dần phẫn nộ trước sự đấu đá lẫn nhau của các phe phái, những kẻ không biết nghĩ đến người dân. Tôi rất xúc động với cảnh nhân vật của Lee Byung-hun bày tỏ mạnh mẽ tình yêu thương sâu sắc của mình dành cho người dân."

Khán giả nước ngoài cũng tỏ ra rất quan tâm đến hai bộ phim này. Ở Liên hoan phim Hàn Quốc tại Paris lần thứ 7 và Liên hoan phim Hàn Quốc tại London lần thứ 7 năm nay, hai bộ phim đã lần lượt được công chiếu thay phiên trong đêm khai mạc và bế mạc để tiếp xúc với khản giả châu Âu. Nam diễn viên Lee Byung-hun chia sẻ cảm xúc : "Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi phim của mình được chiếu ở châu Âu. Sự đón nhận nồng nhiệt của họ chính là niềm hạnh phúc to lớn nhất đối với một diễn viên như tôi."

Ngoài ra, bộ phim “Những tên trộm” còn có vinh dự được tham gia Liên hoan phim quốc tế Toronto lần tứ 37 tại Canada hồi tháng 9. Cũng như “Gwang-hae: Người đàn ông trở thành đấng quân vương” cũng được mời tham dự Liên hoan phim quốc tế Abu Dhabi 2012 tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hồi giữa tháng 10 và trình chiếu tại đêm khai mạc của Liên hoan phim Hàn Quốc tại Việt Nam hôm 18/10.

Năm 2012 quả là một năm đáng nhớ và đáng tự hào của nền điện ảnh Hàn Quốc khi bộ phim Pieta (Đức mẹ sầu bi) vinh dự nhận giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venicelần thứ 69 cùng hàng loạt các bộ phim vượt qua mức 10 triệu lượt khán giả, dự kiến sẽ đưa tổng số lượt người xem phim Hàn Quốc lên hơn 100 triệu lượt. Nắm bắt được thời thế và thừa thắng xông lên, giới điện ảnh Hàn Quốc đang rất khẩn trương trong việc tiếp tục cho ra mắt nhiều tác phẩm mới, hứa hẹn sẽ còn gây bất ngờ và lôi cuốn hơn nữa trong năm tới.

Chúng ta vừa cùng tìm hiểu về "Thời đại của những bộ phim Hàn Quốc đạt 10 triệu lượt khán giả". Chuyên mục “Xu thế Hàn Quốc” hôm nay xin được tạm dừng tại đây. Cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của quý vị và các bạn.

Lựa chọn của ban biên tập