Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Phong trào ăn chay tại xứ sở Kimchi

2012-11-27



Tiếng thái rau củ đang vang lên giòn rụm trong gian bếp của một nhà hàng các món chay. Và chỉ chốc lát sau, những món ăn thơm ngon đã được dọn lên bàn tươm tất cho thực khách thưởng thức. Một thực khách chân thành chia sẻ : "Tôi bắt đầu ăn chay sau lời rủ rê của mấy anh bạn. Bây giờ, mỗi khi gặp gỡ bạn bè, tôi vẫn hay dẫn họ đến các nhà hàng các món chay. Nhờ loại thực phẩm này chứa nhiều chất chống oxy hóa nên từ ngày ăn chay, tôi thấy cơ thể rất khỏe khoắn, dễ chịu, khác với cảm giác mệt mỏi, bức bối và nặng nề trước kia."

[Người Hàn hào hứng với việc ăn chay] Theo bà Choi Jeong-an, chủ nhân của một nhà hàng các món chay, dạo này, số lượng thực khách tìm đến với loại hình ẩm thực ăn chay ngày càng nhiều, khiến nhà hàng của bà phải liên tục bổ sung thêm món mới vào thực đơn. Tất cả món chay hiển nhiên đều được làm từ thực vật, kể cả những món mà nếu chỉ nhìn qua bạn cứ tưởng là chúng được làm từ các loại thịt. Bà Choi Jeong-an giới thiệu : "Các món ăn của nhà hàng chúng tôi đều được chế biến từ rau củ, thậm chí các món như thịt bò ướp gia vị nướng Bulgogi, thịt tẩm bột rán cho đến bánh màn thầu hoàn toàn được làm bằng cách trộn các loại đậu đỗ hay bột mì với các loại hạt và rau. Mặc dù vậy, khi ăn vẫn có cảm giác giống như ăn thịt bò thật. Đến đây, thực khách còn được thưởng thức nhiều món chay hấp dẫn như lẩu Jeongol, mỳ Udong, Hamburger, mỳ Ý… Đặc biệt, tại đây có cả cà phê hòa sữa với hạt cà phê được trồng bằng phân hữu cơ và sữa được làm từ hạt đậu nành."

Thi thoảng, người ăn chay cũng muốn ăn thịt, cá. Những lúc như vậy đã có ngay những món ăn trông thì không khác gì được làm từ thịt, cá nhưng thật ra lại được làm từ đậu đỗ. Chúng chân thực đến mức thực khách sẽ chẳng thể nào phân biệt nổi đâu là bát cơm phủ thịt bò ướp gia vị nướng Bulgogi-deopbap chay. Một thực khách cho biết : "Tôi thường hay đến nhà hàng này. Hôm nay, tôi muốn ăn món Bulgogi-deopbap chay. Nhìn trong bát thì thấy có thịt bò nhưng hóa ra nó lại được làm từ lúa mỳ và đỗ. Ăn vào thì thấy có vị thịt thơm ngon không khác gì thịt bò thật và cũng rất chắc bụng. Tôi cảm thấy tràn trề năng lượng khi ăn những loại thực vật do thiên nhiên ban tặng."

Phong trào ăn chay đang lan rộng tại xứ sở Kimchi. Theo thống kê của Hiệp hội ăn chay Hàn Quốc, đất nước này chỉ mới có 2% dân số là người ăn chay, một con số khiêm tốn so với những nước chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tôn giáo như Ấn Độ, Đài Loan (20%) hay các nước phương Tây như Anh (12%), Mỹ (5~6%). Thế nhưng, hiện có khoảng 20% người Hàn đang có ý định ăn chay và trở thành cơ sở để các nhà hàng các món chay được mọc lên ồ ạt với khoảng 300 nhà hàng trên toàn quốc.

[Ăn chay và hiệu quả của nó đối với sức khỏe con người] Sức khỏe chính là lý do chung khiến phần lớn mọi người chuyển qua ăn chay. Khi cuộc sống dần bị vây hãm bởi các chứng bệnh như béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch… thì việc thay đổi thói quen ăn uống càng trở nên cấp thiết. Và ăn chay chính là một trong những lời khuyên thường được các chuyên gia y tế và sức khỏe nhắc nhở bệnh nhân của mình. Bác sĩ khoa thần kinh Hwang Seong-soo chia sẻ : "Tôi đã có thời gian rất lâu theo dõi và nghiên cứu triệu chứng trúng gió. Triệu chứng này rất dễ bị mắc phải nếu bạn bị cao huyết áp hay tiểu đường, mà cao huyết áp và tiểu đường phát sinh là do thói quen ăn uống. Y học hiện đại vẫn chưa tìm ra biện pháp triệt để cho việc chữa trị cao huyết áp, tiểu đường, béo phì…Uống thuốc là chưa đủ giúp bạn hết bệnh. Chỉ có cách là bạn phải thay đổi thói quen ăn uống, tránh ăn thịt, cá, trứng, sữa mà nên dùng nhiều rau quả và ngũ cốc. Vì luôn khuyên bệnh nhân của mình nên thay đổi thói quen ăn uống như thế nên hiện nay tôi còn được xem như một người truyền bá ăn chay."

Xóa tan cảm giác no nê và nặng nề bởi thịt, cá, rau củ mang đến cho bạn cảm giác khỏe khoắn và nhẹ nhàng. Bác sĩ Hwang Seong-soo cho biết thêm : "Thực phẩm làm từ thịt động vật còn được gọi là món mặn. Món mặn chứa nhiều thành phần không cần thiết cho cơ thể và nó khiến cơ thể mắc nhiều loại bệnh. Trái lại, thực phẩm làm từ rau quả hay còn được gọi là món chay lại chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, nhất là đạm. Vì không chứa cholesterol nên các món ăn này không gây chứng xơ vữa động mạch. Ngoài ra, nó còn chứa lượng chất béo trung tính, rất cần cho cơ thể. Nếu hấp thu vừa đủ các thành phần này, con người còn tránh được bệnh ung thư, ngăn ngừa lão hóa cùng các chứng cảm cúm."

Phần lớn mọi người vẫn ngộ nhận rằng ăn chay tức là chỉ ăn thực vật. Nhưng thực ra người ăn chay được chia thành 6 nhóm gồm : Semi, chỉ không ăn thịt đỏ tươi; Pesco, ăn được cá tôm, hải sản trừ thịt gia súc gia cầm; Lacto-Ovo, ăn được thực phẩm làm từ sữa và trứng; Lacto, ăn được thực phẩm làm từ sữa nhưng tránh ăn trứng; Fruitarian, chỉ ăn hoa quả; Vegan, chỉ ăn rau quả và không ăn trứng, sữa. Tùy theo thể chất và tinh thần của mình mà người ăn chay có thể lựa chọn nhóm chay thích hợp. Bác sĩ Hwang Seong-soo cho biết : "Mặc dù gọi là “ăn chay” nhưng không có nghĩa là chỉ được ăn thực vật. Bên cạnh đó, còn phải có sự cân bằng giữa ngũ cốc, hoa quả và rau củ. Ăn nhiều ngũ cốc dễ mắc bệnh béo phì, còn nếu ăn ít và thay vào đó bằng hoa quả thì bị gầy yếu. Rau củ ăn nhiều quá cũng gây tiêu chảy. Do đó, tùy theo cân nặng, thể trạng của từng người mà điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ như khi bị giảm cân, ta nên ăn nhiều ngũ cốc, ăn ít rau quả và ngược lại. Tốt nhất là nên cân bằng mọi thứ để bệnh tình tốt lên và khỏe mạnh mỗi ngày."

Mức độ hài lòng của các bệnh nhân sau khi chuyển sang chế độ ăn chay càng ngày càng tăng. Nhất là đối với chị Hwang Ji-hee, một người đã từng rất lo âu về căn bệnh béo phì suốt một thời dài. Chị hào hứng chia sẻ : "Nhờ ăn chay mà tôi dễ dàng giảm được 5kg. Đã vậy da dẻ còn láng mịn, sẹo mụn biến mất và bớt sần sùi, không cần dùng đến mỹ phẩm. Do đó, tôi ngày càng thích ăn chay. Bây giờ gặp ai tôi cũng khuyên họ nên ăn chay".



[Phong trào ăn chay lan rộng trong học đường] Khi mức độ quan tâm về ăn chay tăng cao, ngoài sự xuất hiện ồ ạt của các nhà hàng các món chay, nhiều câu lạc bộ ăn chay trong trường đại học cũng đua nhau ra đời. Một trong số đó là câu lạc bộ “Ruộng đỗ (Kongbat)” ở trường đại học Quốc gia Seoul. Với các hoạt động đa dạng và thú vị, câu lạc này đã gặt hái được khá nhiều thành công. Chủ tịch câu lạc bộ Kang Dae-woong cho biết : "Câu lạc bộ được thành lập vào năm 2009. Trước đó, căng-tin trong trường có rất ít món chay nên chúng tôi bắt đầu chiến dịch kêu gọi người ăn chay bằng cách tổ chức các cuộc thi đố vui, các hoạt động ăn chay. Dần dần, nhiều bạn trong trường hưởng ứng mạnh mẽ và chúng tôi thuyết phục ban lãnh đạo nhà trường dành một khu vực nhỏ bán các món chay. Đến năm 2010, mong muốn ấy đã trở thành hiện thực. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức thêm các hoạt động thú vị liên quan đến loại hình ẩm thực lành mạnh này."

Nhờ tác động tích cực của câu lạc bộ mà một căng-tin món chay tự chọn đã được ban lãnh đạo trường đại học Quốc gia Seoul mở cửa và hiện có 2 căng-tin trong khuôn viên trường. Một sinh viên cho biết : "Tuy là thịt làm bằng đỗ tương nhưng ăn vào cứ có cảm giác giống như thịt thật. Tôi rất hay chọn món bí ngô nhồi thập cẩm vì nó ít năng lượng. Ngoài ra, tôi cũng hay chọn trái cây vì chúng rất tốt cho việc ăn kiêng. Mặc dù giá cả hơi đắt nhưng do ngon và bổ nên tôi rất hay đến căng-tin này."

[Những tác động tích cực khác của ăn chay] Ngoài lý do sức khỏe, còn vài lý do khác đã dẫn dắt không ít người quyết định chuyển sang ăn chay. Như trường hợp của Byeon Eun-ji, một thành viên của câu lạc bộ “Ruộng đỗ”, ăn chay do quá sốc sau khi đọc một cuốn sách về môi trường và hành động sát sinh động vật. Cô tâm sự : "Cuốn sách kể về một nông trường chăn nuôi và giết mổ gia súc, về việc người ta đã giết mổ như thế nào, lưu thông ra sao… Những điều đó khiến tôi rất kinh sợ. Tôi muốn vận động mọi người cùng nhau ăn chay bởi thật khó khi thực hiện một mình, vì thế tôi đã tham gia câu lạc bộ này."

Còn với trường hợp của chị Kim Mi-yeong, vốn bị tâm lý sợ hãi khi phải chạm tay vào thịt, cá. Vì lẽ đó, mà dần dần cả nhà chị đành phải chuyển thực đơn từ món mặn sang món chay. Chị chia sẻ : "Tôi rất sợ cái cảm giác mềm nhũn khi phải chạm tay vào thịt, rồi việc giết mổ chúng, thấy máu phun ra… Cảm giác đó khiến tôi sợ và chẳng muốn ăn uống gì nữa nên tôi đã quyết định chuyển sang ăn chay từ cách đây 8 năm. Từ đó đến giờ tôi thấy rất khỏe mạnh và không còn phải sát sinh động vật nữa."

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mọi người quyết định chuyển sang ăn chay nhưng những lợi ích mà họ nhận được từ quyết định này cũng rất tương xứng. Ngoài ra, theo bác sĩ Hwang Seong-soo thì ăn chay cũng góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề cứu đói. Ông giải thích : "Sinh hoạt ăn uống và nạn đói có liên quan đến nhau. Trên thế giới, người ta nuôi động vật bằng ngũ cốc. Để nuôi một con gia súc cần một lượng ngũ cốc bằng phần ăn của 10 người. Do đó, nếu một người ăn 1 mẩu thịt đó sẽ bằng với 10 người ăn lượng ngũ cốc tương đương dùng đề nuôi con vật đó. Vậy mới có chuyện nhiều người nghèo yếu bị chết đói. Hiện cả thế giới có khoảng 800 triệu người rơi vào nạn đói, mỗi ngày có khoảng 25.000 người chết đói và mỗi năm có gần 15 triệu người chết. Thế nên, ăn chay sẽ giúp việc tiêu thụ ngũ cốc giảm xuống, đồng nghĩa với việc nạn đói cũng giảm theo."

Không những thế, ăn chay còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Theo báo cáo của một tổ chức về môi trường, khoảng 50% khí gây ra hiệu ứng nhà kính phát sinh từ ngành công nghiệp chăn nuôi và giết mổ gia súc. Ngũ cốc để làm thức ăn gia súc và khi sử dụng thì nó lại gây ra nhiều khí các-bon, trong khi đó phân và chất thải của gia súc cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước. Bác sĩ khoa thần kinh Hwang Seong-soo cho biết : "Người ta dùng ngũ cốc để nuôi động vật, mà khi sử dụng ngũ cốc thì lại gây ra khí các-bon. Trong khi đó phân bò hay lợn lại sinh ra rất nhiều khí mêtan. Đây đều là những chất ảnh hưởng rất lớn đến hiện tượng trái đất nóng lên. Được biết, hiện có 1 tỷ con trâu bò trên trái đất tiêu thụ ô-xy và thải ra một lượng lớn khí các-bon, thường gấp 10 lần so với con người. Đã vậy, lượng khí các-bon mà trâu bò thải ra còn hơn lượng khí này của 7 tỷ dân trên toàn cầu."

Hiện vẫn còn hai luồng ý kiến trái chiều xoay quanh việc ăn chay. Trong khi một bên tỏ ra tán đồng tuyệt đối thì bên khác lại cho rằng ít nhiều vẫn phải hấp thu các loại thịt. Tuy nhiên, tính cần thiết và lợi ích mà ăn chay mang lại cho con người là những thực tế rõ ràng, không thể phủ nhận. Phong trào ăn chay giúp việc kinh doanh thực phẩm làm từ các loại đỗ gia tăng trong những năm gần đây. Theo đó, tại một siêu thị lớn, doanh thu từ mặt hàng này đã tăng đến 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, cứ sau mỗi tháng, doanh thu mà nơi này thu được từ thực phẩm làm từ đỗ lại tăng gấp 1,5 lần. Cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt các loại thực phẩm mới liên quan đến rau quả. Đặc biệt, dạo này còn xuất hiện cả một chiến dịch mang tên “Một tuần không thịt, cá” (được gọi tắt là “MF 7”) được tuyên truyền qua dịch vụ kết nối mạng với lời kêu gọi mọi người hãy chung tay bảo vệ môi trường và tích cực ăn chay. Như vậy, ăn chay không những tốt cho sức khỏe bản thân mà còn cho cả cộng đồng. Nó như một làn gió mới trong lành thổi vào cuộc sống của chúng ta và giúp ta khỏe mạnh lên mỗi ngày.

Chúng ta vừa cùng tìm hiểu về "Thời Phong trào ăn chay tại xứ sở Kimchi". Chuyên mục “Xu thế Hàn Quốc” hôm nay xin được tạm dừng tại đây. Cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của quý vị và các bạn.

Lựa chọn của ban biên tập