Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Người anh hùng

2012-12-04



Sáng ngày 26/10/1909, nghĩa sĩ Ahn Jung-geun, nhà cách mạng vĩ đại của Hàn Quốc, đã bắn chết Thủ tướng Nhật Bản kiêm Toàn quyền Nhật Bản tại bán đảo Hàn Quốc Ito Hirobumi tại nhà ga Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc. Sự kiện đã cho toàn thế giới biết được nỗi căm phẫn cực độ của người dân Hàn trước hành động xâm lược của thực dân Nhật. Nhằm ca ngợi vị anh hùng dân tộc Ahn Jung-geun và tái hiện một giai đoạn lịch sử đau khổ mà hào hùng của Hàn Quốc, vở nhạc kịch lịch sử mang tên “Người anh hùng” đã ra đời năm 2009, nhận được rất nhiều tình cảm của khán giả.

[Những nét chính của vở nhạc kịch] Qua việc khắc họa được nỗi thống khổ của người dân khi bị mất nước và ý chí quật cường, khát khao độc lập dân tộc của nghĩa sĩ Ahn Jung-geun, vở nhạc kịch đã được các nhà phê bình trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Từ ngày 18/10 vừa qua cho đến suốt 1 tháng sau đó, đợt công diễn thứ 4 của vở diễn tiếp tục được kéo màn và đón chào sự tham dự của hàng nghìn khán giả. Là tác phẩm được ra đời nhân kỷ niệm 100 năm sự kiện nghĩa sĩ Ahn Jung-geun ám sát Toàn quyền Ito Hirobumi, “Người anh hùng” đi sâu miêu tả khoảng thời gian từ lúc ông và các đồng chí của mình thành lập “Đoạn chỉ đồng minh”, những người tự cắt một đốt ngón tay áp út thề đấu tranh vì tự do đất nước, vào tháng 2/1909 cho đến lúc bị tử hình vào tháng 3/1910. Có thể nói đây là một vở diễn có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đạo diễn Yun Ho-jin giải thích : "Vở nhạc kịch “Hoàng hậu Minh Thành” được công diễn nhằm kỷ niệm 100 năm hoàng hậu bị thực dân Nhật ám sát. Trong phiên tòa xử tử, Ahn Jung-geun đã khẳng định 1 trong số 15 lý do buộc ông phải giết Ito Hirobumi chính là cái chết thảm khốc của hoàng hậu. Chính vì thế mà chúng tôi đã dựng vở nhạc kịch về Ahn Jung-geun. Chúng tôi hy vọng khán giả sẽ nhìn nhận nghiêm túc về khái niệm “dân tộc” và “bản sắc”. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ khắc họa được phần nào hình ảnh của một nhà cách mạng với tư tưởng cao cả được gửi gắm trong luận thuyết “Hòa bình Đông Á."



Xuất hiện trên sân khấu là cảnh 12 thanh niên yêu nước vừa hát vừa chặt đứt một đốt ngón tay của mình để ăn thề trong cánh rừng tuyết trắng. Lúc bấy giờ Ahn Jung-geun chỉ mới 31 tuổi. Và kể từ bước ngoặt đó, cuộc đời của ông đã gắn liền với vận nước. Diễn viên Im Hyun-soo, người thủ vai Ahn Jung-geun, cảm nhận : "Đầu tiên là cảnh miêu tả nghĩa sĩ Ahn Jung-geung cùng 11 đồng chí cắt đốt ngón tay ăn thề cứu nước. Ngay khi cảnh diễn bắt đầu chúng tôi đã nhập tâm vào từng nhân vật. Trong số họ, có người đứng lên vì độc lập dân tộc, đứng lên vì gia đình hay thậm chí đứng lên vì cái chết thảm khốc của một người hàng xóm… nhưng đều giống nhau ở một mục đích duy nhất là giành lại hòa bình và gây dựng lại đất nước đang sụp đổ. Đây là cảnh diễn vô cùng cảm động. Tôi rất cảm phục tinh thần vị quốc vong thân của các thanh niên yêu nước ấy."

12 thanh niên, 12 tấm lòng yêu nước sâu sắc đã gặp nhau và đồng tâm chặt đứt đốt ngón tay của mình để kết nghĩa đồng chí, rồi từ đó sống chết vì độc lập đất nước. Cảnh họ tươi cười để chụp ảnh trước lá cờ Thái cực đã khiến cho không ít khán giả cảm thấy thật hào hùng. Đó cũng là bức ảnh cuối cùng trong cuộc đời họ. Cảnh diễn như đốt cháy con tim của các diễn viên cũng như khán giả. Diễn viên Hwang Man-ik, người thủ vai nghĩa sĩ Woo Duck-soon chia sẻ : "Cảnh các nghĩa sĩ cùng nhau chụp ảnh như một lời hứa của họ với đất nước, cho dù tương lai có ra sao thì họ vẫn sẽ luôn giữ một dáng vẻ hạnh phúc được quên mình vì nước.Trước đó là cảnh họ trải lá cờ Thái cực và thể hiện lòng quyết tâm của mình.Với tôi, cảnh này thể hiện được ý chí mạnh mẽ của các nghĩa sĩ và chắc chắn khán giả cũng có cảm nhận tương tự."

Và giờ đến cảnh các nghĩa sĩ tiến hành kế hoạch ám sát tên Toàn quyền Nhật. Đầu tiên, nhiệm vụ này được giao cho các đồng chí khác chứ chưa phải là Ahn Jung-geun. Trước khi chuyến tàu hỏa của tên Toàn quyền đến ga Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, họ đã mấy lần định ra tay nhưng đều thất bại. Một toa tàu thật đã được đưa lên sân khấu trong cảnh này trong sự trầm trồ của khán giả. Nhà phê bình nhạc kịch Won Jong-won đánh giá : "Các vở nhạc kịch hiện đại thường phát huy được thế mạnh sân khấu với sự xuất hiện của các yếu tố tưởng tượng và hiệu ứng đa dạng tạo hứng thú cho khán giả. Vở diễn này là một ví dụ như vậy. Đặc biệt, nhờ sự kết hợp hài hòa hình ảnh động với thiết kế sân khấu mà người xem được thả mình vào bối cảnh. “Người anh hùng” là một trong những vở nhạc kịch có độ hoàn thiện cao và càng ý nghĩa hơn khi nó được dàn dựng vô cùng chân thực."

Nhận được tin có khả năng chuyến tàu chở tên Toàn quyền Nhật sẽ dừng lại ở ga Sái Gia Câu, các nghĩa sĩ đã nhanh chóng hướng đến địa điểm đó. Diễn viên Hwang Man-ik cho biết : "Màn diễn dân ca Arirang trong cảnh này rất quan trọng. Mặc dù có giai điệu buồn nhưng lời ca lại có sức kêu gọi con người hãy cố gắng vượt qua nỗi buồn. Hài hòa giữa lời ca và điệu múa, chúng tôi muốn thể hiện một tinh thần thép, một sự lạc quan của người dân khi sắp phải đối mặt với cái chết. Tôi cho rằng đây là cảnh hay nhất của vở diễn."



Tuy nhiên, chuyến tàu đã không dừng lại ở ga Sái Gia Câu mà thẳng tiến đến ga Cáp Nhĩ Tân. Trong cảnh rượt đuổi này, bằng các thế võ mạnh mẽ và sinh động, khán giả có thể cảm nhận được độ chân thật như đang xem một cảnh phim hành động. Và cuối cùng, nhiệm vụ ám sát tên Toàn quyền được giao cho Ahn Jung-geun. Đợi đúng lúc tên Ito lọt vào tầm ngắm, Ahn Jung-geun đã bình tĩnh nã 3 viên đạn và nhanh chóng kết liễu mạng sống của hắn. Thế nhưng thật không may, Ahn Jung-geun đã bị bắt ngay sau đó. Và mặc dù bị cùm kẹp chân tay, ông vẫn hô vang “Đại Hàn độc lập muôn năm!”. Nói về cảnh này, diễn viên Im Hyun-soo chia sẻ : "Vào thời điểm diễn ra vụ ám sát, tranh ảnh và sách báo chưa được phát triển rộng rãi như bấy giờ nên Ahn Jung-geun không thể biết rõ dung mạo của Ito Hirobumi. Chính vì vậy mà ông đã phải bắn liều 3 phát vào người được cho là hắn. Mọi thứ trở nên hỗn loạn, rồi ông bị lính Nga trấn áp. Và khi bị ngã, ông vẫn kịp bắn thêm 3 phát vào kẻ trông cao sang nhất bên cạnh. Ông quyết tâm không bỏ lỡ một thời khắc nào để giết hắn dù bản thân đang rơi vào tình hình vô cùng nguy cấp."

Đứng trước tòa án Nhật, Ahn Jung-geun không hề tỏ ra nao núng mà vẫn hiên ngang đón nhận phán quyết. Trái lại, chính những quan tòa lại rất bối rối trước những lời đáp trả tự tin của Ahn Jung-geun. Bằng sự ngoan cường của mình, ông đã từ từ làm sáng tỏ lý do vì sao phải ám sát Toàn quyền Ito Hirobumi. Những phát ngôn hôm ấy của Ahn Jung-geun đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Nhật trước toàn thế giới. Ngày 6/11/1909, tại tòa án, ông đã ném cho một tên lính Nhật mẩu giấy viết về 15 tội ác của Ito Hirobumi và nội dung của nó vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay. Thế nhưng, đây cũng là cảnh cuối cùng khán giả còn được gặp lại vị anh hùng này. Tiếng trống nặng trịch nhưng chất chứa tình cảm đã dẫn dắt khán giả đi đến cao trào của vở diễn trong cảnh cuối. Năm tháng sau sự kiện ám sát, ngày 26/3/1910, Ahn Jung-geun đã bị tử hình. 103 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông vẫn còn sống mãi trong tâm trí mỗi người dân Hàn Quốc. Và hôm nay chúng lại được hiện về dưới hình thức sân khấu trong vở nhạc kịch “Người anh hùng”.



[Mang chuông sang đánh xứ người] Năm 2011, vở diễn đã có dịp tiếp cận với khán giả thế giới, cụ thể là khán giả New York của Mỹ và gây được tiếng vang lớn tại thời điểm bấy giờ. Bà Jeong Sun-young thuộc công ty Acom International, đơn vị tổ chức vở diễn,cho biết : "Chúng tôi đã có 3 tuần công diễn tại Trung tâm Lincoln của nhà hát Broadway, New York. Và rất nhiều khán giả nước ngoài trong đó có cả nhân viên Liên hợp quốc tham dự. Lúc đầu, chúng tôi rất lo lắng không biết nội dung ái quốc của một quốc gia nhất định có thu hút được khán giả các nước khác hay không nhưng cũng may đó là thứ tình cảm không chỉ của riêng người Hàn mà còn là chủ trương hòa bình của cả châu Á lúc đó, nên nó được đón nhận rất tích cực. Tôi rất vui và cảm thấy tự tin hơn khi được khán giả nước ngoài nhận xét rằng “Người anh hùng” là một tác phẩm thực sự lôi cuốn và gây xúc động cho khán giả toàn cầu."

Trở về sau chuyến công diễn tại New York, “Người anh hùng” vẫn đều đặn được sáng đèn tại Nhà hát quốc gia Hàn Quốc và Trung tâm nghệ thuật Seoul. Cùng với sự yêu thích của khán giả và những giải thưởng danh giá đã nhận được, vở diễn đang viết tiếp trang sử mới cho nền nhạc kịch xứ sở Kimchi. Không những thế, nó cũng đang được nhiều nước đề nghị bán bản quyền để dàn dựng. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng và có ý nghĩa đối với sự phát triển của nhạc kịch Hàn Quốc. Bà Jeong Sun-young hồ hởi cho biết : "Vào dịp cuối tuần, dù đến tận nhà hát nhưng vẫn có nhiều khán giả không thể mua được vé. Thường thì các vở diễn có các ngôi sao tên tuổi mới rơi vào tình trạng cháy vé, khi bán theo kiểu trực tiếp như thế. Có thể nói “Người anh hùng” là vở diễn thành công khi thu hút được lượng lớn khán giả đến rạp."

Chúng ta vừa cùng tìm hiểu về "Người anh hùng", một vở nhạc kịch lịch sử bi tráng. Chuyên mục “Xu thế Hàn Quốc” hôm nay xin được tạm dừng tại đây. Cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của quý vị và các bạn.

Lựa chọn của ban biên tập