Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Sức lan tỏa của văn hóa không chính thống tại Hàn Quốc

2012-12-11



[Khám phá văn hóa không chính thống của Hàn Quốc] Tối thứ Sáu ngày 23/11, một chương trình âm nhạc mang tên “Siêu hòa nhạc R&B không chính thống 2012” đã được tổ chức tại Sảnh Prism ở khu vực trường đại học Hongik, Seoul. Khán giả tham dự hôm ấy đã có một đêm thật “đã tai” với những màn biểu diễn độc đáo và tuyệt vời của các nghệ sĩ độc lập, không chính thống thuộc dòng nhạc R&B. Một tín đồ của thể loại nhạc này chia sẻ cảm nghĩ : "Tôi thích cả nhạc Indie lẫn nhạc Hiphop đường phố. Nhạc Indie hoàn toàn khác hẳn so với nhạc thần tượng. Ca từ cũng khác mà phong cách của nghệ sĩ cũng không giống với bất kỳ nghệ sĩ nào từng xuất hiện trên truyền hình."

“Không chính thống (Indie)” là từ viết tắt của “Independent” nghĩa là “độc lập”, thường đi kèm với một danh từ nhằm nói đến tính độc lập, tự chủ trong mọi khâu từ sáng tác đến sản xuất, không hiện diện dấu hiệu thương mại và chịu sự ràng buộc bởi đơn vị chủ quản nào. Ví dụ như nghệ thuật Indie, phim Indie, nhạc Indie. Bình thường, các ban nhạc Indie có rất ít cơ hội để tiếp xúc với công chúng. Do đó, chương trình này là dịp để họ có thể thể hiện hết khả năng và khẳng định tên tuổi của mình. Thành viên Park Jung-hyun của ban nhạc Lego chia sẻ : "Tôi thích nhất là lúc được đứng trên sân biểu diễn. Chương trình đã góp phần tạo thêm sân chơi cho những ban nhạc Indie. Khán giả đến mỗi lúc một đông và tôi rất hạnh phúc khi được mang sáng tác của mình đến với công chúng. Thật tuyệt vời khi số lượng tín đồ nhạc Indie đang ngày càng đông hơn!"

Tương tự với việc tạo thêm cơ hội cho những ban nhạc Indie tiếp xúc, phục vụ công chúng thông qua các chương trình như thế, các liên hoan phim độc lập cũng là dịp để các nhà làm phim Indie hay còn được gọi là phim độc lập giới thiệu các tác phẩm của mình. Được tổ chức từ ngày 29/11 - 9/12 tại rạp hát CGV ở khu vực Apgujeong, Seoul, “Liên hoan phim độc lập Seoul 2012” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của những nhà làm phim độc lập Hàn Quốc. Sau 38 lần tổ chức, Liên hoan phim đã thực sự trở thành nguồn động viên to lớn đối với những nhà làm phim tài năng nhưng thiếu nguồn lực hỗ trợ này. Tổng thư ký Liên hoan phim, bà Kim Dong-hyun cho biết : "Liên hoan phim được tổ chức từ năm 1975. Ban đầu, nó không được diễn ra như một liên hoan phim chính thức mà Ủy ban xúc tiến điện ảnh Hàn Quốc xét duyệt các tác phẩm của các nhà làm phim ngắn và các sinh viên rồi trao giải. Đến tận thập niên 1990, nó mới diễn ra như hiện nay. Từ năm 1999, Liên hoan phim do Ủy ban xúc tiến điện ảnh Hàn Quốc và Hiệp hội phim độc lập Hàn Quốc cùng hợp tác tổ chức với các quy trình công chiếu, chấm điểm và trao giải chuyên nghiệp hơn. Có thể coi Liên hoan phim là nơi để các nhà làm phim độc lập gặp nhau và cùng chia sẻ các tác phẩm của mình sau một năm ấm ủ."

Diễn ra suốt 3 tháng, Liên hoan phim là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng cho những tài năng làm phim trẻ, nâng cao giá trị của phim độc lập cũng như thổi hy vọng đến những ai có mơ ước trở thành nhà làm phim chuyên nghiệp. Đạo diễn Han Dong-hyuk chia sẻ : "Với một số đạo diễn, phim độc lập giống như một bước chuyển tiếp để tiến lên phim thương mại. Còn với tôi, một người mơ ước trở thành đạo diễn chuyên nghiệp, lại muốn thông qua nó để truyền tải đến người xem những câu chuyện của những con người rất đỗi bình thường trong xã hội dưới một con mắt khiêm tốn, hy vọng làm phong phú hơn cuộc sống. Do đó, tôi cho rằng phim độc lập rất quan trọng. Tôi muốn trở thành một đạo diễn luôn phải nghĩ đến việc làm sao để làm được đa dạng các bộ phim."

[Vai trò của văn hóa không chính thống trong dòng chảy văn hóa đại chúng của Hàn Quốc] Nhạc độc lập và phim độc lập có một vị trí thực sự rất khiêm tốn trong dòng chảy văn hóa đại chúng. Nhưng gần đây, giá trị của chúng đang bắt đầu được mọi người quan tâm và nhận được nhiều đánh giá khả quan. Sau đây là giải thích của nhà phê bình văn hóa Kim Sung-soo về sức hấp dẫn của văn hóa không chính thống đối với công chúng : "Vì không phụ thuộc vào nguồn tài chính nên nghệ sĩ độc lập, không chính thống được mặc sức tự do trong nghệ thuật và trải nghiệm nhiều điều mới lạ. Họ có thể giữ vững quan điểm nghệ thuật của mình mà không bị tác động bởi thị hiếu cũng như không lấy làm lo ngại nếu chẳng may gặp thất bại. Sức mạnh tinh thần đáng ngạc nhiên này là ưu điểm của văn hóa độc lập, không chính thống."

Văn hóa không chính thống, hay còn được gọi là văn hóa độc lập, không thuộc về văn hóa đại chúng mà hướng người nghệ sĩ đến những loại hình văn hóa nghệ thuật thuần túy của mỗi người nhưng không bảo thủ hay dễ bị tác động. Nghệ sĩ độc lập, không chính thống luôn cho thấy cá tính riêng của mình thông qua những thử nghiệm mới mẻ, không dựa trên bất cứ nền tảng nào. Nhà phê bình Kim Sung-soo tiếp tục cho biết : "Độc lập, không chính thống vốn chỉ những hoạt động nghệ thuật không chính thống, và người hoạt động gần như không xuất hiện trước công chúng. Nhắc đến văn hóa độc lập, không chính thống, đầu tiên phải nói đến tính lập dị, khác lạ. Văn hóa độc lập, không chính thống không phải là khái niệm cấp thấp mà là khái niệm đối lập của văn hóa chính thống, cái tạo ra những điều mới mẻ mà hiện văn hóa chính thống không làm được. Vì mới mẻ nên các tác phẩm của nó chưa được quảng bá rộng rãi, thế nhưng, một lúc nào đó công chúng sẽ đón nhận chúng. Tính lập dị, khác lạ sẽ khiến văn hóa dần dần đi lên. Nghệ sĩ độc lập, không chính thống, cùng với năng lực đã qua trau dồi, cũng tài giỏi không thua kém nghệ sĩ chuyên nghiệp."

Những thử nghiệm đa dạng của nghệ sĩ độc lập, không chính thống đã và đang trở thành thứ dưỡng chất tuyệt vời, giúp ra đời thêm nhiều loại hình văn hóa đại chúng mới. Sẽ không quá lời nếu cho rằng văn hóa độc lập, không chính thống chính là nguồn gốc hình thành nên làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu. Nhà phê bình Kim Sung-soo lý giải : "Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu là kết quả của một quá trình tìm tòi và thử nghiệm lâu dài. Để có được tiềm lực như ngày nay thì Hàn Quốc đã phải trải qua không ít thất bại và xây dựng lại từ những thành công rất nhỏ. Thành công hôm nay của Kpop hay phim Hàn có công rất lớn từ văn hóa độc lập, không chính thống. Sức mạnh văn hóa, tính nghệ thuật đa dạng to lớn của văn hóa này chính là nguồn dưỡng chất để làn sóng văn hóa Hallyu phát triển."



[Những tín hiệu đáng mừng và triển vọng tươi sáng của văn hóa không chính thống] Mặc dù luôn tìm cách thoát ra khỏi thị hiếu của công chúng nhưng những giá trị mà văn hóa độc lập, không chính thống mang lại đã dần được công nhận và đang tìm thấy chỗ đứng nhất định. Tại “Liên hoan phim độc lập Seoul” năm nay, ban giảm khảo đã phải rất đau đầu trong việc cho điểm 773 tác phẩm tham gia, một còn số kỷ lục. Tổng thư ký Kim Dong-hyun cho biết : "Chúng tôi đã rất vất vả trong quá trình đánh giá vì số lượng tác phẩm tham gia ngày càng tăng. Đặc biệt, khi có quá nhiều tác phẩm có chất lượng tốt vượt ngoài mong đợi. Nội dung các tác phẩm đều rất sâu sắc do phản ánh được bộ mặt của xã hội đương thời."

Tín hiệu đáng mừng hơn cả là sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả dành cho 100 bộ phim được công chiếu, đã hết sạch vé trong thời gian diễn ra Liên hoan phim. Tổng thư ký Kim vui mừng nói : "Liên hoan phim năm nay có thể thành công khi trang chủ của chúng tôi liên tục gặp sự cố do lượt truy cập quá đông, đến mức chúng tôi phải tăng dung lượng đường truyền. Và các buổi công chiếu thì cháy vé. Quan trọng là việc đến rạp chiếu phim đơn lẻ thay vì rạp chiếu phim đa năng sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ. Liên hoan phim có thể giúp mọi người thay đổi cái nhìn về phim độc lập, đồng thời thu hút họ đến các liên hoan phim độc lập khác. Phản ứng của khán giả tại Liên hoan phim năm nay sẽ có tác động tích cực đến những bộ phim độc lập sau này."

Với việc xuất hiện trước công chúng thông qua Liên hoan phim, các nhà làm phim độc lập đã đặt một bước chân vững chắc vào giới làm phim chuyên nghiệp. Vài cái tên tiêu biểu có thể kể đến là đạo diễn Ryu Seung-wan với phim “Dù chết dù xấu (Die Bad)” năm 2000, đạo diễn Lee Kyoung-mi với phim “Cô nàng cà rốt (Crush and Blush)” năm 2008 hay đạo diễn Won Shin-yon với phim “Bảy ngày (Seven days)” năm 2007. Những liên hoan như thế này thực sự là nơi chắp cánh ước mơ của các đạo diễn trẻ. Đạo diễn Seo Eun-sun chia sẻ : "Lúc mới làm phim tôi phải tự mình lo liệu tất cả, từ chi phí cho đến kịch bản, rồi hợp tác cùng những diễn viên mình quen biết. Sau đó việc này phát sinh việc kia. Đó là những kinh nghiệm mà bất cứ đạo diễn mới nào cũng phải trải qua trước khi trở nên chuyên nghiệp hơn”. Còn đạo diễn Kim Han-gul tâm sự: “Là một người mơ ước trở thành đạo diễn, tôi muốn thực hiện một tác phẩm để lại dấu ấn. Nhưng vì nguồn lực kinh tế hạn hẹp, nên tôi phải giảm tối đa các khoản chi phí và quyết tâm thực hiện một bộ phim độc lập trong điều kiện cho phép. Tôi muốn cho mọi người thấy suy nghĩ của mình thông qua bộ phim và thật tuyệt khi có không ít khán giả đã cảm nhận được điều đó."

Cũng như nhiều đạo diễn phim độc lập, những ban nhạc độc lập, không chính thống cũng đang từng bước khẳng định tên tuổi như những người đi tiên phong. Thành viên Song Jeong-pil của ban nhạc Halo cho biết : "Tôi cảm thấy thứ âm nhạc đang phát trên truyền thông đại chúng rất bình thường và chỉ quanh quẩn ở một vài thể loại. Trong khi đó, nhạc độc lập, không chính thống lại rất “chất” và đa dạng. Tôi tự tin cho rằng nhạc độc lập, không chính thống giữ một vai trò lớn trong việc mở rộng và phát triển nhạc Hàn." Lý do khiến các ban nhạc độc lập, không chính thống quyết tâm xa lánh tiền tài và hào quang sân khấu vì để được là chính mình, hát những ca khúc của mình và ngày càng có nhiều khán giả tìm đến với âm nhạc của họ. Với những nghệ sĩ độc lập, giá trị biết bao nếu những lời ca, thước phim của mình mang đến niềm vui cho khán giả. Một thành viên của ban nhạc Soul One tâm sự : "Chúng tôi được gọi là ban nhạc độc lập vì không đi theo các thể loại đại chúng và mang nhiều tính thử nghiệm. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm những điều mới mẻ, vì bản thân công chúng cũng muốn những điều này. Hiện chúng tôi sáng tác được nhiều hơn và người tìm đến nghe cũng đông hơn."

Hiện đã có rất nhiều ban nhạc xuất thân là những ban nhạc độc lập, không chính thống tạo dựng được tên tuổi của mình như ban nhạc Yoon Do-hyun, ban nhạc No Brain hay ban nhạc Guckkasten. Quá trình theo đuổi nhạc độc lập, không chính thống đã giúp cho họ có vốn kinh nghiệm dày dặn cùng bản lĩnh tuyệt vời như ngày nay để thổi những làn gió mới vào thế giới âm nhạc đại chúng. Thật không dễ cho những ai mới bắt đầu làm quen với văn hóa không chính thống của Hàn Quốc bởi đặc tính mới lạ, khó nghe, khó xem của nó. Nhưng sau một thời gian tiếp xúc, bạn sẽ dần cảm nhận được nét đẹp của nó, để rồi qua đó, có thể nhìn ra được triển vọng tươi sáng của văn hóa Hàn Quốc.Với phong cách tự do và cá tính, các nghệ sĩ độc lập, không chính thống sẽt rở thành nguồn lực để nuôi dưỡng làn sóng văn hóa Hallyu ngày một vươn xa.

Chúng ta vừa cùng tìm hiểu về "Sức lan tỏa của văn hóa không chính thống tại Hàn Quốc". Chuyên mục “Xu thế Hàn Quốc” hôm nay xin được tạm dừng tại đây. Cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của quý vị và các bạn.

Lựa chọn của ban biên tập