Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Bảo tàng Lịch sử Hàn Quốc, nơi đan xen lịch sử cận và hiện đại

2013-01-08



Một cụ già kể về nỗi vất vả mà ông đã phải trải qua trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc : "Tôi sinh ra vào thời kỳ thực dân Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc. Năm 1934, dù mới chỉ là cậu học sinh lớp 1 nhưng tôi đã bị bắt lên núi lấy dầu thông để quân Nhật sử dụng trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2. Tôi rất xúc động khi nhìn lại những hình ảnh ngày ấy. Lịch sử sẽ luôn sống mãi và những ngày tươi đẹp cũng luôn ở phía trước." Đến thăm Bảo tàng Lịch sử Hàn Quốc, ông chợt thấy bồi hồi, xúc động như được quay về với những năm đầu thế kỷ 20. Một vài du khách khác chia sẻ cảm nhận : "Lịch sử 100 năm qua của Hàn Quốc quả là biến động không ngờ. Chúng tôi rất tự hào vì đã để lại cho hậu thế một đất nước phát triển như hôm nay."

[Đôi nét về Bào tàng Lịch sử Hàn Quốc] Sau 4 năm tích cực chuẩn bị dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc, cuối cùng Bảo tàng Lịch sử Hàn Quốc cũng đã được khánh thành hôm 26/12/2012. Đến thăm nơi đây, ai nấy cũng đều trào dâng một niềm tự hào và bồi hồi khó tả về những năm tháng đã qua của dân tộc. Trong lời chúc mừng của Tổng thống Lee Myung-bak tại lễ khánh thành bảo tàng có nói đây là nơi kể cho mọi người về lịch sử đấu tranh sóng gió và những thăng trầm trong quá trình phát triển đất nước của người dân Hàn trong thời kỳ cận và hiện đại. Giám đốc Bảo tàng, ông Kim Wang-sik giải thích : "Nếu như Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc giới thiệu về lịch sử Hàn Quốc từ thời tiền sử đến trước khi bị Nhật Bản đô hộ, Bảo tàng Dân tộc Hàn Quốc giới thiệu những mảng đặc thù về văn hóa thì Bảo tàng Lịch sử Hàn Quốc lại giới thiệu về một đất nước Hàn Quốc đau thương sau khi bị thực dân Nhật chiếm đóng, cho đến một Hàn Quốc hùng cường của ngày nay. Bảo tàng là nơi lưu giữ cho thế hệ tương lai một giai đoạn lịch sử đáng tự hào, góp phần khẳng định lòng tự tôn dân tộc và kêu gọi toàn dân cùng chung tay vì một xã hội tốt đẹp hơn."



Tọa lạc bên phải quảng trường Gwanghwamun, ở giữa cung Gyeongbok và Đại sứ quán Mỹ, tòa nhà Bảo tàng Lịch sử Hàn Quốc nằm trên mảnh đất rộng 6.445m2, có 8 tầng với tổng diện tích sàn lên đến 10.734m2, gồm 4 khu triển lãm cố định và 2 khu triển lãm đặc biệt, cùng rất nhiều phòng chức năng khác như phòng bảo quản di sản, phòng hội thảo... Trước đây, nó vốn là nơi làm việc của các ban ngành thuộc chính phủ như Cơ quan Kinh tế và kế hoạch hay Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch. Giám đốc Kim Wang-sik cho biết : "Hiện tại, khu triển lãm đặc biệt 1 đang sử dụng rất nhiều công nghệ IT mới để giới thiệu cho du khách về sự thay đổi của Hàn Quốc. Khu triển lãm đặc biệt 2 là nơi trẻ em có thể trải nghiệm về lịch sử. Phòng triển lãm 1 trưng bày các di vật, ảnh, tài liệu giới thiệu về sự ra đời của nước Hàn Quốc, phòng triển lãm 2 là những ngày củng cố đất nước, phòng triển lãm 3 là quá trình phát triển kinh tế và phòng triển lãm 4 thể hiện giai đoạn toàn cầu hóa, hiện đại hóa của Hàn Quốc."

Bước vào tầng 1 của bảo tàng, ấn tượng đầu tiên với du khách là một bức tường biết chuyển động. Trưởng phòng điều hành triển lãm Kim Si-deok giới thiệu : "Được bao phủ bởi 72 màn hình, bức tường chuyển động này là nơi kể cho du khách về khoảng thời gian khổ cực của người dân Hàn trong quá khứ. Còn 6 thanh cột, mỗi cái một màu, gắn với các từ khóa như nhiệt huyết, hòa hợp, ý chí… những đoạn phim đồ họa lung linh về bốn mùa, phong cảnh cũng như văn hóa Hàn Quốc trông hết sức sinh động."

Bằng hệ thống máy chiếu và công nghệ IT hiện đại do Hàn Quốc sản xuất, du khách có thể cảm nhận một cách sinh động những sự kiện quan trọng của đất nước này từ niềm vui của ngày giải phóng khỏi thực dân Nhật, nỗi buồn chiến tranh nồi da nấu thịt 2 miền Nam-Bắc, cảnh người dân biểu tình đòi dân chủ đến sự cuồng nhiệt của Olympic Seoul 1988 hay World Cup 2002… Bây giờ chúng ta hãy cùng tiến vào phòng triển lãm 1 để tìm hiểu về sự ra đời của nước Hàn Quốc nhé! Giám đốc Kim Wang-sik giới thiệu : "Ở đây trưng bày từ giai đoạn Hàn Quốc bắt đầu mở cảng vào năm 1870 cho đến năm 1945. Điểm nhấn không chỉ là giấc mơ trở thành một quốc gia hiện đại có sự tự chủ mà còn là quá trình đối đầu với âm mưu xâm lược của các nước lân bang. Khi đất nước rơi vào tay thực dân Nhật đã có rất nhiều phong trào độc lập diễn ra ở cả trong và ngoài nước rồi từ đó hình thành nên chính phủ lâm thời. Sau đó, các bạn sẽ được biết về quá trình giải phóng của dân tộc Hàn, tiếp đến là nỗi đau chia cắt đất nước."



[Phòng triển lãm 1 với ký ức đau thương về một thời thuộc địa] Phòng triển lãm 1 được bắt đầu bằng sự kiện vua Gojong (Cao Tông) ký Hiệp ước giữa Joseon và Nhật Bản ở đảo Ganghwa vào năm 1876 với nội dung cưỡng ép Joseon mở cảng cho Nhật Bản. Từ đó, Hàn Quốc chính thức mở cửa để làm ăn với các nước phát triển phương Tây và mở đường cho văn hóa phương Tây du nhập. Nhưng cũng kéo theo đó là sự can thiệp ngày càng sâu của thực dân Nhật với đất nước này. Năm 1905, chúng ép vua Gojong ký Hiệp ước Ất Tỵ để giành quyền ngoại giao của Hàn Quốc. Đến năm 1907, chúng tiếp tục buộc vua Gojong thoái vị, giải tán quân đội và chính thức xâm lược Hàn Quốc. Trưởng phòng Kim Si-deok giải thích : "Chúng ta lại tiếp tục câu chuyện về chính phủ Đại Hàn Dân Quốc lâm thời và các phong trào độc lập trong thời kỳ thực dân Nhật đô hộ bán đảo Hàn Quốc. Căn phòng này được làm hẹp và tối như một đường hầm để làm tăng thêm mức độ u tối của giai đoạn đất nước nằm dưới ách thống trị của thực dân Nhật. Bạn có thể thấy những đạo cụ trưng bày giống cây cột nhằm tượng trưng cho những chướng ngại vật của lịch sử. Còn kia là hòn đá mang tên “Hoàng quốc thần dân thệ từ”, do thực dân lập nên để kêu gọi người Hàn phục tùng Nhật Hoàng. Ngoài ra, ở đây còn có tài liệu liên quan đến chính sách biến người Hàn thành người Nhật mang tên “Hoàng dân hóa chính sách” cùng quyển hộ tịch với tên nhân khẩu được viết bằng tiếng Nhật."

Trong khoảng thời gian đen tối ấy, Hàn Quốc đã xuất hiện những người yêu nước vĩ đại và dấu ấn về một thời đấu tranh vì độc lập nước nhà cũng được bảo tàng trân trọng lưu giữ lại như lá cờ Thái cực (Taegeukgi) từng được dùng trong phong trào độc lập, di bút của nghĩa sĩ Ahn Jung-geun, thư tay của vua Gojong tố cáo dã tâm của thực dân Nhật cho toàn thế giới, các di vật của cuộc kháng chiến nghĩa binh… Tất cả đều nói lên tâm nguyện thiết tha của những người yêu nước đối với độc lập dân tộc. Bằng xương máu của rất nhiều anh hùng liệt sĩ cùng với sự bại trận của thực dân Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Hàn Quốc cuối cùng cũng đã giành được độc lập chủ quyền vào ngày 15/8/1945. Và đây cũng là sự kiện kết thúc của phòng triển lãm 1.



[Nỗi đau chia cắt đất nước được phản ánh tại phòng triển lãm 2] Trưởng phòng Kim Si-deok giải thích về phía bên trái của phòng triển lãm 2 : "Đây là phòng triển lãm 2, giới thiệu về giai đoạn từ năm 1945 đến 1960, lúc chính phủ Đại Hàn Dân Quốc đã được thành lập, sau đó xảy ra cuộc Chiến tranh Triều Tiên và quá trình cận hiện đại sau cuộc chiến tranh. Bên trái kia thể hiện rất rõ việc Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc đã được thành lập trong lúc bán đảo Hàn Quốc chìm trong cuộc chiến tranh lạnh và phân cực tả hữu. Một trong số ví dụ điển hình là cuộc đấu đá nhau quyết liệt đến nỗi mỗi phe lại phải tổ chức Ngày kỷ niệm phong trào độc lập 1/3 ở hai địa điểm khác nhau, một ngày hết sức có nghĩa với dân tộc Hàn."

Sau khi độc lập, chính phủ Đại Hàn Dân Quốc được thành lập và được thế giới công nhận. Quá trình này được trưng bày trên một bề mặt dài 12m nằm phía bên phải bên trong phòng triển lãm 2. Trưởng phòng Lee Si-deok tiếp tục giải thích : "Bề mặt này được làm theo phương pháp chụp ảnh không gian ba chiều với rất nhiều hình ảnh lập thể nói về quá trình thành lập chính phủ. Nó liên tục phát những hình ảnh về lễ mừng chính phủ mới, Tổng tuyển cử những năm 1950, quá trình xây dựng đất nước… cho thấy 1 bức tranh toàn diện về quá trình ra đời nước Đại Hàn Dân Quốc. Những hình ảnh này đều được làm từ ảnh thật."

Vừa bình ổn đất nước, đến ngày 25/6/1950, Hàn Quốc lại tiếp tục rơi vào cảnh đạn lạc mà lần này là cuộc nội chiến giữa 2 miền Nam-Bắc, được biết đến với tên gọi cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Du khách cũng sẽ được tìm hiểu về giai đoạn 3 năm nồi da nấu thịt này tại phòng triển lãm 2. Trong đó, sự việc chiến hạm SS Meredith Victory của Mỹ rút quân khỏi Bắc Triều Tiên trước sự bành trướng của quân đội Trung Quốc và mang theo 14.000 người tỵ nạn đã làm rung động trái tim của rất nhiều người.



[Gặp gỡ một Hàn Quốc phát triển tại Phòng triển lãm 3 và 4] Phòng triển lãm 3 nằm trên tầng 5 là câu chuyện về quá trình phát triển kinh tế của đất nước sau chiến tranh. Có rất nhiều thứ hiện đại lần đầu tiên xuất hiện tại Hàn Quốc trong giai đoạn này như chiếc taxi đầu tiên, chiếc xe hơi xuất khẩu đầu tiên, đài phát thanh và truyền thình đầu tiên, tuyến đường cao tốc đầu tiên… Giám đốc Kim Wang-sik giới thiệu : "Phòng triển lãm mô tả Hàn Quốc từ năm 1961 đến 1987, là giai đoạn đất nước không chỉ phát triển về kinh tế mà còn xây dựng tiến trình dân chủ. Một cách tổng quát, triển lãm cho thấy phương hướng phát triển kinh tế, những biến đổi trong đường lối chính trị và những công lao của người Hàn trong việc huy động nguồn vốn để củng cố đất nước bền vững. Như Hiệp định Hàn-Nhật bồi thường, câu chuyện về các y tá, thợ mỏ Hàn Quốc tình nguyện gửi sang Đức bán sức lao động, tạo thành kỳ tích trong ngành xây dựng Hàn Quốc tại các nước Trung Đông, những người lính Hàn Quốc đổ máu ở Việt Nam để mang tiền về kiến thiết nước nhà."

Nhờ những đồng tiền mà cả một thế hệ thanh niên Hàn Quốc đã phải nỗ lực mới có được ấy mà kinh tế Hàn Quốc mới phát triển vững mạnh như bây giờ. Cùng với đó là sự đi lên của quá trình dân chủ hóa qua hàng loạt các sự kiện như cuộc biểu tình chống chế độ độc tài của Tổng thống Park Chung-hee diễn ra tại hai thành phố Busan và Masan tháng 10/1979, phong trào đòi dân chủ ở thành phố Gwangju năm 1980, tuyên bố 29/6/1987 về việc sửa đổi Hiến pháp để cho phép bầu cử trực tiếp… Khát vọng dân chủ ấy vẫn còn hiện diện sinh động thông qua những thước phim, bức ảnh đang trưng bày tại đây.

Olympic Seoul 1988, làn sóng văn hóa Hallyu Hàn Quốc hay công nghệ IT là một vài thành tựu nổi bật của một Hàn Quốc đang phát triển mạnh mẽ mà du khách có thể bắt gặp tại phòng triển lãm 4. Giám đốc Kim Wang-sik giải thích : "Dấu hiệu của một Hàn Quốc toàn cầu hóa không chỉ ở Olympic hay World Cup mà còn ở sự vươn xa mạnh mẽ của làn sóng văn hóa Hallyu. Từ chỗ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt trên những cánh đồng mía thời kỳ thực dân, ngày nay, Hàn Quốc đã được xếp vào hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất thế giới. Tại phòng triển lãm này, mọi người còn được thấy sự phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật của Hàn Quốc cùng những biến đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày."



Người Hàn Quốc từ xưa vẫn luôn sống nhiệt huyết và vươn lên. Tuy chưa phải là tất cả nhưng những gì mà du khách có thể bắt gặp tại Bảo tàng Lịch sử Hàn Quốc đã phần nào nói lên điều ấy. Có lần mò theo vết tích của 65 năm lịch sử cận và hiện đại, chúng ta mới thấy hết được giá trị của những thành tựu hôm nay mà đất nước này đã gặt hái đều được kết tinh từ nền tảng dân tộc. Nhìn về quá khứ để hướng đến tương lai là thông điệp mà bảo tàng muốn gửi gắm đến toàn dân. Nó cũng là một lời nhắn nhủ người Hàn cùng chung tay xây dựng vì một tương lai huy hoàng của đất nước. Sau đây là lời tâm sự của giám đốc Bảo tàng Lịch sử Hàn Quốc Kim Wang-sik : "Khi giải phóng vào năm 1945, Hàn Quốc thuộc top 100 nước nghèo nhất thế giới. Thế nhưng cùng với việc phát triển kinh tế, xây dựng công nghiệp hóa và thúc đẩy dân chủ, Hàn Quốc ngày nay đã thuộc top 20 nước giàu nhất. Thông qua bảo tàng này, người nước ngoài đã có thể biết được quá trình đi lên gian khổ cũng như những năng lực tiềm tàng mà người Hàn có được."

Chúng ta vừa cùng tìm hiểu về "Bảo tàng Lịch sử Hàn Quốc, nơi đan xen lịch sử cận và hiện đại". Chuyên mục “Xu thế Hàn Quốc” hôm nay xin được tạm dừng tại đây. Cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của quý vị và các bạn.

Lựa chọn của ban biên tập