Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tìm về thập niên 1990

2013-01-15



[Những dấu ấn đáng nhớ của Hàn Quốc những năm 1990] Thành phố Seoul đang công diễn một vở nhạc kịch có tên gọi “Tình yêu bên cạnh tôi”. Vì được dàn dựng theo thể loại nhạc kịch jukebox, một thể loại chuyên lấy những bài hát đại chúng cũ để thể hiện, nên không ngạc nhiên khi khán giả được thưởng thức rất nhiều bài hát quen thuộc của Hàn Quốc ở thập niên 1990, thậm chí là từ các thập niên xưa hơn nữa. Một khán giả chia sẻ : "Vở diễn khiến tôi nhớ đến tâm trạng khi yêu của mình. Tôi thích vở diễn vì nó sử dụng rất nhiều bài hát của nhạc sĩ mà tôi luôn mến mộ, Lee Seung-hwan. Tôi đặc biệt thích bài “Trái tim chỉ dành cho một người."

Vở nhạc kịch đã thực sự đưa những khán giả ở độ tuổi 30, 40 quay trở về với thời thanh xuân của mình khi có sự xuất hiện của rất nhiều hình ảnh từ thập niên 1990 trên sân khấu, từ máy nhắn tin, quần ống loe, áo sơ-mi lụa, âm thanh lè rè của băng cát-xét… cho đến những chuyện tình mơ màng. Tất cả đều phảng phất hương vị thời gian của cách đây hàng chục năm. Tìm về thập niên 1990 là một trào lưu hiện đang nở rộ tại Hàn Quốc. Nhà phê bình văn hóa Kim Sung-soo cho biết : "Thập niên 1990 là khoảng thời gian thịnh vượng nhất của Hàn Quốc trên mọi lĩnh vực. Cho đến trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997, đẩy hàng triệu người dân nước này rơi vào cảnh nhà tan cửa nát, thì kinh tế Hàn Quốc vẫn rất tốt, số lượng những người giàu có và trung lưu tăng dần đều sau mỗi năm. Sự xuất hiện của trào lưu tìm về thập niên 1990 như hiện nay khiến thế hệ trung niên nhớ lại khoảng thời gian tuyệt vời ấy, tận hưởng lại cái cảm giác thỏa mãn của một thời văn hóa vàng son."

Đầu và giữa thập niên 1990, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997, Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành công rực rỡ trên mọi lĩnh vực. Về chính trị, đất nước này đã có một chính phủ đầu tiên do người dân trực tiếp bầu ra vào năm 1993, cùng với đó là các chính sách bảo đảm quyền tự do của con người, góp phần hình thành nên một thế hệ công dân mới, trí thức mới. Còn về kinh tế và văn hóa, thật không quá lời nếu nói rằng đây là thời kỳ phục hưng của Hàn Quốc. Nhà phê bình Kim Sung-soo chia sẻ : "Đó là giai đoạn mà hầu như các sản phẩm văn hóa đều có mặt tại Hàn Quốc. Nhạc ballad, nhạc dance, nhóm Seo Tai-ji và Boys…các ca sỹ, nhóm nhạc thần tượng đều thành công. Ngành điện ảnh hồi đó cũng đã phát triển vượt bậc cùng với những bộ phim truyền hình chạy theo xu hướngrất được công chúng đón nhận. Những thành công đó chính là khởi nguồn cho sự ra đời của cái gọi là “Làn sóng văn hóa Hallyu Hàn Quốc."

Với sự thành công về mặt thương mại của bộ phim “Swiri” vào năm 1999 và sự thâm nhập thị trường Trung Quốc thuận lợi của các nhóm nhạc như HOT, SES, Baby V.O.X…, lĩnh vực văn hóa giải trí của xứ sở Kimchi đã từng bước tiếp cận và lan truyền khắp thế giới. Diễn viên nhạc kịch Hong Ji-min chia sẻ : "Theo như tôi nhớ thì đã có rất nhiều loại hình văn hóa xuất hiện ở thập niên 1990. Về thời trang, có quần ống loe, quần ống rộng, quần ống bó… Về nghệ thuật biểu diễn, có đủ cả từ kịch, nhạc kịch, nhảy cho đến âm nhạc… phát triển toàn diện chứ không giới hạn ở một loại hình nhất định nào."

[Người Hàn hào hứng với trào lưu tìm về thập niên 1990] Trào lưu tìm về thập niên 1990 bắt đầu được nở rộ kể từ sau bộ phim điện ảnh khai thác đề tài những năm 1990 mang tên “Kiến trúc học đại cương” được ra mắt vào tháng 3/2012. Bộ phim nói về mối tình đầu trong sáng của những sinh viên khóa 1996, khoa kiến trúc của một trường đại học, đã sử dụng bài hát “Phác họa của ký ức” của nhóm “Triển lãm”(1994) để làm ca khúc chủ đề và chính nó đã khiến rất nhiều khán giả phải bồi hồi nhớ lại mối tình đầu của mình, để rồi từ đó mang đến thành công cho bộ phim. Thông qua câu chuyện của hai nhân vật chính là Seong-min và Seo-yeon, những thanh niên 20 tuổi sống ở thập niên 1990, văn hóa và ký ức học đường về một thời đã qua ấy lại có dịp được sống dậy như mốt vuốt tóc bằng keo tạo kiểu, “chát chít” bằng máy vi tính, liên lạc qua máy nhắn tin hay điện thoại công cộng, nghe nhạc với đĩa CD, dùng máy chụp ảnh film… Thành công của bộ phim đã mở đường cho một trào lưu văn hóa nghệ thuật mới nở rộ tại Hàn Quốc.

Tiếp thêm sức nóng cho trào lưu tìm về thập niên 1990, vào tháng 7/2012, một kênh truyền hình cáp đã công chiếu bộ phim “Hãy trả lời nào năm 1997” đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ người xem. Đây là bộ phim kể về những mối tình ngây thơ của lứa tuổi học trò trong giai đoạn cuối thập niên 1990, khi mà các nhóm nhạc thần tượng như HOT hay Sechs Kies đang làm mưa làm gió tại Hàn Quốc.



Ngoài phim ảnh, trào lưu này còn lan rộng đến mảng văn hóa biểu diễn. Mà điển hình nhất chính là vở nhạc kịch “Tình yêu bên cạnh tôi” đã được nhắc đến ở trên. Trên nền các bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Oh Tae-ho là ba mối tình lãng mạn, đã đưa khán giả ngược dòng thời gian để tìm về với những tháng năm tuổi trẻ của mình. Đồng cảm với tâm tư của ba nhân vật là Chung-jun, Se-yong và Yoon-ju, khi để lỡ mất mối tình đầu chỉ vì thiếu can đảm thổ lộ, nhiều khán giả đã tự động hát theo các diễn viên trên sân khấu. Một khán giả tâm sự : "Tôi đã nghe bài “Giữa tình yêu và tình bạn” của ban nhạc Pinocchio hồi còn đang ôn thi đại học. Tôi cũng đã từng băn khoăn khi phải lựa chọn một trong hai thứ tình cảm này. Và giờ kỷ niệm đó lại chợt ùa về trong tôi."

Hai mươi năm sau, Se-yong lúc này đã trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Còn Yoon-ju thì đã ly hôn, vừa một mình nuôi cô con gái Bok-hee vừa quản lý nông trại oải hương trên đảo Jeju. Rồi một hôm, hai người đã vô tình gặp lại nhau… Sự luyến tiếc, hối hận, xao xuyến về mối tình đầu trắc trở đã khiến cho trái tim của cả hai bất chợt rung động trong giây phút. Thế nhưng, Yoon-ju đã nghĩ rằng đây chỉ là một giấc mơ và dửng dưng bỏ đi. Không ít khán giả đã phải rưng rưng nước mắt theo những giai điệu được cất lên theo mỗi màn diễn.

Thật đáng ngạc nhiên là không chỉ những người ở độ tuổi trên 30 mà những thanh niên ở độ tuổi 20 trở xuống cũng tỏ ra rất quan tâm và tiếp nhận tích cực trào lưu tìm về thập niên 1990 như một trào lưu văn hóa mới. Nhà phê bình văn hóa Kim Sung-soo giải thích về hiện tượng này như sau : "Đối với thế hệ trẻ ngày nay, trào lưu này là một cái gì đó mang đến sự mới lạ, vì thế mà họ tiếp nhận nó rất nồng nhiệt. Mặc dù đã cũ nhưng văn hóa thập niên này không mang đến cảm giác lỗi thời. Cứ nghe những bài hát của nhóm “Triển lãm” hay ban nhạc“Toy” là biết, vẫn hết sức tinh tế và khác hẳn với âm nhạc từ trước thập niên này. Có được điều đó là vì nghệ sĩ thời ấy đã có thu nhập, họ đầu tư tiền bạc để làm ra một sản phẩm có chất lượng tốt. Và từ chỗ cảm thấy mới mẻ, giới trẻ ngày này bắt đầu cảm nhận được sự tinh tế, tinh tế hơn hẳn những sản phẩm văn hóa chỉ na ná và thiếu cá tính của ngày nay."

Không riêng gì văn hóa nghệ thuật, thị trường kinh doanh cũng bị ảnh hưởng bởi trào lưu này. Cụ thể là sự xuất hiện ngày một nhiều của các hộp đêm mang phong cách những năm 1990 ở khu vực trường đại học Hongik. Đa phần âm nhạc được sử dụng trong các hộp đêm này là nhạc Kpop, trong đó nhạc của thập niên 1990 chiếm một tỷ lệ đáng kể. Ngày càng có nhiều thành phần khách hàng tìm đến với loại hình hộp đêm như thế này. Cô Choi Min-jeong, chủ nhân của hộp đêm I Love Kpop cho biết : "Đến đây, bạn không chỉ được tha hồ thưởng thức những bài hát mới nhất mà còn cả những bài hát từ thập niên 1990. Giờ đây, khi nói đến Kpop, nhiều người thường nghĩ đến các nhóm nhạc thần tượng đang đình đám hiện nay mà quên mất rằng chính những nhóm nhạc thập niên 1990 mới là tiền đề của nó. Khách hàng tìm đến đây rất đa dạng, từ độ tuổi 20 cho đến 40."

Trào lưu chỉ phục vụ cho những đối tượng nhất định, những người giữ vai trò chính trong thời đại mà họ sống. Đó là lý do khiến phần lớn những người ở độ tuổi 30-40 bị gạt ra khỏi những trào lưu hiện hành. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của trào lưu tìm về thập niên1990, không chỉ giới trẻ ngày nay bị cuốn hút mà những người thuộc thế hệ trước cũng hân hoan hơn bao giờ hết. Sau đây là chia sẻ của một khách hàng : "Khu vực trường đại học Hongik vốn không thích hợp với giới công sở như tôi. Với sự xuất hiện của những hộp đêm như thế này, khi tan sở, tôi đã có thể tìm đến, ngồi ôn lại chuyện xưa với bạn bè và thưởng thức những bài hát mà chúng tôi từng nghe thời trẻ. Điều này rất hữu ích trong việc giải tỏa căng thẳng."

Hơn bao giờ hết, văn hóa của những năm 1990 đang được hồi sinh và lan truyền mạnh mẽ trong cuộc sống của người Hàn. Với những người trên 30 tuổi thì trào lưu tìm về thập niên 1990 như một liều thuốc bổ, giúp xua tan mệt mỏi của cuộc sống. Còn với thế hệ trẻ bây giờ, nó như một liều thuốc kích thích, giúp làm tươi mới và phong phú thêm sinh hoạt hàng ngày. Hy vọng rằng, trào lưu này, cùng với những tác động tích cực của nó, sẽ góp phần phục hưng văn hóa của Hàn Quốc một lần nữa.

Chúng ta vừa cùng tìm hiểutrào lưu "Tìm về thập niên 1990". Chuyên mục “Xu thế Hàn Quốc” hôm nay xin được tạm dừng tại đây. Cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của quý vị và các bạn.

Lựa chọn của ban biên tập