Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Đa văn hóa, đề tài của nghệ thuật đang được quan tâm tại Hàn Quốc

2013-01-22



“Hãy để Wan-deuk được làm điều nó muốn, điều nó giỏi nhất” là tâm sự của một người mẹ Việt Nam dành cho Wan-deuk, đứa con với người chồng Hàn Quốc của bà, được truyền tải qua giọng ca da diết của diễn viên trong vở nhạc kịch “Wan-deuk”, đang công diễn tại đường Daehak, Seoul.

[Đa văn hóa, mối quan tâm của xã hội qua cái nhìn của nghệ thuật] Cùng lấy chủ đề về quá trình trưởng thành của những đứa con lai xuất thân trong gia đình đa văn hóa, một bộ phim điện ảnh mang tên “Anh hùng nhỏ của tôi (My Little Hero)” của đạo diễn Kim Seong-hoon cũng đã được công chiếu hôm 9/1. “Anh hùng nhỏ của tôi” nói về quá trình hợp tác của Yoo Il-han, một đạo diễn âm nhạc kém tài nhưng tự cao tự đắc, với Young-gwang, một đứa trẻ xuất thân từ gia đình đa văn hóa, để chuẩn bị cho một vở nhạc kịch quy mô. Gần đây, những đứa con lai xuất thân từ gia đình đa văn hóa, nơi có những ông bố là người Hàn và bà mẹ là người nước ngoài hay ngược lại, đang trở thành một đề tài hấp dẫn được các đạo diễn khai thác. Và lẽ dĩ nhiên, khán giả cũng rất dễ dàng bắt gặp những diễn viên đa sắc tộc góp mặt trong các tác phẩm này.

Ra mắt năm 2009, bộ phim “Bandhobi (Người bạn tốt)” kể về cuộc gặp gỡ của anh chàng xuất khẩu lao động người Băng-la-đét Karim với cô nữ sinh cấp 3 Min-seo, cũng đã góp phần cải thiện nhận thức của người Hàn về người xuất khẩu lao động, cũng như về cụm từ “đa văn hóa” trong xã hội Hàn Quốc ngày nay. Nhà phê bình điện ảnh Oh Dong-jin cho biết : "Người lao động Đông Nam Á luôn bị cho là kém cỏi hơn người Hàn về học vấn cũng như kinh tế. Thế nhưng, hình ảnh của họ trong “Bandhobi (Người bạn tốt)” lại rất đỗi bình thường, không khác bất cứ người Hàn Quốc nào. Điều mà bộ phim muốn gửi gắm là đừng vội đánh giá một con người qua trình độ học vấn hay tiền bạc của họ mà hãy giữ một cái nhìn bình đẳng, khách quan."Đến năm 2010, một bộ phim khác cũng cùng đề tài này là “Anh ấy đang làm việc (He’s on Duty)” của đạo diễn Yook Sang-hyo lại một lần nữa rút ngắn khoảng cách giữa người lao động nước ngoài với khán giả Hàn Quốc thông qua việc miêu tả một cách tích cực sự hòa hợp thay vì đi sâu vào những khốn cùng của họ mà dư luận bấy lâu vẫn định kiến.

Không khai thác đề tài lao động nước ngoài, bộ phim “Bố ơi (Pa-pa)” của đạo diễn Han Ji-seung, công chiếu năm 2012, phác họa một bức tranh khái quát về gia đình đa văn hóa. Bộ phim nói về một gia đình Mỹ đa chủng tộc gồm 6 đứa trẻ khác quốc tịch, khác màu da, cần người giám hộ hợp pháp. Cuộc sống của họ đã bị đảo lộn sau khi xuất hiện một người lăng-xê Hàn Quốc mang tên Chun-seop sang Mỹ tìm kiếm ngôi sao mà mình quản lý đã biến mất. Để tránh trở thành người cư trú bất hợp pháp và để bọn trẻ tránh bị gửi đến trại mồ côi, 2 bên đã trở thành gia đình của nhau. Thông qua đó, bộ phim truyền tải thông điệp là bất cứ ai cũng có thể trở thành gia đình của nhau. Nhà phê bình Oh Dong-jin giới thiệu : "Bộ phim hài “Bố ơi” cho thấy một cái nhìn mới mẻ về một gia đình hiện đại. Trong đó, quan niệm dân tộc thuần nhất, huyết thống hay chủ nghĩa bảo tồn huyết thống đã tồn tại từ nghìn đời trong tâm khảm người Hàn đều bị phá vỡ. Với ý tưởng hướng về một hình mẫu gia đình mới, bất luận trong nhà có một thành viên khác sắc tộc, khác văn hóa... đạo diễn đã kêu gọi mọi người nên xóa bỏ định kiến, quan niệm lạc hậu và cùng dang rộng vòng tay đón nhận sự đa văn hóa."



Lý do khiến gần đây vấn đề đa văn hóa trở thành đề tài sáng tác được quan tâm như vậy tại Hàn Quốc là vì đang có rất nhiều người nước ngoài đến đây để tìm việc, cùng với sự gia tăng chóng mặt của các cuộc hôn nhân quốc tế. Nó đã trở thành một bộ phận của xã hội Hàn Quốc và nhờ đó mà khả năng tiếp cận công chúng của những tác phẩm khai thác đề tài này ngày càng cao hơn. Nhà phê bình Oh Dong-jin phân tích : "Trong phim Hàn Quốc, khi xuất hiện một nhân vật nào đó thì nhân vật ấy luôn đóng vai trò quan trọng trong xã hội, mà nhân vật người mẹ trong bộ phim điện ảnh “Wan-deuk (tên tiếng Anh là “Punch (Cú đấm)”” của đạo diễn Lee Han là một ví dụ điển hình. Với người Hàn, tình mẫu tử là thứ tình cảm rất thiêng liêng, dễ lấy được cảm xúc, huống hồ đây lại là một tình mẫu tử đặc biệt của một bà mẹ Phi-lip-pin với đứa con mang nửa dòng máu Hàn của mình. Qua bộ phim, vấn đề gia đình đa văn hóa đã được nhìn nhận thành một vấn đề trọng tâm của xã hội Hàn Quốc hiện nay."

Đã đến lúc toàn xã hội Hàn Quốc phải xóa bỏ khoảng cách với người nước ngoài, cùng chung sống hòa thuận và cùng chia ngọt sẻ bùi với họ. Giáo sư Park Chang-won, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vấn đề đa văn hóa của trường đại học nữ Ewha, cho biết : "Tỷ lệ người nước ngoài cư trú thể hiện được rất nhiều điều. Theo thống kê năm 2012 của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc, ngoại trừ du khách, thì hiện Hàn Quốc có trên 1 triệu 265 nghìn người nước ngoài đang cư trú, chiếm 2,5% dân số Hàn Quốc là hơn 50 triệu người. Như vậy, cứ khoảng 100 người thì lại có 2-3 người xuất thân từ gia đình đa văn hóa. Con số này thay đổi lên xuống tùy theo số lượng các cuộc hôn nhân quốc tế, số lượng người cư trú dài hạn hay ngắn hạn cùng con cái của họ."

Cũng theo báo cáo này, hiện tỷ lệ trẻ sơ sinh xuất thân từ gia đình đa văn hóa chiếm gần 5% tổng số trẻ sơ sinh của đất nước này. Dự kiến đến năm 2050, nhân khẩu trong các gia đình đa văn hóa sẽ chiếm đến 10% dân số Hàn Quốc. Giáo sư Park Chang-won nhận định : "Mỹ, Úc, Trung Quốc hay các nước Tây Âu đều là những nước đa văn hóa nhưng Hàn Quốc có những đặc trưng riêng về vấn đề này. Sự đa văn hóa tại Hàn Quốc được hình thành chủ yếu qua các cuộc hôn nhân có yếu tố quốc tế. Trung bình mỗi năm có khoảng 300 nghìn cặp kết hôn nhưng cũng có đến 30 nghìn cặp trong số đó là kết hôn với người nước ngoài, đồng nghĩa với việc sau đó sẽ có 10% trẻ em được sinh ra xuất thân từ những cuộc hôn nhân này. Con số này sẽ còn tăng mạnh trong tương lai"



[Những thông điệp sâu sắc ẩn chứa trong mỗi tác phẩm] Có một sự thật không thể phủ nhận là trong quá trình thích ứng với xã hội Hàn Quốc, những người con lai luôn gặp nhiều khó khăn, trở ngại hơn hẳn so với bố hoặc mẹ của chúng. Và đây chính là vấn đề được nêu ra trong vở nhạc kịch “Wan-deuk”. Vở nhạc kịch kể về chàng trai Wan-deuk, có bố là người Hàn và mẹ là người Việt (Trong phiên bản điện ảnh thì mẹ là người Phi-lip-pin). Mẹ bỏ hai bố con từ lúc cậu còn nhỏ, lớn lên cùng với bố trong một căn phòng trên tầng thượng nhưng Wan-deuk luôn mơ về một mái ấm hạnh phúc. Mang tiếng là con lai, gia cảnh lại khốn khó đã khiến cậu bị cô lập bởi chúng bạn, đồng thời biến cậu trở thành một người khó chịu, cho đến khi thầy giáo chủ nhiệm Ddong-ju xuất hiện cùng với những lời khuyên của mình…

Ban đầu, nỗ lực tiếp cận để trò chuyện với Wan-deuk của thầy Ddong-ju đã khiến cậu bực bội đến mức cầu mong cho ông biến mất. Nhưng nhờ ông mà dần dần cậu đã hòa nhập được với xã hội và biết nuôi dưỡng ước mơ. Diễn viên Jung Won-young, người thủ vai Wan-deuk cho biết : "Bạn bè luôn phân biệt đối xử với Wan-deuk và người duy nhất có thể nói chuyện với cậu là thầy Ddong-ju. Dù vấp phải sự bất hợp tác của Wan-deuk nhưng ông vẫn hết lòng giúp đỡ cậu. Lúc đầu Wan-deuk cảm thấy khó chịu với ông, thế nhưng sau mỗi lần trút giận lên ông cậu lại thấy lòng mình nhẹ nhõm. Dần dần, cậu mở lòng với mọi người, nói chuyện với họ nhiều hơn và để họ hiểu hơn về con người của cậu." Nhận được sự quan tâm của mọi người xung quanh, Wan-deuk dần trở nên cởi mở hơn. Rồi từ chỗ nổi tiếng là học sinh cá biệt, hay ẩu đả, cậu đã thay đổi và nung nấu giấc mơ về một ngày trở thành vận động viên quyền anh tự do. Wan-deuk giờ đây đã trở thành một vận động viên quyền anh tự do. Trong nhiều trận đấu, mặc dù thua cuộc nhưng cậu vẫn không nản chí. Trên hết, thông qua đó, cậu càng thêm thấu hiểu nỗi khổ tâm, vất vả mà mẹ mình đã phải trải qua khi sống nơi đất khách quê người.

Như vậy, từ chỗ chỉ xuất hiện rời rạc qua những trang sách, đề tài đa văn hóa đã liên tục được đưa vào các tác phẩm điện ảnh và mới đây nhất là nhạc kịch. Thông qua đó, những băn khoăn, trăn trở của người nước ngoài cư trú ở Hàn Quốc đã được người dân bản địa quan tâm hơn, hiểu hơn và cùng chia sẻ. Một khán giả cho biết : "Vở diễn rất xúc động và để lại trong tôi nhiều điều sâu sắc. Tôi nghĩ mình phải đối xử tốt hơn, quan tâm nhiều hơn nữa đến những người xuất thân từ gia đình đa văn hóa"



Cũng là vấn đề đa văn hóa nhưng trong bộ phim “Anh hùng nhỏ của tôi”, chúng ta sẽ được dõi theo câu chuyện của Young-gwang, một đứa bé có mẹ là người Hàn và bố là người Xri Lan-ka. Dù có một màu da khác biệt so với những đứa trẻ Hàn Quốc khác nhưng Young-gwang lại sở hữu một giọng ca thiên phú cùng giấc mơ cháy bỏng là trở thành diễn viên nhạc kịch. Nhờ tài năng, cậu đã được chọn vào vở nhạc kịch mà ban đầu chỉ định dành riêng cho diễn viên mang dòng máu thuần Hàn. Là người ích kỷ và mang nặng định kiến, đạo diễn Yoo Il-han đã dần bị tài năng và niềm đam mê của cậu bé khuất phục. Qua đó bộ phim kêu gọi mọi người hãy xóa bỏ mọi định kiến về vấn đề đa văn hóa. Sau đây là tâm sự của diễn viên nhí Ji Dae-han, người thủ vai Young-gwang : "Cháu sẽ cố gắng luyện tập và học hỏi để có thể trở thành một diễn viên tuyệt vời như chú Kim Rae-won, người đóng vai Yoo Il-han trong bộ phim. Cháu hy vọng bộ phim sẽ mang đến động lực, hạnh phúc cho bố mẹ và gia đình cháu."

Thông điệp giáo dục mà bộ phim truyền tải đã giúp cho khán giả, đặc biệt là các khán giả nhí, dễ dàng tiếp cận và thông hiểu hơn về một vấn đề nhạy cảm như đa văn hóa. Một khán giả nhí tâm sự : "Dù là con lai nhưng các bạn ấy cũng mang trong mình dòng máu Hàn. Ban đầu, cháu cũng nghĩ họ có sự khác biệt nhưng sau đó đã nhận rằng không nên có suy nghĩ như vậy vì họ thực sự giống như bất kỳ ai. Ở trường, cháu cũng đã được học về vấn đề đa văn hóa nhưng được xem phim như thế này thực sự đã để lại trong cháu nhiều ấn tượng sâu sắc."

Đa văn hóa hiện không còn là một vấn đề nan giải, còn bị bỏ ngõ của xã hội Hàn Quốc mà đang bắt đầu được tháo gỡ thông qua các loại hình nghệ thuật đa dạng. Nghệ thuật cùng với cách tiếp cận công chúng dễ dàng của nó đang đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện vấn đề này. Xu hướng sáng tác về đề tài đa văn hóa hiện rất nở rộ tại xứ sở Kimchi và hy vọng rằng nó sẽ còn mang đến những làn gió mát lành mới thổi vào cuộc sống của người Hàn trong thời gian sắp tới. Giáo sư Park Chang-won tâm sự : "Phim ảnh, kịch, nghệ thuật… là những cách tiếp cận rất dễ dàng và hiệu quả tới công chúng. Giống như những cơn mưa dầm thấm lâu, hàng ngày, hàng giờ, người dân được mắt thấy tai nghe về vấn đề đa văn hóa, thì nó sẽ trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của họ. Để xã hội được phát triển cân bằng và hài hòa, người Hàn Quốc cần phải hòa hợp và tôn trọng người lao động nước ngoài cũng như những người xuất thân từ gia đình đa văn hóa."

Chúng ta vừa cùng tìm hiểu về "Đa văn hóa, đề tài của nghệ thuật đang được quan tâm tại Hàn Quốc". Chuyên mục “Xu thế Hàn Quốc” hôm nay xin được tạm dừng tại đây. Cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của quý vị và các bạn.

Lựa chọn của ban biên tập