Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Võ thuật Taekwondo, đề tài mới trên sân khấu nghệ thuật biểu diễn

2013-02-05



Các bạn đang có mặt trong “K Tigers Live Show”, một chương trình văn nghệ có biểu diễn môn võ Taekwondo, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Ở chương trình này, qua sự thể hiện của đoàn võ thuật K Tigers, khán giả vừa được xem những màn võ thuật đẹp mắt vừa được thưởng thức âm nhạc cực kỳ sôi động. Vào đêm diễn hôm 23/1 vừa qua của “K Tigers Live Show”, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Sejong đã không còn một chiếc ghế trống nào và kết thúc trong tiếng reo hò nồng nhiệt của khán giả. Bằng cách lồng ghép các bài quyền, đòn công, màn đối kháng hay những cú móc mà môn võ thuật Taekwondo thể hiện cùng âm nhạc và vũ đạo, chương trình đã mang lại cho khán giả những giây phút thư giãn hết sức thoải mái.

[Khám phá vẻ đẹp truyền thống của Taekwondo qua vở “Mặt nạ”] Là môn võ thuật cổ truyền với khoảng 12.000 võ đường tên toàn quốc và số lượng võ sinh khổng lồ, Taekwondo từ lâu đã quá quen thuộc với người dân Hàn. Thế nên, việc nó xuất hiện dưới hình thức mới, kết hợp với các loại hình nghệ thuật biểu diễn đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống của người dân xứ sở Kimchi này. Ngoài “K Tigers Live Show”, một vở diễn về Taekwondo có tên là “Tal” nghĩa là “Mặt nạ”, đang diễn ra tại Sảnh K-Art ở công viên Olympic trong thành phố Seoul, cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. Ở vở “Mặt nạ”, người xem được thưởng thức một đêm nghệ thuật tổng hợp gồm Taekwondo, nhạc cụ gõ, B-Boy, múa truyền thống… Tổng đạo diễn Choi So-ri cho biết : "Taekwondo vừa là môn võ thuật tiêu biểu của Hàn Quốc vừa là môn thể thao và thật tuyệt khi nảy ra ý tưởng kết hợp nó với múa, B-Boy hay nhạc cụ gõ. Trước vở “Mặt nạ”, tôi cũng từng dàn dựng một vở diễn khác tên là “Bữa tiệc Arirang (Arirang Party)” và cũng từng trình diễn nhạc cụ gõ ở nhiều nước hơn 100 lần. Khi diễn vòng quanh thế giới, tôi đã gặp nhiều nhà sản xuất ngoại quốc, và người ta thường hỏi tôi tại sao Hàn Quốc vẫn chưa có các vở diễn kết hợp trong khi đang sở hữu nhiều loại hình nghệ thuật hay như múa, B-Boy, nhạc cụ 4 bộ gõ Samulnori… Từ đó, tôi đã quyết định sẽ thực hiện một vở diễn mang đậm màu sắc Hàn Quốc để phục vụ người nước ngoài. Sau 10 năm lên kế hoạch và 4 năm chuẩn bị thì vở “Mặt nạ” cuối cùng cũng được ra đời."

Nhằm quảng bá Taekwondo ra thế giới, vở diễn đã tập hợp một đội ngũ diễn viên rất ưu tú từ những vận động viên Taekwondo quốc gia điêu luyện cho đến các ca, nghệ sĩ tài năng. Nhưng lúc đầu, để cho các bộ môn này được kết hợp ăn ý với nhau thì không hề đơn giản một chút nào. Tổng đạo diễn Choi So-ri chia sẻ : "Tôi phải mất đến 5 năm để tìm hiểu các thể loại mang đặc trưng khác nhau, mới có thể cho ra đời vở diễn này. Đó cũng là khoảng thời gian để các diễn viên Taekwondo và B-Boy cảm thụ được múa, các nghệ sĩ nhạc cụ gõ Samulnori cảm thụ được trống phương Tây… Tất cả đều phải có sự cảm thụ lẫn nhau thì mới có thể thực hiện được. Đó quả là khoảng thời gian vô cùng vất vả."

Nội dung vở diễn kể về một gã người phàm tham lam đã đánh cắp chiếc mặt nạ thầnvà sử dụng sức mạnh của nó để gieo rắc tai ương cho thế gian. Trước tình cảnh đó, một vị thần thông thiên võ trời Taekwondo đã được cử xuống để lấy lại chiếc mặt nạ. Đúng với tiêu đề, diễn viên tham gia vở diễn đều xuất hiện dưới những chiếc mặt nạ khác nhau đại diện cho nhân vật của mình. Giám đốc Jeong Gyeong-won của công ty SR Group Entertainment, đơn vị sản xuất vở diễn, cho biết : "Tên vở diễn là “Mặt nạ” và chiếc mặt nạ ấy ẩn chứa một ý nghĩa tượng trưng. Mỗi chiếc mặt nạ tượng trưng cho một nhân vật thiện hoặc ác, đối đầu nhau tranh giành vật thể có sức mạnh vô biên này. Và ẩn sâu bên trong đó còn là câu chuyện về tình yêu, sự thù ghét, hòa giải và niềm vui."

Vở diễn được bắt đầu bằng những bài quyền uy nghiêm thể hiện tinh thần võ nghệ nhà trời. Sau bài quyền là màn vũ đạo sôi động của các B-Boy. B-Boy cùng những động tác đẹp mắt đã xuất hiện trong vai yêu tinh Dokkaebi, đại diện cho lòng tham của gã người phàm. Và bởi chính lòng tham đen tối của gã mà thế gian đã phải hứng chịu rất nhiều tai ương. Tiếp theo là phần biểu diễn nhạc cụ gõ hùng tráng. Cùng với phần biểu diễn này, thế gian đảo lộn đã dần dần được chỉnh đốn lại. Khi tiếng nhạc lên đến cao trào thì sân khấu liền xuất hiện những động tác Taekwondo điệu nghệ của các võ quan nhà trời. Và khoảnh khắc cái ác bị trấn áp đã đến! Trận chiến khốc liệt giữa cái thiện và cái ác diễn ra trong tiếng trống dồn dập. Những đòn đối kháng, móc tay hay công phá mà các diễn viên tung ra hòa cùng tiếng trống mạnh mẽ đã khiến cho khán giả cảm thấy như mình thực sự được xem các vị thần chiến đấu. Sau khi cái ác bị đẩy lùi, thế giới được bình ổn, thì cũng là lúc khán giả được thưởng thức sự kết hợp ăn ý, uyển chuyển của Taekwondo với múa truyền thống Hàn Quốc. Những chiếc đai võ thuật đã được các diễn viên tháo ra và cầm trên tay để múa như một thứ đạo cụ đẹp mắt.

Màn kết chính là điểm nhấn của vở diễn với sự xuất hiện của toàn bộ diễn viên trong giai điệu của bài dân ca Arirang. Tổng đạo diễn Choi So-ri giới thiệu : "Màn kết là khi dàn nhạc cụ gõ và các đội biểu diễn thể hiện tài năng và kỹ thuật tốt nhất của mình. Bài Arirang được trình diễn mang tên “Arirang của định mệnh”, là sự kết hợp của bài dân ca Arirang của Hàn Quốc với bản giao hưởng “Định mệnh” của nhà soạn nhạc cổ điển Ludwig van Beethoven. Cùng với nó là sự xuất hiện lần lượt của các diễn viên ra sân khấu để chào khán giả lần cuối."

Chỉ trong vòng 90 phút mà khán giả được thưởng thức rất nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của xứ Hàn từ Taekwondo, B-Boy, nhạc cụ gõ cho đến múa truyền thống. Chúng cuốn hút đến nỗi khiến cho nhiều khán giả phải đứng lên nhún nhảy, hưởng ứng theo. Một khán giả chia sẻ : "Các con tôi hiện cũng đang theo học Taekwondo. Vở diễn đã để lại cho chúng một ấn tượng tốt về môn võ thuật này. Tôi tưởng Taekwondo chỉ công phá đồ vật là đặc sắc, hóa ra nó còn có thể kết hợp hài hòa với múa."



Thông qua vở diễn, nhiều diễn viên của các bộ môn khác cũng bị mê hoặc bởi Taekwondo. B-Boy Jeong Min-hyuk cảm nhận : "Trước đây, tôi cứ nghĩ rằng Taekwondo không có gì đặc biệt, là môn thể thao chỉ cần bắt chước động tác. Nhưng giờ tôi biết rằng nó là một bộ môn mà người tập phải rất khổ luyện mới thực hiện được." Còn diễn viên múa Kang Su-hyun thì cho biết : "Những màn đồng diễn Taekwondo nhịp nhàng với 100 hay 200 người khiến tôi thích thú đến sởn gai ốc khi đứng trong cánh gà. Công phá ván tất nhiên là rất thú vị nhưng việc phối hợp ăn ý từng động tác như thếcòn thú vị hơn nhiều."

Trước khi ra mắt khán giả trong nước, vở “Mặt nạ” đã được mang đi lưu diễn vòng quanh thế giới trong 2 năm với sứ mệnh truyền bá sản phẩm của làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu ra 5 châu và nhận được sự yêu mến nồng nhiệt của khán giả quốc tế. Tổng đạo diễn Choi So-ri tâm sự : "Lý do chúng tôi công diễn ở nước ngoài trước là vì muốn đo lường mức độ phản ứng của người nước ngoài đối với văn hóa Hàn Quốc. Chúng tôi đã đến trên 25 nước, biểu diễn tại trên 30 địa điểm và đều bán hết vé cũng như nhận được những tràng pháo tay khen ngợi của khán giả. Họ đã rất xúc động khi chỉ trong 1 tiếng rưỡi mà được thưởng thức 4 loại hình văn hóa đặc sắc của Hàn Quốc."

Có được thành quả đó là nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc khi bố trí Sảnh K-Art ở công viên Olympic từ tháng 11/2012 để phát triển các chương trình, vở diễn kết hợp nhiều tài nguyên văn hóa của đất nước. Sảnh K-Art có tổng diện tích 2.647m2 với 1 tầng ngầm và 2 tầng trên mặt đất, trong đó sân khấu nằm ở tầng 2, rất thích hợp để biểu diễn các vở về Taekwondo và trình diễn nhạc cụ gõ. Thưởng thức Taekwondo tại đây, khán giả sẽ cảm nhận được nhiều hơn nét đẹp của môn võ này.

[Nét cách tân của Taekwondo trong chương trình “K Tigers Live Show”] Nếu vở “Mặt nạ” là sự kết hợp làm sống lại tính chính thống của Taekwondo thì chương trình “K Tigers Live Show” là sự kết hợp làm cách tân môn võ thuật này. Trưởng đoàn Ahn Hak-seon, người đã có 20 năm gắn bó với đoàn, tâm sự : "Chúng tôi đang cố gắng quảng bá văn hóa Taekwondo ra thế giới. Nội dung biểu diễn thay đổi theo từng lứa tuổi, đối tượng khán giả. Và sự đa dạng hóa, luôn mới mẻ này đã tạo được sự tò mò cho khán giả. Ví dụ, gần đây Kpop rất được yêu thích, cho nên chúng tôi liền đưa đề tài này vào nội dung biểu diễn. Có như vậy, Taekwondo mới tạo được sự hứng thú và dễ đi vào lòng khán giả."

Đến với chương trình, khán giả sẽ có cảm giác như mình đang hiện diện trong một rạp xiếc với đủ các chiêu trò như những màn múa sử dụng động tác võ thuật, bay người công phá gỗ, đập vỡ đôi chồng gạch... Một trong những màn diễn gây trầm trồ cho khán giả nhất là màn tung người công phá liên tiếp 10 tấm ván do 10 người xếp hàng ngang cầm trên tay. Và một trong nhiều thông điệp của chương trình đã được khán giả đồng cảm chính là vấn đề bạo lực học đường đang hoành hành trong xã hội hiện nay. Để minh họa cho thông điệp này, 3 diễn viên xếp hình tháp, người đứng cao nhất giữ tấm ván, tượng trưng cho bạo lực học đường và một diễn viên trong vai học sinh bị tẩy chay. Chỉ trong phút chốc, diễn viên trong vai học sinh đã lộn người bay lên công phá tấm ván vỡ tan tành. Hình ảnh này biểu hiện ý chí mạnh mẽ muốn xóa bỏ vấn nạn bạo lực học đường.

Để mang đến cho khán giả những màn võ nghệ chân thật, các diễn viên đã phải trải qua những giây phút rất nguy hiểm nhưng càng tập luyện Taekwondo, họ càng bị hấp dẫn bởi nó, tự hào khoát bộ võ phục, buộc dây đai và tự tin bước ra sân khấu. Diễn viên Lee Rang tâm sự : "Taekwondo có nhiều động tác hơn tôi nghĩ. Trước đây, tôi cho rằng chỉ cần nắm chắc các động tác, đòn đối kháng hay quyền là được nhưng bây giờ có cả đánh võ theo nhạc, thể dục dụng cụ, võ thuật mạo hiểm… Càng học, càng tập luyện tôi càng thấy thích hơn, hiểu hơn và không bao giờ cảm thấy đã chinh phục được nó. Đến với Taekwondo, tôi như được bước vào một thế giới khác vậy."

Taekwondo bắt đầu được truyền bá ra thế giới từ những năm 1960. Đến năm 1994, nó chính thức trở thành môn thể thao tranh tài tại Olympic và chiếc huy chương vàng Olympic của bộ môn Taekwondo đã trở thành niềm khao khát của các vận động viên đến từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Olympic London 2012 vừa qua. Qua đó cho thấy mức độ quan tâm của người dân thế giới về bộ môn này. Bằng cách kết hợp hài hòa Taekwondo với nghệ thuật biểu diễn, ngày nay nó không chỉ được biết đến như một môn võ thuật đơn thuần mà còn như một phần không thể thiếu của làn sóng văn hóa Hallyu.

Chúng ta vừa cùng tìm hiểu về "Võ thuật Taekwondo, đề tài mới trên sân khấu nghệ thuật biểu diễn". Chuyên mục “Xu thế Hàn Quốc” hôm nay xin được tạm dừng tại đây. Cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của quý vị và các bạn.

Lựa chọn của ban biên tập