Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Vở hài kịch châm biếm “Câu chuyện về tên trộm già”

2013-02-12



Các bạn đang có mặt trong một cảnh diễn của vở hài kịch “The Story of Old Thieves (Câu chuyện về tên trộm già)”, công diễn ở đường Daehak, thành phố Seoul. Đoạn thoại vừa rồi là khi hai gã trộm bị cảnh sát bắt và đang cố gắng phân bua rằng mình bị oan ức, vô tội.

[Đôi nét về vở hài kịch “Câu chuyện về tên trộm già”] Vở hài kịch “Câu chuyện về tên trộm già” kể về hai gã trộm vừa được mãn hạn tù 30 năm để trở về hòa nhập xã hội. Nhưng vì không biết phải làm gì để kiếm sống nên họ quyết định sẽ làm một cú chót rồi giải nghệ. Ra mắt lần đầu vào năm 1981, tính đến nay đã qua 32 năm, nhưng vở kịch chỉ với 3 diễn viên và gần như không dùng đạo cụ sân khấu nào vẫn nhận được sự quan tâm, yêu mến của khán giả Hàn Quốc. Nhà phê bình văn hóa Kim Sung-soo cho biết : "Vở kịch thành công vang dội ngay từ lần ra mắt đầu tiên. Tình hình chính trị thời đó ngột ngạt hơn bây giờ nhiều nên kịch trào phúng dễ ăn sâu vào lòng người. Bây giờ có rất nhiều các chương trình hài, nhưng trước đây, chỉ có sân khấu kịch mới châm biếm được chính trị. Trên thực tế, đôi khi bạn có khúc mắc nhưng bạn cũng không dễ dàng lớn tiếng hay chế nhạo những vị có chức có quyền song điều đó lại được giải tỏa rất hiệu quả trên sân khấu kịch. Mặc dù chỉ là một kiểu giải tỏa gián tiếp nhưng khán giả đều thấy vui vì có nghệ thuật nói thay mình. Từ đó, họ như được tiếp thêm sức mạnh, thay đổi những hạn chế của xã hội."

Mặc dù là hai gã trộm có tuổi và trông ngớ ngẩn lắm nhưng họ lại có những suy nghĩ rất tinh tế, sắc bén. Họ có thể nói lên bất cứ điều gì mình nghĩ về cuộc sống và trong những câu nói ấy luôn ẩn chứa một bài học nào đó để khán giả tiếp thu. Một khán giả cảm nhận : "Vở kịch rất hài hước! Tuy đề cập đến những vấn đề nhạy cảm nhưng do được thể hiện sống động nên tôi thấy rất thoải mái khi xem."

Có một hiện thực rất đáng được quan tâm là xã hội ngày càng có những việc khiến con người trở nên mệt mỏi mà không có nơi nào để giải tỏa như chính trị hà khắc, kinh tế trì trệ, khoảng cách giàu nghèo, phân biệt giai cấp… Có lẽ vì vậy mà những vở hài kịch châm biếm luôn được khán giả đón nhận, dù ở thời đại nào. Chỉ bằng những câu đối đáp nhẹ nhàng, đời thường nhưng chứa đựng yếu tố châm biếm cũng đủ mang lại cho khán giả những nụ cười thoải mái. Đó là tất cả những gì bạn có thể cảm thận trong vở “Câu chuyện về tên trộm già”.

[Diễn tiến hài hước của vở hài kịch] Vở kịch bắt đầu với cảnh hai gã trộm đã được ân xá nhân kỷ niệm tổng thống mới nhậm chức, đột nhập vào một tòa nhà để thực hiện phi vụ cuối mà họ gọi là “phương án dưỡng già” rồi sau đó vĩnh viễn từ bỏ cuộc đời trộm cắp. Tuy đã có nửa đời người làm trộm nhưng bộ dạng của cả hai trông rất kém chuyên nghiệp, đột nhập được rồi cũng không biết phải làm gì tiếp. Mặt khác, họ là những người rất biết đồng cảm. Diễn viên Han Dong-gyu, thủ vai một trong hai gã trộm, tâm sự : "Nếu vở kịch kể về những tên trộm trẻ tuổi, có cuộc sống cùng quẫn thì có thể làm nổi bật sự ruồng bỏ của xã hội nhưng như vậy cũng sẽ khó tiếp cận khán giả hơn. Ngược lại, khi nói về những gã trộm già, những người từng trải qua cuộc sống khó khăn, thì khán giả, nhất là những khán giả từng mưu sinh vất vả, sẽ dễ dàng có được sự cảm thông, cảm nhận được cả những cái tốt chứ không hoàn toàn chỉ là những cái xấu."



Xui thay, tòa nhà mà hai gã nghĩ là dinh thự của người giàu lại là một bảo tàng mỹ thuật. Hóa ra là do ngồi tù quá lâu nên họ đã không phân biệt nổi đâu là dinh thự đâu là bảo tàng, hiển nhiên là càng không biết định giá những bức tranh được trưng bày tại đây. Trong khi bảo tàng treo rất nhiều tranh đáng giá hàng triệu Đô-la Mỹ của họa sỹ Andy Warhol, Pablo Picasso hay Jean Fautrier nhưng họ không thèm để mắt tới mà mải chú tâm tìm kiếm chiếc két sắt. Trong lúc tìm kiếm, họ phát hiện có rượu rồi cùng nhau chén chú chén anh và bắt đầu than thân trách phận.

Cứ sau một cốc rượu là một câu chuyện về quãng đời mà họ đã trải qua. Tuy nói là trộm nhưng đây là lần đầu tiên họ lẻn vào một tòa nhà đồ sộ như vậy và cũng chưa từng móc túi ai. Vậy nhưng cái giá mà họ phải trả cho sai lầm của mình thì quá lớn, 30 năm tù giam. Sau đó, cũng tại bảo tàng trang trọng này, gã trộm kém tuổi hơn đã trao cho gã trộm nhiều tuổi hơn chiếc huân chương treo trên tường như một hình thức tôn vinh đồng nghiệp. Màn diễn này vừa buồn cười lại vừa cảm động. Đẩy họ đến nghề trộm không gì khác chính là một xã hội thiếu bao dung, bao bọc, thiếu sự quan tâm, sẻ chia của gia đình, hàng xóm cũng như bầu không khí thờ ơ, không một lời động viên của những người xung quanh. Họ đã phải giả vờ trao nhau huân chương như một cách tự khích lệ, khen thưởng chính mình. Đạo diễn Min Bok-gi giải thích : "Họ là những gã tội phạm dễ thương khil én lút mượn những chiếc huân chương to đùng của bảo tàng để treo lên ngực nhau rồi tự hào như thể mình xứng đáng lắm. Qua đó, vừa cho thấy tấm bi kịch cuộc đời họ vừa cho thấy họ là những con người biết đồng cảm. Xem màn diễn này, khán giả sẽ cảm nhận được tấm chân tình tốt đẹp của họ."

Lời nói và quan điểm của những gã trộm hèn mọn đã khiến khán giả liên tưởng những “tên trộm” cấp cao, ăn ngon, mặc đẹp, những nhà chức trách tham nhũng. Đạo diễn Min Bok-gi cho biết : "Những gì diễn ra trong vở kịch cũng chính là những gì đang diễn ra trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Nếu gọi vở kịch là kính vạn hoa thì xã hội mà hai gã trộm sinh sống chính là hình ảnh phản chiếu xã hội. Do đó, thông qua cảnh hai gã trộm trao nhau chiếc huân chương, chúng ta sẽ nghĩ rằng liệu huân chương thực sự được dành cho đúng đối tượng hay không? Hay hai gã trộm và xã hội, ai mới là người từ bỏ ai. Đó là một góc nhìn mới mẻ về cuộc sống."

Sau một hồi vất vả, cuối cùng thì cả hai cũng tìm thấy két sắt. Mặc dù đã tìm mọi cách nhưng họ vẫn không tài nào mở được nó. Trong tình huống căng thẳng ấy, hai người họ liền bắt đầu lời qua tiếng lại với nhau. Đúng là dân trong nghề gặp nhau nên khó xử! Đến lúc này, hai gã trộm tự nhiên buông ra tên của các chính trị gia thực sự để công kích lẫn nhau, mặc dù cảnh này đâu có liên quan đến chính trị và tình huống cũng chẳng dính líu đến vấn đề này. Tuy nhiên, khán giả có phần liên tưởng đến mối bất đồng của các chính trị gia ngày nay. Tùy theo mỗi thời mà yếu tố châm biếm chính trị có sự khác nhau. Nhà phê bình Kim Sung-soo chia sẻ : "Tùy theo từng thời điểm tổ chức công diễn mà một chính trị gia được đề cập đến trong vở kịch có sự khác nhau. Nhưng họ giống nhau ở chỗ đều bám lấy quyền lực và một vài trường hợp bị người dân chỉ trích thậm tệ đã được khéo léo lồng ghép trong các màn diễn. Ngoài ra, những sự kiện được đề cập cũng đã có sự thay đổi cho phù hợp với bối cảnh hiện tại. Chẳng hạn, có nhiều người hiện không biết gì về vụ trộm kim cương năm 1982 bởi siêu trộm Jo Se-hyung và nếu kể lại sẽ khiến họ rất khó hiểu. Vẫn là nội dung chính trị nhưng thay đổi tình tiết đôi chút qua lời thoại của diễn viên thì vở kịch sẽ thú vị hơn."



[Cái kết mở gợi lên nhiều suy nghĩ cho người xem] Công diễn vào thời nào, vở hài kịch châm biếm “Câu chuyện về tên trộm già” lại khai thác những sự việc xảy ra trong thời cảnh ấy. Và theo thời gian, thủ pháp trào phúng, hài hước của nó càng xuất sắc hơn, đưa vở kịch trở thành một trong những vở hài kịch châm biếm tiêu biểu của Hàn Quốc. Tuy nhiên, ở vở kịch này không chỉ có mỗi sự châm biếm. Đạo diễn Min Bok-gi cho biết : "Trước hết, đây là một vở kịch thú vị và một trong những điều thú vị ấy chính là sự châm biếm. Tuy nhiên, không phải cứ đối đáp nhiều thì châm biếm mạnh và ngược lại, mà quan trọng là dù chỉ có một sự đối đáp thôi nhưng lại giải thích được những điều cần thiết. Châm biếm quá nhiều sẽ khiến vở kịch mất đi sự thú vị, tạo sự căng thẳng cho khán giả. Tóm lại, chúng tôi phải cân đo đong đếm rất nhiều yếu tố để có được vở kịch tuyệt vời này."

Đã cố gắng hết sức nhưng hai gã trộm vẫn không thể mở được két sắt mà ngược lại còn bị cảnh sát phát hiện. Do tuổi cao sức yếu, họ phải đành lòng tra tay vào còng số 8. Mặc dù là họ đã lẻn trái phép vào bảo tàng và định thực hiện hành vi trộm cắp nhưng cho đến cuối cùng vẫn chưa có món đồ nào bị mất nên không có một lời khai nào. Những điều này khiến cảnh sát hoài nghi rằng họ có thể là gián điệp hay thành viên của một tổ chức khủng bố. Cho là hai gã trộm đang ngoan cố, viên cảnh sát hét to: “Hai người khai mau!” khiến họ thở dài và đành xuống giọng nói: “Chúng tôi xin khai…”. Đúng lúc này thì sân khấu tắt đèn, hạ màn kết thúc vở kịch. Số phận sau đó của hai gã trộm già vẫn sẽ là một dấu chấm hỏi đối với khán giả. Nhưng thông qua câu chuyện về một đêm ăn trộm của hai gã trộm, khán giả một lần nữa liên tưởng đến những điều bất hợp lý còn tồn tại trong xã hội Hàn Quốc hiện nay. Đạo diễn Min Bok-gi lý giải : "Cuộc sống không phải chỉ theo đuổi nguyên tắc chạy theo vật chất. Tại sao mọi người không thử nghĩ về những điều căn bản đã gìn giữ cuộc sống này? Cuộc sống hiện nay còn rất nhiều điều bất hợp lý và nó đang xảy ra ở khắp mọi nơi. Và không biết chừng cũng chính bởi sự bất hợp lý ấy mà vở kịch này đã ra đời."

Dù sống trong thời đại nào, bạn cũng có thể bắt gặp các vở hài kịch châm biếm chính trị - xã hội thâm thúy. Thời nay cũng vậy, có nhiều tác phẩm phê phán nhằm phản ánh sắt bén các vấn đề nhức nhối của xã hội và cũng có không ít tác phẩm nhằm xoa dịu nỗi đau cũng như bênh vực người dân, những người yếu thế. Khán giả tìm đến những tác phẩm này cũng với mong muốn có thể nhận được sự an ủi, sự đồng cảm và muốn thế gian lắng nghe những tiếng nói chân chính của người dân. Tất cả đều đang hiện hữu trong vở hài kịch “Câu chuyện về tên trộm già” mà chúng tôi giới thiệu đến các bạn hôm nay. Diễn viên Han Dong-gyu tâm sự : "Theo tôi thì đây là một vở bi kịch chứ không hẳn là hài kịch. Nó đã để lại dư vị khó phai trong lòng mọi người. Tuy thời đại thay đổi nhưng xã hội thì không nên vở kịch này vẫn nhận được sự ủng hộ của mọi người. Chính phủ thay đổi liên tục, điều kiện sống của con người cũng tốt dần lên nhưng có phải bởi căn bản vẫn cứ như cũ, vẫn tồn tại nhiều bất cập, nên vở kịch sẽ vẫn là một đứa bé được mọi người yêu thích chăng?

Chúng ta vừa cùng tìm hiểu về "Vở hài kịch châm biếm “Câu chuyện về tên trộm già”". Chuyên mục “Xu thế Hàn Quốc” hôm nay xin được tạm dừng tại đây. Cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của quý vị và các bạn.Và xin chúc mọi người một năm mới ngập tràn niềm vui.

Lựa chọn của ban biên tập