Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nghề hướng dẫn viên, người truyền tải những câu chuyện cho du khách

2013-04-09



[Đôi nét về nghề hướng dẫn viên ở Hàn Quốc] Mười tám hướng dẫn viên tương lai đang học về lịch sử tại trụ sở chính của Cơ quan Du lịch Hàn Quốc ở quận Jung, thành phố Seoul. Sáng nay, thày Kim Do-hyung dẫn dắt bài giảng với chủ đề “Thành Hanyang qua ảnh”. Thày Kim Do-hyung cho biết : "Nội dung buổi học của tôi được bắt đầu từ cổng thành Sungnyemun (Sùng Lễ Môn), sau đó đi vòng theo chiều kim đồng hồ và kết thúc cũng tại cổng thành này. Tôi kể cho học viên nhiều câu chuyện xoay quanh thủ đô Hanyang, tức Seoul ngày nay, thông qua những bức ảnh. Chiều nay sẽ có giảng viên khác đến dạy họ những kiến thức cơ bản và cần thiết về Hanyang dưới góc độ kiến trúc và lịch sử."

Mỗi tuần hai ngày và mỗi ngày bốn tiếng, 18 học viên này lại chăm chỉ đến đây học tập để trở thành hướng dẫn viên về di sản văn hóa. Vì sao họ lại muốn làm công việc này? Một học viên giải thích : "Tôi từng là công chức Nhà nước phụ trách quản lý về di sản văn hóa. Năm ngoái tôi đãvề nghỉ hưu. Dạo này tìm việc rất khó khăn. Trong lúc đang bế tắc thì tôi nghe nói đến khóa đào tạo này nên đã tham gia. Chính phủ đang lập kế hoạch đưa thành Hanyang vào danh sách Di sản văn hóa thế giới, vậy nên sẽ có rất nhiều du khách tìm đến trong tương lai. Tôi muốn góp phần giới thiệu ngôi thành cổ này đến du khách trong và ngoài nước."

Công việc chính của hướng dẫn viên là giúp các chuyến học tập trải nghiệm, tìm hiểu di tích, khám phá rừng hay tham quan bảo tàng vốn bị cho là nhàm chán trở nên thú vị và hấp dẫn. Qua đó, du khách cảm thấy phấn khởi, hài lòng vì mình đã có được một khoảng thời gian bổ ích. Gần đây, ở tất cả các bảo tàng và khu di tích tại Hàn Quốc đều có hướng dẫn viên. Công việc này hấp dẫn đến nỗi học viên phải cạnh tranh gay gắt mới có thể tham gia khóa đào tạo hướng dẫn viên về thành Hanyang. Kim Jin-su, Trưởng phòng công nghiệp du lịch của Văn phòng chính quyền quận Jung cho biết : "Năm nay, có tới 80 người nộp hồ sơ xin học, nhiều hơn 1,5 lần so với năm ngoái. Hiện nay chúng tôi chỉ cần 10 hướng dẫn viên, mà số lượng học viên được chọn đã lên đến con số 18. Không chỉ xét duyệt hồ sơ, chúng tôi thậm chí đã phải phỏng vấn mới chọn ra được số này."

Đa số hướng dẫn viên làm nhiệm vụ giải thích, giới thiệu về các di sản văn hóa-lịch sử. Bên cạnh đó, cũng có những người chuyên giới thiệu về rừng, động thực vật, môi trường sinh thái hay giải thích trong các triển lãm và giới thiệu về những con phố cổ… Có thể nói đây là một nghề đang rất có triển vọng tại Hàn Quốc.

[Những người âm thầm mang giọng nói và kiến thức cống hiến cho đời] Công viên rừng Seoul, nằm trên đảo Ttukseom, quận Seongdong, sông Hàn, vẫn đều đặn tổ chức chương trình tham quan rừng vào buổi sáng và buổi chiều của các ngày thứ Ba, thứ Tư, thứ Sáu trong tuần. Để đảm bảo chất lượng, mỗi tour tham quan chỉ giới hạn 20 du khách. Và trong suốt một tiếng rưỡi đồng hồ, du khách sẽ được đi khắp mọi ngóc ngách trong cánh rừng trù phú này. Giữa tiết xuân đang căng tràn sức sống như hiện nay, sẽ thật tuyệt vời biết bao khi được nhìn ngắm những chồi hoa hé nở dưới ánh nắng ấm áp.

Càng thú vị hơn khi du khách được tìm hiểu mọi thứ về cánh rừng qua sự hướng dẫn tận tình của cô Jung In-suk, một hướng dẫn viên về rừng đang làm tình nguyện viên tại đây. Cô Jung In-suk chia sẻ : "Công viên rừng Seoul được mở cửa năm 2005 và việc tuyển chọn tình nguyện viên giải thích về rừng cũng bắt đầu từ đó. Một khóa đào tạo hướng dẫn viên về rừng đã được tổ chức và học viên tham gia được học mọi thứ về rừng. Kết thúc khóa học, học viên được cấp chứng chỉ hướng dẫn viên. Đối với chúng tôi, không gì quý bằng việc thấy du khách có thể cảm thụ được vẻ đẹp thiên nhiên. So với khi chỉ đi ngắm rừng đơn thuần thì vừa ngắm vừa nghe giải thích và cảm nhận mang đến cho du khách rất nhiều cảm xúc.

Chương trình tham quan công viên rừng Seoul gồm hai chương trình là chương trình ngày thường và chương trình cuối tuần. Tùy theo từng chủ đề mà du khách sẽ được tham gia vào các tour khác nhau, được nghe những câu chuyện khác nhau. Trong chương trình ngày thường dành cho học sinh tiểu học trở lên, du khách sẽ được giới thiệu và giải thích về vị trí địa lý của công viên, địa hình cũng như tầm quan trọng sinh thái của nó. Ngoài ra, họ cũng sẽ được nghe những câu chuyện về cây cối, hoa lá hiện diện ở đây.

Theo chân chuyến tham quan lần này với các em học sinh tiểu học của câu lạc bộ môi trường, chúng ta vừa có thể tìm hiểu về lịch sử vừa có thể biết thêm về hệ sinh thái rừng. Đây là chương trình rất được các em nhỏ yêu thích. Giáo viên hướng dẫn câu lạc bộ này cho biết : "Tôi đăng ký cho các em tham gia chương trình này để các em có thể hiểu thêm về môi trường thông qua lời giải thích của hướng dẫn viên, từ đó giúp các em hình thành ý thức bảo vệ rừng. Một chương trình giới hạn số lượng du khách thế này sẽ rất tốt cho việc tiếp thu kiến thức. Tôi nghĩ rằng du khách sẽ có được những giây phút rất thú vị khi đến đây."

Được thoải mái dạo bước trong cánh rừng, khẽ chạm tay lên những nụ hoa e ấp trên cành rồi được nghe hướng dẫn viên giải thích về bản năng phòng ngự của cây, dù là một học sinh không quan tâm đến rừng cũng phải bị cuốn hút. Một em hào hứng nói với chúng tôi : "Em thường đến đây để vui chơi và hít thở bầu không khí trong lành. Lần này, nhờ được nghe giải thích mà em đã biết thêm nhiều điều." Còn với những em vốn đã yêu thích rừng thì mối quan tâm và tình yêu dành cho thiên nhiên như càng thêm sâu sắc. Một em học sinh chia sẻ : "Em vốn rất quan tâm đến rừng nên hay lên mạng tìm thông tin về rừng. Nghe nói chỗ này có hướng dẫn viên về rừng nên em đã rất muốn đến. Đến đây, em hiểu được thêm về từng loại cây. Sau này, em muốn trở thành một tình nguyện viên để giải thích cho trẻ em về rừng."



Với một hướng dẫn viên, còn gì có ích hơn khi được giúp những em học sinh hiểu biết và quan tâm hơn đến môi trường sinh thái. Hướng dẫn viên Jung In-suk tâm sự : "Đây không phải là công việc kiếm sống mà là một hình thức học tập suốt đời. Tôi phải chăm chỉ học về rừng để có thể giải thích cho du khách. Mặt khác, làm công việc này giúp tôi khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Ban đầu, tôi được làm việc với một bác tình nguyện viên khoảng 70 tuổi, bây giờ thì bác đã gần 80. Hiện nay, tôi cũng đã bước qua tuổi 40, nghĩa là vẫn còn thêm 40 năm để làm việc. Càng có tuổi, tôi càng muốn được trải lòng và quay về với thiên nhiên."

[Vai trò và trách nhiệm của một người hướng dẫn viên] Giới thiệu và giải thích cho du khách về thành Hanyang là công việc hàng ngày của hướng dẫn viên Lee Yong-ok. Ông là một trong những học viên khóa 1 của khóa đào tạo hướng dẫn viên về thành Hanyang do Cơ quan Du lịch Hàn Quốc mở năm ngoái và hiện đã làm công việc này được nửa năm. Ông cho biết : "Tôi nhận được chứng chỉ hành nghề từ tháng 9 năm ngoái và làm việc cho đến nay. Càng biết về lịch sử, văn hóa cổ, tôi càng thấy bị cuốn hút. Tôi rất vui nếu những lời giải thích của mình khiến du khách vui thích, trầm trồ. Tôi cảm thấy có ích khi có thể truyền đạt những gì mình học được cho người khác."

Những hướng dẫn viên như Lee Yong-ok làm việc bốn tiếng mỗi ngày được tiền thù lao là khoảng 30 USD/ngày, chỉ đủ cho việc đi lại và tiền ăn nên phần lớn hướng dẫn viên chỉ xem đây như việc làm tình nguyện. Mặc dù vậy, công việc này mang đến cho họ sự tự tin và năng lượng sống, những thứ mà có tiền chưa chắc đã mua được. Ông Lee Yong-ok kể : "Lúc đầu tôi cũng còn lúng túng khi gặp phải một số câu hỏi của du khách nhưng bây giờ thì thuần thục rồi. Thật không dễ dàng khi phải đứng nói trước nhiều người nhưng dần dần tôi đã có được sự tự tin. Người ta khuyên tôi nên xem du khách như những người bạn của mình để tự nhiên truyền tải thông tin. Với những gì học được và trải nghiệm về văn hóa nước nhà, tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm giữ gìn, khôi phục và bảo tồn chúng."

Trong suốt hành trình tham quan, du khách lúc nào cũng dành hết sự tập trung của mình vào hướng dẫn viên. Vì lẽ đó mà hướng dẫn viên còn được ví như là người lãnh đạo. Một du khách cho biết : "Thay vì chỉ đi bộ nhìn ngắm, bọn trẻ con sẽ thấy thú vị và bổ ích hơn khi được các hướng dẫn viên giải thích tận tình về thành cổ. Bản thân tôi cũng thấy đồng cảm với chúng. Hồi còn đi học, tôi chỉ xem lịch sử là một bộ môn, bây giờ 50 tuổi rồi mà chẳng nhớ được nhiều. Có hướng dẫn viên đi cùng thật là bổ ích. Tham gia chuyến tham quan này khiến tôi thấy khỏe khắn hẳn ra."

Chuyến tham quan như vui hơn khi du khách được mắt thấy, tai nghe nhiều điều hay, điều lạ qua sự dẫn dắt của hướng dẫn viên. Ấn tượng của họ dành cho hướng dẫn viên tốt đến nỗi nhiều người đã nghĩ đến chuyện làm thử công việc này. Một nữ du khách vốn là bà nội trợ cho biết : "Tôi và bạn tôi bảo nhau tại sao lại không học về những di tích của triều đại Baekje (năm 18 trước Công nguyên đến năm 660) ở quận Songpa, nơi chúng tôi đang sinh sống, như thành đất Mongchon (Mộng Thôn)… để quảng bá cho mọi người. Nghe nói Văn phòng chính quyền quận Songpa cũng đang tổ chức khóa đào tạo hướng dẫn viên nên chúng tôi cũng muốn thử sức với công việc này. Hiểu biết khu vực mình sinh sống là một điều rất tốt!"

Thế nhưng, để trở thành hướng dẫn viên không hề dễ dàng một chút nào. Chỉ riêng trong khóa đào tạo hướng dẫn viên về thành Hanyang, học viên đã phải học về rất nhiều thứ từ kiến thức lịch sử cho đến các biện pháp sơ cứu. Trưởng phòng Kim Jin-su của Chính quyền quận Jung, thành phố Seoul, giải thích : "Do học viên đều là những người đã có kiến thức cơ bản về thành Hanyang nên sẽ chỉ phải trải qua 70 giờ học với 23 buổi học tổng cộng bao gồm 10 buổi học trên lớp, 5 buổi học thực tế và 8 buổi khảo sát hiện trường. Ngoài ra, họ sẽ còn được học về cách nói chuyện trước đám đông, cách kể chuyện hay ứng phó với tình huống khẩn cấp khi ở trên núi. Phải trải qua tất cả buổi học này thì họ mới được tham dự kỳ thi sát hạch."

Để vượt qua kỳ thi sát hạch cũng khó khăn không kém. Và cho dù thi đậu đi chăng nữa thì không phải ai cũng có thể trở thành hướng dẫn viên ngay được mà phải trải qua một quá trình thực tập trong vài tháng. Nhưng trên hết, họ phải luôn giữ đúng vai trò là người cung cấp thông tin đúng và chính xác về đất nước mình! Thày Kim Do-hyung chia sẻ : "Không nên xem nhẹ nghề này. Lúc nào bạn cũng phải giải thích và cung cấp những thông tin chính xác về lịch sử hay các địa điểm liên quan. Hướng dẫn viên phải luôn cung cấp đúng thông tin cho người dân. Nếu thấy có gì đáng nghi vấn thì cũng phải tự mình tìm hiểu và kiểm chứng. Tuyệt đối không được đưa thông tin sai."

Để có thể trở thành hướng dẫn viên chuyên nghiệp, bạn cần phải trải qua quá trình học tập và trau dồi hết sức chăm chỉ. Đổi lại, bạn sẽ nhận được nhiều kiến thức bổ ích cũng như những cái nhìn nồng ấm, những nụ cười hân hoan hay thái độ cảm phục từ những người lắng nghe bạn nói.

Lựa chọn của ban biên tập