Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Phố giày thủ công phường Seongsu, nơi hội tụ những nghệ nhân đóng giày tài hoa của đất Seoul

2013-04-16



Chúng ta đang có mặt tại phố giày thủ công ở phường Seongsu, quận Seongdong, thành phố Seoul. Đây là một địa chỉ đáng tin cậy cho những ai muốn tìm mua một đôi giày vừa rẻ vừa đẹp, được làm từ đôi tay khéo léo của những nghệ nhân đóng giày thâm niên.

[Quá trình hình thành và thực trạng của phố giày thủ công phường Seongsu] Khu phố này hiện đang quy tụ khoảng 30 doanh nghiệp đóng giày thủ công với trên 350 xưởng sản xuất, chiếm 86% tổng số doanh nghiệp làm về mặt hàng này tại nội ô Seoul. Do đó, nơi đây còn được xem là “thánh địa” của giày thủ công. Bà Park Dong-hee, Chủ tịch Hiệp hội giày thủ công phường Seongsu giới thiệu : "Người Hàn xưa gọi giày thủ công là giày Salon, tức là những đôi giày được đóng theo yêu cầu của khách. Những cửa hàng đóng giày thường tập trung ở khu Jongno, Hoehyeon hay Namdaemun. Nhưng khi các trung tâm mua sắm lớn ra đời, giá đất quanh những khu vực đó bị đẩy lên cao. Thêm vào đó là việc thiếu chỗ lập xưởng để cung cấp sản phẩm cho các trung tâm. Vì vậy, các doanh nghiệp đóng giày tìm đến phường Seongsu và hình thành một khu phố như bây giờ. Ở thời điểm đó, nơi đây có gần 700 doanh nghiệp lớn nhỏ, nhưng hiện nay chỉ còn lại một nửa. Các nghệ nhân đóng giày thì đều đã lớn tuổi và nghề này đang có nguy cơ bị mai một. Đa số giày có thương hiệu hiện nay đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, chúng ta cần phải đồng lòng chung sức để vực dậy ngành nghề này."

Khu phố này được hình thành cách đây khoảng 30 năm. Đến đây, bạn có thể chứng kiến mọi khâu sản xuất với đủ thứ mặt hàng đa dạng. Đặc biệt, bạn sẽ còn được trò chuyện với những nghệ nhân đóng giày rất yêu nghề, dù gương mặt đã hằn sâu dấu vết của thời gian. Một trong số những người thợ như thế kể với chúng tôi : "Tôi đến với nghề này là để kiếm sống, tính đến nay cũng được 58 năm rồi. Hồi đó, ở khu Myeongdong có một toà nhà chuyên đóng giày và tôi đã học nghề ở đó. Tôi tự hào không mấy ai làm việc được liên tục 58 năm như tôi."

Vào những năm 1980, phường Seongsu là một khu vực thưa dân và giá đất khá rẻ. Ban đầu là một, hai, sau đó là vài chục doanh nghiệp đóng giày thủ công đã kéo nhau đến lập xưởng và hình thành nên khu phố nhộn nhịp như ngày nay. Ban đầu, các doanh nghiệp đều hoạt động theo mô hình OEM (Original Equipment Manufacturer) hay còn gọi là “Nhà sản xuất thiết bị gốc”, tức là doanh nghiệp làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh rồi bán cho các thương hiệu lớn, các thương hiệu này sẽ đính tên của mình lên sản phẩm rồi bán ra thị thường. Tuy nhiên, cho đến trước khi giao hàng, mọi khâu từ thiết kế đến sản xuất đều do chính những nghệ nhân đóng giày ở đây đảm nhiệm mà không hề chịu sự chi phối của chủ đơn hàng. Có những doanh nghiệp thậm chí đảm trách cả việc phát triển sản phẩm cho các thương hiệu nước ngoài. Điều đó cho thấy kỹ thuật đóng giày thủ công truyền thống của Hàn Quốc đã đạt tiêu chuẩn thế giới.

Tuy nhiên, mặc dù đã bỏ ra nhiều công sức nhưng những nghệ nhân ở đây lại không nhận được mức thù lao tương xứng. Bởi thế mà lớp trẻ ngày càng hờ hững với nghề này và hiện chỉ còn những người đã trên dưới 60 tuổi còn bám trụ lại với nghề. Bà Park Dong-hee cho biết : "Phố giày thủ công phường Seongsu còn được gọi tắt là SSST (Seoul Seongsu Shoe Town). Nơi đây tập trung các doanh nghiệp đóng giày hoàn toàn bằng tay. Chính quyền thành phố và các quận đang nỗ lực biến khu vực này trở thành “thánh địa”của giày trong mùa thu năm nay với các khu mua sắm hàng hiệu và các tour du lịch để kích thích du khách nước ngoài mua sắm. Các nghệ nhân đóng giày đã phải bỏ rất nhiều công sức, suốt đời trau dồi kỹ thuật. Chúng tôi muốn họ tự hào vì những sản phẩm của mình đã đi khắp năm châu. Vì họ, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để biến phường Seongsu trở thành một nơi phát triển rực rỡ."

[Công tác giữ gìn và phát huy nghề truyền thống] Việc đầu tiên cần thực hiện là phải thành lập trường dạy đóng giày thủ công để giữ gìn những kỹ thuật trong nghề. Tuy chưa phải là một ngôi trường đúng nghĩa nhưng hiện Trung tâm hỗ trợ tổng hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ quận Seongdong đã dành hẳn một không gian rộng 116m2 để mở một số khóa học đóng giày thủ công miễn phí với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Tham gia khóa học, học viên sẽ được chỉ dẫn mọi điều từ kiến thức cơ bản cho đến nâng cao. Trung tâm đã đào tạo được hai khóa và hiện đang là khóa thứ ba với 10 học viên theo học. Có một thực tế là khá nhiều người đã phải bỏ dở nửa chừng do không bắt kịp những kỹ thuật khó cũng như không chịu nổi khối lượng kiến thức khổng lồ. Nghệ nhânWoo Jung-hyun chia sẻ : "Khóa học kéo dài trong năm tháng và học viên phải học liên tục suốt sáu ngày một tuần, mỗi ngày từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Môi trường làm việc thực tế sẽ còn khắc nghiệt hơn thế nhiều, do đó học viên phải luôn luôn chăm chỉ. Thật ra, năm tháng không phải là dài. Chương trình học khá là khó và nặng, nếu không đủ niềm đam mê và sự siêng năng để học từ những bước cơ bản thì các học viên khó lòng mà hoàn thành được khóa học."

Đam mê và siêng năng là hai điều mà nghệ nhân Woo Jung-hyun luôn nhấn mạnh với học viên. Bởi thế mà lúc nào khóa học cũng được diễn ra trong bầu không khí tập trung cao độ. Nhưng cũng nhờ thái độ nghiêm khắc ấy của người dạy mà học viên như được tiếp thêm động lực và học được rất nhiều kinh nghiệm bổ ích. Học viên Roh Hyun-sun tâm sự : "Dù gặp bất cứ tình huống nào, các nghệ nhân cũng đều biết cách giải quyết êm thấm. Tôi nghĩ rằng để làm được như vậy, họ đã phải trải qua hàng chục năm kinh nghiệm. Thời buổi bây giờ làm gì cũng khó cả. Nhưng giới trẻ thì cứ hơi khó khăn một chút là bỏ cuộc. Tôi nghĩ mình sẽ học được rất nhiều điều nếu chịu khó lắng nghe sự chỉ dẫn của các nghệ nhân. Họ thật tuyệt vời khi lúc nào cũng chú tâm cho công việc.

Nhìn các thanh niên miệt mài học tập mà trong lòng không ít nghệ nhân dâng trào cảm xúc mãn nguyện vì mình đã truyền được nghề lại cho thế hệ sau trước khi từ giã cuộc đời. Nghệ nhân Choi Tae-won, người đã có 40 năm kinh nghiệm trong nghề, tâm sự : "Kỹ thuật làm gốm xanh thời Goryeo (từ năm 918 đến năm 1392) và gốm trắng thời Joseon tiếp theo là một kỹ thuật mà không phải nước nào cũng có thể bắt chước được. Nhưng thật tiếc là nó không được giữ gìn cho đến tận ngày nay. Do đó, nếu có thể truyền lại những kỹ thuật mà tôi đã tích lũy được cho lớp trẻ tài năng thì đó là một việc rất tốt. Tôi tin rằng, với sức trẻ và cái đầu nhạy bén của thanh niên ngày nay, chúng ta sẽ có được những sản phẩm đẹp hơn, mới lạ hơn. Vì lẽ đó mà tôi đang hết lòng hướng dẫn và đối xử với các học viên như những người bạn, có gì thắc mắc họ đều có thể hỏi, bởi có hỏi thì mới nhớ được lâu và nhanh tiến bộ. Tôi rất vui và thấy mình có ích khi đóng vai trò một người thầy."



Trong số các học viên, có một trường hợp rất đặc biệt. Đó là chị Jeanne Bosco, người Pháp, điều hành một công ty giày thủ công đã gần 40 năm nay. Thấy được sức ảnh hưởng của làn sóng Kpop, Jeanne Bosco đã nghĩ đến chuyện sẽ làm ăn với Hàn Quốc. Trong một lần đến Seoul để khảo sát thiết kế và chất lượng giày, chị đã biết đến khóa học này và liền đăng ký mà không mảy may do dự. Chị cho biết : "Ban đầu, tôi giao dịch với phía Trung Quốc. Rồi một người bạn đã kể cho tôi về khu phố này nên tôi tìm đến để khảo sát thị trường kinh doanh. Đến đây, tôi mới nhận thấy giày thủ công của Hàn Quốc quá đẹp. Từ đó, tôi đã quyết định đăng ký lớp học để tìm hiểu sâu hơn về cách đóng giày ở đây. Tôi đang cố gắng tận dụng cơ hội này để học tập."

Để theo đuổi khóa học, Jeanne Bosco đã phải gia hạn visa đến tận tháng 6. Mặc dù nội dung giảng dạy của Hàn Quốc có nhiều điểm khác biệt so với Châu Âu, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình và tỉ mỉ của các nghệ nhân mà chị đã có được nhiều kiến thức bổ ích, góp phần nuôi dưỡng niềm vui học tập. Chị tâm sự như sau : "Tuy khác nhau về mặt nội dung nhưng ở đây tôi cảm thấy như mình học được nhiều hơn. Các thầy rất thân thiện, giải thích tận tình từ đầu đến cuối. Nhờ đó mà tôi học hỏi được nhiều điều về các loại da làm giày. Mới nhìn thì tưởng đóng giày dễ lắm nhưng không phải như vậy. Phải qua nhiều bước mới làm được một sản phẩm. Việc tiếp thu kinh nghiệm của hàng chục năm làm nghề cũng trở nên nhẹ nhàng hơn qua sự giải thích dễ hiểu của các thầy. Tôi nghiệm ra rằng đóng giày là cả một nghệ thuật và mỗi thầy là một người nghệ sĩ."

Jeanne Bosco dự định xúc tiến việc làm ăn với các doanh nghiệp đóng giày ở phường Seongsu sau khi khóa học kết thúc và trở về nước. Chị cũng mong muốn được cộng tác với những học viên đồng khóa trong tương lai. Chị chia sẻ : "Tôi đã làm quen được với rất nhiều người ở đây. Điều này giúp tôi thuận lợi hơn trong việc làm ăn với Hàn Quốc sau này. Nhờ các thầy giới thiệu mà tôi đã kết nối được với nhiều xưởng sản xuất và hiện tôi cũng đang ký kết hợp đồng với các công ty thiết kế. Tôi hy vọng sau này sẽ được cộng tác cùng các bạn học. Tôi sẽ lo việc quảng bá sản phẩm của họ ở Pháp và ngược lại. Thời gian qua họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều nên tôi rất muốn đền đáp lòng tốt của họ."

[Nhộp nhịp chợ giày Shoe Shoe Market] Nếu như các khóa học tại Trung tâm hỗ trợ tổng hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ của phường Seongsu là nơi để các nghệ nhân truyền thụ kinh nghiệm của mình cho lớp trẻ thì chợ giày Shoe Shoe Market, được diễn ra vào thứ Bảy của tuần thứ nhất và thứ ba mỗi tháng, lại là nơi để họ giới thiệu đến người tiêu dùng những tác phẩm tâm huyết của mình. Đến đây, không những bạn mua được sản phẩm với giá rẻ hơn phân nửa so với thị trường mà còn có thể tự do lựa chọn thiết kế rồi yêu cầu nghệ nhân đóng cho một đôi vừa vặn với kích thước chân. Có thể xem đây như là “quà khuyến mãi” mà nghệ nhân muốn gửi tặng khách hàng.

Nhìn các nghệ nhân cắt da thoăn thoắt và khéo léo bằng mảnh thủy tinh, một khách hàng đã phải trầm trồ buột miệng : "Chỉ có nghệ nhân mới có thể cắt da giày bằng mảnh thủy tinh như thế. Có thấy họ làm tôi mới biết thật không dễ gì mà làm được một sản phẩm. Thiết nghĩ, chúng ta cần phải trân trọng và cẩn thận khi mang những đôi giày như thế."

Các nghệ nhân đã đặt hết tài năng và tình cảm của mình vào những đôi giày. Không những có thiết kế tinh tế và chất lượng tuyệt vời, chúng còn đem đến cho người sử dụng cảm giác hết sức thoải mái cho đôi chân. Đây mới chính là giá trị của giày thủ công. Nghệ nhân Choi Tae-won giải thích : "Khác với vẻ thô ráp của giày sản xuất công nghiệp, giày thủ công đem đến cảm giác êm ái và tôn dáng người mang. Đối với tôi, chúng không đơn thuần chỉ là cái để mang đi mà là một tác phẩm nghệ thuật. Đã qua rồi cái thời người ta chỉ chọn những đôi giày thật bền và tiện dụng. Giờ là lúc người ta chọn thứ có thể tôn vinh lên vẻ đẹp của bản thân và điều này thì chỉ có ở giày thủ công mà thôi."

Sự cuốn hút của chợ giày cũng đã mang đến cho các thương nhân kinh doanh tại đây một tín hiệu đáng mừng. Một thương nhân khoe với chúng tôi : "Hôm nay tôi bán rất chạy. Tôi bán rẻ không phải là do hàng bị tồn đọng mà là để quảng bá cho khu phố. Để đáp lại sự tin yêu của khách hàng, chúng tôi luôn làm ra những sản phẩm tốt hơn. Bạn có thể bắt gặp sản phẩm của chúng tôi ở các trung tâm mua sắm nhưng sẽ không mua được chúng với giá rẻ hơn phân nửa như vậy. Chỉ có ở đây bạn mới có thể mua được sản phẩm chất lượng tốt với giá cả phải chăng."

Sau nhiều năm âm thầm ngồi sau những chồng giày được sản xuất cho các thương hiệu lớn, đã đến lúc tay nghề lão luyện của nghệ nhân đóng giày và chất lượng vượt trội của giày thủ công Hàn Quốc được người tiêu dùng toàn cầu công nhận và tôn vinh. Sống trong thời đại mà cái gì cũng na ná nhau và chạy theo trào lưu như ngày nay, thật khó để có thể tìm được những sản phẩm chứa đựng cái hồn của người thợ. Nhưng người Hàn thật may mắn khi vẫn còn tồn tại phố giày thủ công phường Seongsu, nơi có những nghệ nhân vẫn ngày đêm cặm cụi để làm ra những tác phẩm nâng đỡ đôi chân con người trên đường đời hối hả.

Lựa chọn của ban biên tập