Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Cơn sốt ma-ra-tông, những người Hàn thách thức giới hạn của bản thân

2013-04-23



Khu di tích thành Hwaseong ở thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi, sáng Chủ Nhật ngày 14/4 bỗng trở nên vô cùng náo nhiệt với hàng nghìn vận động viên chạy bộ chuyên và không chuyên đến từ mọi miền Hàn Quốc tham gia Cuộc thi chạy ma-ra-tông Gyeonggi lần thứ 11. Tùy theo thể lực mà các vận động viên, nhất là những người không chuyên, có thể lựa chọn một trong bốn chặng đua là toàn chặng, nửa chặng, 10km và 5km để tranh tài.

[Vài nét về ma-ra-tông và dấu ấn Hàn Quốc trong lịch sử bộ môn này] Ngay ở Thế vận hội Olympic, ma-ra-tông cũng được đánh giá là một bộ môn khó “nuốt”. Vậy mà môn thể thao này lại đang làm mưa làm gió tại Hàn Quốc với số người tham gia nhiều đến nỗi các thương hiệu thể thao gần như phải tổ chức các cuộc thi thường kỳ nhằm phục vụ nhu cầu người dân. Ước tính, mỗi năm Hàn Quốc tổ chức khoảng 250 cuộc thi ma-ra-tông, chứng tỏ bộ môn này có sức hút rất lớn ở xứ sở Kimchi.

“Ma-ra-tông (Marathon)” vốn là tên gọi của một thị trấn của Hy Lạp nằm cách thủ đô Athen trên 42km. Vào năm 490 trước Công Nguyên, quân đội Hy Lạp đã cử anh lính Pheidippides chạy bộ từ Marathon về đến Athen để báo tin chiến thắng của quân nhà trước quân Ba Tư (tức Iran ngày nay). Anh lính đã qua đời ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Cho đến giờ, câu chuyện này vẫn được mọi người khắp nơi nhớ đến và nó được xem là khởi nguồn của bộ môn ma-ra-tông.

Ma-ra-tông được chính thức đưa vào danh sách thi đấu tại Olympic Athen 1896, Thế vận hội hiện đại đầu tiên. Nhưng phải đến Olympic London 1908, độ dài chặng đường thi đấu mới được quy định là 42,195km. Các nước châu Phi hiện là những quốc gia mạnh về ma-ra-tông nhất, nhưng lịch sử thế thao thế giới cũng đã không ít lần ghi nhận thành tích của các vận động viên Hàn Quốc. Những thành tích tiêu biểu có thể kể đến của Hàn Quốc là hai chiếc huy chương vàng Thế vận hội của Son Kee-chung tại Berlin, Đức năm 1939 và của Hwang Yeung-jo tại Barcelona, Tây Ban Nha năm 1992, hay chiếc huy chương bạc do Lee Bong-ju giành được tại Olympic Atlanta, Mỹ vào 1996. Đặc biệt, Lee Bong-ju còn liên tiếp gặt hái được danh hiệu vô địch tại Đại hội thể thao châu Á Bangkok năm 1998, tại Busan 2002 cũng như tại Cuộc thi chạy Ma-ra-tông Boston 2001.

Cuộc thi chạy Ma-ra-tông Boston là một trong bốn cuộc thi lớn nhất thế giới về bộ môn này. Và đây cũng là cuộc thi có nhiều duyên nợ với các vận động viên Hàn Quốc. Ngay từ năm 1947, trước khi chính phủ Đại Hàn Dân Quốc được thành lập, vận động viên Suh Yun-bok đã bước lên bục vinh quang và đi vào lịch sử cuộc thi như là nhà vô địch đầu tiên đến từ châu Á. Ba năm sau, cũng tại đây, người dân thế giới lại một lần nữa vinh danh ba vận động viên Ham Kee-yong, Song Gil-yun và Choe Yun-chil khi họ xuất sắc ẵm trọn ba giải nhất, nhì, ba của cuộc thi.

[Câu chuyện của một vận động viên ma-ra-tông nghiệp dư] Chạy liên tục 42,195km là một thách thức không nhỏ đối với người thường. Nhưng với xu hướng con người ngày càng coi trọng sức khỏe, ma-ra-tông đang trở thành bộ môn được nhiều người ở mọi lứa tuổi tìm đến. Trong đó có ông Yun Dong-ki, 57 tuổi, người đang tích cực tập luyện tại một câu lạc bộ thể hình để chuẩn bị cho những chặng đua mới. Ông Yun Dong-ki bắt đầu đến với ma-ra-tông từ năm 2005 nhằm cải thiện sức khỏe. Đến nay, ông đang giữ kỷ lục 140 lần hoàn thành chặng đua toàn chặng và trên 20 lần chinh phục chặng đua 100km. Càng chạy ông dường như càng thêm yêu môn thể thao này. Ông tâm sự : "Từ ngày lên làm trưởng ban trong công ty, tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi, cộng với việc đã có tuổi và nghĩ đến chuyện phải chăm lo đến sức khỏe nên tôi đã quyết định tập luyện ma-ra-tông. Bây giờ tôi gần như bị nghiện bộ môn này, hầu như tuần nào thi cả."

Mỗi năm tham gia khoảng 20-30 cuộc thi, giờ đây với ông Yun Dong-ki, ma-ra-tông đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Vậy điều gì đã khiến ông đam mê với nó đến thế? Ông giải thích như sau : "Dù đã tập luyện nhiều nhưng khi chạy được khoảng 35km, tôi vẫn cảm thấy toàn thân đau đớn rã rời. Tuy nhiên mỗi khi nghĩ đến việc mình đã chạy được 35km, đã qua được giới hạn của một người bình thường, tôi bỗng cảm thấy rất sung sướng. Tôi sung sướng vì mình đã chiến thắng được cơn đau và nỗi cô đơn cực độ, vậy là đã hơn nhiều người khác. Vượt qua khó khăn này, tôi lại muốn vượt tiếp khó khăn khác."

Qua ông Yun, chúng ta đã biết thêm rằng ma-ra-tông có thể giúp con người chiến thắng được cơn đau và nỗi cô độc. Vào cái khoảnh khắc cán đích sau một chặng đường dài, thay vì kiệt sức, vận động viên như thấy mình khỏe hơn lên một cách diệu kỳ. Ban đầu, chính bản thân ông Yun Dong-ki cũng không nghĩ mình có thể theo đuổi nổi bộ môn này. Ông thậm chí đã từng muốn bỏ cuộc ngay tại lần đầu đi thi. Ông kể lại : "Tôi vẫn còn nhớ như in ngày hôm ấy. Chỉ còn 100m nữa là đến đích mà tôi không thể nào nhấc nổi đôi chân. Thay vì chạy, tôi chỉ có thể đi bộ về đích và sau đó thì ngồi thừ trong suốt nửa tiếng. Người tôi đau đến nỗi hôm sau phải xin nghỉ việc. Bình thường, tôi vốn là người rất dẻo dai nhưng chẳng hiểu sao lại như vậy." Sau 10 lần chinh phục đường đua, ông Yun mới chiến thắng được cơn đau thể xác và kể từ đó trở đi, càng chạy ông càng cảm thấy khỏe ra. Có thể ví ma-ra-tông như một chất gây nghiện, bởi nó hấp dẫn đến nỗi khiến cho một vận động viên nghiệp dư như ông Yun Dong-ki ngày nào cũng phải chăm chỉ tập luyện ở câu lạc bộ thể hình hay các công viên ven sông Hàn để chuẩn bị cho những cuộc thi tới.

[Ma-ra-tông dưới góc nhìn chuyên gia] Ma-ra-tông không đòi hỏi người tập bất cứ một kỹ thuật đặc thù nào. Nhưng nếu muốn có đủ sức bền để chạy bộ trong một khoảng thời gian dài, họ phải rất chăm chỉ tập luyện. Hãy bắt đầu với việc tập chạy trên chặng đường dài 1.000m hay 1.500m. Sau đó phải cố gắng mỗi tuần một lần hoàn thành chặng đường dài 20km thì mới có thể chinh phục được toàn chặng một cách tốt đẹp. Lee Ui-su, bình luận viên bộ môn ma-ra-tông của Đài phát thanh, truyền hình KBS, cho biết : "Ma-ra-tông không phải là bộ môn mang tính kỹ thuật mà quan trọng là người tập phải nỗ lực. Ngoài sức mạnh tinh thần thì sức bền cũng là một trong những điều kiện mà một vận động viên ma-ra-tông cần phải có. Gần đây, tốc độ cũng trở thành một điều kiện quan trọng được các vận động viên toàn cầu hướng đến. Có thể thấy được điều này qua việc họ cố gắng sức bám chặt đấu thủ cho đến những phút cuối cùng."

Phải hội tụ được những điều kiện đó thì mới có thể chạy ma-ra-tông. Sau quá trình nâng dần lên mục tiêu chinh phục, bạn sẽ làm chủ được bộ môn này và ngày càng bị nó cuốn hút. Bình luận viên Lee Ui-su giải thích : "Với chạy ma-ra-tông, chỉ cần có quyết tâm là sẽ thực hiện được, nên nó rất dễ đi sâu vào cuộc sống. Từ chỗ hay hoài nghi về năng lực của bản thân, không biết mình có chạy được 10km hay toàn chặng được không, đến khi đạt được mục tiêu rồi, người tập sẽ lại muốn phấn đấu tiếp để chinh phục được những mục tiêu cao hơn. Ma-ra-tông đã khiến họ phấn đấu không ngừng nghỉ như vậy. Nó còn mang đến cho họ sự tự tin với ý nghĩ người khác làm được thì mình cũng sẽ làm được."

Nhân viên công sở có vẻ là những người hưởng ứng bộ môn này rất nhiệt tình. Bằng chứng là gần đây, ở khá nhiều công ty đã xuất hiện các câu lạc bộ chạy ma-ra-tông. Điều này được lý giải là vì bộ môn này giúp rèn luyện tính nhẫn nại, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm và nhất là rất hiệu quả trong việc giải tỏa căng thẳng. Bình luận viên Lee Ui-su tiếp tục giải thích : "Ma-ra-tông phổ biến đến mức trở thành đề tài quen thuộc trong các câu chuyện. Thậm chí, nếu chưa từng tham gia bộ môn này, bạn rất dễ bị đám bạn cho “ra rìa”. Điều này buộc bạn phải tham gia thử một lần và một khi đã tham gia thì sẽ “nghiện” ngay. Các cuộc thi chạy ma-ra-tông cũng thường được phát trên truyền hình. Chẳng hạn, cuộc thi chạy ma-ra-tông quốc tế Seoul diễn ra ngay ở trung tâm thành phố. Đây là dịp chúng ta có thể chạy ngay trong lòng thành phố và điều này khiến nhiều người muốn tham gia cuộc thi. Hiện nay có vài công ty tuyển dụng nhân viên với tiêu chí là đã từng tham gia chạy ma-ra-tông hay chưa. Ứng viên nào có giấy chứng nhận hoàn thành đường đua 10km sẽ có thêm lợi thế."

[Những người Hàn muốn vượt lên chính mình trong từng bước chạy] Ma-ra-tông là môn thể thao trông tưởng như đơn giản, các vận động viên chỉ phải dốc sức chạy về phía trước với tốc độ tương đương, nhưng thật ra, nó đòi hỏi họ phải đủ bản lĩnh để vượt qua nỗi cô đơn, vất vả cũng như chiến thắng được sự giằng xé tinh thần dữ dội trong suốt chặng đường. Mặc dù vậy, số người tập bộ môn này tại Hàn Quốc đang có xu hướng ngày càng tăng. Ông Kim Yeon-su, Giám đốc điều hành của công ty Thể thao và Con người, đơn vị đồng tổ chức cuộc thi Cuộc thi chạy ma-ra-tông Gyeonggi lần thứ 11, nhận định : "Số người theo đuổi ma-ra-tông bắt đầu gia tăng từ cách đây 10 năm. Lúc ấy, phần đông trong số họ đều là vận động viên chuyên nghiệp. Sau đó thì có một vài câu lạc bộ dành cho người yêu ma-ra-tông được thành lập và bộ môn này mới thực sự bùng nổ trong năm năm gần đây. Trước đây, đa số vận động viên ở độ tuổi 40-50, còn hiện nay, độ tuổi trung bình của người tham gia đã trẻ hơn rất nhiều. So với trước đây, mục đích tập luyện cũng đã thay đổi. Thay vì để thách thức bản thân thì ngày nay mọi người đến với ma-ra-tông để thư giãn và giải trí cùng bạn bè hay gia đình."

Sau khi hiệu lệnh xuất phát được vang lên, chỉ chưa đến 20 phút là các vận động viên tham gia chặng đua 5km đã nhanh chóng về đích. Trong lúc đó, vận động viên đầu tiên hoàn thành toàn chặng đã cán đích với thời gian 2 giờ 30 phút. Đặc biệt, Cuộc thi chạy ma-ra-tông Gyeonggi năm nay vinh dự được đón nhận “huyền thoại” Lee Bong-ju trong sự kiện đặc biệt mang tên “Hãy chiến thắng Lee Bong-ju”. Một lần nữa, anh lại xuất sắc hoàn thành toàn chặng. Đây là lần thứ ba kể từ ngày giã từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, anh chinh phục được chặng đường này và cũng là lần thứ 44 tính từ ngày đầu tiên đến với ma-ra-tông. Anh hứng khởi nói với chúng tôi : "Năm ngoái tôi cũng đã hoàn thành toàn chặng tại cuộc thi này với vị trí thứ ba, do đó, tôi đã có gắng chuẩn bị để có thể giành được vị trí thứ nhất và tôi đã hoàn thành mục tiêu. Nếu trước kia tôi thi đấu vì chiến thắng và kỷ lục thì bây giờ tôi chỉ tham gia để được hòa chung niềm vui chạy bộ với nhiều người."

Hôm ấy, Lee Bong-ju đã cán đích sớm nhất với thời gian 2 giờ 39 phút 15 giây. Về nhì là Song Ki-san thuộc câu lạc bộ ma-ra-tông “Vì yêu thành phố Suwon”. Tuy kém Lee Bong-ju 20 giây nhưng Song Ki-san vẫn vinh dự nhận được giải nhất ở hạng mục nghiệp dư. Trong khi đó, Shin Ho-cheol cũng vô cùng mãn nguyện khi phá được mục tiêu với thời gian về đích là 2 giờ 41 phút. Vừa thởi hổn hển anh vừa nói : "Đã lâu rồi tôi mới lại giành được giải thưởng nhưng vẫn cảm thấy như mới đây thôi. Do bị chấn thương chân nên hai năm nay tôi không tham gia cuộc thi nào. Riêng với cuộc thi này thì tôi đã vắng mặt ba năm. Tuy mệt mỏi nhưng tôi quyết không bỏ cuộc, nhất định phải hoàn thành chặng đua. Tinh thần này đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống cũng như công việc."

Đến với ma-ra-tông, mọi khó khăn, đau đớn của con người sẽ được xoa dịu, để rồi từ đó tìm thấy niềm vui, nguồn năng lượng mới. Vận động viên Lee Bong-ju chia sẻ kinh nghiệm : "Chạy được 30km là cơ thể bắt đầu thấm mệt. Thường thì khi chạy đến tầm này, nhiều người sẽ bị tụt lại phía sau, bị đuối cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây sẽ là lúc khó khăn nhất mà bạn cần phải vượt qua và bạn sẽ phải chiến đấu quyết liệt với chính bản thân mình. Bạn phải tìm thấy niềm vui, tập trung tinh thần và duy trì tốc độ chạy thì mới có thể khắc phục khó khăn ấy. Khi bước vào thời điểm ấy, tôi luôn cố gắng giữ cho mình cảm thấy thật vui, thật bình thản cứ như mình đang chơi đùa cùng ma-ra-tông vậy."

Trong ma-ra-tông, khi cảm thấy có bất ổn trên đường đua, bạn hãy giữ cho tinh thần được thoải mái và duy trì tốc độ cho phù hợp với thể lực thì cuối cùng cũng sẽ về đến đích. Trong cuộc sống cũng vậy, khi gặp phải khó khăn, bạn hãy nhẹ nhàng đón nhận nó và tìm cách đương đầu thì cuối cùng cũng sẽ giải quyết được vấn đề. Đó là một bài học giá trị mà ma-ra-tông muốn gửi gắm đến mọi người.

Lựa chọn của ban biên tập