Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Gongmyoung, nhóm tiên phong trong việc hiện đại hóa âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

2013-05-14



Trước mắt khán giả hiện lên một đoạn phim chiếu cảnh mặt biển xanh thẳm, tiếng sóng vỗ dạt dào và âm thanh nghe như tiếng còi tàu do các nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu. Mọi người đều bị cuốn hút vào buổi diễn và phút chốc cảm thấy mình như đang lạc tới một hòn đảo tuyệt đẹp.

[Những điều thú vị về nhóm Gongmyoung] Các nghệ sĩ đã mang biển cả lên sân khấu là những thành viên của nhóm Gongmyoung, một nhóm nhạc theo đuổi thể loại âm nhạc thế giới World music. Hyun Kyung-chae, Nhà phê bình âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, giới thiệu : "Gongmyoung là một nhóm nhạc gồm bốn thành viên chuyên chơi nhạc truyền thống Hàn Quốc. Nhóm rất giỏi trong việc hiện đại hóa các giai điệu từ những nhạc cụ truyền thống như bộ gõ bốn nhạc cụ Samulnori. Nhịp điệu mà nhóm đang sử dụng là nhịp điệu Jangdan truyền thống gồm Gutgeori, Jajinmori hay Hwimori Jangdan."

Gongmyoung chính thức ra mắt vào năm 1997 với bốn thành viên là Park Seung-won, Song Kyong-keun, Kang Sun-il và Lim Yong-ju. Họ được biết đến như là những người đi đầu trong việc cách tân âm nhạc truyền thống Hàn Quốc bằng cách sáng tạo nhạc cụ và thử nghiệm đa dạng dựa trên nền tảng sẵn có. Thành viên Song Kyong-keun cho biết : "Âm nhạc của chúng tôi luôn có những âm thanh mới lạ nhờ vào các nhạc cụ do chính chúng tôi sáng tạo ra. Vào thời điểm thành lập cách đây 16 năm, không có nhóm nhạc truyền thống nào trình diễn nhạc truyền thống cùng ghi-ta như chúng tôi. Hồi đó, mọi người không biết phải gọi chúng tôi là nhóm nhạc gì. Khi nhắc đến “Gongmyoung”, họ thường kèm thêm các cụm từ như “crossover” (giao thoa) hay “nhóm nhạc truyền thống sáng tạo”. Chúng tôi không chủ tâm kết hợp truyền thống với hiện đại, mà chỉ mong muốn tạo ra được sản phẩm âm nhạc mới. Mới ngày nào chúng tôi còn được gọi là nhóm nhạc tổng hợp, giờ đây đã trở thành nhóm nhạc World music."

Sau 16 năm miệt mài thử nghiệm và cống hiến, Gongmyoung đã gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Năm 2011, tên tuổi nhóm đã được giới thiệu trong sách giáo khoa âm nhạc tiểu học trong mục “Hiện đại hóa âm nhạc truyền thống”. Và năm nay, bản nhạc “Gongmyoung yoohee” của nhóm đã được đưa vào sách giáo khoa âm nhạc Trung học cơ sở để làm tài liệu giảng dạy cho thế hệ trẻ. Trước đó, Gongmyoung cũng là đại diện đầu tiên của Hàn Quốc tham gia Triển lãm âm nhạc thế giới WOMEX (The World Music Expo), tổ chức tại Tây Ban Nha năm 2008. Một năm sau đó, nhóm lại tiếp tục đến Pháp để biểu diễn tại Hội chợ âm nhạc MIDEM (Marché International du Disque et de l'Edition Musicale), một hội chợ âm nhạc thường niên lớn nhất thế giới. Nhà phê bình Hyun Kyung-chae chia sẻ : "Sự cách tân của bốn nghệ sĩ trẻ bắt đầu từ mong muốn làm sao có thể hiện đại hóa giai điệu và nhịp điệu truyền thống. Sau đó, họ mới dần nghĩ ra được những giai điệu mới, kỹ thuật mới, kết hợp với các phong cách kịch, múa hay những chương trình thời trang. Họ cũng khá nổi tiếng ở nước ngoài. Điển hình là lần công diễn khoảng 40 phút trước rất nhiều nhà sản xuất, chuyên gia âm nhạc nổi tiếng khắp thế giới tại Triển lãm World music WOMEX 2008. Lần đó họ đã được khản giả hoan nghênh rất nồng nhiệt."

Tuy tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc truyền thống nhưng nhóm lại chọn con đường tạo ra những giai điệu mới mẻ dựa trên nền tảng cổ truyền với mong muốn kết nối trái tim nghệ sĩ với khán giả. Có lẽ chính vì thế mà cái tên “Gongmyoung” nghe cũng rất mới lạ. Trưởng nhóm Park Seung-won giải thích : "“Gongmyoung”, theo Hán tự là “cộng minh” có nghĩa là “âm thanh vang vọng”. Chúng tôi chọn cái tên này là vì muốn truyền cảm xúc đến khán giả và nhận được sự đồng cảm từ họ. Điều này cũng giống như khi có nhiều vật thể tuy khác nhau mà gặp đúng tần số rung động thì vẫn có thể kết hợp được để tạo nên giai điệu. Ngoài ra, nhóm được đặt tên như vậy cũng là vì chúng tôi đã sáng tạo ra một nhạc cụ hơi được làm bằng tre cũng mang tên là “Gongmyoung”". Chính sự làm mới không ngừng nghỉ của Gongmyoung đã mang đến do khán giả cảm giác hào hứng, thích thú mỗi khi đến thưởng thức các chương trình của nhóm.

Giữa lúc tiết trời đang chuyển sang mùa hạ oi bức, nếu bạn muốn tìm đến một hòn đảo tươi đẹp với làn nước biển mát trong ngay tại trung tâm thành phố Seoul, thì chương trình hòa nhạc “With Sea” (Đến với biển cả) của nhóm Gongmyoung đang diễn ra ở đường Daehak chính là sự lựa chọn tuyệt vời. Đây là chương trình nhằm kỷ niệm 16 năm hoạt động của nhóm, lấy chủ đề về hòn đảo nhỏ Yeondo ở thành phố Yeosu, tỉnh Nam Jeolla. Để chuẩn bị cho chương trình, cả nhóm đã phải mất gần hai năm đi đi về về Yeondo để cảm nhận thiên nhiên nơi đây và đưa vào sáng tác, khiến âm nhạc của nhóm như có dòng chảy thiên nhiên ở bên trong. Nhà phê bình Hyun Kyung-chae cho biết : "Nhóm luôn rất quan tâm đến thiên nhiên. Họ đi ra biển để lắng nghe tiếng sóng. Trong một lần lặn lội đến một xã xa xôi, bất chợt gặp mưa rào, họ đã sáng tác nên bản “Mưa rào”. Thậm chí, trong phần mở đầu bản nhạc, họ thu âm những tiếng nói chuyện như “Uh! Trời mưa rồi. Tiếng mưa rào này! Hay ta hãy sáng tác âm nhạc với tiếng mưa rào xem sao”. Nhạc của họ lúc nào cũng có tiếng gió, tiếng sóng… Do đó, một số báo đài nhận xét rằng nghe nhạc truyền thống của Gongmyoung mà như nghe tiếng thiên nhiên”.

Biển đảo hiện diện trên sân khấu của chương trình sống động đến nỗi thật không quá lời nếu nói muốn đi biển bạn hãy tìm đến sân khấu của Gongmyoung. Thành viên Lim Yong-ju chia sẻ : "Để thực hiện chương trình này, chúng tôi đã phải nhiều lần ra một số quần đảo. Sau những lần ra để nghỉ ngơi và vui chơi ở đảo Yeondo, nhận thấy phong cảnh nơi đó thật tuyệt vời, chúng tôi đã quyết định sáng tác nhạc về vùng này. Chương trình có mạch truyện rõ ràng. Phần đầu diễn ra có chút mông lung, mở màn với những hình ảnh và âm nhạc thể hiện một đô thị tẻ nhạt, khô khan. Gần đến kết thúc phần này, hình ảnh và âm nhạc dần trở nên tươi tắn hơn, tạo cảm giác mát mẻ, sảng khoái của biển cả. Cảnh biển lúc này hiện lên thật lung linh trong từng thước phim, bản nhạc thấm đẫm ký ức của chúng tôi. Chúng tôi đã sử dụng đan xen rất nhiều chất liệu âm nhạc trong phần này."

[Đến với biển cả mát lành trong chương trình “With Sea”] Mở đầu chương trình là phần “Đô thị” với âm nhạc tạo cảm giác uể oải và tất bật của vòng quay cuộc sống. Sau đó, những âm thanh của biển dần xuất hiện… Tiếng sóng biển thực tế hòa quyện cùng tiếng nhạc đã tạo nên một đoạn hòa tấu huyền ảo, tuyệt vời trên sân khấu. Để có được điều này, nhóm đã phải tự mình cải tiến và sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ có thể mang đến những âm thanh mới lạ. Thành viên Song Kyong-keun cho biết : "Mỗi thành viên trong nhóm đều có thể tự làm nhạc cụ cho mình. Muốn làm nhạc cụ thì phải có sự tìm tòi về âm thanh cũng như kỹ thuật chế tạo. Để có được điều này không phải là chuyện một sớm một chiều, mà cần phải trải qua một quá trình nghiên cứu và cố gắng không ngừng. Cả bốn người chúng tôi đều rất thích tạo ra những âm thanh mới. Cùng là trống, nhưng chiếc trống được sử dụng hôm nay là do chúng tôi sáng tạo nên. Chúng tôi luôn muốn mang đến cho khán giả cơ hội được thưởng thức những giai điệu mới từ những nhạc cụ mới. Đây cũng là một điểm mạnh của chúng tôi. Sau này chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra nhiều nhạc cụ hơn nữa."

Hai trong số nhạc cụ do nhóm sáng tạo được sử dụng trong chương trình lần này là sáo trúc Jukhun (Trúc huân) và trống phong yêu Janggu điện tử. Thành viên Song Kyong-keun giải thích về sáo trúc Jukhun : "Khúc trúc này dài khoảng 20cm, hai đầu bị bịt kín, bên trong rỗng hoàn toàn. Một mặt trên thân cây sáo có tám lỗ nhỏ để dùng tám đầu ngón tay bịt lại, còn mặt kia có một cái lỗ to hơn để dùng miệng thổi hơi vào. Khi thổi làn hơi ấm vào đây, nó sẽ phát ra âm thanh như chúng ta thổi hơi vào một cái chai vậy. Âm thanh nghe rất nhỏ. Vừa thổi vừa bịt ngón tay vào các lỗ nhỏ sẽ tạo nên giai điệu." Sáo trúc Jukhun (Trúc huân) được Song Kyong-keun sáng tạo dựa trên sáo đất “Huân” của Trung Quốc cổ đại, thuộc bộ hơi, được làm từ đất sét nung đỏ, có hình quả cân với ba lỗ đằng trước và hai lỗ đằng sau. Song Kyong-keun đã dùng thân trúc thay vì đất nung để làm nên Jukhun. Tuy hình dáng nhỏ bé nhưng âm thanh của nhạc cụ này nghe rất trầm ấm. Bạn sẽ được thưởng thức âm thanh của nó hòa cùng tiếng sóng trong bản nhạc có tên “Pahwa” (Ba hoa), tạm dịch là “Hoa sóng”.

Tiếp theo là trống phong yêu Janggu điện tử được thành viên Kang Sun-il tạo ra vào năm 2005. Nhạc cụ tuyệt hảo này cũng thể hiện mong muốn của Gongmyoung làm nên những âm thanh mới mẻ. Khác với trống phong yêu Janggu truyền thống vốn chỉ có hai mặt trống ở hai bên phải trái, chiếc trống của Gongmyoung có thêm một mặt trống ở giữa, hướng lên trên. Đặc biệt, chiếc trống này còn thể hiện âm thanh của cả nhạc cụ dây nên có thể chơi được cả nhạc hiện đại với mọi giai điệu. Kang Sun-il cho biết thêm : "Trống phong yêu Janggu điện tử sử dụng tám lớp màn làm nhiệm vụ truyền tín hiệu âm thanh vào thiết bị thu phát âm thanh được gọi là sampler. Chiếc trống này vừa có thể thay thế cho trống phong yêu Janggu truyền thống vừa có thể trình diễn âm thanh của phèng Kkwaenggwari, chiêng Jing, đàn tranh 12 dây Gayageum hay đàn tam thập lục Yanggeum. Janggu phát ra những tín hiệu hay cao độ âm thanh có thể được thể hiện dưới dạng hình ảnh. Đây là một đặc tính rất thú vị của nhạc cụ này." Bạn có thể khám phá được hết giá trị đích thực của trống phong yêu Janggu điện tử qua phần thể hiện của Kang Sun-il với bản “Hãy vui chơi nào!” Được thưởng thức tiếng trống đầy mê hoặc này, không ít khán giả đã phải buột miệng trầm trồ.

Nhờ chương trình “With Sea” (Đến với biển cả) biểu diễn liên tục trong suốt hai tháng qua mà đường Daehak vốn luôn tấp nập và ồn ào dường như trở nên trong lành hơn với âm thanh của thiên nhiên. Không ngừng thử nghiệm, thách thức và biến hóa đa dạng là những yếu tố mang đến thành công và giúp lôi kéo biết bao khán giả tìm đến với Gongmyoung. Mỗi lần đến với nhóm nhạc này là một lần khán giả được trải nghiệm sự thay đổi bất tận của âm nhạc. Một khán giả nhận xét : "Tôi cảm nhận được nét độc đáo và mới mẻ trong âm nhạc của họ. Nó làm cho tôi thấy như đang ở bờ biển. Nếu bạn muốn đi biển thì hãy đến chương trình này!"

Tính đến nay, Gongmyoung đã thực hiện được 576 buổi diễn. Như vậy là bốn nghệ sĩ của chúng ta đã hoàn thành được hơn phân nửa mục tiêu là thực hiện 1.000 buổi diễn. Nhắc đến “Gongmyoung”, công chúng hình dung đến một nhóm nhạc luôn tìm kiếm nét mới trong âm nhạc, giúp âm nhạc truyền thống phù hợp với hiện đại và luôn sáng tạo nên các loại nhạc cụ mới. Với tất cả những điều đó, nhóm xứng đáng được vinh danh là một hình mẫu đáng để các nghệ sĩ nhạc truyền thống noi theo. Nhà phê bình Hyun Kyung-chae đánh giá : "Thực ra, rất khó để một ban nhạc không chính thống, không đại chúng tồn tại trong một thị trường âm nhạc đang bị lợi nhuận chi phối như ngày nay. Nhưng bằng sự độc đáo hiếm có của mình mà Gongmyoung luôn là cái tên hàng đầu của nền âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, liên tục được chọn hoặc được mời đến các nước để biểu diễn. Thời gian qua, nếu như nhóm bộ gõ bốn nhạc cụ Samulnori của nghệ sĩ Kim Duk-soo có công trong việc quảng bá âm nhạc truyền thống thuần túy của nước nhà, thì Gongmyoung đã có công trong việc cách tân vốn âm nhạc ấy với những màu sắc mới. Tôi tin rằng sẽ có nhiều nghệ sĩ tiếp nối con đường mà họ đã đi và mang nền âm nhạc nước nhà đến gần hơn nữa với khán giả toàn cầu."

Bằng tình yêu nghệ thuật, nhiệt huyết cống hiến và những ý nghĩ sáng tạo, Gongmyoung đã và đang khoác lên nền âm nhạc truyền thống Hàn Quốc tấm áo mới lung linh và mang nó đến gần với khán giả năm châu. Nhạc của Gongmyoung có sức hút lạ lùng, nó len lỏi vào mọi ngõ ngách của tâm hồn, khơi gợi cảm xúc cũng như có tác dụng xoa dịu tinh thần hiệu quả. Trong cuộc sống hiện đại khô khan và mệt mỏi, những giai điệu bình yên của Gongmyoung quả là một món quà vô giá cho tất cả mọi người.

Lựa chọn của ban biên tập