Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Sự hiện diện của thi sĩ Yun Dong-ju trong đời sống văn hóa tinh thần ở Hàn Quốc

2013-05-21



Làm sao sống cho trọn vẹn
Để đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn có thể
Ngẩng cao đầu mà không hổ thẹn với trời xanh
Bên làn gió qua những chiếc lá cây
Ta đã khổ tâm như vậy
Bằng tấm lòng hát với muôn sao
Tự nhủ phải yêu mọi điều đang chết
Và con đường đã an bày cho ta
Thì sẽ phải tiếp tục cất bước
Đêm nay sao cũng lại lướt trong gió


[“Thi sĩ Yun Dong-ju, vầng trăng vỡ tung”] Bên trên là bài thơ “Tự thi” (tạm dịch là “Thơ mở đầu”) của nhà thơ Yun Dong-ju trong vở nhạc kịch “Thi sĩ Yun Dong-ju, vầng trăng vỡ tung”. Được trình diễn từ 6 tới 12/5 tại Trung tâm nghệ thuật Seoul, thành phố Seoul, vở diễn đã tái hiện lại những bài thơ của vị thi sĩ được người Hàn vô cùng yêu mến này. Kwon Ho-seong, đạo diễn vở nhạc kịch, cho biết : Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, nhà thơ Yun Dong-ju luôn tìm cách lánh xa những chộn rộn đời thường. Ông thích suy ngẫm hay đi dạo trong yên tĩnh. Ông cũng rất thích sách và là một người ít nói. Có khi cả ngày ông không hề nói câu nào. Có thể nói ông thuộc dạng người sống nội tâm và sức mạnh nội tâm cũng chính là sức mạnh trong thơ của ông. Yun Dong-ju có tầm nhìn thời đại sâu sắc hơn nhiều nhà văn, nhân sĩ yêu nước. Thơ của ông không viết về những thứ quá lớn lao, chỉ chứa đựng những bột phát nội tâm mạnh mẽ bên trong con người ông. Do đó, vở diễn của chúng tôi đặc biệt chú trọng đến suy nghĩ và dòng năng lượng cuộn chảy bên trong Yun Dong-ju hơn là đi vào miêu tả về cuộc đời ông.

Vở nhạc kịch “Thi sĩ Yun Dong-ju, vầng trăng vỡ tung” do Đoàn nghệ thuật Seoul biểu diễn là một vở diễn đặc biệt nhằm tôn vinh những giá trị cao đẹp trong các tác phẩm của Yun Dong-ju. Đạo diễn Kwon Ho-seong giải thích về vở diễn : "Trong quá trình dàn dựng các vở nhạc kịch nước ngoài, tôi đã nảy ra ý tưởng thực hiện một vở mới mang chủ đề về lịch sử cận đại. Và vở “Thi sĩ Yun Dong-ju, vầng trăng vỡ tung” là kết quả của ý tưởng đó. Chúng tôi đã tập trung tạo nên một ngôn ngữ nhạc kịch của riêng Hàn Quốc, vừa mang hơi hướng phương Tây nhưng vẫn giữ được tính dân tộc. Thế nên, tôi gọi vở diễn này là “ca vũ kịch cận đại” chứ không phải là “nhạc kịch” đơn thuần."

Vở diễn tập trung khắc họa chân dung nhà thơ từ năm 1938, khi vẫn còn là sinh viên ngành văn học của trường cao đẳng Yonhui (tiền thân của trường đại học Yonsei ngày nay), cho đến khi ông qua đời trong lao tù ở Fukuoka, Nhật Bản, năm 1945. Vở diễn được mở màn với bối cảnh sân khấu gợi nhớ về Seoul những năm 1930 với cổng trường Yonhui, các đường phố Gyeongseong (tên gọi Seoul trong thời thực dân Nhật chiếm đóng), tàu điện, tháp nhà thờ… Đạo diễn Kwon Ho-seong tiết lộ : "Những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Yun Dong-ju được ngâm trong suốt vở diễn vì nếu tách rời nó thì chúng ta sẽ không thể hiểu được con người, tâm tư cũng như tình cảm của ông đối với thời đại."

Nội tâm của Yun Dong-ju, một nhà thơ luôn mang nặng nỗi hổ thẹn và rất nhiều nỗi niềm tự sự, đã được miêu tả bằng vầng trăng đạo cụ treo trên sân khấu dưới ánh đèn xanh thăm thẳm. Hình ảnh vầng trăng đại diện cho tâm tư của nhà thơ Yun Dong-ju, còn đêm tối thăm thẳm đại diện cho chế độ thực dân tàn bạo mà Nhật Bản đã thiết lập trên bán đảo Hàn Quốc. Ban đầu, nó chỉ là một vầng trăng non mỏng manh, sau đó, để miêu tả sự dòn nén nội tâm của nhà thơ và mức độ khắc nghiệt của chế độ thực dân, vầng trăng trở nên căng tròn như trăng rằm rồi nổ tung cùng với cái chết của ông. Đạo diễn Kwon Ho-seong cho biết : "Ở phần cuối, trước khi bài hợp xướng được cất lên, trước khi vầng trăng bị vỡ tung, diễn viên trong vai Yun Dong-ju sẽ ngâm bài “Đêm đếm sao” như để bày tỏ hết nỗi lòng của mình. Nhiều người thường nghĩ đây chỉ là một bài thơ hiền hòa nhưng thông qua cảnh này, họ sẽ thấy nó chứa đựng biết bao nỗi đau, nỗi uất ức chất chứa trong lòng nhà thơ."

Tuy đây là lần công diễn thứ hai sau lần ra mắt vào năm ngoái, nhưng vở diễn vẫn nhận được sự đón nhận của khán giả và khán phòng lúc nào cũng chật kín. Hai khán giả cho biết cảm nhận : "Thưởng thức thơ của Yun Dong-ju dưới hình thức biểu diễn như thế này cho tôi cơ hội được tưởng nhớ về cuộc đời ông. Hồi xưa tôi đọc những bài thơ của ông một cách rất hồn nhiên, nhưng khi những tác phẩm này được dựng thành kịch, tôi mới cảm nhận hết mọi cung bậc cảm xúc của chúng."

[Bảo tàng văn học Yun Dong-ju, nơi kể lại câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của thi sĩ Yun Dong-ju] Vẻ đẹp thanh cao trong thơ của Yun Dong-ju đã và đang làm lay động con tim của biết bao thế hệ người Hàn Quốc. Và để ghi nhận những cống hiến to lớn của ông đối với nền văn học nước nhà, ngày 25/7 năm ngoái, Chính phủ đã cho mở cửa Bảo tàng văn học Yun Dong-ju trên một ngọn đồi dưới chân núi Inwang ở phường Cheongun, quận Jongno, Seoul. Cho đến nay Bảo tàng đã đón tiếp khoảng 35.000 lượt khách. Quản lý Choi Kyung-won của bảo tàng chia sẻ : "Thời còn sinh viên, nhà thơ Yun Dong-ju từng rời quê nhà đến sống ở phường Nusang cũng thuộc quận Jongno, rất gần với bảo tàng. Lúc ấy, ông hay đi dạo buổi sáng ở núi Inwang và sáng tác nên nhiều bài thơ nổi tiếng như “Đêm đếm sao” hay “Tự họa tượng” (tạm dịch là “Tranh tự họa”). Do vậy, chính quyền quận Jongno đã cho đắp một ngọn đồi mang tên ông ở vị trí mà trước kia ông thường lui tới. Trên ngọn đồi này, có nhiều không gian để du khách có thể cảm nhận thơ của ông như đình Tự Thi hay bia đá khắc thơ."

Chính tại chân núi Inwang này, chàng sinh viên văn chương trường Yonhui Yun Dong-ju đã sáng tác phần lớn những bài thơ tuyệt vời mà cho đến ngày nay nhiều người vẫn yêu thích. Vì lý do đó mà Chính phủ đã chọn vị trí này để bố trí bảo tàng. Đặc biệt, tòa nhà bảo tàng không phải được xây mới hoàn toàn mà được tu sửa từ một tháp nước cũ. Tuy không phô trương, hoành tráng nhưng mặt tiền sáng sủa của nó dường như rất đồng điệu với tâm hồn của nhà thơ Yun Dong-ju.

Phòng máy móc của tháp nước này đã trở thành phòng triển lãm số 1, là nơi đang trưng bày hình ảnh và những di vật, bút tích của nhà thơ. Hướng dẫn viên Choi Jeong-nam giới thiệu : "Căn phòng này trưng bày mọi thứ liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Yun Dong-ju. Chín bức tường tại đây, mỗi bức nói về một nội dung. Chẳng hạn như bức này nói về thuở thiếu thời, bức này nói về thời sinh viên ở Seoul… Du khách còn được thấy nhiều bức ảnh, di vật, bút tích của ông cho đến lúc ông sang Nhật du học rồi bị bắt bỏ tù và qua đời tại Fukuoka, thậm chí là cho đến lúc tập thơ tưởng niệm ông mang tên “Trời, gió, sao và thơ” được xuất bản năm 1948."



Căn phòng như một bức ảnh panorama, ảnh toàn cảnh có góc chụp thật rộng, chứa tất cả cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ. Bước vào, du khách sẽ có cảm giác như đây chính là ngôi nhà của Yun Dong-ju với biết bao hiện vật mà ông đã từng gắn bó. Hướng dẫn viên Choi Jeong-nam giới thiệu tiếp : "Ở giữa có một tủ kính trưng bày miếng gỗ vốn là một phần từ cái giếng của gia đình ông ở Diên Biên (xưa là khu vực Mãn Châu), nay là một châu tự trị của người gốc Hàn thuộc tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Trên mặt kính có khắc bài “Tranh tự họa” được ông viết khi nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình dưới giếng. Tuy bài thơ được viết ở Seoul nhưng cái giếng là chất liệu sáng tác quan trọng, cho nên chúng tôi đã khắc nó tại đây." Bài thơ đó như sau:

Vòng qua mỏm núi, một mình tìm tới cái giếng lẻ loi bên bờ ruộng
Và lặng lẽ soi mình xuống đó.
Dưới giếng trăng sáng, mây trôi
Bầu trời mở rộng, ngọn gió xanh thổi, có mùa thu.
Còn có cả một gã đàn ông.
Chẳng hiểu sao ta lại ghét hắn nên vội bỏ về.
Đang đi nghĩ lại thì thấy hắn đáng thương.
Quay lại nhìn thì hắn vẫn còn đó.
Lại ghét hắn nên ta cũng bỏ về.
Đang đi nghĩ lại thì bỗng thấy nhớ hắn.
Dưới giếng trăng sáng, mây trôi, bầu trời mở rộng
Ngọn gió xanh thổi, có mùa thu
Và có một gã đàn ông giống như trong miền ký ức.


“Tranh tự họa” được nhà thơ viết lúc nhìn thấy hình ảnh của mình phản chiếu dưới đáy giếng. Tuy chỉ hiện diện ngắn ngủi 27 năm trên dương gian nhưng ông đã có một cuộc đời hết sức ý nghĩa. Hồi cấp hai, ông và các bạn của mình đã bị đuổi học chỉ vì không chịu thực hiện nghi thức cúi lạy miếu thờ thần của Nhật Bản, một trong những hình thức đồng hóa mà thực dân Nhật áp dụng tại Hàn Quốc. Năm 1942, ông cắn răng đổi tên thành Hiranuma để có thể sang Nhật du học. Một năm sau đó, ông bị bắt vì tội tụ tập lưu học sinh Hàn Quốc để chuẩn bị kháng chiến. Cuộc sống lao tù khắc nghiệt và đòn roi tra tấn dã man của thực dân đã làm ông phải mãi mãi ra đi…

Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, Yun Dong-ju vẫn luôn giữ vững tinh thần bất khuất. Vào những lúc cảm thấy thống khổ nhất thì làm thơ chính là nguồn vui sống của ông. Và bài thơ “Sám hối lục (tạm dịch là “Lời sám hối”)” mà ông đã viết năm ngày trước khi phải từ bỏ cái tên cha sinh mẹ đẻ chính là một tác phẩm được ra đời trong những lúc như vậy. Hướng dẫn viên Choi Jeong-nam giải thích : "Trên tờ giấy mà nhà thơ đã viết bài “Sám hối lục”, du khách sẽ thấy có nhiều chữ nghệch ngoạc. Nếu nhìn kỹ thì đó là các chữ: tiến bộ, sức mạnh, sinh tồn, hộ chiếu… Qua đó cho thấy, ông đã phải khổ tâm đến mức nào khi quyết định đổi sang tên Nhật Bản trong giai đoạn này."

Băng qua cánh cửa sắt nối với phòng triển lãm số 1, du khách sẽ tới một khu vườn ngoài trời, có bốn bức tường bao bọc xung quanh tạo thành hình vuông, trông giống hệt cái giếng. Hướng dẫn viên Choi Jeong-nam giới thiệu : "Đây là phòng triển lãm số 2. Căn phòng này khiến nhiều người tò mò vì không có lấy một vật trưng bày nào. Nếu như phòng triển lãm số 1 vốn là phòng máy móc thì căn phòng này lại là bể nước của tháp nước trước kia. Ở đây có hai bể chứa nước, một cái trở thành phòng triển lãm số 2 còn cái kia trở thành phòng triển lãm số 3. Bể nước trước đây có nắp đậy nhưng đã bị chúng tôi dỡ bỏ để người đứng trong có thể nhìn thấy trời, mây, gió, cây cối… Hay vào ban đêm còn có thể nhìn thấy những vì sao. Mục đích của căn phòng là giúp du khách có thể cảm nhận được ý thơ của Yun Dong-ju thông qua xúc giác." Mặc dù không có một vật trưng bày nào nhưng đây lại là phòng triển lãm, nơi du khách có thể cảm nhận nguyên vẹn hồn thơ thanh khiết của Yun Dong-ju.

Cạnh phòng triển lãm này có một cánh cửa sắt màu đen tạo cảm giác nặng nề. Phía sau cánh cửa là phòng triển lãm số 3, được mô phỏng như nhà tù ở Fukuoka, Nhật Bản, nơi nhà thơ đã trút hơi thở cuối cùng. Hướng dẫn viên Choi Jeong-nam giới thiệu : "Căn phòng này vốn cũng là một bể nước nhưng chúng tôi vẫn giữ lại phần nắp đậy. Ánh sáng không thể lọt được vào đây, khiến cho không gian trở nên âm u, lạnh lẽo, rất hợp với mục đích tái hiện lại buồng giam nơi nhà thơ bị biệt giam cho đến khi nhắm mắt. Tại đây, du khách sẽ được xem một đoạn phim tài liệu dài khoảng 12 phút nói về toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp thơ của Yun Dong-ju."

Ngày 16/2/1945, nhà thơ Yun Dong-ju đã ra đi thật thanh thảnh và nhẹ nhàng sau biết bao biến cố của cuộc đời. Một du khách xúc động tâm sự : "Tôi hiện cũng 27 tuổi, bằng với tuổi nhà thơ lúc qua đời. Cùng một lứa tuổi, trong khi bây giờ tôi chỉ lo công ăn việc làm thì ông ấy phải lo vận nước. Điều đó khiến tôi cảm phục ông hơn."

Nếu như trên sân khấu của vở diễn “Thi sĩ Yun Dong-ju, vầng trăng vỡ tung”, bạn được bắt gặp một Yun Dong-ju mạnh mẽ, tuy khổ tâm vì bất lực trước hiện thực cuộc sống nhưng vẫn nhất quyết không thỏa hiệp với nó, thì tại Bảo tàng văn học Yun Dong-ju, bạn sẽ cảm nhận được tâm hồn trong sáng, thuần khiết của một nhà thơ trẻ. Cuộc đời của ông đã để lại nhiều bài học đáng để mọi người phải noi theo, trong đó có việc đừng hèn nhát thỏa hiệp với cuộc sống mà hãy sống sao cho chính trực. Còn những bài thơ của ông là những dòng nước mát trong giúp thanh lọc tâm hồn con người.

Lựa chọn của ban biên tập