Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Ánh trăng phường Insa

2013-05-28



Khi màn đêm buông xuống, phường Insa, một địa chỉ du lịch nổi tiếng ở quận Jongno, thành phố Seoul, trở nên thơ mộng hơn khi có vầng trăng lung linh treo lưng trời. Không gian càng trở nên trầm mặc khi văng vẳng đâu đó tiếng sáo trúc ngang Daegeum. Một góc Seoul náo nhiệt như lắng hẳn xuống trong những giai điệu du dương của các nhạc cụ truyền thống trong chương trình hòa nhạc tại nhà cổ truyền thống Hàn Quốc Hanok mang tên “Ánh trăng phường Insa”.

[Vài nét về chương trình “Ánh trăng phường Insa”] “Ánh trăng phường Insa” được tổ chức vào 7 giờ tối các ngày thứ Sáu của tuần đầu tiên và tuần thứ ba hàng tháng. Đó là một chương trình biểu diễn âm nhạctruyền thống diễn ra tại Uihwaheon (Nghĩa Hòa Hiên), một ngôi nhà mang phong cách kiến trúc cổ Hanok, nằm trong khuôn viên Trung tâm quảng bá phường Insa. Chương trình do chính quyền quận Jongno tài trợ qua sự tổ chức của Hiệp hội bảo tồn văn hóa truyền thống Insa, nhằm tô điểm thêm nét phong lưu, nho nhã cho nơi được mệnh danh là khu phố văn hóa nghệ thuật truyền thống này. Shin Ju-yeon, Trưởng nhóm kế hoạch của Hiệp hội bảo tồn văn hóa truyền thống Insa, giới thiệu : "“Ánh trăng phường Insa” là một chương trình hòa nhạc đêm được tổ chức tại một ngôi nhà mang kiến trúc cổ Hàn Quốc Hanok ở phường Insa, một địa chỉ bảo tồn văn hóa truyền thống của Seoul. Qua những chương trình chất lượng như thế này, chúng tôi không những muốn giới thiệu những nét đẹp nghệ thuật truyền thống mà còn khai thác nhiều tài nguyên văn hóa mới, đồng thời biến nơi này trở thành một địa chỉ văn hóa truyền thống được du khách trong và ngoài nước biết đến."

Chỉ riêng việc được tổ chức trong một ngôi nhà Hanok cũng đủ để mang đến sự khác biệt cho chương trình. Nhưng bản thân ngôi nhà Uihwaheon (Nghĩa Hòa Hiên) cũng hàm chứa một ý nghĩa sâu xa. Yoon Yong-chul, Chủ tịch Hiệp hội bảo tồn văn hóa truyền thống Insa, chia sẻ : "“Nghĩa Hòa Hiên”được xây dựng trên nền ngôi nhà nơi hoàng tử Uihwa (Nghĩa Hòa) từng sinh sống. Là con thứ năm của vua Gojong (Cao Tông), vị vua cuối cùng của triều đại Joseon, lẽ ra Uihwa phải trở thành hoàng thái tử rồi lên ngôi vua, nhưng vì ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc nên ông bị thực dân Nhật phế truất và thay bằng hoàng tử Youngchin (Anh Thân), con trai út của vua Cao Tông. “Nghĩa Hòa Hiên” là từ ghép từ tên hiệu của ông là “Nghĩa Hòa” với chữ “heon” (hiên), có nghĩa là nhà mái. Ngôi nhà rộng khoảng 132m2 với hệ thống xà gỗ vững chắc. Các khung cửa thì được bao bọc bằng kính hiện đại chứ phải bằng loại giấy Changhoji truyền thống."

Hoàng tử Uihwa (sau này được phong là vua Uichin-Nghĩa Thân) được cho là người duy nhất trong hoàng tộc Joseon nhiệt tình ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của thực dân Nhật. Để thoát khỏi sự giám sát của cảnh sát thực dân, ông đã thân chinh đến tận vùng Mãn Châu (Trung Quốc), nơi đặt trụ sở của chính phủ Đại Hàn Dân Quốc lâm thời, nhưng không may bị bắt giữ và liên tục bị chính quyền thực dân giám sát nghiêm ngặt, gây sức ép. Tuy nhiên, không vì vậy mà ông chịu khuất phục trước Nhật Bản. Và Nghĩa Hòa Hiên đã được dựng lên từ chính phần đất đã từng làngôi nhà của vị hoàng tử yêu nước này.



Phường Insa được xem là trung tâm văn hóa nghệ thuật truyền thống của Seoul. Ông Yoon Yong-chul cung cấpthêm một vài thông tin thú vị về nơi này : "Phường Insa nằm gọn trong hoàng thành Hanyang xưa, tức là Seoul ngày nay. Do tập trung nhiều dinh thự của các bậc thân vương nên từ xưa, nơi đây đã trở thành địa điểm thường hay lui tới của giới quan lại, học giả trí thức. Thêm nữa, đối diện chùa Jogye (Tào Khê) thuộc phường Anguk, nằm cạnh phường Insa, đã từng có một nơi được gọi là Dohwaseo (Đồ họa thự), chuyên việc vẽ tranh cho triều đình trong suốt lịch sử 500 năm của triều đại Joseon. Cho nên khu vực phường Insa và phường Anguk được coi là trung tâm của nghệ thuật thời bấy giờ. Ngày nay, khu này vẫn là một địa chỉ đáng tin cậy để những người yêu nghệ thuật hay đồ cổ tìm đến."

Mới ra mắt chỉ được hai tháng nhưng chương trình “Ánh trăng phường Insa” đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa nghệ thuật của khu vực này. Vào một đêm đầu hè oi ả, thật tuyệt vời khi được ngồi trong khu vườn với bốn dãy mái ngói cong cong bao quanh rồi hướng mắt ngắm trăng sao đang tỏa sáng trên cao. Bốn dãy mái ngói vô tình biến thành chiếc khung bao bọc lấy bức tranh là khoảng trời đêm lấp lánh. Chỉ cách có một cánh cổng nhưng bên trong ngôi nhà là không gian hoài cổ của thế kỷ 19, khác xa khung cảnh hiện đại của thế kỷ 21 ở bên ngoài. Shin Ju-yeon, Trưởng nhóm kế hoạch của Hiệp hội bảo tồn văn hóa truyền thống Insa, cho biết : "Vào ban đêm, khi ánh trăng tỏa sáng khắp ngôi nhà, chúng tôi đóng tất cả cửa lại và dùng nó để làm nơi biểu diễn. Thưởng thức chương trình nghệ thuật trong một không gian hoài cổ dưới ánh trăng như thế này quả là vô cùng thích hợp. Tuy mang quy mô nhỏ nhưng đây là một chương trình chất lượng cao. Đến đây, du khách, nhất là du khách nước ngoài, không những được xem những tiết mục nghệ thuật đặc sắc nhất, mà còn được chìm đắm trong không gian của những câu chuyện làm ấm lòng người."
Mọi phần giải thích về âm nhạc trong chương trình đều được phiên dịch trực tiếp sang tiếng Anh, tiếng Nhật hay tiếng Trung để giúp cho du khách có thể hiểu và cảm nhận được âm nhạc truyền thống Hàn Quốc.

[Một đêm đáng nhớ với trăng, nhà cổ Hanok và âm nhạc truyền thống] Chương trình được mở đầu với tiết mục biểu diễn sáo trúc ngang Daegeum. Thanh lịch trong bộ trang phục truyền thống Hanbok, mắt lim dim, người nghệ sĩ nhẹ nhàng thổi khúc “Sangryeongsan” (Thượng Linh Sơn) trong bản “Chwitaepyeongjigok” (Túy thái bình chi khúc). Giai điệu êm ả của tiếng sáo mang đến cho người nghe cảm giác thật bình an. Tiếp sau đó là tiết mục hòa tấu nhiều nhạc cụ với bản “Sangsahwa” (Hoa tóc tiên, tên tiếng Hàn có nghĩa là Hoa tương tư) được phổ từ thơ của nhà thơ Lee Hae-in. Tiết mục khiến nhiều du khách cảm thấy thú vị khi được cảm nhận vẻ đẹp của hoa được miêu tả trong thơ hiện đại. Hoa tóc tiên làm người ta liên tưởng đến một số phận buồn, bởi khi hoa nở thì cũng là lúc lá của nó bị héo úa. Hoa và lá tóc tiên không bao giờ tồn tại sóng đôi, dù có yêu mến như thế nào cũng không thể gặp nhau. Nỗi buồn hoa tóc tiên đã được truyền tải bằng những giai điệu da diết của đàn tranh 12 dây Gayageum, sáo trúc Daegeum và đàn nhị Haegeum, khiến cả khu vườn như chìm sâu trong lắng đọng…

Tuy nhiên, trong tình yêu đâu chỉ có nỗi buồn mà còn có cả những điều tuyệt vời, cả sự nồng cháy và say đắm. Và trích đoạn “Sarangga” (Khúc hát tình yêu) trong vở hát kể chuyện Pansori “Chunhyangga” (Xuân Hương ca) sẽ kể cho chúng nghe về những điều tuyệt vời đó. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa những câu hát ngân nga với tiếng trống đã khiến cho nhiều du khách cảm thấy rất hào hứng và vầng trăng như cũng muốn nhảy múa theo.



Tuy nhiên, sẽ càng tuyệt vời hơn nếu tình yêu được tô điểm bởi những đóa hoa rực rỡ. Đó là lý do vì sao du khách nên nán lại để thưởng thức bài Gagok nói về hoa sẽ được giới thiệu ngay sau đây. Nhưng trước hết, nghệ sĩ Kim Young-gi sẽ có đôi lời giải thích về loại hình Gagok, một loại hình văn hóa phi vật thể quan trọng của Hàn Quốc : "Gagok (âm Hán là “Ca khúc”) là những ca khúc thuộc dòng chính nhạc được phổ từ thơ cổ Sijo. Thể loại này đã có từ thời Goryeo cách đây cả nghìn năm. Bài Gagok mà tôi sẽ trình bày sau đây nói về các loài hoa, trong đó, hoa mẫu đơn được xem là vua của các loài hòa, còn hoa hướng dương vì luôn hướng về phía mặt trời nên được xem là một trung thần." Ngồi nghe Gagok giữa khu vườn mà du khách có cảm giác rạo rực, hân hoan như đang ngồi giữa một cánh đồng hoa đang đua nhau nở rộ. Một du khách người Libya chia sẻ : "Chương trình thật ấn tượng và tuyệt vời! Tuy đến từ một đất nước xa xôi nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được những tình cảm mà các nghệ sĩ muốn truyền tải. Với tôi, đây quả là một trải nghiệm đáng nhớ trong đời."

Không khí chương trình trở nên hào hứng hơn bao giờ hết khi tất cả đèn sân khấu đều được bật sáng hết cỡ và những giai điệu đầu tiên của bài Arirang, dân ca truyền thống tiêu biểu của Hàn Quốc, được cất lên. Du khách được mời hát cùng và vỗ tay theo các nghệ sĩ và họ đã không bỏ qua cơ hội để được hòa chung trong bầu không khí nghệ thuật vui tươi và đầm ấm này. Hát Arirang thực sự là một trải nghiệm mới mẻ và thú vị đối với nhiều du khách. Một du khách người Đức cho biết : "Tôi biết đến chương trình qua những thông tin trên internet. Đây là lần đầu tiên tôi được xem nghệ thuật trong một ngôi nhà Hanok. Chương trình quả là rất hay và đang nhớ. Tôi thích ngắm các nghệ sĩ biểu diễn trong bộ Hanbok. Nó khiến tôi như được trở về thời xa xưa vậy. Nhưng ấn tượng nhất chính là tiết mục Arirang. Bài dân ca này rất nổi tiếng. Tôi đã từng nghe bài này quađài phát thanh ở Đức nhưng việc được thưởng thức giai điệu dân ca này ở đây mang đến cho tôi một cảm nhận hoàn toàn mới mẻ." Bản hợp xướng Arirang được cất lên từ Nghĩa Hòa Hiên như bao phủ lấy toàn bộ phường Insa.

Để đáp lại sự ủng hộ của du khách, danh ca Jo Ju-seon đã gửi tặng một đoạn Pansori tiêu biểu trong trường ca “Simcheongga” (Người con gái hiếu thảo Simcheong). Trước khi bắt đầu, bà hướng dẫn du khách cách chèn các câu như “Đúng rồi!”, “Hay lắm!”, “Rất tuyệt!” vào giữa các nhịp phách. Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, khán giả là một phần không thể thiếu và họ hoàn toàn có thể tham gia vào tiết mục biểu diễn. Đặc biệt là trong một chương trình nhỏ như “Ánh trăng phường Insa” thì sự tham gia ấy càng trở nên vô cùng cần thiết. Chương trình kết thúc một cách tốt đẹp với những câu chèn khen tặng và tiếng vỗ tay giòn giã của du khách.

Phường Insa là một trong những nơi mà vốn văn hóa truyền thống của Hàn Quốc được bảo tồn tốt nhất ở Seoul nói riêng và Hàn Quốc nói chung. Khó có thể tìm được một nơi nào mà bạn vừa được dạo bước nhìn ngắm những con phố cổ huyên náo vào ban ngày, lại vừa được thưởng thức những thú vui nghệ thuật truyền thống vào ban đêm như tại nơi đây. Và nét đặc trưng tuyệt vời ấy có được một phần là nhờ những chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc như “Ánh trăng phường Insa”.

Lựa chọn của ban biên tập