Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Niềm đam mê nhiếp ảnh trong thời đại kỹ thuật số

2013-06-04



Sáng Chủ Nhật ngày 26/5, một góc công viên Ngựa giống, phường Wondang, tỉnh Gyeonggi, bỗng trở nên vô cùng náo nhiệt vì sự có mặt của các thành viên câu lạc bộ nhiếp ảnh Nochul có nghĩa là “Phơi sáng”. Mỗi tháng một lần, họ cùng nhau tập trung tại một địa điểm nào đó để chụp ảnh.

[Làn sóng chụp ảnh tại Hàn Quốc] Mặc dù câu lạc bộ mới ra đời được gần một năm, nhưng số thành viên dần tăng lên khiến số lượng người cùng chụp ảnh cũng tăng lên. Lee Ha-na đại diện cho câu lạc bộ giới thiệu : "Câu lạc bộ được thành lập tháng 7 năm ngoái và chính thức thu nhận thành viên trên mạng từ khoảng tháng 9, tháng 10. Người đăng ký được công nhận là thành viên chính thức khi tham gia đi chụp ảnh cùng câu lạc bộ. Hiện có đến 120 người tham gia hoạt động này. Mỗi tháng chúng tôi tổ chức một chuyến đi chụp ảnh và đây là lần thứ 10. Trung bình mỗi chuyến có khoảng 40 thành viên, nhưng lần này nhiều hơn, có đến 65 người. Chúng tôi thường chia họ thành nhiều nhóm để dễ dàng tác nghiệp." Tuy thành lập chưa được bao lâu nhưng Nochul đã có 750 thành viên đăng ký trên mạng. Thông qua những chuyến chụp ảnh như thế này, mọi người có dịp gặp gỡ, chia sẻ hiểu biết cũng như kinh nghiệm của mình về nhiếp ảnh để có được những bức ảnh ưng ý. Một thành viên cho biết : "Tôi rất hay đi du lịch và tham gia các hoạt động ngoài trời. Nếu trước đây tôi chỉ mang theo sách báo hay chai nước uống thì bây giờ lại vác theo máy ảnh. Trước khi đi chụp ảnh, tôi luôn nghĩ xem hôm nay mình nên chụp gì, chụp thế nào để có thể tôn vinh nét đẹp và làm hài lòng bản thân cũng như người mẫu."

Đã qua rồi cái thời nhiếp ảnh là bộ môn nghệ thuật chỉ dành cho những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Trước đây, để theo đuổi bộ môn này, bạn sẽ phải trang bị cho mình một chiếc máy ảnh cơ chụp bằng phim đắt tiền, khó điều chỉnh. Nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ khi nào, bạn cũng có thể tạo ra những bức ảnh đẹp bằng máy ảnh kỹ thuật số hay thậm chí là điện thoại di động. Chỉ cần giơ máy lên, ngắm rồi chụp là bạn sẽ ghi lại được một khoảnh khắc thú vị, một hoạt động đáng nhớ, một khung cảnh đẹp hay đơn thuần là những người yêu thương. Máy ảnh kỹ thuật số cho phép bạn chụp tới chụp lui cho đến khi có được bức ảnh ưng ý mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Có thể nói, máy ảnh kỹ thuật số đang tạo nên một làn sóng chụp ảnh tại Hàn Quốc.

Nếu như lúc trước, người được chụp phải đứng gượng gạo, giữ tư thế bất động thì bây giờ họ có thể tự nhiên tạo kiểu hay biểu hiện cảm xúc với chiếc máy ảnh. Máy ảnh tự lúc nào đã không còn là vật dụng quá đặc biệt mà trở thành một phần của cuộc sống thường nhật. Giảng viên nhiếp ảnh Kim Nam-yong lý giải : "Hiện dòng máy ảnh phản xạ ống kính đơn kỹ thuật số DSLR (Digital single-lens reflex camera, hay còn gọi là máy ảnh cơ kỹ thuật số) và dòng máy ảnh ống kính rời không gương lật (Mirrorless Camera) đang được bán rất phổ biến trên thị trường. Nếu như trước đây, nhiếp ảnh là bộ môn chỉ dành cho nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thì bây giờ, ai cũngcó thể thoải mái ghi lại mọi khoảnh khắc đời thường với những thiết bị trên. Nguyên nhân là do sự phát triển của khoa học và sự bùng nổ của các trang mạng xã hội cho phép mọi người kết nối, chia sẻ với nhau thông qua những bức ảnh. Thay vì viết thật dài, bạn chỉ cần gửi một bức ảnh với vài dòng chú thích cũng đủ để truyền tải thông điệp của mình. Vì thế mà số người muốn học nhiếp ảnh ngày càng tăng."
Thay vì chỉ chụp những địa điểm nổi tiếng, mọi người còn thích chụp cả những nơi mà mình muốn lưu giữ làm kỷ niệm như quán ăn, quán cà phê, trường học, trung tâm mua sắm hay đường phố. Nếu muốn truyền tay nhau những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc mới vừa xảy ra thì bạn nên sắm một chiếc máy chụp ảnh lấy ngay.

[Muốn nâng cao tay máy? Hãy không ngừng học hỏi và thực hành] Chúng ta đang có mặt trong lớp học nhiếp ảnh của một trung tâm văn hóa. Trong số các học viên, không chỉ có thanh niên mà còn có không ít những cô chú lớn tuổi. Họ rất chăm chú lắng nghe và cố gắng tiếp thu lời dạy của giảng viên, dù thường xuyên gặp phải những thuật ngữ khó hiểu. Một học viên cao tuổi chia sẻ : "Tôi rất muốn chụp hình đẹp. Bây giờ tôi đã về hưu và có nhiều cơ hội đi du lịch nước ngoài. Những lúc như vậy, tôi chỉ biết ngắm và chụp nên bức nào trông cũng như bức đó. Do đó, tôi muốn biết thêm về nhiếp ảnh để chụp đẹp hơn."

Nhờ có máy ảnh kỹ thuật số mà việc chụp ảnh đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nhiều người chụp cùng một bối cảnh thì việc xuất hiện những bức ảnh na ná nhau là điều không thể tránh khỏi. Cho nên, để lưu lại dấu ấn riêng của mình lên bức ảnh thì bạn cần phải rất đam mê học hỏi. Và những lớp học như thế này sẽ góp phần tạo nên sự khác biệt rõ nét trong tác phẩm của bạn. Một học viên cho biết cảm nhận : "Sau hai buổi học tại đây, tôi về nhà và thử chụp hoa thì thấy tiến bộ hơn hẳn. Tôi rất hài lòng về những kiến thức mình đã được học."

Để có được một bức ảnh đẹp thì không chỉ phụ thuộc vào máy ảnh mà còn phụ thuộc vào người chụp. Bức ảnh chỉ thực sự đẹp khi nó truyền trải được tâm tư, tình cảm của tác giả. Dù có đứng trước một bối cảnh đẹp đến thế nào nhưng nếu người chụp đang buồn bã thì khó có thể tạo ra một bức ảnh tươi tắn, đáng yêu và ngược lại. Giảng viên nhiếp ảnh Kim Nam-yong chia sẻ kinh nghiệm : "Tình cảm của người chụp dành cho đối tượng sẽ quyết định tinh thần bức ảnh. Nếu bạn nhìn đối tượng bằng một ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của trẻ con hay bằng cái nhìn ấm áp thì dù cho nó có là một thứ tối tăm, lạnh lẽo đi chăng nữa vẫn có thể trở nên tươi sáng, ấm cúng. Hãy nhìn đối tượng bằng đôi mắt thật tình cảm, đó là lời khuyên của tôi."

Học phải đi đôi với hành. Để những kiến thức học được trên lớp trở nên hữu ích thì không có cách gì hơn là phải đích thân đi thực hành. Những người chụp ảnh mà bạn dễ dàng bắt gặp tại những nơi có cảnh đẹp thường là thành viên của các câu lạc bộ nhiếp ảnh. Khi số người chụp ảnh tăng lên thì số lượng những câu lạc bộ như thế này cũng tăng theo và câu lạc bộ Nochul là một trong số đó. Địa điểm được chọn cho chuyến chụp ảnh tháng 5 của Nochul là công viên Ngựa giống, nơi có một bối cảnh vô cùng độc đáo với thảm cỏ xanh mướt và những chú ngựa thấp nhỏ.



Công viên tuyệt đẹp này từng là bối cảnh trong nhiều bộ phim nên được rất nhiều người biết đến, nhất là với các tay máy không chuyên. Góc độ nào của công viên trông cũng đẹp như tranh. Đó là lý do vì sao tiếng bấm máy lách cách liên tục vang lên ở nơi đây. Ngoài ra, đi chụp ảnh với nhiều người vừa giúp bạn không buồn chán, vừa nhận được nhiều góp ý khách quan cũng như có thể học thêm những điều mình chưa biết, để rồi từ đó nhanh chóng nâng cao kỹ năng chụp ảnh. Một thành viên nữ tâm sự : "Tôi muốn tìm hiểu về nhiếp ảnh. Thay vì học qua sách vở với nhiều điều hạn chế, tôi thấy học từ những người khác sẽ hiệu quả hơn. Tôi biết đến câu lạc bộ này qua internet và đã gia nhập vì nghĩ rằng sẽ rất thú vị khi được đi chụp ảnh với những người có cùng sở thích. Mỗi chuyến đi như vậy đều có đề tài rõ ràng. Với mỗi đề tài, mọi người sẽ chia sẻ cho nhau cách chụp sao cho đẹp. Thông qua đó mà tôi đã học hỏi được rất nhiều."

[Từ doanh nhân trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp] Ông Kim In-ho vốn là giám đốc đại diện của một doanh nghiệp phân phối hàng hóa. Tuy nhiên, nhờ mối lương duyên với nhiếp ảnh mà ông còn được biết đến như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Số lượng hội chợ nghệ thuật mà ông từng tham gia nhiều không đếm xuể. Ông cho biết : "Tôi đã từng tham dự nhiều hội nghệ thuật lớn của Châu Á như Hội chợ ảnh Seoul, Hội chợ nghệ thuật mở Seoul, Hội chợ nghệ thuật quốc tế Hàn Quốc (KIAF)… Tại Liên hoan ảnh môi trường quốc tế Ulsan mới đây, tôi cũng đã bán được ảnh cho nhiều nhà sưu tập. Trong số các sự kiện đó, tôi có ấn tượng sâu sắc với với Hội chợ ảnh Seoul 2011, được tổ chức ngay sau đợt triển lãm cá nhân của tôi. Tôi tổ chức triển lãm tại một phòng tranh, nên có hạn chế về số lượng khách ghé thăm. Còn Hội chợ ảnh Seoul được tổ chức ở COEX, một địa điểm rộng lớn và quá quen thuộc với những ai yêu nghệ thuật thị giác, nên có đến hàng chục nghìn người tham dự. Tại đây, tôi cũng đã gặp một nhà tổ chức sự kiện nghệ thuật đến từ New York (Mỹ) và được mời tham dự Liên hoan ảnh môi trường quốc tế Ulsan. Đó là lần đầu tiên tôi muốn cởi mở chia sẻ với mọi người về các tác phẩm của mình."

Hành trình biến một doanh nhân bình thường, chỉ xem nhiếp ảnh như thú vui tiêu khiển, trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp bắt đầu từ khi ông say mê những hình ảnh phong cảnh được phản chiếu trên mặt nước. Ông Kim In-ho tiếp tục chia sẻ : "Hồi trước tôi chụp rất nhiều mà không theo một chủ đề nào cả. Nhiếp ảnh là một phương triện truyền đạt mang tính tự do rất cao, ai cũng có thể chụp được mà không gặp phải trở ngại nào. Thế nhưng, tự mình nghĩ ra đề tài để chụp ảnh thì không dễ một chút nào. Bạn phải có chủ đề, phải thể hiện được cá tính của mình trong tác phẩm. Ngoài kia có biết bao người có thể chụp ảnh, thật không dễ để tìm ra phong cách của riêng mình, nhưng đó là việc bạn phải làm. Các chuyên gia đánh giá ảnh của tôi như những bức tranh trên mặt nước. Tùy theo sức mạnh của gió, sự cuồn cuộn của sóng và ngay cả sự thay đổi của nhiệt độ mà tạo nên những bức ảnh khác nhau."

Giữa đêm khuya, khi vạn vật đã chìm sâu vào giấc ngủ, thì cũng là lúc ông Kim In-ho vác máy ảnh đi tác nghiệp. Xung quanh không một bóng người, không gian tĩnh lặng đến mức có thể nghe rõ tiếng nước chảy róc rách, thỉnh thoảng lại vang vọng tiếng đóng mở màn trập ống kính. Làm bạn với ông chỉ có chút ánh sáng tỏa ra từ trăng sao trên cao và ánh đèn đô thị. Với nhiều người, chụp ảnh chỉ là một thú vui giải trí đơn thuần nhưng với ông Kim In-ho thì nó là một hình thức tâm lý trị liệu. Mỗi lần được nhìn ngắm thế giới dưới lăng kính máy ảnh, tìm kiếm góc chụp đẹp và bấm máy là một lần ông như tìm lại được niềm vui. Ông Kim In-ho tâm sự : "Chụp ảnh là cách tôi trị liệu tinh thần cho mình. Cầm máy ảnh trên tay là tôi quên hết tất cả. Khi nhìn mọi vật hiện lên qua kính ngắm, tôi liên tục reo lên: “Ôi, đẹp quá!”, “Đẹp tuyệt!”… Có lẽ nhờ đó mà trong não tiết ra hóc-môn endorphin làm giảm mọi triệu trứng mệt mỏi. Một ngày bấm máy 100 lần là tôi thấy tình thần sảng khoái 100 lần. Thông qua những bức ảnh, tôi muốn truyền đến mọi người thông điệp về ước mơ và hy vọng. Ước mơ nhỏ nhoi của tôi là có thể gieo hạt mầm “hy vọng” vào lòng mọi người và tôi hy vọng các tác phẩm của mình sẽ góp phần tô điểm cho xã hội thêm tươi sáng."

Ngày càng có nhiều người muốn trở thành nhiếp ảnh gia, dù chuyên hay không chuyên. Sẽ thật tuyệt vời nếu có thể lưu giữ nguyên vẹn mọi kỷ niệm vào ảnh mà không cần phải vắt trán suy nghĩ mỗi khi muốn nhớ lại. Chưa kể là biết đâu, họ còn có thể tạo nên một kiệt tác nhiếp ảnh để người đời chiêm ngưỡng. Đặc biệt, ngoài bối cảnh hay sự vật, bên trong mỗi bức ảnh đều có thể chứa đựng tình cảm của người chụp. Nhờ đó mà bạn sẽ có được vô vàn những bức ảnh khác nhau cho dù có chụp cùng một đối tượng. Với tất cả những điều tuyệt vời đó, nhiếp ảnh đang trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt thường ngày.

Lựa chọn của ban biên tập