Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc qua chương trình “Hòa nhạc cố cung”

2013-06-11



Những âm điệu Sanjo trầm bổng đang vang lên qua phần trình tấu các nhạc cụ dây truyền thống của Hàn Quốc như đàn tranh 6 dây Geomungo, đàn tranh 7 dây Ajaeng hay đàn tranh 12 dây Gayageum. Chương trình diễn ra tại Jipokjae (Tập Ngọc Trai), một ngôi nhà nằm sâu bên trong cung Gyeongbok (Cảnh Phúc), nơi từng được vua Gojong (Cao Tông) dùng để đọc sách, tiếp kiến sứ thần nước ngoài hay tổ chức yến tiệc.

[Chất cao quý của âm nhạc cung đình trong chương trình Hòa nhạc cố cung tại cung Gyeongbok] Không chỉ ở cung Gyeongbok, những chương trình Hòa nhạc cố cung như thế này còn được diễn ra thường xuyên ở cung Changdeok (Xướng Đức), cung Deoksu (Đức Thọ) hay khu Jongmyo (Tông Miếu) trong suốt ba năm qua. Năm nay, chương trình được tổ chức từ ngày 4/5 đến ngày 13/10. Cô Kim Sung-min thuộc Nhóm điều hành biểu diễn của Quỹ nghệ thuật biểu diễn truyền thống Hàn Quốc cho biết : "Chương trình Hòa nhạc cố cung do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc tổ chức nhằm phát triển tiềm năng du lịch với khoảng 50 buổi diễn tại các cung đình mỗi năm. Đây là năm thứ tư chúng tôi thực hiện chương trình này và tùy vào đặc trưng của mỗi cung điện mà nó lại mang những nét riêng. Chúng tôi thường kết hợp những yếu tố văn hóa và lịch sử vào chương trình. Do chương trình diễn ra tại các cung đình nên nhã nhạc là trọng tâm nhưng lần này chúng tôi cũng bổ xung một số trích đoạn nhạc dân gian để mang thêm niềm vui đến cho du khách."

Khu vườn hoàng cung như càng thêm lung linh bởi ánh nắng hè rực rỡ và những giai điệu mang âm hưởng truyền thống. Khắp nơi trong cung, từ nhà cửa cho đến những chiếc lá xanh mướt như đều đang nhảy múa trong âm nhạc. Gyeongbok là cung điện chính và là biểu tượng cho quyền lực cao nhất của vương triều Joseon. Cung được xây dựng năm 1395, sau khi kinh thành được dời về Hanyang tức Seoul ngày nay từ Gaegyeong (nay là Gaesung), thủ đô của triều đại Goryeo. “Gyeongbok” có nghĩa là “Hưởng phúc lớn”. Đại quan Jeong Do-jeon, một người có công rất lớn trong việc thành lập vương triều Joseon, đã đặt tên này cho cung. Vì lẽ đó mà chương trình hòa nhạc tại đây chủ yếu liên quan đến các bậc vua chúa.

Chương trình được mở đầu với tiếng trống dồn dập vang lên từ một phía của ngôi nhà Jipokjae. Đội quân nhạc trong trang phục màu vàng xuất hiện, vừa đi vừa đang thể hiện khúc “Daechwita (Đại xúy đả)”. Daechwita thường được chơi trong mỗi chuyến xuất cung chính thức của vua quan hay trong các cuộc diễu hành quân đội. Chữ “chwi” trong tên gọi theo tiếng Hán có nghĩa là “xúy (thổi)”, còn “ta” có nghĩa là “đả (đánh)”, hàm chỉ những nhạc cụ thuộc bộ hơi và bộ gõ được sử dụng. Sau phần nghênh đón “vua quan” trịnh trọng, giờ là lúc các màn biểu diễn thực sự bắt đầu. Và đầu tiên là tiết mục “Seonyurak (Thuyền du lạc)”.

Seonyurak là tiết mục mà các nghệ sĩ ăn mặc lộng lẫy và múa quanh một chiếc thuyền được tái hiện trên sân khấu. Đây là một tiết mục hoành tráng và thường được biểu diễn trong các buổi yến tiệc. Giáo sư Choi Jong-min, người đảm trách vai trò MC của chương trình, giới thiệu : "Tiết mục này rất đẹp mắt. Rất nhiều nghệ sĩ trong những trang phục sặc sỡ múa quanh một chiếc thuyền được thiết kế vô cùng lộng lẫy. Tiết mục cuốn hút đến nỗi ngày xưa không một vua quan, xứ thần nước ngoài hay bất cứ người nào khác có thể rời mắt khỏi chiếc thuyền. Cho đến nay nó vẫn là một tiết mục rất được yêu thích." Vì là một tiết mục mang tính hình tượng cao nên trang phục của các nghệ sĩ trông rất sặc sỡ cùng với một đội hình biểu diễn đông đảo, khiến cho Seonyurak trở thành một trong những tiết mục múa tập thể đặc sắc nhất của Hàn Quốc.

Trong lúc du khách vẫn còn ngẫn ngơ với Seonyurak thì sân khấu đã được nhường chỗ cho nhóm biểu diễn bộ bốn nhạc cụ gõ Samulnori với trống Buk, phèng Kkwaenggwari, trống phong yêu Janggu và chiêng Jing. Giáo sư Choi Jong-min giới thiệu : "Từ “Samul” trong Samulnori chỉ bộ bốn nhạc cụ dùng để chơi nông nhạc. Trong chương trình hôm nay, chúng đã được kết hợp với múa trống vùng Jindo. Múa trống vùng Jindo vốn cũng dùng nông nhạc và thường được biểu diễn một người. Nhưng vì biểu diễn ngoài trời nên chúng tôi đã kết hợp với Samulnori, nhiều người cùng biểu diễn sẽ tạo nên bầu không khí hứng khởi hơn. Đây là một bài múa rất hay và thể hiện hết được vẻ đẹp của múa trống vùng Jindo. Đây là tác phẩm do nghệ sĩ Park Byung-cheon, một người vốn xuất thân từ vùng Jindo. Các nghệ sĩ được đeo một chiếc trống giống trống phong yêu Janggu ở trước bụng, hai tay cầm chùi và dùng nó để thực hiện những động tác múa rất mạnh mẽ và khẳng khái. Cứ một nhịp trống lại rơi đúng vào một nhịp nông nhạc."

Những gì đặc sắc nhất của nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ gõ Hàn Quốc đã được thể hiện trọn vẹn qua tiếng trống rộn ràng và giai điệu hào hứng của bộ bốn nhạc cụ gõ Samulnori. Ngồi thưởng thức mà du khách có cảm giác như mình chính là những ông vua, bà hoàng thật sự. Một du khách chia sẻ : "Được nghe nhạc như thế này mang đến cho tôi một cảm giác rất mới mẻ, cứ như mình là vua vậy. Vì là hòa nhạc nên tôi tưởng chỉ được nghe nhạc, không ngờ còn được xem múa. Thật là sướng tai đã mắt!"

[Khám phá vẻ đẹp nho nhã của âm nhạc tại cung Changdeok và giá trị truyền thống của nhạc tế tễ Tông Miếu] Trong khi chương trình Hòa nhạc cố cung tại cung Gyeongbok thiên về yếu tố nghe với những giai điệu cung đình cao quý thì chương trình tại cung Changdeok (Xướng Đức) lại thiên về yếu tố nhìn với những hình ảnh khơi gợi cảm giác thanh bình và nho nhã. Cô Kim Sung-min cho biết : "Mỗi buổi diễn chỉ giới hạn 40 du khách. Chương trình được bắt đầu từ 9 giờ sáng với việc vừa đi dạo vừa nghe nói chuyện về văn học, lịch sử và xem các tiết mục âm nhạc truyền thống chất lượng cao. Đặc biệt, chúng tôi không sử dụng các thiết bị thu phát âm thanh hiện đại nên du khách sẽ được nghe những âm thanh rất chân thực. Đến 11 giờ thì du khách được mời sang Nakseonjae (Lạc Thiện Trai) để nghe kể những câu chuyện về lịch sử, chính trị, tình yêu… trong thời đại Joseon rồi lại tiếp tục thưởng thức nghệ thuật."

Cung Changdeok mở cửa phục vụ du khách bình thường đến tham quan từ lúc 9 giờ rưỡi sáng nhưng chương trình hòa nhạc lại được bắt đầu từ trước đó nửa tiếng. Vậy là trong lúc xung quanh chưa một bóng người thì những du khách hiếu kỳ với vốn âm nhạc truyền thống Hàn Quốc đã được mời vào hậu viên, men theo những con đường mà các bậc vua chúa, phi tần đã từng lui tới một thời. Cô Kim Sung-min của Quỹ nghệ thuật biểu diễn truyền thống Hàn Quốc tiếp tục cho biết : "Chuyến đi bắt đầu từ cổng hậu viên, sau đó dừng lại nghe về vua Jeongjo (Chính Tổ) ở lầu Juhap (Trụ Hợp) rồi ghé qua đài Chundang (Xuân Đường) ở đối diện đó để vào xem nơi từng được dùng để làm trường thi khoa cử ngày xưa. Tại đài Chundang, du khách sẽ được thưởng thức trích đoạn nói về trường thi này trong vở hát kể chuyện “Xuân Hương ca”. Sau khi nghe xong, du khách được dẫn đến Kiohheon (Kí Ngạo Hiên), nơi vốn là thư phòng của thái tử Hyomyung (Hiếu Minh), cũng là nơi người đã sáng tác ra điệu múa Chunaengjeon (Xuân oanh chuyển)."

Băng qua ngôi nhà Kiohheon du khách sẽ được dẫn đến đình Jondeok (Tôn Đức) nằm gần ao sen Jondeok để thưởng thức sao trúc ngang Daegeum trầm bổng. Thời gian như ngừng trôi, không gian như lắng đọng trong tiếng sáo. Ngồi giữa bốn bề cây cối xanh tươi của chốn hậu viên cổ kính như thế này, du khách chợt quên đi chốn đô thị xô bồ và mọi lo âu của cuộc sống. Bây giờ, du khách được mời đến ngôi nhà Nakseonjae (Lạc Thiện Trai) do vua Heonjong (Hiến Tông), vị vua đời thứ 24 của vương triều Joseon, xây dựng cho thứ phi Gyeongbin họ Kim. Tuy mang kiến trúc đơn giản nhưng nó là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm đẹp về mối tình của nhà vua với thứ phi của mình cũng như giây phút lâm chung của vị vua Joseon cuối cùng Youngchin (Anh Thân) sau khi ngài trở về từ Nhật Bản năm 1964. Và đây cũng là nơi du khách sẽ được nghe kể về những câu chuyện lịch sử. Diễn viên Jung Dong-hwan, người kể chuyện tại đây, cho biết : "Hôm nay tôi sẽ kể cho quý vị nghe một câu chuyện về hai đối thủ không đội trời chung nổi tiếng trong lịch sử Hàn Quốc. Đó là hai nhân vật lịch sử đã có công lập triều đại Joseon là Thái Tông Lee Bang-eon và đại quan Jeong Do-jeon. Tuy câu chuyện này đã được người Hàn biết do nhiều lần được dựng thành phim nhưng vẫn còn rất nhiều điều rất thú vị về hai ông."

Chương trình Hòa nhạc cố cung của cung Changdeok giúp cho du khách vừa được đi dạo, thưởng thức nghệ thuật và còn được nghe kể chuyện. Một du khách nữ cảm nhận : "Đứng giữa chốn từng là nơi sinh sống của vua chúa như thế này khiến tôi cảm tưởng như mình chính là một hoàng phi vậy.Giữa tiết trong lành, cây cối hoa lá tươi tốt mà lại còn được nghe nhạc và kể chuyện thì không còn gì tuyệt bằng. Tôi cảm thấy mình như được quay về với thời kỳ đầu của vương triều Joseon. Khi nghe diễn viên kể chuyện, tôi thấy sống động và hay hơn nhiều so với lúc chỉ nghe giới thiệu bình thường."

Địa điểm tiếp theo trên hành trình khám phá âm nhạc cung đình Hàn Quốc sẽ là khu Jongmyo (Tông Miếu), nơi đang thờ phụng bài vị của các bậc vua chúa, hoàng phi cũng như những trung thần có công với đất nước. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức nhạc tế lễ Tông Miếu. Ông Shim Jae-heung của Quỹ nghệ thuật biểu diễn truyền thống Hàn Quốc giới thiệu : "Trong những dịp đại lễ diễn ra ở Tông Miếu, người ta sẽ mặc trang phục tế lễ rồi biểu diễn nhạc tế lễ Tông Miếu. Phần nhạc khá dài và không dễ nghe đối với người thường. Nhưng vì nằm trong khuôn khổ chương trình Hòa nhạc cố cung, nên chỉ những phần quan trọng nhất là được biểu diễn và kèm theo đó là lời giải thích để du khách dễ hiểu. Nội dung chính của nó là cầu chúc cho quốc gia thanh bình và trấn an bách tính. Đó là lý do vì sao chúng tôi chọn những khúc nhạc ca ngợi hòa bình, giao hòa trời đất làm chủ đề biểu diễn."

Mở đầu chương trình là khúc nhạc Youngshinheemun (Nghênh thần hy văn). Một người trong vai nhà vua xuất hiện trên nền nhạc, theo sau đoàn người trong vai quan lại. Giai điệu của nhạc tế lễ Tông Miếu tạo cảm giác đều đều và hầu như không có sự đổi tông. Có tổng cộng 22 khúc nhạc trong chương trình và tất cả đều giống nhau ở tiết tấu chậm, buồn nhưng vẫn hết sức hùng tráng và gây ấn tượng sâu sắc cho du khách. Nhạc tế lễ Tông Miếu vốn dài đến hai tiếng nhưng đã được cô đọng trong 40 phút cho phù hợp với chương trình. Phần kết là khúc nhạc được cho là hay nhất của nhạc tế lễ Tông Miếu mang tên Jeonpyeheemun (Điện tệ hy văn).

Giá trị của văn hóa sẽ càng được nâng cao khi được chia sẻ cho nhiều người. Việc các cung điện của Hàn Quốc được mở cửa chào đón du khách và mang đến cho họ những sản phẩm văn nghệ đặc sắc sẽ giúp cho vốn di sản tinh thần của đất nước này ngày càng được nhiều người biết đến và trân trọng, nhất là với mảng âm nhạc cao quý như âm nhạc cung đình. Đến với hòa nhạc cung đình là đến với một “bữa tiệc” nghe nhìn giàu năng lượng với những “món ngon” là các kiến trúc cổ kính và âm nhạc đậm đà bản sắc Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập