Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nghĩa trang quốc gia Seoul, nơi tưởng nhớ những người đã hy sinh cho tổ quốc

2013-06-25



Trong một ngày đầu hè nắng ấm, rất nhiều người đã quy tụ về Nghĩa trang quốc gia Seoul tại phường Sadang, quận Dongjak, thành phố Seoul, để cúi đầu tưởng nhớ vong linh của những người anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì nền độc lập dân tộc. Xen lẫn trong phút mặc niệm thành kính còn có cả mùi thơm nồng nàn tỏa ra từ chiếc lò hương đặt dưới chân tháp Hyeonchung.

[Bức tranh toàn cảnh về Nghĩa trang quốc gia Seoul] Tháp Hyeonchung là một trong những công trình tiêu biểu của Nghĩa trang quốc gia Seoul. Quản lý Kwak No-sik của Nghĩa trang giới thiệu : "Tháp Hyeonchung (Hiển Trung) là biểu tượng của Nghĩa trang quốc gia Seoul. Nó tượng trưng cho lòng trung hiếu và công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ được quy tập về đây. Bên trong tháp có Vị bài phụng an quán, là nơi thờ phượng khoảng 104.000 bài vị của các chiến sĩ đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh Triều Tiên nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt. Dưới tầng hầm có một căn phòng lưu giữ khoảng 6.900 bộ hài cốt của những chiến sĩ vô danh cũng đã hy sinh trong cuộc chiến ấy. Tháp được xây năm 1967 và cao 31m. Nếu nhìn từ trên xuống, tháp có hình dạng chữ thập với ý nghĩa là bốn phương lãnh thổ, nơi nào cũng được vong linh của các anh hùng liệt sĩ bảo vệ."

Đối với người Hàn, Nghĩa trang quốc gia Seoul là một nơi mang tính tượng trưng rất cao. Thế nên, không chỉ giới chức mà ngay cả du khách nước ngoài cũng thường tìm đến đây khi có dịp sang thăm Hàn Quốc. Trưởng phòng quản lý những người có công với đất nước Lee Wan-sik của Nghĩa trang cho biết : "Mỗi khi Hàn Quốc tổ chức sự kiện trong đại nào đó thì Nghĩa trang quốc gia Seoul luôn là nơi Tổng thống cùng các vị giới chức đến thăm viếng đầu tiên. Trước là để tưởng nhớ và cảm tạ công ơn của những người đã vị quốc vong thân. Sau là để tỏ lòng tôn kính trước tinh thần trung nghĩa của họ cũng như để an ủi những gia đình có người thân đang yên nghỉ tại đây. Sau nữa là cầu nguyện cho đất nước không còn chiến tranh, không còn có thêm sự hy sinh nào nữa. Qua đó cho thấy ý nghĩa tượng trưng sâu sắc của nơi này. Đây cũng là nơi để người Hàn thể hiện quyết tâm, thề nguyện và nhận ra những gì mình còn thiếu sót." Đã 63 năm kể từ ngày bùng nổ cuộc chiến tranh Triều Tiên. Những điều mà giới trẻ ngày nay được học trong sách lịch sử về Hàn Quốc trong giai đoạn này chẳng thấm vào đâu so với hiện thực đen tối, khốc liệt mà đất nước này đã trải qua trong cuộc chiến. Mặc dù vậy, lòng tưởng nhớ sâu sắc mà người Hàn dành cho những người đã nằm xuống vì dân tộc thì đời nào vẫn thế.

Chính phủ và quân đội Đại Hàn Dân Quốc được thành lập vào năm 1948. Kể từ sau đó, trải qua nhiều lần đụng độ với quân đội Bắc Triều Tiên, số lượng chiến sĩ cũng như quân nhân tham chiến ngày một đông hơn. Trưởng phòng Lee Wan-sik cung cấp thêm thông tin : "Sau khi được thành lập năm 1948, quân đội Hàn Quốc đã liên tục trải qua nhiều cuộc đối đầu như sự kiện liên đội 14 gây phản loạn ở Yeosun, Suncheon hay chiến dịch truy quét du kích ở núi Jiri. Những người hy sinh được tạm thời an táng ở các ngôi chùa. Nhận thấy số người hy sinh ngày một tăng cao, cần phải có một nơi yên nghỉ chung cho họ, nên từ năm 1952 đến năm 1953, Chính phủ đã khảo sát nhiều địa điểm và quyết định chọn phường Dongjak để xây dựng Nghĩa trang quốc gia Seoul vào năm 1955. Đến ngày 15/7 cùng năm thì các khu mộ và văn phòng quản lý Nghĩa trang được hoàn thành."



Nghĩa trang quốc gia Seoul là nơi yên nghỉ của trên 170.000 liệt sĩ, người có công và nguyên thủ quốc gia. Nơi đây có tổng diện tích khoảng 1,43 triệu km2, trong đó phần đất dành cho các khu mộ rộng 350.000m2, chiếm 1 phần 4 diện tích với bảy khu mộ gồm: khu dành cho nguyên thủ quốc gia, khu dành cho chí sĩ yêu nước, khu dành cho những nhân vật trọng yếu của chính phủ lâm thời, khu dành cho người có công với nước, khu dành cho thương binh, khu dành cho cảnh sát và khu dành cho người nước ngoài có công với Hàn Quốc. Ngoài ra, tại đây còn có 3 chỗ đặt bài vị, tro cốt của các liệt sĩ là Wipaebongangwan (Vị bài phụng an quán), Muhuseonyeoljedan (Vô hậu tiền liệt tế đàn) và Chunghondang (Trung Hồn Đường). Nằm phía trên khu mộ dành cho chí sĩ yêu nước, Vô hậu tiền liệt tế đàn là nơi thờ phụng 133 bài vị của các liệt sĩ đã ngã xuống trong phong trào giải phóng dân tộc nhưng không tìm thấy di cốt cũng như thân quyến. Trưởng phòng Lee Wan-sik cho biết : "Tại đây có ba ngôi mộ của các Tổng thống Rhee Syng-man, Park Chung-hee và Kim Dae-jung cùng 250 ngôi mộ của các liệt sĩ, chí sĩ yêu nước hy sinh trong phong trào giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị thực dân và 18 ngôi mộ của các nhân vật chủ chốt trong chính phủ Đại Hàn Dân Quốc lâm thời. Ngoài ra còn có 65 ngôi mộ của những người có công với nước và 54.000 ngôi mộ của các chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh Triều Tiên cũng như chiến tranh Việt Nam. Bên cạnh đó là 104.000 bài vị của các liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và 7.000 hài cốt của các liệt sĩ vô danh đang được lưu giữ trong Vị bài phụng an quán. Và hơn 130 vị khác cũng đang yên nghỉ tại Vô hậu tiền liệt tế đàn."

Theo như lời của Trưởng phòng Lee Wan-sik thì Nghĩa trang cũng là nơi yên nghỉ của ba vị Tổng thống Hàn Quốc, một nét đặc biệt của nơi đây. Ngày nào cũng có nhiều du khách đến thăm khu mộ của các Tổng thống, trong đó có mộ của Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên Rhee Syng-man cùng phu nhân Francesca Donner, Tổng thống Park Chung-hee cùng phu nhân Yuk Young-soo và Tổng thống Kim Dae-jung. Tùy theo từng thời kỳ mà kiểu dáng của các ngôi mộ có sự khác nhau. Sau đây là giải thích của hướng dẫn viên Roh Jeong-seok : "Mộ phần của Tổng thống Rhee Syng-man có hình dạng giống như lăng tẩm của một vị vua thời Joseon. Phu nhân Francesca Donner, vợ của Tổng thống, cũng được chôn cất trong cùng một ngôi mộ với ông. Tổng thống Rhee mất năm 1965 tại Hawaii, Mỹ. Sau đó, phu nhân Francesca quay về Hàn Quốc và sống tại Nhà tưởng niệm Tổng thống mang tên Ehwajang (Lê Hoa Trang) cho đến khi mất vào năm 1992. Còn mộ phần của Tổng thống Park Chung-hee cùng phu nhân được trang trí bởi hình ảnh chim phượng hoàng, biểu tượng của Phủ Tổng thống, và hoa Mugung (hoa dâm bụt), quốc hoa của Hàn Quốc. Bên phải còn có hình ảnh hoa mộc liên, loài hoa mà phu nhân lúc sinh thời rất yêu thích. Mộ phần của Tổng thống Kim Dae-jung có diện tích khiêm tốn hơn so với hai vị Tổng thống kia khi chỉ rộng khoảng 265m2 dựa theo luật sửa đổi vào năm 2006."

[Mỗi mộ phần một câu chuyện xúc động] Mỗi một trong số 54.444 ngôi mộ của các liệt sĩ được an táng tại đây đều chứa đựng một câu chuyện cảm động, từ câu chuyện của một người mẹ mất con, một người vợ mất chồng đến câu chuyện của một đứa con mất bố và luôn phải làm giỗ vào Ngày thiếu nhi Hàn Quốc mùng 5/5, ngày mất của ông khi tham chiến tại Việt Nam… Đó chỉ là một vài trong số hàng chục nghìn câu chuyện của những người đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Trong đó, có một câu chuyện hết sức đặc biệt về một ngôi mộ chung của hai bố con. Hướng dẫn viên Roh Jeong-seok giới thiệu : "Ở đây có một ngôi mộ chôn cất chung cả hai bố con vốn đều là sĩ quan không quân có tên là “Mộ của Hộ quốc phụ tử”. Người bố Park Myeong-ryeol đã qua đời năm 1984 trong một vụ nổ máy bay của đợt tập huấn phi công Hàn-Mỹ. Lúc ấy, người con Park In-cheol chỉ mới 5 tuổi. Hồi nhỏ, khi được mọi người khuyên không nên làm phi công giống bố, anh hứa là sẽ không bao giờ làm công việc đó. Thế nhưng, khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, hiểu được công việc của bố, anh vẫn quyết định trở thành phi công, bỏ mặc sự ngăn cản của mọi người. Và bi kịch đã lại xảy ra khi chiếc máy bay do anh cầm lái đã bị phát nổ trên vùng biển ở tỉnh Nam Chungcheong trong một đợt huấn luyện hồi năm 2007. Di hài của anh đã được an táng cùng bố tại mộ phần số 29. Và đây là ngôi mộ chôn chung cả hai bố con đầu tiên của Nghĩa trang quốc gia Seoul."



Trong những năm gần đây, nhờ nỗ lực của Nhóm tìm kiếm và khai quật hài cốt thuộc Bộ quốc phòng Hàn Quốc mà ngày càng có nhiều hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy và đưa về an táng ở Nghĩa trang. Công cuộc tìm kiếm của nhóm này được bắt đầu từ năm 2000, nhân kỷ niệm 50 năm sau ngày bùng nổ chiến tranh Triều Tiên ngày 25/6/1950. Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của gần 162.000 chiến sĩ nhưng chỉ mới có khoảng 29.400 người đang được an táng tại Nghĩa trang quốc gia Seoul. Như vậy là còn trên 130 nghìn người vẫn còn đang nằm lại chiến trường. Suốt 13 năm qua, Nhóm tìm kiếm và khai quật hài cốt đã thu thập được khoảng 83.000 bộ hài cốt với trên 7.300 bộ là của binh lính thuộc quân đội Hàn Quốc. Và phần mộ của anh em Lee Man-woo và Lee Cheon-woo chính là hai trong số đó. Hướng dẫn viên Roh Jeong-seok kể : "Tháng 8/1950, người anh Lee Man-woo nhập ngũ với cấp bậc hạ sĩ. Một tháng sau, người em Lee Cheon-woo cũng nhập ngũ với chức danh trung sĩ loại hai. Sau một năm xông pha chiến trận, người anh đã hy sinh trên chính mảnh đất quê hương, tỉnh Gyeonggi. Rất may là di hài của anh đã được tìm thấy và an táng tại Nghĩa trang này. Bốn tháng sau đến lượt người em hy sinh trong trận núi Baekseok ở tỉnh Gangwon. Anh đã được chôn sơ sài trên núi cho đến ngày được Nhóm tìm kiếm và khai quật hài cốt phát hiện rồi an táng tại Daejeon năm 2010. Đến ngày 6/6/2011, nhận thấy tình anh em và sự hy sinh của họ quá cao cả, Bộ quốc phòng đã di dời ngôi mộ của người em về nằm cạnh người anh tại Nghĩa trang và đặt tên là “Mộ của Hộ quốc huynh đệ”."

Nối gót người anh đang đơn thân xông pha trận mạc, người em cũng lên đường nhập ngũ. Chưa kịp thực hiện mong muốn được sát cánh cùng anh nơi chiến trường thì người anh đã hy sinh và sau đó người em cũng nằm sâu dưới đất lạnh hơn nửa thế kỷ khi tuổi đời mới chỉ 19. Nhưng rồi đến năm 2011, nhờ công sức của Nhóm tìm kiếm và khai quật hài cốt mà anh em họ đã được nằm cạnh nhau. Tình anh em của Lee Man-woo và Lee Cheon-woo quả thật rất cao đẹp. Nếu không phải vì cuộc chiến thì chắc họ cũng sẽ luôn kề vai sát cánh bên nhau trong cuộc sống.

Hiện tại, cứ vào lúc 2 giờ và 4 giờ chiều mỗi ngày là Nghĩa trang lại tổ chức hoạt động an táng tại Trung Hồn Đường. Trưởng phòng Lee Wan-sik cho biết : "Trung Hồn Đường là nơi truy tập hài cốt của các anh hùng liệt sĩ. Nó bắt đầu hoạt động từ ngày 1/3/2006 với quy mô có thể bảo quản được 20.863 bộ hài cốt, trong đó có 17.415 bộ trong nhà và 3.448 bộ ngoài trời. Hiện đã có trên 5.800 bộ hài cốt đang được an táng ở đây, trong đó có cả Trung úy Jo Chang-ho, một biểu tượng cho tinh thần bất khuất của người lính trong lòng nhân dân, người đã trở về Hàn Quốc sau nhiều năm bị bắt làm tù binh tại Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến tranh Triều Tiên; vận động viên đua ngựa Kim Hyung-chil, người đã tử vong khi té ngã trong lúc xuất phát tại Đại hội thể thao châu Á 2006 tại Doha, Qatar; cũng như Tiến sĩ Park Byeong-seon, người có công rất lớn trong việc tìm ra “Trực chỉ tâm thể yếu tiết”, cuốn sách được in bằng khuôn chữ kim loại đầu tiên của thế giới."



[Những sự kiện, hoạt động đa dạng diễn ra ở Nghĩa trang quốc gia Seoul] Thời gian trôi qua và chiến tranh cũng đã lùi sâu vào quá khứ. Nhưng những ký ức bi thảm của nó thì vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống của người Hàn. Để phục vụ nhu cầu thăm viếng của mọi người dành cho các anh hùng dân tộc, Nghĩa trang quốc gia Seoul đã và đang tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động cúng tế đa dạng. Và sự kiện cử hành quân nhạc đặc biệt do Bộ Quốc phòng tổ chức là một trong số đó. Sự kiện này được cử hành vào lúc 3 giờ chiều mỗi thứ Bảy hàng tuần với các tiết mục như biểu diễn võ thuật quân đội truyền thống, trình diễn các loại trống, đồng diễn quân nhân nữ hay biểu diễn kết hợp hải quân, lục quân và không quân. Những động tác nhịp nhàng, nghiêm chỉnh của binh lính đã phần nào cho thấy được sức mạnh của quân đội trong việc gìn giữ tổ quốc. Một du khách cảm nhận : "Các tiết mục thực sự rất hay! Thật tuyệt khi được xem đội vệ binh danh dự truyền thống với những thanh gươm thật và màn biểu diễn kết hợp hải quân, lục quân, không quân! Không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội được xem những tiết mục như vậy."

Nếu như vào cuối tuần, Nghĩa trang thường cử hành quân nhạc thì vào ngày thường, tại đây luôn thực hiện nghi thức đổi phiên trực. Trưởng phòng Lee Wan-sik cho biết : "Bạn có thể bắt gặp nghi thức thú vị này tại lâu đài Buckingham ở Anh, Trung Liệt Từ ở Đài Loan, Nghĩa trang quốc gia Arlington ở Mỹ. Còn tại đây nó được bắt đầu từ năm 2008."

Cách đây không lâu, trước cổng Nghĩa trang đã xuất hiện một công trình trang trí mới mang đậm tính tượng trưng gọi là “cây cờ Taegeuk (Thái Cực)” với những chậu cây được gắn đầy bởi lá quốc kỳ của Hàn Quốc. Trưởng phòng Lee Wan-sik tự hào nói : "Năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm Ngày quân đội mùng 1/10, chúng tôi đã cho dựng bốn thân cây và gắn lên nó thật nhiều lá cờ Thái Cực nhằm tưởng nhớ vong linh của các anh hùng liệt sĩ và cầu nguyện cho đất nước được hòa bình. Sau đó, chúng tôi đã làm thêm hai cây nữa. Mỗi cây cao 3,1m tượng trưng cho Ngày kỷ niệm phong trào độc lập 1/3. Có tất cả 1.370 lá cờ mang kích thước 15 x 10 cm được gắn lên cây. Con số 1.370 tượng trưng cho khoảng 137.000 binh lính đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Ngoài ra, chúng tôi còn bố trí một khu chụp ảnh nằm kề bên để du khách chụp ảnh."

Mỗi khi bước qua cổng Nghĩa trang quốc gia Seoul, được nhìn thấy cờ Thái Cực tung bay trước gió, mỗi người Hàn Quốc đều dâng trào lòng yêu nước tha thiết. Khi tổ quốc bị thực dân Nhật xâm lăng, cờ Thái Cực đã theo chân các chí sĩ yêu nước tung bay trên đường phố trong phong trào giải phóng dân tộc. Khi tổ quốc đứng trước cảnh hai miền Nam-Bắc đối đầu, lá cờ đã được đính lên ngực áo của các chiến sĩ dũng cảm và theo họ ra chiến trường. Và khi thế giới gặp bất ổn thì nó đã trở thành hành trang để các đặc phái binh mang theo trên đường làm nhiệm vụ quốc tế. Có biết bao người đã và đang ngã xuống vì lá cờ này và họ xứng đáng được tôn vinh trong lòng dân tộc. Ngày hôm nay đây, các thế hệ người Hàn vẫn tiếp tục phất cao ngọn quốc kỳ để tiếp tục công cuộc xây dựng và gìn giữ hòa bình cho tổ quốc.

Lựa chọn của ban biên tập