Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Loạn Trung Nhật Ký và các tài liệu ghi chép về Phong trào làng mới Saemaeul

2013-07-09



Trong cuộc họp của Ủy ban tư vấn quốc tế về Ký ức Thế giới lần thứ 11 được tổ chức hôm 19/6 tại thành phố Gwangju, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, nhật ký chiến tranh mang tên “Nanjungilki” (Loạn Trung Nhật Ký) ra đời trong triều đại Joseon và các tài liệu ghi chép về Phong trào làng mới Saemaeul vào những năm 1970 đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách Ký ức Thế giới. Như vậy, Hàn Quốc đã có tổng cộng 11 thư tịch trong danh sách này, bao gồm “Hunminjeongeum”(Huấn Dân Chính Âm), cuốn sách về sự ra đời và cách sử dụng bảng chữ cái tiếng Hàn; biên niên sử của triều đại Joseon (Joseon vương triều thực lục); “Jikji” (Trực chỉ tâm thể yếu tiết), cuốn kinh Phật đầu tiên trên thế giới được in bằng bản khắc kim loại; “Seungjeongwon Ilgi”(Nhật ký Ban thư ký hoàng gia); Đại trường kinh thời Goryeo; “Uigwe” (Nghi quỹ), cuốn ghi chép nghi thức hoàng gia triều đại Joseon; “Donguibogam” (Đông Y Bảo Giám), cuốn bách khoa toàn thư về y học của Hàn Quốc; những tài liệu về Phong trào vận động dân chủ 18/5 tại thành phố Gwangju vào năm 1980 và “Ilseongnok” (Nhật tỉnh lục) của triều đại Joseon vào cuối thế kỷ 19.

[Vài nét khái quát về “Loạn Trung Nhật Ký”] “Loạn Trung Nhật Ký” của Đô đốc Yi Sun-shin đã trở thành di sản văn hóa quốc gia số 76 của Hàn Quốc vào năm 1962, được công nhận là một thư tịch có giá trị to lớn về mặt lịch sử cũng như học thuật. Ông Roh Seung-sek, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thư tịch cổ Yeohae (Nhữ Hài: tên của Đô đốc Yi Sun-shin khi trưởng thành), cho biết : "“Loạn Trung Nhật Ký” được Đô đốc viết trong bảy năm diễn ra “Biến loạn Nhâm Thìn” - cuộc kháng chiến chống lại quân xâm lược Nhật Bản vào năm 1592. Tiêu đề của nhật ký là do đời sau đặt ra khi công bố thư tịch này dưới triều vua Jeongjo (Chính Tổ). Ngoài việc tập trung ghi nhận tất cả những sự kiện xảy ra trong cuộc chiến tranh, tư liệu này còn miêu tả chi tiết nhiều sự việc đời thường của vị tướng này."

Với tổng cộng 130.000 chữ, “Loạn Trung Nhật Ký” đã ghi lại một cách chi tiết cuộc chiến trên biển của hải quân Hàn Quốc do Đô đốc Yi Sun-shin lãnh đạo chống lại quân xâm lược Nhật Bản. Hàn Quốc gọi cuộc chiến này là “Biến loạn Nhâm Thìn”. Nhật ký được Đô đốc bắt đầu viết từ khi xảy ra chiến tranh vào năm 1592 cho đến hai ngày trước khi ông hy sinh trong trận hải chiến Noryang vào ngày 17/11/1598. Như vậy là toàn bộ quá trình cuộc chiến đã được chính tay vị Tổng tư lệnh hải quân lỗi lạc này chấp bút. Hiện rất khó có thể tìm được một loại thư tịch quý hiếm như vậy trên thế giới. Giám đốc Roh Seung-sek cho biết thêm : "Trong chiến tranh, bản thân việc đương đầu với kẻ địch đã tốn rất nhiều công sức. Giữa những lúc tên bay, đạn bắn nguy hiểm khôn lường, Đô đốc đã thể hiện được tài nghệ chỉ huy quân đội tài tình, quản lý thuộc cấp trên dưới đều đồng lòng, vừa nghe ngóng tình hình vừa ghi nhận lại những trải nghiệm của mình vào nhật ký. Thật khó có thể tìm được một trường hợp nào như vậy trong lịch sử thế giới!"



200 năm sau ngày cuộc chiến kết thúc, tức là vào năm 1792, năm thứ 16 dưới thời vua Chính Tổ, người ta mới biết đến sự tồn tại của “Loạn Trung Nhật Ký”. Nhằm phục vụ cho việc ghi nhận công trạng và thăng chức Đô đốc Yi Sun-shin lên hàng Thừa tướng, những người chịu trách nhiệm đã cho thu thập tất cả thư tịch, tài liệu cũng như bút tích của ông và biên soạn “Toàn thư Trung Vũ Công” (Trung Vũ Công là tên hiệu của đô đốc), đồng thời đặt tên cho những ghi chép trong chiến tranh của ông là “Loạn Trung Nhật Ký”. Giám đốc Roh Seung-sek bổ xung : "Nhật ký lẽ ra phải có tám cuốn ứng với các năm Nhâm Thìn (năm 1592), Quý Tỵ (1593), Giáp Ngọ (1594), Ất Mùi (1595), Bính Thân (1596), Đinh Dậu (1597), Mậu Tuất (1598). Trong đó, có đến hai cuốn ông viết vào năm Đinh Dậu. Tuy nhiên, sau này, cuốn năm Ất Mùi bị thất lạc nên chỉ còn lại bảy cuốn. Cũng có thể ông không viết cuốn này do chiến sự quá khốc liệt hoặc lúc đó ông bị bắt giam. Mặc dù vậy, phạm vi nội dung của cuốn nhật ký vẫn rất rộng lớn."

Hiện bảy cuốn “Loạn Trung Nhật Ký” đang được bảo quản và trưng bày tại đền Hyeonchung (Hiển Trung), nơi tưởng niệm Đô đốc Yi Sun-shin tại thành phố Asan, tỉnh Nam Chungcheong. Hơn 400 năm đã trôi qua, nhưng nhờ công sức bảo quản của gia quyến vị đô đốc nên nhật ký vẫn còn được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Có người nói rằng hậu duệ đời thứ 13 của Đô đốc Yi Sun-shin đã cương quyết không trao “Loạn Trung Nhật Ký” cho Hoàng tộc Nhật Bản trong thời kỳ thực dân Nhật xâm chiếm Hàn Quốc. Ngoài ra thì cũng nhờ vào một yếu tố khác. Giám đốc Roh Seung-sek chia sẻ : "Ông tự mài mực và viết trên loại giấy truyền thống Hàn Quốc Hanji, vốn được mệnh danh là “Giấy nghìn năm” vì rất bền và có thể tự điều tiết độ ẩm. Chính vì thế nên nhật ký vẫn còn ở trong tình trạng gần như nguyên vẹn sau chừng ấy năm. Tuy có thể thấy một vài tổn hại nho nhỏ nhưng về tổng thể, nó vẫn còn rất tốt."

Đô đốc bắt đầu viết nhật ký ba tháng trước khi “Biến loạn nhâm Thìn” xảy ra, tức vào ngày 1/1/1592. Điều đó cho thấy khả năng tiên đoán cũng như tài nhìn xa trông rộng của ông. Sự khốc liệt của những trận chiến trên biển đều được ghi nhận một cách xác thực trong “Loạn Trung Nhật Ký”. Thông qua những lời miêu tả sinh động của tướng Yi Sun-shin, người ta cảm thấy như đang trực tiếp chứng kiến bối cảnh lúc bấy giờ : “Tên bắn như mưa rơi”; “Số người thương vong nhiều không đếm xuể”; “Tiếng pháo súng vang như sấm rền”; “Bệnh truyền nhiễm lại bùng phát, dân chúng và binh sĩ chết nhiều”… Đặc biệt, trước trận hải chiến Myeonngnyang, để khích lệ tinh thần thuộc cấp, ông đã viết những thông điệp khẳng khái như sau : Ngày 15/9/1597, trời quang đãng, ta cho gọi các tướng lĩnh tới và bảo họ rằng: “Theo binh pháp, nếu ta chỉ nghĩ đến cái chết thì ta sẽ sống, còn nếu ta chỉ nghĩ đến sự sống thì ta sẽ chết. Một người cố thủ một điểm chiến lược cũng đủ khiến hàng nghìn tên địch run sợ”. Ta đã khuyên họ hãy quên đi bản thân và sự sống. Chúng tôi đã nghiêm túc thề thốt vài lần cùng nhau. Cũng đêm ấy, ta nằm mơ thấy một vị thần người mách bảo ta rằng: “Làm vậy có thể đại thắng nhưng cũng có thể bại trận.”. Với tinh thần quyết chiến, trong trận Myeongnyang, chỉ với 13 chiếc tàu trong tay, hải quân Hàn Quốc đã đẩy lùi được 133 chiến thuyền của quân thù. Chiến thắng này được xem là một kỳ tích trong lịch sử hải chiến thế giới.

Ngoài những ghi chép liên quan đến chiến tranh, “Loạn Trung Nhật Ký” còn là nơi lưu lại rất nhiều tâm tư tình cảm của Đô đốc dành cho thân mẫu. Đọc bất cứ đoạn nào trong nhật ký, người ta cũng có thể cảm nhận được nỗi nhớ mẹ da diết của ông. Ví dụ ở đoạn sau : Ngày 2/6/1592, hôm nay chính là sinh nhật của thân mẫu, nhưng vì phải chiến đấu với quân thù mà ta không thể dâng mẹ chén rượu chúc thọ. Đời không gì buồn hơn. Giám đốc Roh Seung-sek thuộc Trung tâm nghiên cứu thư tịch cổ Yeohae phân tích : "Ông không những là một chiến binh trung thành với nước mà còn là một người con hiếu thảo. Trong suốt cuộc chiến, ông liên tục cho người chuyển lời vấn an đến mẹ. Đô đốc xem đó như một cách để tự an ủi mình. Khi có chuyện xảy ra với mẹ là ông lại trào nước mắt, ngày đêm không ngủ. Điều này đã được ông ghi lại trong nhật ký. Tôi cho rằng chính lòng hiếu thảo đó đã kích thích ông giành được chiến thắng trước quân thù." Theo đó, cũng có thể xem nhật ký như một cuốn tự bạch của riêng ông.



[Các tài liệu quý ghi chép về Phong trào làng mới Saemaeul] Cùng với “Loạn Trung Nhật Ký”, các tài liệu ghi chép về Phong trào làng mới Saemaeul vào những năm 1970 cũng đã vinh dự có mặt trong danh sách Ký ức Thế giới. Trưởng nhóm Im Jong-hwan của Trung tâm Phong trào làng mới Saemaeul Hàn Quốc cho biết : "Có thể gọi Phong trào làng mới Saemaeul là “phong trào sống tốt”, cả về vật chất lẫn tinh thần. Mà không chỉ có bản thân mình sống tốt, mọi người xung quanh cũng cùng sống tốt. Phong trào được khởi xướng tháng 4/1970 và bắt đầu được áp dụng rộng khắp tại các vùng nông thôn một năm sau đó. Vào thời điểm bấy giờ thì bài toán hóc búa nhất là làm sao để mọi người cải thiện cuộc sống và thoát khỏi đói nghèo." Trải qua những năm cùng cực dưới ách đô hộ của thực dân Nhật, Hàn Quốc cuối cùng cũng được giải phóng vào năm 1945. Tuy nhiên, sau đó, đất nước lại rơi vào cảnh hai miền Nam-Bắc giao tranh, toàn dân tiếp tục trải qua những ngày tháng nghèo đói cho đến lúc Phòng trào làng mới Saemaeul được chính phủ phát động. Trưởng nhóm Im Jong-hwan giải thích : "Hồi đó, Chính phủ cung cấp cho khoảng 3.000 ngôi làng ở vùng nông thôn Hàn Quốc, mỗi làng 335 bao xi măng miễn phí để người dân dùng vào mục đích cải thiện môi trường sống còn nhiều khó khăn."

Theo như lời giải thích của Trưởng nhóm Im Jong-hwan, khi môi trường sống được cải thiện, điều kiện sinh hoạt trở nên dễ chịu thì tự nhiên người dân sẽ hào hứng hơn trong công việc và bắt đầu quan tâm đến việc tăng thu nhập. Trưởng nhóm Im Jong-hwan nói rõ hơn : "Chỉ cải thiện môi trường sống thôi là chưa đủ, quan trọng là người nông dân phải có được thu nhập trực tiếp và vì thế mà phải tính toán làm sao để tăng thu nhập. Trước đây, họ chỉ thâm canh lúa gạo và lúa mạch. Phong trào vận động Saemaeul giới thiệu cho người nông dân cách luân canh và trồng kết hợp nhiều loại nông sản. Nông dân cũng quan tâm đến các loại cây lương thực đặc dụng khác. Tiến bộ nhất là người làm nghề nông đã biết trồng trọt trong nhà kính để có các loại rau quả tươi ngon dùng trong mùa đông. Các hình thái chăn nuôi cũng xuất hiện đa dạng hơn. Nhờ thế mà thu nhập của người nông dân ngày một tăng cao. Đến năm 1974, thu nhập của nông dân đã cao hơn so với người lao động thành thị."

Nhiều chương trình giáo dục nhận thức đã được tiến hành nhằm cải thiện nhận thức của người nông dân, những người luôn xem nghèo đói là cái nghiệp của mình. Trưởng nhóm Im Jong-hwan nói tiếp : "Phong trào kêu gọi mọi người sống và làm việc theo tinh thần “Cần cù - Nỗ lực - Hợp tác” là một trong số các chương trình đó. Vào thời ấy, phụ nữ đóng vai trò lớn ở các vùng nông thôn và họ trở thành những người đi đầu trong phong trào Saemaeul. Họ tiết kiệm lúa gạo để gây quỹ cho các hoạt động của làng xã về sau. Họ cũng có công rất lớn trong việc hạn chế các trận cãi vã do say rượu cũng như đẩy lùi nạn trộm cắp. Ngoài ra, còn có nhiều phong trào khác như phong trào lắp đặt cống rãnh, phong trào thu gom phế liệu…" Nhờ sự đồng tâm hiệp lực của Chính phủ và người dân mà Hàn Quốc đã xóa đói giảm nghèo. Có thể xem Phong trào làng mới Saemaeul là một mốc son đáng nhớ trong lịch sử hiện đại của đất nước. Nó cũng chính là nguồn động lực thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh chóng và được xếp vào nhóm 10 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay.



Những tài liệu về Phong trào làng mới Saemaeul được UNESCO công nhận lần này là các tài liệu, văn bản ghi chép từ năm 1970 đến năm 1979. Trưởng nhóm Im Jong-hwan cho biết : "Do Phong trào được Chính phủ chỉ đạo nên có rất nhiều tài liệu liên quan được ban hành. Tổng cộng có sáu loại tài liệu bao gồm: 288 văn bản do Văn phòng thư ký Tổng thống ban hành, kể cả bài phát biểu của Tổng thống lúc đó là ông Park Chung-hee, biên bản kế hoạch và báo cáo; 4.199 văn bản, tài liệu, hình ảnh do Chính phủ Trung ương và địa phương ban hành; 160 thư từ, giấy chứng nhận của các cá nhân và đoàn thể; 750 quy ước làng xã, biên bản hội họp, bản kế hoạch kinh doanh của các làng tham gia Phong trào; 4.042 thư từ, ghi nhận thành tích của những tấm gương thành công và 2.645 tài liệu giới thiệu, giảng dạy, ghi âm, danh sách học viên do Trung tâm tập huấn cán bộ nòng cốt của Phong trào làng mới Saemaeul ban hành."

Với việc được đưa vào danh sách Ký ức Thế giới, Phong trào đã được công nhận như một mô hình mẫu mực của việc xóa đói giảm nghèo. Mô hình này hiện đang được áp dụng tại các nước đang phát triển ở châu Phi và châu Á để tiếp tục thắp lên ngọn lửa hy vọng cho những người còn khó khăn. Mỗi năm, có rất nhiều chuyên gia của các nước này được cử sang Hàn Quốc để học tập và trao đổi kinh nghiệm. Trưởng nhóm Im Jong-hwan của Trung tâm Phong trào làng mới Saemaeul Hàn Quốc cho biết : "Các nước đang phát triển đã và đang tiếp nhận Phong trào rất nhiệt tình. Đã có trên 55.000 người đến từ 132 quốc gia được cử sang Hàn Quốc học tập. Lãnh đạo các nước mà gần đây là Tổng thống Myanmar hay Tổng thống Uganda đã ghé thăm Trung tâm và bàn bạc về phương án hợp tác. Hiện đã có những tín hiệu, thành quả đáng mừng từ các nước châu Á và châu Phi như Mông Cổ, Nepal, Lào, Campuchia, Sri Lanka, Uganda và Tanzania, những nơi đang áp dụng mô hình của chúng ta.."

Với việc “Loạn Trung Nhật Ký” và các tài liệu ghi chép về Phong trào làng mới Saemaeul được công nhận là di sản văn hóa thế giới, xét về mặt thời đại thì Hàn Quốc đã có hai thư tịch thuộc thời Goryeo (thế kỷ 10-14), bảy thư tịch thuộc thời Joseon (thế kỷ 15-20) và hai thư tịch thuộc thời hiện đại nằm trong danh sách này. Với con số 11, Hàn Quốc là nước có số lượng thư tịch được công nhận đứng thứ năm toàn cầu và đứng đầu châu Á. Qua đó có thể khẳng định, đất nước này là một cường quốc thế giới về vốn di sản thư tịch mang giá trị vĩnh cửu.

Lựa chọn của ban biên tập