Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Sức sống mãnh liệt của vở ca kịch độc diễn “Pumba” sau 32 năm công diễn

2013-08-06



Với chất giọng truyền cảm và trầm ấm, nam diễn viên trong vai kẻ ăn mày Pumba nhanh chóng thu hút được sự chú ý của khán giả. Anh yêu cầu khán giả cùng hô tiếp câu nói của mình. Ngay sau khi anh nói “Kẻ ăn mày từng đến đây năm ngoái…” thì khán giả liền hô tiếp “…vẫn chưa chết và đã trở lại”. Và như thế, vở kịch “Pumba” đã kết thúc trong một bầu không khí hết sức vui tươi.

[Tìm hiểu vài nét về vở kịch “Pumba” và nhân vật Cheon Jang-geun] “Pumba” là một vở ca kịch độc diễn kết hợp giữa ca kịch ngoài trời với ca kịch sân khấu, dựa trên những bài dân ca kể về một kẻ ăn mày được truyền khẩu trong dân gian. Kể từ lần ra mắt đầu tiên vào năm 1981, sau 32 năm công diễn, “Pumba” vẫn luôn là một trong những vở diễn được yêu thích nhất ở Hàn Quốc. Và sức sống mãnh liệt ấy hẳn phải có lý do của nó. Bà Park Jeong-jae, Giám đốc điều hành của Sảnh đường nghệ thuật Tưởng tượng (Sangsang Art Hall) giải thích : "“Pumba” ra mắt năm 1981, khi xã hội Hàn Quốc đang cực kỳ rối ren. Cố đạo diễn Kim Shi-ra, tác giả của vở diễn, muốn thông qua một hình thức có sức lan tỏa mạnh là kịch để tiếp thêm động lực cho xã hội. Có thể nói, ông đã dùng kịch để phục vụ cho công cuộc vận động nhân quyền. “Pumba” phác họa chân dung của những con người thấp cổ bé họng trong xã hội, bị người đời xa lánh, đồng thời ca ngợi tinh thần chính trực, nghĩa tình của họ. Do đó, nó có phần hơi u buồn và mang nặng ý nghĩa."

Vở “Pumba” ra đời trong hoàn cảnh xã hội Hàn Quốc đang phải đứng trước một sự xáo trộn lớn. Sau khi Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát, quân đội do Tướng Chun Doo-hwan chỉ huy đã tiến hành đảo chính và lên nắm quyền. Sau đó, rất nhiều người đã phải bỏ mạng trong Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5/1980. Trước đó, trong Phong trào đổi mới nông thôn Saemaul, toàn dân cùng động viên nhau sống tốt với tinh thần đoàn kết được đẩy lên mạnh mẽ, nhưng giờ đây họ lại bị chia rẽ vì vấn đề chính trị. Giám đốc Park Jeong-jae cho biết thêm : "Chính trị thời đó rất bất ổn, tình trạng áp bức người dân diễn ra khắp nơi. Hơn nữa, đó cũng là lúc mà rất nhiều người phải sống trong tâm trạng u buồn sau những sự kiện lịch sử bi thảm là thời kỳ thực dân Nhật đô hộ bán đảo Hàn Quốc và chiến tranh Triều Tiên. Có quá nhiều oán hận, vết thương, nỗi khổ chất chứa trong quãng thời gian đó. Và tất cả đã được giãi bày trong “Pumba”."

Nhìn lại ba thập kỷ “Pumba” song hành cùng người dân Hàn Quốc mới thấy thời điểm mà vở kịch này thu hút được đông đảo người xem nhất lại chính là giai đoạn Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn. Bằng cách hát theo diễn viên trên sân khấu, khán giả đã được dịp khóc, cười cùng vận nước. Giám đốc Park Jeong-jae nhận định : "Tôi đã theo dõi vở “Pumba” gần 25 năm và nhận thấy một điều rằng những lúc nó được khán giả đón nhận nhất lại chính là những lúc đất nước gặp khó khăn. Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á đã khiến nền kinh tế Hàn Quốc vô cùng khó khăn, vậy mà khán giả lại đến xem rất đông. Có lẽ vì họ đang khao khát một cái gì tốt đẹp hơn và muốn nhờ vở diễn giải tỏa giúp mọi bức bối chất chứa trong lòng."

Tài liệu đầu tiên ghi chép về Pumba là bài dân ca “Garujigi” có trong tập hát kể chuyện Pansori của tác giả Sin Jae-hyo. Trong bài này, từ “Pumba” không phải là tên người mà là tiếng hô trên nhịp điệu ngắn dài của bài dân ca nhằm tạo sự hứng khởi cho người nghe. Vì thế, cho đến cuối thời kỳ Joseon, nó còn được gọi là "trống miệng". Những tiếng "trống miệng" khi đó là những lời ca đầy ai oán, than thở, diễn tả về nỗi uất ức hay sự phẫn nộ của tầng lớp dân nghèo. Và rồi dần dần, từ lúc nào không biết, từ Pumba đã biến thành một đại từ chỉ những người đi lang thang để xin ăn. Pumba là những người thuộc tầng lớp thấp dưới đáy xã hội, tuy có cuộc sống bần hàn nhưng họ vẫn sống rất ngay thẳng và thể hiện điều đó qua lời ca, tiếng hát của mình. Trong vở “Pumba”, tiếng hát của kẻ ăn mày đã thay cho tiếng lòng của người dân để thốt lên những lời oán than trước hiện thực xã hội.

Vì là ca kịch độc diễn nên trên sân khấu chỉ xuất hiện duy nhất một diễn viên bên cạnh một nghệ sĩ đánh trống. Ngoài việc thể hiện vai chính là Pumba thì người diễn viên đó còn đồng thời xuất hiện trong 15 vai khác như viên tuần cảnh người Nhật và thuộc hạ của hắn ta, ông bố, đàn anh trong nhóm ăn mày, bạn cùng đi ăn mày hay cô hầu. Trong suốt 32 năm qua, đã có tổng cộng 22 diễn viên thủ vai Pumba.

Nguyên mẫu của Pumba là một nhân vật có thật ngoài đời tên là Cheon Jang-geun, sống vào thời Hàn Quốc bị thực dân Nhật đô hộ. Ngày nay, ở thôn Uisan, xã Illo, huyện Muan của tỉnh Nam Jeolla có một bia đá khắc dòng chữ “Nơi phát tích nhân vật Pumba”. Diễn viên Kim Wang-geun, người thủ vai Pumba trong vở “Pumba” đang công diễn tại Sảnh đường nghệ thuật Tưởng tượng, giới thiệu : "Pumba tên thật là Cheon Jang-geun. Vào những năm 1930, bến cảng Mokpo ở phía Tây Nam Hàn Quốc bắt đầu đi vào hoạt động và trở thành nơi thu hút rất đông những người không có công ăn việc làm đến để bốc vác, trong đó có Cheon Jang-geun. Khi nhìn thấy những bao gạo do người dân phải còng lưng để làm ra bị đem cống nạp cho Nhật, ông đã kêu gọi mọi người đình công. Bị thực dân truy nã, ông chạy trốn đến tận thôn Uisan. Khi xảy ra cuộc chiến tranh Triều Tiên, do không chịu hợp tác với quân đội miền Bắc, ông lại tiếp tục phải trải qua nhiều bi kịch, trong đó có nỗi đau mất vợ."

Trong giai đoạn 1951-1960, Cheon Jang-geun đã quy tụ được khoảng 100 người cùng khổ để thành lập Hội thiên sứ với luật định rõ ràng, thưởng phạt nghiêm minh, và đi giúp đỡ bá tánh. Nhiều người tôn sùng ông như một Hong Gil-dong hiện đại của Hàn Quốc (nhân vật tiểu thuyết chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo). Mặc dù đã trải qua biết bao sóng gió của cuộc đời nhưng Cheon Jang-geun vẫn là một người ăn mày sống rất chính trực. Tinh thần này của ông đã được tái hiện chân thực trong vở diễn.

[Nội dung và ý nghĩa sâu sắc của vở “Pumba”] Vở diễn bắt đầu với lời than thở của những kẻ ăn mày trong những ngày mùa đông buốt giá. Với họ thì ngày nào trong năm cũng là mùa đông, khi mà trái tim đã trở nên lạnh lẽo tự lúc nào. Cũng như mọi ngày, Cheon Jang-geun lại lao ra đường đi xin ăn, mong kiếm cho mình một bữa ăn. Khi đến gõ cửa một nhà giàu, mặc dù bị xua đuổi tàn tệ nhưng anh nhất quyết không bỏ đi mà dùng giọng ca và những câu nói truyền cảm của mình để lay động chủ nhà. Kết quả là anh đã nhận được một bữa ăn rất ngon lành. Trái với hình ảnh thường thấy của một kẻ ăn mày lúc nào trông cũng thảm hại, uể oải và sống trong lo sợ, Pumba Cheon Jang-geun luôn luôn vui vẻ, sống ngẩng cao đầu. Chính vì vậy mà nhân vật này dễ dàng nhận được nhiều cảm tình và sự ủng hộ của khán giả.

Rồi thì một kẻ không nhà không cửa, sống cô độc trên đời như Cheon Jang-geun rốt cục cũng lấy được vợ. Một khán giả nữ được mời lên sâu khấu để thủ vai người vợ. Trong khi trên sân khấu, khán giả nữ ngượng chín mặt vì bất đắc dĩ trở thành vợ Pumba thì dưới khán đài, các khán giả còn lại vỗ tay nhiệt tình để chúc phúc cho đôi tân lang tân nương. Và sau đó, cô được yêu cầu phải thể hiện một bài hát thì mới được “tha” cho về chỗ ngồi. Đó là một trong những phân đoạn hiếm hoi mang đến niềm vui cho cả Pumba và khán giả. Thế nhưng, ngay khi Pumba mới vừa được nếm hương vị của hạnh phúc thì cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra và người vợ đã vĩnh viễn ra đi…

Sau cái chết của vợ, Pumba rơi vào tâm trạng thất vọng não nề. Nhưng sau đó, anh đã nhanh chóng sốc lại tinh thần. Anh tập hợp những đứa trẻ mồ côi, những người bị mất thân nhân trong chiến tranh… vào một ngôi làng và đặt tên cho nó là “Thôn Thiên Sứ”. Tại đây, anh đã dạy cho họ cách ăn xin, đồng thời, khơi dậy trong họ niềm khát khao sống. Mặc cho xã hội có thối nát, con người có cao ngạo đến thế nào thì tại ngôi làng mà Pumba Cheon Jang-geun đã tạo dựng, mọi kỷ cương, đạo lý vẫn được giữ gìn và thực thi hết sức nghiêm túc. Dù có là kẻ ăn mày đi chăng nữa thì cũng phải sống cho ngay thẳng. Chính vì thế mà cảnh Pumba xử tội gã ăn xin đã cưỡng hiếp phụ nữ rồi giết người giấu xác được đánh giá là màn kịch hay nhất của vở diễn vì nêu lên được một vấn đề mang tính thời sự. Ở Cheon Jang-geun, chúng ta thấy được một con người luôn coi trọng chính nghĩa và cố gắng sống sao cho chính trực, dù cho mình có đang ở dưới đáy của xã hội.

Nhìn lại mới thấy xã hội lúc Pumba sống có nhiều điểm tương đồng với xã hội hiện tại. Chính vì vậy mà khi nghe tiếng hát mang đầy tâm trạng của anh, không ít khán giả đã nghẹn ngào vì tìm thấy được sự đồng cảm. Điều đó cho thấy, ngoài việc là một người chính trực, Pumba còn là một kẻ ăn xin sống rất có tình. Diễn viên Kim Wang-geun cho biết : "Đoạn thoại cuối cùng của tôi trong vở diễn là như thế này: “Không phải cứ ăn mày thì đói khát, đáng thương và yếu ớt. Hãy nhìn người khác đi! Đã đành rằng ăn mày phải nhún mình để có cái ăn, nhưng cũng có nhiều kẻ khác luồn cúi, nịnh nọt để xin ân huệ. Nhiều người nói dạo này làm gì còn ăn mày, nhưng cuộc sống này vẫn còn nhiều kẻ ăn mày “ăn trên ngồi trốc”, trắng trợn và ngang ngược hơn chúng ta nhiều. Và để vạch trần bộ mặt của những kẻ ăn mày ấy, kẻ ăn mày năm đó vẫn chưa chết và đã trở lại vào những năm 2000."

Giai đoạn mà Pumba sống là lúc quyền lực chi phối nhân quyền, khi mà tiếng hét của kẻ mạnh lấn át tiếng nói của kẻ yếu. Đó cũng là khi người ta vẫn còn mang nặng quan niệm là kẻ yếu thì không được quyền mơ đến việc đổi đời, phải sống trong nỗi oán hận chồng chất và đừng bao giờ nghĩ đến chuyện “lấy trứng chọi đá”. Chính vì vậy mà tiếng hát thể hiện mơ ước về một xã hội công bằng, tốt đẹp của một người ở dưới đáy xã hội như Pumba đã lay động được nhiều trái tim của khán giả. Diễn viên Kim Wang-geun chia sẻ : "Ngày nay, có rất nhiều người thích tỏ ra mình giỏi giang hơn người khác. Hình ảnh của họ sẽ được hiện ra trong vở diễn qua tiếng nói của Pumba, đại diện cho những người thấp cổ bé họng. Và nhờ đó mà thông điệp của vở diễn sẽ càng có thêm sức nặng. Đó là tiếng nói tạo cảm hứng cao nhất được phát ra từ một người có địa vị thấp kém nhất. Vào những lúc Hàn Quốc gặp khó khăn như dạo này thì Pumba đại diện cho cộng đồng kêu gọi mọi người cùng chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Vở diễn nhận được sự đồng cảm lớn từ khán giả về khía cạnh này."

Sau hơn 30 năm công diễn, tuy vở ca kịch độc diễn “Pumba” có một vài thay đổi cho phù hợp với thời đại như bối cảnh sân khấu hay tình tiết, nhưng ý nghĩa và tinh thần của nó thì vẫn được giữ nguyên. Ví dụ nếu như trước đây, vở diễn nói về những kẻ ăn mày hay nạn cường hào thì bây giờ nói về những người vô gia cư và nạn quan liêu… Khán giả đến với “Pumba” không chỉ được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, mà còn được thấy rõ bản thân và xã hội mà mình đang sống cũng như tìm ra nguồn hy vọng cho ngày mai. Một vài khán giả tâm sự : "Vở diễn rất hay và mang đậm tính châm biếm xã hội. Trong lúc xem, có lúc tôi cười thật sảng khoái, cũng có lúc tôi nghẹn ngào xúc động. Bên cạnh đó, việc vở kịch chỉ có mỗi một diễn viên và một nghệ sĩ đánh trống trên sân khấu đã mang đến cho khán giả cảm nhận hết sức mới mẻ. Ngoài ra, tôi còn đồng cảm với “Pumba” ở những phần nói đến tình hình khó khăn của xã hội."

Lựa chọn của ban biên tập