Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Bảo tàng Đa văn hóa, nơi trải nghiệm văn hóa toàn cầu ngay tại Hàn Quốc

2013-08-13



Các du khách nói cười vui vẻ và nhảy múa trong tiếng trống Jembe tại phòng trải nghiệm âm nhạc Châu Phi của Bảo tàng Đa văn hóa. Một du khách chia sẻ: “Tôi lặn lội từ thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon, đến tận đây để tham quan. Những trải nghiệm như thế này thật khó có thể tìm thấy ở nơi khác.”

[Du lịch vòng quanh thế giới với Bảo tàng Đa văn hóa] Vài năm trước, nếu muốn thấy người nước ngoài, người Hàn phải đến những địa điểm du lịch nổi tiếng hay các khu mua sắm. Nhưng điều đó đã thay đổi khi gần đây, mỗi năm đất nước này đón tiếp gần 10 triệu lượt du khách ngoại quốc. Đó là chưa kể đến hơn một triệu người khác đã chọn Hàn Quốc làm nơi sinh sống và học tập. Bây giờ, đi đâu bạn cũng có thể bắt gặp người nước ngoài. Dường như Hàn Quốc đang biến thành một ngôi nhà chung của đủ mọi chủng tộc trên thế giới. “Thế giới” vốn là một cái gì đó rất bao la với rất nhiều điều mới lạ mà con người luôn muốn khám phá. Để phục vụ nhu cầu ấy cũng như tăng cường hiểu biết cho người Hàn về các nền văn hóa khác nhau, nhiều phòng triển lãm hay bảo tàng về đa văn hóa đang mọc lên trên xứ sở Kimchi.



Trên thế giới có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ nên bạn khó mà đến được hết chừng ấy nước. Thay vào đó, tại sao bạn không tìm đến Bảo tàng Đa văn hóa ở phường Bulgwang, quận Eunpyeong, thành phố Seoul, để tìm hiểu và trải nghiệm nhiều điều lý thú về các nền văn hóa khác nhau nhỉ? Ông Kim Yun-tae, giám đốc của bảo tàng này, cho biết: “Bảo tàng Đa văn hóa mang đến cho bạn cơ hội được đi du lịch khắp thế giới. Tuy chưa thể mang 238 quốc gia với những nét văn hóa của họ vào đây nhưng chúng tôi đã cố gắng chọn những gì đặc trưng nhất của các nước và đưa chúng vào những chủ đề cụ thể như búp bê, trang phục... Với các quốc gia có phòng trưng bày riêng, chúng tôi chọn những gì thật tiêu biểu để giới thiệu tới du khách. Đặc biệt, các phòng trải nghiệm là một điểm đến không nên bỏ qua. Khác với các bảo tàng thông thường chỉ làm nhiệm vụ trưng bày và giới thiệu, tại đây chúng tôi có bố trí các phòng trải nghiệm đa dạng về trang phục, ẩm thực hay ca múa.”

Đúng như lời Giám đốc Kim Yun-tae, phần lớn bảo tàng tại Hàn Quốc chưa có các hoạt động trải nghiệm để du khách có thể trực tiếp tham gia và cảm nhận. Thật tuyệt vời khi không phải đến tận một nước nào đó xa xôi thì mới trải nghiệm được văn hóa của họ! Tất cả đều có mặt tại đây, rất tiện lợi để thỏa mãn trí tò mò của bạn. Chính vì lý do đó mà số lượng du khách tìm đến Bảo tàng Đa văn hóa đang ngày một tăng cao. Giám đốc Kim Yun-tae giới thiệu: “Tầng một trưng bày mô hình các công trình tiêu biểu của một số nước như Thánh đường Basil của Nga, thành cổ Troy ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Nhà thờ chính tòa Milano của Ý. Tầng hai có các phòng quốc gia như phòng Trung Quốc, phòng Ai Cập. Tầng ba có các phòng trưng bày theo chủ đề như phòng Venice Ý, phòng tiền tệ, phòng búp bê, phòng nhạc cụ… Tầng bốn có các phòng trải nghiệm, nơi du khách có thể trình diễn thời trang, học nấu các món ăn truyền thống của nhiều nước và các điệu nhảy của người dân Châu Phi. Còn tầng năm là nơi tổ chức các lớp học, hội thảo hay biểu diễn văn nghệ.”



Bước qua cánh cửa mô phỏng cổng thành kiểu Châu Âu của phòng trưng bày ở tầng một, du khách sẽ thấy rất nhiều mô hình thu nhỏ của các di sản văn hóa nổi tiếng ở nước ngoài. Trong đó, nổi bật nhất chính là chú ngựa gỗ thành Troy to cao được đặt ở chính giữa. Tất cả đều toát lên một cảm giác rất “ngoại quốc”. Giám đốc Kim Yun-tae chia sẻ: “Sắp xếp đồ vật trưng bày là một việc rất quan trọng. Nếu để du khách có thể thấy và biết được mọi thứ ngay khi họ vừa đặt chân vào bảo tàng thì chẳng còn gì là thú vị. Thế nên chúng tôi mới làm chú ngựa gỗ cao đến 7-8 mét để du khách phải đi xung quanh và quan sát nó từ nhiều góc độ, sau đó vào bên trong để nhìn ngắm các tác phẩm gốm tinh xảo của Thổ Nhĩ Kỳ và xem một đoạn phim giới thiệu về lịch sử ra đời của chú ngựa này.”. Xung quanh chú ngựa gỗ Troy là tháp Eiffel của Pháp, Kim tự tháp của Ai Cập, tượng Nữ thần tự do của Mỹ hay cung điện Taj Mahal của Ấn độ. Mặc dù chỉ là bản sao thu nhỏ nhưng các mô hình được chế tác hết sức tinh xảo, giống và chân thực đến mức nếu đứng gần chụp ảnh, mọi người sẽ nghĩ rằng bạn đã từng đặt chân đến đó.

Phòng Trung Quốc ở tầng hai chào đón du khách bằng mô hình Vạn Lý Trường Thành cùng khoảng 20 bức tượng binh lính và ngựa bằng đất nung được chôn trong lăng Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Cả phòng trưng bày toát lên một bầu không khí hết sức cổ xưa. Giám đốc Kim Yun-tae cho biết thêm: “Chúng tôi đã phải sang tận Trung Quốc để thuê người làm những bức tượng này. Mỗi bức tượng nặng đến mức năm người trưởng thành cũng không nhấc nổi. Chúng tôi đã phải sử dụng không biết bao nhiêu là container mới có thể nhập chúng về. Để tăng thêm độ chân thực cho Vạn Lý Trường Thành, chúng tôi đã phải sử dụng một loại gạch xưa của Trung Quốc.”

Phòng Thái Lan thì được tô điểm với tượng voi đủ loại cùng vẻ đẹp lung linh của chùa Phật Ngọc. Trong khi đó, phòng Ai Cập lại mang đến một không gian hết sức “khảo cổ học” với cách bố trí như một lăng mộ đang được các nhà khoa học khai quật. Đã lên tầng hai thì du khách không nên bỏ qua gian phòng có gần 50 loại gươm kiếm mang đậm dấu ấn của mỗi nước. Có những thanh trông thì giống nhau nhưng lại khác nhau về kích thước, hoa văn hay cán cầm. Mặc dù là vũ khí nhưng chúng vẫn thể hiện được bản sắc văn hóa của các đất nước xuất thân. Giám đốc Kim Yun-tae cho biết: “Để được mở phòng trưng bày này, chúng tôi đã phải xin phép cơ quan cảnh sát. Ở đây có rất nhiều loại gươm. Đây là gươm đấu bò của Tây Ban Nha. Đây là gươm của Nê-pan, nổi tiếng thế giới về độ bền, có thể chống được cả đạn súng. Còn cây kiếm này dùng để giết gia súc. Nó to và nặng đến nỗi hai người lớn khiêng không nổi. Trên lưỡi kiếm có ghi chỉ cần vung lên một lần là có thể chém đứt đầu hàng loạt con bò hay cừu. Và kia là gươm của người Viking ở Bắc Âu.”



Tiếp theo, chúng ta hãy cùng lên tầng ba. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách khi đặt chân lên tầng ba chính là sự rực rỡ. Phòng Venice Ý nằm ở gần lối vào nhất. Bước vào đây, du khách sẽ bị choáng ngợp trước 68 chiếc mặt nạ được treo kín cả một bức tường, cứ như đang dõi theo từng bước chân của du khách vậy. Giám đốc Kim Yun-tae cho biết: “Mặt nạ Venice chứa dựng những nét văn hóa của Ý. Một bộ trang phục Ý dù đẹp thế nào cũng sẽ bị cho là chưa hoàn thiện nếu thiếu mặt nạ. Nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán Ý mà chúng tôi đã liên lạc được với một trong những cửa hiệu làm mặt nạ lâu đời nhất ở đó và nhập về hầu hết các loại mặt nạ Venice.”

Mỗi chiếc mặt nạ đều mang một vẻ đẹp riêng, đủ để kích thích trí tưởng tượng của du khách đến mức cao nhất. Có cái được tô điểm lung linh bởi nhũ bạc, có cái được sơn nửa màu này nửa màu kia, cái thì trông rất dữ tợn nhưng cuốn hút, cái thì trông thật kiêu sa khi được đính lông chim… Bên cạnh bức tường mặt nạ là một hiện vật rất quen thuộc đối với những ai yêu mến nước Ý, đó là con thuyền Gondola dài 11 mét đã được mang về từ Venice. Ở Hàn Quốc hiện chỉ có duy nhất một con thuyền như vậy. Giám đốc Kim Yun-tae tự hào nói: “Thuyền Gondola là biểu tượng của Venice. Người ta nói rằng ở Venice chỉ còn 100 chiếc Gondola và trong suốt một thế kỷ nay không có con thuyền nào loại này được đóng thêm nữa, mặc dù nhiều chiếc đã bị hư hỏng dần theo năm tháng. Đó là lý do chúng tôi quyết định phải mua gấp con thuyền này và mất thêm nửa năm mới mang nó về được Hàn Quốc. Mua về rồi, chúng tôi lại phải đau đầu với việc mang nó lên tầng ba. Chỗ này tuy hơi hẹp nhưng chỉ cần bước vào, nhìn thấy Gondola là cảm nhận được chất Ý ngay.”

Nằm ở giữa tầng ba, phòng trưng bày hộp nhạc và quả cầu tuyết của các nước cũng như phòng trưng bày tiền tệ, nhạc cụ hay trang phục thu hút du khách mọi lứa tuổi. Đứng giữa bảo tàng mà người ta cảm thấy như mình đang đứng giữa trung tâm văn hóa thế giới.



[Những trải nghiệm thú vị và bổ ích của Bảo tàng Đa văn hóa] Sau một hồi tham quan bảo tàng, giờ là lúc du khách muốn được trực tiếp trải nghiệm những nét độc đáo của các nền văn hóa đa dạng. Hiện bảo tàng đang thực hiện các chương trình trải nghiệm văn hóa của 30 nước. Trưởng phòng Lee Su-min của bảo tàng giải thích: “Ở đây, du khách không chỉ được thưởng lãm vật trưng bày mà còn được trực tiếp trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau trên thế giới với sự hướng dẫn của người bản xứ. Một số nước không có vật trưng bày nhưng vẫn có hướng dẫn viên. Đến đây bất cứ lúc nào, bạn cũng sẽ được người Châu Phi dạy múa, dạy chơi trống Jembe… hoặc được mặc trang phục truyền thống các nước rồi trình diễn thời trang hay học nấu món ăn nước ngoài rồi thưởng thức ngay tại chỗ. Tùy theo mỗi quốc gia mà có những chương trình trải nghiệm khác nhau.”

Bọn trẻ được học cách nấu món ăn Nhật rồi thưởng thức thành quả mà mình đã thực hiện tại phòng trải nghiệm ẩm thực. Còn bây giờ là đến ẩm thực của đảo quốc nằm ở Nam Á Sri Lanka. Du khách đang được chuyên gia ẩm thực Sri Lanka hướng dẫn cách làm bánh Papadum, một món bánh truyền thống có màu vàng nghệ của đất nước này. Bánh mang hình tròn, được rán trong dầu dừa, có vị mằn mặn, cắn vào giòn tan. Hai du khách cảm nhận: “Ôi ngon thật! Buổi học thật thú vị!”

Các hướng dẫn viên ở đây đều có thể giao tiếp với du khách bằng tiếng mẹ đẻ hay tiếng Anh một cách thành thạo. Trong số họ có Amile, người Sri Lanka. Sang Hàn Quốc để học về kỹ thuật nhưng vào những dịp thích hợp, anh vẫn đến bào tàng để làm công việc giới thiệu văn hóa nước mình đến du khách. Amile tâm sự: “Mỗi khi được giới thiệu văn hóa nước mình cho trẻ em, tôi cảm thấy rất vui và cảm nhận mình là một phần của thế giới. Giới thiệu văn hóa nước mình cho người khác cũng là một nét văn hóa. Tôi rất vui nhiều người có thể biết đến đất nước Sri Lanka.”



Không chỉ được trải nghiệm bằng vị giác, du khách sẽ còn có cơ hội được thử nghiệm văn hóa bằng các giác quan khác nữa. Tại phòng trải nghiệm văn hóa Nhật Bản, du khách sẽ được học cách chào cùng các bài hát của đất nước này. Bọn trẻ thì tỏ ra rất thích thú khi được học cách làm con xoay bằng gỗ mà trẻ em bản xứ thường làm vào Tết dương lịch. Tuy khó nhưng ai cũng vui vẻ thực hiện vì được biết thêm một điều mới lạ.

Hai trong số những phòng trải nghiệm được thanh thiếu niên yêu thích nhất là phòng trang phục và phòng âm nhạc Châu Phi. Tại phòng trang phục, du khách sẽ được tha hồ mặc thử các bộ quần áo truyền thống của các nước rồi trở thành những người mẫu và trình diễn với trang phục mà mình đang mặc trên người. Lúc nào cũng rộn ràng, sôi động là phòng âm nhạc Châu Phi, nằm ngay cạnh phòng trang phục. Trưởng phòng Lee Su-min cho biết: “Bảo tàng trong suy nghĩ của nhiều người là một nơi yên tĩnh, du khách phải hết sức trật tự trong quá trình tham quan, nhưng ở đây không như vậy. Dù là người lớn hay trẻ em thì bạn cũng đều được ca hát, nhảy múa theo các hướng dẫn viên Châu Phi. Mọi du khách đều thấy vui khi đến đây.”



Khi nghe những nhịp điệu tự do, phóng khoáng của âm nhạc Châu Phi, không ai bảo ai, mọi du khách đều tự động lắc vai và nhún nhảy theo nhịp nhạc. Một du khách chia sẻ cảm nghĩ về Bảo tàng Đa văn hóa: “Vì không có điều kiện đi du lịch nhiều nước nên khi biết có một nơi trải nghiệm như thế này ở gần là tôi đến ngay. Thật thú vị khi được trực tiếp chạm vào mọi thứ và hiểu biết thêm nhiều điều. Bảo tàng mang đến cho tôi một cảm giác rất gần gũi chứ không xa cách như những nơi khác.”

Đã có lúc sự khác biệt về ngôn ngữ, màu da hay tập quán vô tình tạo ra những vách ngăn giữa các dân tộc với nhau. Nhưng giờ đây, quá trình toàn cầu hóa đang được diễn ra nhanh chóng khắp nơi trên thế giới. Nó góp phần xóa bỏ mọi vách ngăn, giúp các dân tộc hiểu nhau hơn và chấp nhận sự khác biệt. Trên tinh thần đó, Bảo tàng Đa văn hóa là một mô hình đúng đắn và bắt kịp với xu thế. Thế giới quả là rộng lớn, nhưng chỉ cần có ước mơ thì sẽ có ngày chúng ta sẽ đến được chân trời mới. Thế giới cũng có thể nhỏ bé trong lòng bàn tay nếu ta tìm được một nơi tuyệt vời như Bào tàng đa văn hóa.

Lựa chọn của ban biên tập