Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Liên hoan nhạc kịch Seoul 2013

2013-08-20



Ngày 9/8 vừa qua, tại Sảnh đường nghệ thuật Chungmu (Chungmu Art Hall) đã diễn ra đêm gala nhạc kịch dành cho những sinh viên đang ôm ấp giấc mơ trở thành ngôi sao nhạc kịch tương lai của Hàn Quốc. Đêm gala như càng thêm hứng khởi với sự tham gia của hai thành viên nhóm nhạc thần tượng 2PM trong làng giải trí xứ Hàn. Những vở diễn của các nhóm nhạc kịch cũng diễn ra trong bầu không khí hết sức vui tươi và không mang nặng tính thắng thua.

[Những điều chưa biết về Liên hoan nhạc kịch Seoul] Đêm gala chan hòa cảm xúc giữa diễn viên với khán giả vừa rồi là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của Liên hoan nhạc kịch Seoul lần thứ hai năm 2013. Tổng thư ký Liên hoan, ông Oh Jeong-hak, giới thiệu : "Liên hoan nhạc kịch Seoul là kết quả hợp tác giữa Hiệp hội nhạc kịch Hàn Quốc với Sảnh đường nghệ thuật Chungmu nhằm phổ biến loại hình nhạc kịch do Hàn Quốc sáng tác. Có rất nhiều hoạt động đa dạng diễn ra tại Liên hoan mà trọng tâm là chuỗi chương trình hỗ trợ nhạc kịch sáng tác trong nước. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các buổi hội thảo nhằm phân tích tình hình nhạc kịch nước nhà và các sự kiện dành cho quân nhân, sinh viên…"

Với mục đích phát hiện nhân tố mới, hỗ trợ tài năng và mang niềm vui đến cho mọi người, Liên hoan đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng cũng như giới nhạc kịch. Trong đó, hoạt động nhận được sự quan tâm nhiều hơn cả vẫn là chuỗi chương trình hỗ trợ nhạc kịch sáng tác trong nước. Trưởng nhóm Kế hoạch của Liên hoan Lee Ah-ryeong giải thích : "Chuỗi chương trình hỗ trợ này gồm có ba chương trình. Trước hết phải kể đến Lễ trao giải Yegreen (Yegreen Award) nhằm ghi nhận và tôn vinh các vở nhạc kịch trong nước đã và đang công diễn trong năm qua. Thứ hai là chương trình Yegreen Encore có mục tiêu thẩm định, xét chọn những vở nhạc kịch có tiềm năng để tạo điều kiện phát triển. Thứ ba là chương trình Yegreen Fringe, một phiên bản của Yegreen Encore dành cho các đối tượng là sinh viên, nhằm giúp họ được thỏa sức phát huy tài năng. Yegreen Fringe cũng giúp chúng tôi phát hiện được những nhân tố mới để đào tạo về sau. Chúng tôi tổ chức chương trình có lớp lang, trật tự như vậy đều là vì sự phát triển của nền nhạc kịch nước nhà."

Tạo cơ hội để các vở diễn nghiệp dư được ra mắt công chúng và đặt nền móng vững chắc cho nhạc kịch trong nước sáng tác, chương trình Yegreen Fringe đóng vai trò rất quan trọng trong Liên hoan. Năm nay, Yegreen Fringe tiếp tục tự hào là một trong những chương trình thu hút được nhiều khán giả nhất với trên 80% số vé được bán hết. Liên hoan nhạc kịch Seoul là một sân chơi, nơi mọi đoàn nghệ thuật có thể mang tác phẩm của mình lên sân khấu, từ những tác phẩm danh tiếng cho đến những vở diễn còn gặp khó khăn về mặt tài chính, chưa có dịp ra mắt công chúng. Tổng thư ký Oh Jeong-hak cho biết : "Các tác giả có thể nhận được sự trợ giúp từ các chương trình hỗ trợ biểu diễn để thực hiện tác phẩm của mình. Tuy nhiên, cho đến khi nó được chính thức công diễn thì còn phải trải qua nhiều khó khăn, cần rất nhiều tiền bạc và công sức nên chỉ có tâm huyết thôi thì chưa đủ. Chương trình Yegreen Encore hỗ trợ cho các tác giả một khoản kinh phí được trích từ ngân sách quốc gia để thực hiện tác phẩm, bố trí sân khấu để biểu diễn và cuối cùng là giới thiệu đến các nhà sản xuất phù hợp để chế tác vở diễn."

Những đêm công diễn của chương trình Yegreen Encore cũng chính là vòng chung khảo để ban tổ chức xem lại và đánh giá chính xác trước khi quyết định sẽ hỗ trợ cho tác phẩm nào. Trước đó, để được công diễn trong chương trình này, các vở diễn đã phải trải qua quá trình tuyển chọn khắt khe của ban tổ chức Liên hoan. Tổng thư ký Oh Jeong-hak cho biết : "Năm ngoái, có năm tác phẩm lọt vào vòng chung khảo và hai trong số đó được chọn. Đó là “Nữ thần đang dõi theo” và “Hãy bay lên nào, bà Park!”. Đầu năm nay, hai vở đã nhận được kinh phí hỗ trợ, chọn được sân khấu biểu diễn, gặp được nhà sản xuất và chính thức ra mắt khán giả. May mắn là cả hai đều rất thành công và nhận được những phản hồi tốt từ người xem. Những kết quả khả quan này đã tiếp thêm sự tự tin cho nhiều tác giả."

Vào những năm 1990, “nhạc kịch” vẫn còn là một cái gì đó rất xa lạ với người Hàn. Nhưng mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn kể từ năm 2001, khi công chúng được tiếp xúc với một vở diễn vô cùng ấn tượng. Tổng thư ký Oh Jeong-hak kể lại : "Ngành công nghiệp nhạc kịch Hàn Quốc bắt đầu được tìm chỗ vững chắc từ năm 2001, sau thành công vang dội của vở nhạc kịch “Bóng ma trong nhà hát”. Vở diễn được yêu mến đến nỗi đã phải công diễn liên tục trong tám tháng trời. Từ đó, nhạc kịch trong mắt công chúng là sự thú vị, còn trong mắt các nhà đầu tư là lợi nhuận. Kể từ đó cho đến nay, thị trường nhạc kịch đều đặn tăng trưởng 20% mỗi năm."

Quy mô thị trường nhạc kịch của Hàn Quốc năm ngoái đã lên đến con số gần 300 tỷ won (tương đương 270 triệu USD). Mỗi năm, ở Hàn Quốc có khoảng 150 vở diễn ra mắt công chúng, tương đương với số lượng phim điện ảnh được thực hiện. Đáng mừng hơn cả là gần đây, tỷ lệ khán giả mua vé xem nhạc kịch luôn chiếm trên 80% số lượng chỗ ngồi và ngày càng có nhiều vở đạt được mức doanh thu kỷ lục. Tổng thư ký Oh Jeong-hak chia sẻ : "Số lượng vở diễn của Hàn Quốc nhiều tương đương với sân khấu Broadway của Mỹ và West End của Anh. Trong tổng số khoảng 150 vở thì có từ 100 đến 120 vở là nhạc kịch sáng tác trong nước. Thế nhưng, trên thực tế, doanh thu của các vở mua bản quyền nước ngoài lại cao hơn nhiều so với các vở trong nước. Nên cho dù có dàn dựng nhiều vở diễn đi chăng nữa thì cũng khó có thể bắt kịp các vở đó về mặt doanh thu."

Trong những năm gần đây, có khá nhiều tác phẩm nhạc kịch trong nước sáng tác thành công. Có thể kể đến như “Hãy đến bên thiếp lặng lẽ”, “Nữ thần đang dõi theo” hay “Những ngày ấy”. Mặc dù vậy, chúng vẫn khó có thể cạnh tranh lại với những tác phẩm nhạc kịch nước ngoài nổi tiếng được mua bản quyền về dàn dựng. Vì lẽ đó mà những sân chơi như Liên hoan nhạc kịch Seoul rất có ý nghĩa đối với các tác giả nhạc kịch Hàn Quốc. Tác giả Jeon Mi-hyun của vở “Gia đình hoàng tộc cuối cùng” cho biết : "Nhiều vở nhạc kịch đoạt giải ở các cuộc thi nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc công diễn định kỳ. Tôi rất thích Liên hoan này vì nó tạo điều kiện để chúng tôi vượt qua những khó khăn ấy. Tôi rất vui vì ngày càng xuất hiện nhiều vở nhạc kịch sáng tạo và hy vọng là tất cả đều thành công." Còn sau đây là chia sẻ từ nhạc sĩ Jo Mi-yeon cũng của vở diễn này : "Tôi cảm thấy vô cùng ý nghĩa khi trong quá trình chuẩn bị cho Liên hoan đã nhận được nhiều sự giúp đỡ quý báu từ những người có tên tuổi trong làng nhạc kịch. Càng ý nghĩa hơn khi được tham dự vào một sân chơi có thể “biến” tác phẩm mình thành hiện thực như thế này."


[Những vở nhạc kịch đặc sắc tham gia chương trình Yegreen Encore] Năm nay, có bốn tác phẩm lọt vào vòng chung khảo của chương trình Yegreen Encore là “Tin tức nóng trong đời tôi”, “Gia đình hoàng tộc cuối cùng”, “Sông trăng” và “Jugeuli Useuli”. Trong ngày đầu tiên của chương trình, khán giả đã được thưởng thức vở “Tin tức nóng trong đời tôi”. Đây là lần thứ hai vở được công diễn sau lần ra mắt năm ngoái tại Liên hoan nhạc kịch quốc tế Daegu. Kim Kyung-ho, tác giả của vở diễn, cho biết : "Vở diễn hài hước lãng mạn này nói về thực trạng tìm việc làm khó khăn của thanh niên Hàn Quốc trong độ tuổi 20, 30 cùng đời sống tình cảm của họ. Xin việc khó khăn đang là một vấn đề gây đau đầu cho bộ phận thanh niên này. Cũng vì nó mà họ phải trì hoãn chuyện yêu đương hay kết hôn. Do đề tài có vẻ khô khan nên chúng tôi đã lồng ghép yếu tố hài hước, lãng mạn vào để vở diễn dễ tiếp cận với khán giả hơn. Thông điệp của vở diễn là mỗi người trong chúng ta đều là nhân vật chính của đời mình, phải biết cố gắng và chống chọi với mọi khó khăn để rồi từ đó khám phá được bản thân."

Ra mắt công chúng trong ngày thứ hai của chương trình Yegreen Encore là vở “Gia đình hoàng tộc cuối cùng”. Lấy bối cảnh năm 1888, vở nhạc kịch lịch sử hư cấu này mang đến cho khán giả một bầu không khí tưởng tượng vô cùng độc đáo, dựa trên câu chuyện về vua Sunjong (Thuần Tông), cha ông là vua Gojong (Cao Tông) và mẹ ông là hoàng hậu Myeongseong (Minh Thành). Tác giả Jeon Mi-hyun giới thiệu : "Vở nhạc kịch hư cấu hài hước nói về quá trình trưởng thành của vua Sunjong sau khi bỏ nhà đi, gia nhập gánh diễn rồi trải qua vui buồn cùng bọn họ. Chúng tôi cũng tưởng tượng quá trình sáng tác bài quốc ca đầu tiên của triều đại Joseon. Diễn tiến kịch là sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại với các nhân vật đại diện cho những người đang sống trong thời đại ngày nay. Có một số tình tiết thú vị như việc các thái giám liên lạc với nhau qua mạng xã hội hay băng đảng bụi đời của vua Sunjong tranh tài cao thấp với các băng nhóm khác…"

Việc để cho vua Sunjong bỏ nhà đi và gia nhập vào một băng nhóm sống đầu đường xó chợ cũng đủ để thu hút sự hiếu kỳ của khán giả. Đã vậy, tác giả còn đưa yếu tố mạng xã hội vào nội dung lịch sử. Điều này khiến cho không ít khán giả phải bật cười thích thú. Một khán giả cảm nhận : "Tôi đặc biệt chú ý đến tình tiết các nhân vật sử dụng mạng xã hội. Vì là sinh viên ngành tiếng Trung nên tôi rất hiểu nỗi vất vả của việc viết chữ Hán trên bàn phím máy vi tính. Vậy mà các diễn viên vẫn làm rất tốt, thậm chí còn vừa đánh máy vừa nhảy múa nữa. Thật thú vị!"

Trong ngày thứ ba của chương trình, khán giả được thưởng thức “Sông trăng”, một vở nhạc kịch vẽ nên bức tranh trưởng thành của một cô bé mồ côi, lớn lên trong sự bao bọc của bà, và một cậu bé bị tật nguyền. Seong Jong-wan, đạo diễn của vở nhạc kịch, giới thiệu : "Vở diễn bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa một cậu bé ngồi xe lăn sống ở ven sông với một cô bé côi cút cũng sống cùng bà ở đây. Hai đứa trẻ cùng những người nuôi nấng chúng đều mang trong mình những vết thương. Xoa dịu vết thương, gặp gỡ và cảm thông là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm đến khán giả."

Trong ngày cuối cùng của chương trình Yegreen Encore, khán giả được xem vở “Jugeuli Useuli” kể về các thần chết và vai trò của họ trong xã hội hiện đại. Choi Do-won, đạo diễn của vở nhạc kịch, cho biết : "“Jugeuli Useuli” vốn là tên của hai ngôi làng, là “làng Jugeu và làng Useu” nhưng trong tiếng Hàn, hai từ này khi đọc lên có thể hiểu là “Ngươi muốn chết hay muốn cười?”. Vở diễn nói về cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các thần chết xem ai có thể mang về âm ty được nhiều linh hồn người chết nhất trong bối cảnh con người ngày càng sống lâu hơn. Để nâng cao thành tích, họ đã không từ mọi thủ đoạn, từ lôi kéo tự sát cho đến gây ra tai nạn."

Bốn vở diễn, vở nào cũng xuất sắc, khiến cho hội đồng tuyển chọn phải rất đau đầu trong việc đưa ra kết qua cuối cùng. Sau tám ngày hoạt động sôi nổi, trong đêm bế mạc Liên hoan nhạc kịch Seoul 2013 hôm 12/8, vở “Gia đình hoàng tộc cuối cùng” đã được trao giải Tác phẩm xuất sắc nhất, theo sau là vở “Jugeuli Useuli”. Hai vở diễn này sẽ nhận được sự hỗ trợ về tài chính và địa điểm biểu diễn từ phía ban tổ chức Liên hoan và sẽ sớm được công diễn thường xuyên để phục vụ công chúng. Cũng nhân dịp này, ban tổ chức đã lập một quyển danh bạ giới thiệu về nhạc kịch Hàn Quốc mang tên “Danh bạ thị trường nhạc kịch Seoul 2013” nhằm tạo nền móng và giúp cho nhạc kịch xứ sở kimchi tiến ra thị trường thế giới.

Nhờ sự hỗ trợ tận lực từ phía những người làm quản lý và sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng như tại Liên hoan nhạc kịch Seoul mà nhạc kịch Hàn Quốc ngày càng có được vị thế vững chắc trong lĩnh vực nghệ thuật nước nhà. Xa hơn nữa, nhiều người còn lạc quan cho rằng không bao lâu nữa, nhạc kịch Hàn Quốc sẽ còn vươn ra khắp toàn cầu.

Lựa chọn của ban biên tập