Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Trải nghiệm đời sống quân ngũ, cơ hội khắc phục giới hạn của chính bản thân

2013-08-27



Sáng ngày 15/8, 56 em học sinh trung học cơ sở đã tập trung trước Văn phòng quận Seongbuk, thành phố Seoul, để chuẩn bị tham gia trại hè quân đội “Yêu tổ quốc”. Hoạt động này diễn ra trong hai ngày một đêm với mục đích giúp người tham gia trải nghiệm cuộc sống quân ngũ tại một đơn vị quân đội mang tên “Baekdusan – Núi Baekdu” đồn trú tại huyện Inje, tỉnh Gangwon. Trước giờ xuất phát, các em khẳng khái giơ cao nắm tay và hô to khẩu hiệu “Thử thách!” Đội trưởng Um Hong-gil, một vận động viên leo núi nổi tiếng của Hàn Quốc, cho biết : "Chúng ta phải biết yêu Tổ quốc vì có Tổ quốc thì mới có chúng ta và cũng nhờ Tổ quốc mà chúng ta mới được sống ấm no, hạnh phúc. Thông qua những chương trình trải nghiệm cuộc sống quân ngũ như thế này, các em học sinh mới phần nào hiểu được văn hóa quân đội, đồng thời có cái nhìn và cảm nhận mới mẻ hơn về nó. Nơi chúng tôi sẽ đến là một trong những địa điểm tiếp giáp gần nhất với Bắc Triều Tiên. Trong bối cảnh hai miền Nam-Bắc đang bị chia cắt, các em cần trao đổi về tương lai đất nước, nâng cao nhận thức về an ninh quốc gia cũng như mong mỏi đất nước được thống nhất."

[Đôi nét về văn hóa quân đội tại Hàn Quốc] Hàn Quốc áp dụng chế độ quân dịch bắt buộc đối với mọi nam thanh niên từ 18 đến 35 tuổi. Quy định này được ghi trong Điều 39 của Hiếp Pháp Hàn Quốc như một nghĩa vụ cơ bản của mỗi công dân, đặc biệt là trong bối cảnh hai miền Nam-Bắc vẫn ở trong trạng thái chiến tranh trên danh nghĩa. Do đó, hầu như người đàn ông Hàn Quốc nào đều đã, đang và sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chính vì lý do này, “đời sống quân ngũ” đã trở thành đề tài trò chuyện “truyền thống” của các chàng trai và chủ đề tán gẫu của các cô gái, những người không phải thực hiện nghĩa vụ này. Ngoài ra, ngày càng có nhiều các chương trình trải nghiệm đời sống quân ngũ dành cho thanh thiếu niên để các em bước đầu tìm hiểu về cái gọi là “văn hóa quân đội” đang ăn sâu vào đời sống của người dân nước mình.

Gần đây, có rất nhiều chương trình truyền hình khai thác chủ đề đời sống quân ngũ. Thông qua đó, khán giả có cơ hội được hiểu và quan tâm hơn về thực tế bên trong doanh trại quân đội cũng như những sinh hoạt hàng ngày của người lính. Quân đội không còn là một nơi khô khan, nghiêm khắc và đáng sợ như trong suy nghĩ của nhiều người. Ngày nay, đó là nơi để thanh niên học tập đạo nghĩa, khắc phục hạn chế của bản thân và nuôi dưỡng sự tự tin. Nhà phê bình văn hóa Kim Gap-su cho biết : "Trước đây, nhiều nam giới sau khi đi nghĩa vụ về đều không muốn nhắc đến hai chữ “quân đội”. Nữ giới thì lại càng không quan tâm. Nhưng dạo này, văn hóa quân ngũ đang trở thành đề tài thú vị đến mức có thể trở thành một xu thế sống hay một khuynh hướng thời trang. Nắm bắt được nhu cầu xã hội, nhiều chương trình trải nghiệm đời sống quân ngũ phong phú và đặc thù đã ra đời, hứa hẹn mang đến cho người tham gia những điều đặc biệt không thể trải nghiệm ở các nơi khác."

Số lượng quân nhân nữ và Hàn kiều ở nước ngoài tự nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự đang tăng cao tại Hàn Quốc trong những năm gần đây. Cụ thể là trong bảy năm gần đây đã có trên 1.000 Hàn kiều có quyền công dân ở nước ngoài tự lựa chọn nhập ngũ. Trong khi đó, số lượng nữ sĩ quan cũng đã tăng 6% trên tổng số sĩ quan của nước này với 8.448 người. Tỷ lệ cạnh tranh vào được các trường sĩ quan đối với học sinh nữ thường lên tới 1 chọi 30. Vậy đâu là sức hút khiến nhiều người chen chân vào quân đội như thế? Nhà phê bình Kim Gap-su giải thích : "Khi nói đến quân nhân, người Mỹ thường liên tưởng đến hình ảnh những anh chàng cao bồi, mà nói đúng hơn là hình ảnh một anh chàng khỏe mạnh, nam tính. Văn hóa sống của giới trẻ ngày nay rất linh hoạt và giàu tính sáng tạo nhưng nó cũng khiến cho họ trở nên yếu đuối. Trai tráng bây giờ không còn mạnh mẽ như mẫu đàn ông truyền thống mà các cô gái vẫn mơ tưởng. Nhưng điều này vẫn còn hiện diện trong quân đội, nơi mà bạn vẫn thấy được sự rắn rỏi, mạnh mẽ của những người đàn ông."

Thông qua những bài tập khó nhọc, thể lực của người lính sẽ được tăng cường gấp bội. Và khi thể lực tăng thì sự tự tin cũng tăng theo. Tinh thần đồng đội khăng khít giữa những người lính với nhau là điều rất cần thiết trong quá trình này. Nhà phê bình Kim Gap-su cho biết : "Một trong những giá trị sống được xã hội phương Tây coi trọng nhất là sự liên kết. Trong xã hội Hàn Quốc, nó là một điều rất hiển nhiên. Tuy nhiên, sự liên kết mà người Hàn coi trọng chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình. Trong khi đó, quân đội lại rất đề cao mối dây liên kết giữa những người chưa từng quen biết nhau. Mặc dù giữa họ có sự phân chia về cấp bậc nhưng trên hết vẫn là sự gắn kết giữa đồng đội với nhau. Lúc nhỏ, khi gặp phải khó khăn, ta thường tìm cách lảng tránh. Ở trong quân đội thì không như vậy. Mỗi người cần phải cố gắng hơn, dù chỉ là một chút thôi. Đó là ưu điểm của văn hóa tập thể." Chỉ có những ai đã từng trải qua thì mới cảm nhận được hết những ưu điểm của đời sống quân ngũ. Và nó sẽ trở thành những ký ức khó quên mà người lính mang theo khi trở lại đời thường.

Bây giờ chúng ta hãy cùng ghé vào một cửa hàng chuyên bán quân trang quân dụng. Một cửa hàng như thế này là nơi để các khách hàng nam đến để nhớ lại một thời quân ngũ, còn các khách hàng nữ thì tìm kiếm cho mình ít phụ kiện thời trang cho hợp mốt. Một khách hàng nam chia sẻ : "Nhiều chương trình truyền hình gần đây khiến tôi nhớ về quãng thời gian mình nhập ngũ. Tôi đang định mua vài chiếc áo phông quân đội về mặc và chiếc hộp cơm quân đội này để nấu mỳ tôm. Nhìn mấy thứ này tôi nhớ thời đi nghĩa vụ quá. Hồi đó, tôi ngán ngẫm nhất là mỗi lần phải ăn bánh quy khô, nấu mỳ tôm trong cái hộp này hay lăn lê bò trườn, nhưng bây giờ lại thấy nhớ. Mặc những bộ quần áo giả quân phục khiến tôi thấy thoải mái, bất kể là ngồi, nằm hay di chuyển đến bất cứ đâu."



[Chương trình trại hè quân đội “Yêu tổ quốc”] Trở lại với các em học sinh của trại hè “Yêu tổ quốc”, hiện các em đã đến sư đoàn lục quân 12. Khi vừa đặt chân tới đây, các em đã được đón tiếp hết sức nồng nhiệt. Thanh tra giáo dục Son Young-hee ở Ban hỗ trợ giáo dục trung học cơ sở thuộc Phòng giáo dục quận Seongbuk cho biết : "Chương trình là kết quả hợp tác của Quỹ nhân văn Um Hong-gil, Văn phòng quận Gangbuk và Phòng giáo dục quận Seongbuk nhằm nâng cao tinh thần vượt qua thử thách của các em học sinh. Đây là một hoạt động trong chuỗi các chương trình trải nghiệm mà chúng tôi đang tổ chức, trong đó có leo núi, tập làm du kích hay chèo thuyền vượt thác. Ngày nay, nhiều học sinh đang dần đánh mất đi tình yêu quê hương và cộng đồng. Thông qua chương trình trải nghiệm đời sống quân ngũ, chúng tôi hy vọng các em tìm lại được bản thân."

Vừa thưởng thức các tiết mục văn nghệ chào mừng, các thiếu niên 14 tuổi này vừa hân hoan mường tượng đến hai ngày trải nghiệm mà mình sắp đón nhận. Một em chia sẻ : "Em đang rất hồi hộp và háo hức. Tuy là vẫn lo lắng không biết mình sẽ phải làm gì, nhưng em quyết tâm tham gia trại thật tốt và trở thành một người đàn ông đích thực." Hai ngày sắp tới sẽ không hề giống với bất cứ ngày nào mà các em từng được trải qua dưới sự bao bọc của bố mẹ hay sự bảo vệ của thày cô từ nhỏ đến nay. Từ giờ, các em sẽ phải làm quen với sinh hoạt tập thể và trở thành những quân nhân thực thụ với nhiệm vụ đầu tiên chính là giữ gìn bí mật quốc gia. Thượng sĩ Choi Mun-shin hướng dẫn : "Trước mặt các em là tờ cam kết giữ gìn bí mật quốc gia mà bất cứ quân nhân nào cũng phải tuân thủ trong thời gian nhập ngũ. Trong quân đội, mọi quy định, luật lệ được xây dựng rõ ràng như vậy. Cấm quay phim, chụp hình. Mọi thứ mắt thấy, tai nghe tại đây đều không được tiết lộ ra ngoài vì chúng là bí mật quân sự của đất nước. Các em xem qua rồi ký tên vào, nhớ điền đầy đủ!"

Tiếp theo, các em sẽ được Thiếu úy Kim Ye-seon dẫn đến nơi ở của quân nhân, nơi mà từ trước đến giờ các em chỉ được biết qua truyền hình. Tại đây, các em được chỉ dẫn cách sinh hoạt rồi tiến hành chọn ra các phân đội trưởng, người sẽ chịu trách nhiệm mọi thứ về phân đội của mình trong suốt trại hè. Chọn xong phân đội trưởng, các em lật đật thay quân phục. Bây giờ thì nhìn em học sinh nào cũng ra dáng quân nhân lắm rồi.

Giờ ăn trưa đã đến. Các em trật tự nhận phần thức ăn của mình và dùng bữa. Không giống như bữa ăn trong trường học, ở đây, trước khi ăn, tất cả quân nhân phải cùng nhau nguyện cầu cảm ơn toàn dân và bố mẹ. Bữa ăn đầu tiên mà các em được thưởng thức là “Gundaeria”, ghép từ “gundae” có nghĩa là “quân đội” và “-ria” trong thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng “Lotteria”. Từ ghép này dùng để ví von một bữa ăn quân đội với món chính là bánh mỳ hamburger. Nổi bật trên khay thức ăn là một miếng bánh to kẹp thịt băm và rau diếp, ăn kèm với nước sốt. Thức ăn nhanh như hamburger thì đã quá quen thuộc với thanh thiếu niên. Nhưng hương vị của bữa ăn này hẳn sẽ rất đặc biệt và để lại dư vị lâu dài cho nhiều em. Sau bữa ăn, các em được yêu cầu phải tự rửa sạch khay và muỗng đũa. Công việc rất đỗi bình thường mà các em đôi khi làm ở nhà giờ bỗng trở nên khó khăn hơn khi thực hiện dưới sự đánh giá của cấp trên. Khi làm điều tưởng chừng như rất dễ này, nhiều em chợt nhớ đến nỗi vất vả của bố mẹ.

Bây giờ, các em sẽ phải nhanh chân tập trung về Địa đạo số 4, một trong bốn địa đạo mà quân đội Bắc Triều Tiên đã đào để tấn công Hàn Quốc. Đây cũng chính là nơi tiến hành lớp dạy về an ninh quốc gia. Bước chân vào đây, các em mới hiểu được địa đạo sâu hun hút và tối âm u như thế nào. Địa đạo số 4 này còn khiến các em ngạc nhiên về mức độ hoành tráng. Một em cảm nhận : "Lần nào đến đây em cũng ớn lạnh với ý đồ xâm nhập Hàn Quốc của quân đội Bắc Triều Tiên. Em luôn biết ơn những người lính đã canh giữ nơi này. Nghĩ đến miền Bắc khiến em thêm trân trọng đất nước mình."

Nhờ quá trình trải nghiệm đời sống quân ngũ, các em học sinh đã càng thêm yêu thương đất nước, dân tộc và những người đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên cho toàn dân. Mặc dù đã có những cảm nhận tốt đẹp về quân đội thông qua các bài báo, phóng sự, chương trình trải nghiệm hay phim ảnh nhưng khi có trải nghiệm thực tế, các em mới thấu hiểu được tình yêu quê hương đất nước của người lính. Binh nhất Jo Hyuk-jun chia sẻ : "Người bình thường khó mà hiểu được tâm tư, cuộc sống của quân nhân. Nên tôi nghĩ rằng việc các đài thực hiện nhiều chương trình liên quan đến văn hóa quân đội hay các chương trình trải nghiệm thực tế để giúp nhiều người hiểu thêm về nó là rất hữu ích. Chương trình trải nghiệm này giúp các em bước đầu hiểu về cách sống và tập luyện có quy tắc, về việc bảo vệ an ninh quốc gia. Đối với các em nữ thì đây là những trải nghiệm khó quên, còn đối với các em nam thì là những hình dung cơ bản để biết mà chuẩn bị cho việc nhập ngũ sau này."

Đã qua rồi cái thời khi nghĩ đến quân đội, người ta liên tưởng đến những khó khăn, vất vả. Quân đội Hàn Quốc ngày nay được trang bị nhiều cơ sở vật chất hiện đại, mang đến sự thoải mái trong sinh hoạt. Vật chất có thể thay đổi theo thời gian nhưng quân đội Hàn Quốc vẫn giữ được cái cốt lõi tinh thần của mình. Đó vẫn là nơi người lính có thể sẻ chia tình cảm đồng đội sâu đậm cùng những đạo lý sống sâu sắc. Đó vẫn là nơi con người có thể thách thức giới hạn của bản thân. Thật đáng mừng là ngày càng có nhiều người muốn được tìm hiểu về văn hóa sống trong quân ngũ bằng việc thử khoác lên mình bộ quân phục, ăn một bữa cơm tại doanh trại hay tham dự các khóa huấn luyện rút gọn. Tuy thời gian trải nghiệm thật ngắn ngủi, nhưng họ đã thu lượm được rất nhiều điều đáng giá và trên hết là thấy mình trưởng thành hơn lên.

Lựa chọn của ban biên tập