Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Thời đại của những người Hàn cao tuổi trẻ trung, năng động

2013-09-17



[Những “lão niên đẹp như hoa”]Thứ Bảy ngày 4/9, tại giảng đường của bệnh viện Đại học Korea ở quận Guro, thành phố Seoul, các bệnh nhân cùng người thân của họ ở đủ mọi lứa tuổi cũng như không ít các y bác sĩ đã cùng say sưa theo những giai điệu mang âm hưởng xa xưa. Đáng ngạc nhiên là các nghệ sĩ trình tấu cũng đều là những người đã và đang bước sang tuổi thất thập cổ lai hy. Họ là thành viên của dàn nhạc giao hưởng Senior Pops. Mặc dù tuổi cao, nhưng nhờ tài năng được tôi luyện trong suốt 50 năm và nhiệt huyết nghệ thuật, họ đã tạo ra những giai điệu làm lay động tất cả người xem. Một khán giả chia sẻ: “Tôi đã học được nhiều điều khi được xem một buổi diễn với những nghệ sĩ nhiều tuổi mà vẫn tích cực hoạt động văn nghệ như thế này. Tôi thấy mình như vui vẻ, phấn khởi hẳn ra, còn bầu không khí tại bệnh viện thì cũng trở nên nhẹ nhõm hơn.”

Ở cái tuổi xế chiều như vậy mà những nghệ sĩ này vẫn tràn đầy nhiệt huyết, một điều mà không phải bất cứ thanh niên nào cũng có được. Họ liên tục cống hiến sức mình cho xã hội và tự gọi mình là “những ông bà già năng động”. Giám đốc Jo Yeon-mi từ Trung tâm nghiên cứu công việc và cuộc sống của người cao tuổi cho biết: “Thế hệ người cao tuổi ngày nay thật khác xa so với trước kia. Nếu như trước kia người cao tuổi chỉ nghĩ đến việc được con cháu phụng dưỡng thì ngày nay, họ luôn tự nhủ mình phải sống tích cực và có trách nhiệm với bản thân. Đó vừa là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội mới đối với họ. Những người cao tuổi ngày nay được sinh ra vào thời điểm Hàn Quốc trải qua nhiều biến động như: tỷ lệ sinh bùng phát, bệnh tật phát sinh, xe ô tô ồ ạt ra đời, ngành công nghiệp được tái cơ cấu… Họ đã trở thành đối tượng “được” và “bị” hưởng tất cả những điều đó. Họ cũng chính là tác nhân tạo ra những mảng văn hóa mà vốn dĩ Hàn Quốc không có. Chính vì vậy, khi nói về những người sinh trưởng trong giai đoạn này, người ta thường gọi họ là “người cao tuổi năng động” thay vì đơn thuần là “người già”.”

Đã qua rồi cái thời người cao tuổi phải sống thụ động nhờ vào đồng lương hưu hay tiền tiêu vặt mà con cái biếu. Người cao tuổi ngày càng có xu hướng sống tích cực và tham gia vào hầu hết các hoạt động xã hội, đồng thời cũng quan tâm nhiều đến vẻ bề ngoài, sức khỏe cũng như nhu cầu giải trí. Giám đốc Jo Yeon-mi nói thêm: “Cùng với quá trình công nghiệp hóa, vai trò của người cao tuổi Hàn Quốc dần trở nên đa dạng hơn trên mọi lĩnh vực. Dấu ấn của họ hiện diện ở khắp nơi, từ khởi nghiệp kinh doanh đến quay lại làm việc sau khi đã nghỉ hưu, những điều mà nhiều người trước đây không bao giờ nghĩ tới. Ngoài ra, họ còn đóng vai trò chủ lực trong các hoạt động tình nguyện hay công tác xã hội. Đó là chưa kể đến những người đang từng bước viết tiếp giấc mơ mà lúc trẻ mình chưa thể thực hiện. Những người cao tuổi năng động cũng là thế hệ thích hợp để thực hiện nền kinh tế sáng tạo mà Chính phủ đương nhiệm đang theo đuổi.”

Bất cứ nơi nào có thể bộc lộ hết được nhiệt huyết, sức sống và tài năng của mình thì những người cao tuổi năng động đều tìm đến để học hỏi, tham gia cũng như thể hiện. Nếu như hồi trước, người Hàn hay dùng từ “Ggotminam” (con trai đẹp như hoa) để chỉ những anh chàng đẹp trai, thì giờ đây họ còn dùng thêm từ “Ggotjungnyeon”(trung niên đẹp như hoa) để chỉ những người trung niên thanh lịch và từ “Ggotnonyeon” (lão niên đẹp như hoa) để chỉ những người cao tuổi đẹp lão.

[Những ông bà cụ ham học hỏi]Chúng ta đang có mặt tại lớp dạy làm đồ gỗ thủ công của Nhà văn hóa phụ nữ quận Songpa, Seoul. Khoảng 20 người cao tuổi đang bào, cưa hoặc dùng giấy ráp đánh bóng gỗ... Họ đang cặm cụi làm ra nhiều vật phẩm khác nhau. Một trong số họ cho biết: “Tôi đang sửa lại cái thớt. Do đã dùng quá lâu nên gỗ bị thấm nước, hỏng hết cả. Tôi cũng gọt cho mặt thớt bằng phẳng trở lại. Nếu có thể tái sử dụng những món đồ cũ thì thật là tuyệt, đúng không nào? Và những việc như thế này thì phải tự tay làm mới thấy thú vị.”

Những thứ mà họ đang làm có thể là một chiếc thớt để tặng vợ, cũng có thể là một chiếc bàn để đặt trong phòng khách. Mọi thứ vẫn còn chưa thành hình, nhưng chẳng mấy chốc sẽ hoàn thiện sau vài ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt bào, cưa, đẽo, gọt. Lắm lúc, họ thấy đau nhức xương cốt vì dù sao tuổi cũng đã cao, lại hoạt động tích cực, nhưng điều đó không chiến thắng được lòng nhiệt huyết trong họ. Vậy nên từ hôm mở lớp tới giờ, vẫn chưa có một ai xin nghỉ học giữa chừng. Nghệ nhân phụ trách lớp Choi Gwang-cheol chia sẻ: “Ở đây có các lớp sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Đây là lớp sơ cấp với khoảng 20 học viên. Ở một số khóa học môn khác, cứ sau một tuần hay một tháng thì lại có học viên xin nghỉ, ai siêng năng lắm thì học được ba tháng. Nhưng từ ngày nhận lớp này đến giờ đã được sáu tháng mà tôi chưa thấy có trường hợp nào xin thôi học. Quả là một thành tích rất đáng khen ngợi.”



Chỉ hai buổi học mỗi tuần, công việc làm đồ gỗ không đòi hỏi kiến thức hay kỹ năng gì quá lớn lao, chỉ cần có lòng kiên trì là sẽ hoàn thành được lớp học. Không những thế, công việc làm đồ gỗ còn giúp họ khuây khỏa nỗi hụt hẫng khi về hưu sau biết bao năm làm việc. Một học viên cho biết:“Tôi đã 58 tuổi và vừa mới nghỉ hưu. Trong lúc rảnh rỗi, tôi nghĩ : “Hay là mình làm một việc gì đó có ích để khuây khỏa tuổi già ?” Đúng lúc đó thì tôi biết được các lớp dạy nghề dành cho người cao tuổi nên đăng ký theo học suốt nửa năm qua. Đến đây học, tôi thấy rất vui và học hỏi được nhiều điều. Tôi với mấy ông bạn thường hay nói đến việc về quê tự cất nhà để sống và chúng tôi đang chuẩn bị cho dự định đó. Tôi xem nó như là cuộc sống thứ hai của mình. Thật thích thú khi tự mình cất nhà và làm đủ mọi vật dụng mà không cần phải vay mượn tiền từ ai hết.”

Có một học viên nữ đã 61 tuổi mà vẫn nhiệt tình tham gia lớp học không kém bất cứ cụ ông nào. Đó là bà Seong Hyeon-suk. Hầu như mọi thứ đồ gỗ lặt vặt trong nhà đều do chính tay bà làm ra. Bà khéo tay đến nỗi cô con gái sắp kết hôn đã nhờ bà làm giúp một vài món đồ cho gia đình mới. Bà vui vẻ chia sẻ: “Tôi đang làm một bộ bàn sa-lông. Tôi thích cái cảm giác tự mình làm ra nó. Thật ý nghĩa biết bao. Học cái này chẳng khó chút nào. Dễ là đằng khác! Ở nhà cứ thiếu vật dụng nào là tôi làm vật dụng đó, rồi chỉnh sửa cho nhà cửa sáng sủa hơn. Ban đầu, mấy đứa con còn nghi ngờ khả năng của tôi nhưng giờ thì khác rồi. Con gái lớn của tôi sắp lấy chồng. Nó cũng nhờ tôi làm vài món đồ cho gia đình mới. Các con tôi đều ủng hộ khi thấy tôi muốn làm gì đó khi đã về hưu. Mình còn khỏe, còn học tập được thì phải tiếp tục chứ.”

Pha chế thức uống cũng đang là một trong những công việc thu hút được sự quan tâm của người cao tuổi, trong đó có ông Yun Yun-geun. Đối với người đàn ông 50 tuổi này, pha chế thức uống là nghề mơ ước thứ hai mà ông đã ấp ủ từ lâu. Ông tâm sự: “Tôi đang chuẩn bị mở quán cà phê nên đến đây để học làm người pha chế thức uống. Vì mới học được mấy ngày nên cũng thấy hơi khó, nhưng mà vui. Tôi sẽ cố gắng tiếp thu những kiến thức đã được dạy. Mặc dù hay uống cà phê nhưng tôi vẫn chưa tìm hiểu được thị hiếu của thực khách. Mở quán cà phê là mơ ước của tôi. Tôi mong ước có được một cái quán nho nhỏ thôi nhưng ấm cúng để mọi người có thể tìm đến và tâm tình cùng nhau.”

Ở lớp học căn bản, học viên được hướng dẫn cách pha cà phê espresso. Tuy không dễ để có thể ước lượng đúng lượng cà phê cần pha nhưng mỗi lần được ngửi thấy mùi hương thơm lừng của cà phê là những học viên cao tuổi lại càng thấy hăng say hơn. Họ không ngừng hình dung về một ngày không xa sẽ trở thành một thợ pha chế thực thụ và được vẽ hình thù ngộ nghĩnh lên lớp bọt kem xốp mịn của cốc cà phê cappuccino.

[Nhiệt huyết tràn đầy của những nghệ sĩ cao tuổi]Tiếng thử kèn saxophone, kèn trumpet hòa cùng tiếng thử mi-crô trộn lẫn vào nhau tạo nên một hợp âm nghe khá chói tai. Các nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng Senior Pops đang kiểm tra lại nhạc cụ và thiết bị âm thanh để chắc chắn rằng mọi thứ đã sẵn sàng cho một buổi biểu diễn tuyệt vời ở bênh viện Đại học Korea. Hơn nửa thế kỷ gắn liền với nghiệp diễn, giờ đây, ở gần cuối đoạn đường đời, những nghệ sĩ này vẫn không thể dứt bỏ được người bạn nhạc cụ của mình. Nghệ sĩ kèn trumpet Jo Jun-gil tâm sự:“Tôi tốt nghiệp khoa nhạc khí của trường đại học Kyunghee và chơi kèn đã khoảng 40 năm. Nhạc công vẫn có thể làm việc sau khi về hưu. Chỉ có điều là hơi yếu hơn so với thời xưa. Tham gia cùng dàn nhạc thế này tôi thấy rất vui, chứ ở nhà suốt ngày thì sẽ chán lắm.”

Senior Pops là dàn nhạc giao hưởng được chính quyền quận Guro thành lập hồi tháng 2 năm nay và từ đó trở thành mái nhà chung của những nghệ sĩ cao tuổi giàu tài năng sống tại quận. Ông Jang Yun-pyo, trưởng dàn nhạc, cho biết: “18 thành viên trong dàn nhạc đều là những nghệ sĩ tài ba đã từng hoạt động trong các đoàn nhạc hay dàn nhạc lớn của các đài phát thanh, truyền hình. Trong âm nhạc, tùy vào độ tuổi mà có cách cảm nhận khác nhau. Họ đã phải tập luyện chăm chỉ thì mới tạo ra được những âm thanh thắm đượm tình cảm và tràn đầy sức sống đến thế, thậm chí là còn hay hơn cả lúc họ còn trẻ. Sắp tới, chúng tôi sẽ còn tập nhiều ca khúc mới để chuẩn bị cho các sự kiện sẽ diễn ra.”

Nhờ kinh nghiệm và tài năng tích lũy sau từng ấy năm nên mỗi tháng, các nghệ sĩ chỉ cần gặp nhau để tập luyện có hai lần. Tuổi cao sức yếu nhưng nhiệt huyết cống hiến của họ thì đến thanh niên còn phải chịu thua. Nếu không có nhiệt huyết như vậy thì chắc các cụ đã không thể thực hiện được hàng trăm buổi biểu diễn trong thời gian qua. Đó là chưa nói đến khoảng 70 buổi diễn đang đợi họ trong ba tháng sắp tới. Và hẳn nhiệt huyết cũng đã mang đến cho họ bí quyết sống vui, sống khỏe như hiện nay. Trưởng ban quản lý dàn nhạc Hong Sun-chun chia sẻ: “Tất cả họ đều ở lứa tuổi từ 65 tuổi đến 73 tuổi. Trước đây, họ đều từng làm việc rất chăm chỉ. Biết họ đã nghỉ hưu, chúng tôi mời họ vào dàn nhạc Senior Pops. Hiện nay, lịch biểu diễn tháng 10 đã kín và đó toàn là những buổi tiệc chúc thọ của những gia đình sống trong quận Guro.”

Thế hệ người cao tuổi ngày nay không còn muốn sống những năm tháng tuổi già trong những căn phòng ẩn dật như các thế hệ trước nữa. Thay vào đó, họ đang rất tích cực tham gia vào nhiều hoạt động xã hội. Những hoạt động này không chỉ giúp họ giữ gìn sức khỏe mà còn mang lại cho họ những mối nhân duyên mới. “Già mà không yếu” là những gì mà thế hệ người cao tuổi ngày nay đang chứng minh với xã hội. Và trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc đang ngày một già hóa thì đây quả là một xu hướng sống rất có ích và đáng được khích lệ.

Lựa chọn của ban biên tập